Ngày thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, lúc 8g30 sáng, ngài đã đến thăm một trại dành cho người di cư và tị nạn. Sau đó, lúc 9g30, ngài đã đáp máy bay đến Rakovsky và đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Thánh Tâm vào lúc 11g15, cũng như cho hàng trăm trẻ em được rước lễ lần đầu. Buổi chiều, lúc 15g30, Ðức Thánh Cha đã gặp cộng đoàn Công Giáo tại Nhà Thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Rakovsky.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha đã đưa ra các lời khuyên cho các linh mục, các gia đình, các cặp vợ chồng, và các cộng đoàn. Ngài nói:


Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em! Cảm ơn anh chị em đã chào đón nồng nhiệt và nhảy múa và đưa ra các chứng từ của anh chị em. Tôi được bảo cho biết là bản dịch có trên màn hình. Điều đó thật tốt.

Đức Giám Mục Iovcev yêu cầu tôi giúp anh chị em, những người đang tràn đầy niềm vui tại cuộc gặp gỡ dân Chúa với vô số khuôn mặt và đặc sủng, biết “nhìn với con mắt đức tin và tình yêu”. Nhưng trước tiên, tôi muốn cảm ơn anh chị em vì đã giúp tôi nhìn rõ hơn và hiểu đầy đủ hơn một chút tại sao vùng đất này rất thân thương và quan trọng đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Ở đây, Chúa đã chuẩn bị những gì sẽ là một bước quan trọng trong hành trình giáo hội của chúng ta. Tại đây, ngài đã phát triển tình huynh đệ bền chặt với anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, và điều này dẫn ngài đến với con đường thúc đẩy tình cảm huynh đệ được mong mỏi từ lâu, nhưng mong manh hơn bao giờ giữa các cá nhân và cộng đồng.

Để nhìn với con mắt đức tin. Tôi muốn nhắc lại một điều vị “Giáo Hoàng Gioan nhân từ” đã từng nói. Trái tim ngài rất hòa hợp với Chúa đến mức ngài có thể bộc lộ sự bất đồng của mình với những người đã không nhìn thấy gì khác xung quanh ngoài sự ác và gọi họ là “các tiên tri về ngày thế mạt”. Ngài xác tín về sự cần thiết phải tin tưởng vào ơn quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn đồng hành với chúng ta và ngay cả trong nghịch cảnh vẫn có khả năng đưa ra những kế hoạch sâu sắc và không lường trước được của Người (Diễn từ Khai Mạc Công đồng Vatican II, 11 tháng 10 năm 1962).

dân Chúa học cách nhìn, tin tưởng, khám phá và để mình được hướng dẫn bởi quyền năng phục sinh. Tất nhiên, họ nhận ra rằng sẽ luôn có những lúc đau đớn và những tình huống bất công, nhưng họ không khoanh tay, co rúm lại vì sợ hãi hoặc thậm chí tệ hơn, tạo ra bầu không khí hoài nghi, khó chịu hoặc gây gián đoạn, vì điều này chỉ làm hại linh hồn, làm nhạt nhòa hy vọng và cản trở mọi giải pháp khả thi. Những người nam nữ của Thiên Chúa có can đảm để thực hiện bước đầu tiên - điều rất quan trọng là thực hiện bước đầu tiên - trong việc tìm ra những phương thế sáng tạo để làm chứng một cách trực tiếp rằng Tình yêu không chết, nhưng đã chiến thắng mọi trở ngại. Những người nam nữ của Chúa tham gia vào vì họ đã học được rằng, trong Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa đã tham gia. Ngài tự đặt mình vào thế bị đe dọa để không ai cảm thấy cô đơn hay bị bỏ rơi. Và đây là vẻ đẹp của đức tin của chúng ta: Thiên Chúa tham gia bằng cách biến mình thành một người trong chúng ta.

Tôi muốn chia sẻ với anh chị em một kinh nghiệm tôi đã có một vài giờ trước đây. Sáng nay tôi đã đến thăm trại tị nạn Vrazhdebna và gặp những người đang xin tị nạn và những người tị nạn từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, những người đang tìm kiếm một nơi tốt hơn để sống hơn là nơi họ đã bỏ đi. Tôi cũng đã gặp các tình nguyện viên của Caritas [cộng đoàn vỗ tay hoan hô các tình nguyện viên Caritas mặc áo thun đỏ đang đứng lên]. Khi tôi đến đây và thấy các tình nguyện viên của Caritas, tôi đã hỏi họ là ai vì tôi nghĩ họ là lính cứu hỏa! Tất cả đều màu đỏ! Ở đó [tại Trung tâm Vrazhdebna] họ nói với tôi rằng cốt lõi của trung tâm tị nạn này là cuộc sống và công việc được phát sinh từ sự thừa nhận rằng mỗi người đều là con của Chúa, bất kể sắc tộc hay tôn giáo. Để yêu một người, không cần phải hỏi sơ yếu lý lịch của người đó; tình yêu đi trước, nó luôn luôn tiến lên, nó bước những bước đầu tiên. Tại sao? Vì tình yêu là nhưng không? Trong Trung tâm Caritas đó có nhiều Kitô hữu đã học cách nhìn bằng mắt của chính Chúa. Thiên Chúa không lo lắng về các nhãn hiệu, nhưng tìm kiếm và chờ đợi mỗi người với đôi mắt của một người Cha. Nhưng anh chị em có biết điều này không? Chúng ta phải cẩn thận! Chúng ta đã rơi vào nền văn hóa của những nhãn hiệu: “người này là như vậy, còn người kia thì thế này, còn con người này thì như thế.. .”. Đây không phải là những gì Chúa muốn. Họ đều là những con người, được tạo thành theo hình ảnh của Chúa. Không nhãn hiệu gì cả! Chúng ta hãy để chuyện phán xét lại cho Chúa; chúng ta chỉ nên trao ban tình yêu, cho mỗi người. Điều này cũng đúng với các tin đồn. Thật dễ dàng để tin đồn đến giữa chúng ta! “Ah, người này là như vậy, người đó làm như thế.. .”. Chúng ta luôn dán nhãn cho mọi người. Tôi không nói về anh chị em, bởi vì tôi biết không có tin đồn ở đây, nhưng hãy nghĩ về những nơi xảy ra tin đồn. Và điều đó có nghĩa là dán nhãn: dán nhãn người ta. Chúng ta phải chuyển từ văn hóa dán nhãn mọi thứ sang thực tế của việc phân định từng trường hợp. Nhìn bằng con mắt đức tin là một lời triệu tập đừng dành cả đời để dán nhãn, phân loại những người xứng đáng với tình yêu và những người không xứng đáng, nhưng cố gắng tạo ra những điều kiện mà mọi người đều có thể cảm thấy được yêu, đặc biệt là những người cảm thấy bị Chúa lãng quên bởi vì họ bị quên lãng bởi anh chị em của họ. Anh chị em ơi, những người yêu thương không lãng phí thời gian vào lòng tự thương hại, mà luôn cố gắng làm điều gì đó cụ thể. Trong Trung tâm đó, họ học cách nhìn nhận vấn đề, thừa nhận và đối mặt với chúng; họ để mình bị chất vấn và cố gắng phân biệt mọi việc bằng con mắt của Chúa. Như Đức Giáo Hoàng Gioan nói: “Tôi chưa bao giờ gặp một người bi quan mà còn làm được một điều gì tốt”. Người bi quan không bao giờ làm điều gì tốt. Những người bi quan phá hỏng mọi thứ. Khi tôi nghĩ về một người bi quan, tôi nghĩ về một chiếc bánh pie ngon. Người bi quan làm gì? Người ấy đổ giấm lên chiếc bánh, và làm hỏng mọi thứ. Những người bi quan phá hỏng mọi thứ. Trái lại, tình yêu luôn luôn mở ra! Đức Giáo Hoàng Gioan nói thật chí lý: “Tôi chưa bao giờ gặp một người bi quan mà còn làm được một điều gì tốt”. Chúa là người đầu tiên không bi quan. Ngài không ngừng cố gắng mở ra những con đường phục sinh cho tất cả chúng ta. Chúa là một người lạc quan vô phương cứu chữa! Ngài luôn tìm cách nghĩ tốt về chúng ta, để đưa chúng tiến lên, để đánh cuộc trên chúng ta. Thật tuyệt vời làm sao khi cộng đồng của chúng ta trở thành những nơi xây dựng hy vọng! Người lạc quan là một người nam nữ tạo ra hy vọng trong cộng đồng.

Mặt khác, để nhìn mọi thứ bằng con mắt của Chúa, chúng ta cần những người khác. Chúng ta cần họ dạy chúng ta nhìn và cảm nhận cách Chúa Giêsu nhìn và cảm nhận, để cho trái tim chúng ta cùng chung nhịp đập với cảm xúc của chính Ngài. Đây là lý do tại sao nó làm tôi hài lòng khi Mitko và Miroslava, cùng với cô con gái nhỏ Bilyana của họ nói với chúng ta rằng giáo xứ luôn là ngôi nhà thứ hai của họ, là nơi họ luôn tìm thấy sức mạnh để tiếp tục, giữa những lời cầu nguyện của cộng đồng và sự hỗ trợ của những người thân yêu. Một giáo xứ lạc quan, giúp mọi người tiến lên.

Giáo xứ, theo cách này, trở thành một ngôi nhà ở giữa các ngôi nhà. Giáo xứ xoay sở để làm cho Chúa hiện diện ở đó, nơi mọi gia đình, mọi người cố gắng kiếm được lương thực hàng ngày của họ. Ở đó, ở mỗi góc phố, có Chúa ở đó, Đấng không muốn cứu chúng ta bằng sắc lệnh, nhưng đã đến giữa chúng ta. Ngài muốn tham gia vào trung tâm của các gia đình chúng ta và nói với chúng ta, như Ngài đã nói với các môn đệ: “Bình an cho anh em!” Lời chào của Chúa thật tốt lành: “Bình an cho anh em!” Nơi có bão tố, nơi có bóng tối, nơi có nghi ngờ, nơi có lo âu, Chúa nói: “Bình an cho anh em!”. Và Ngài không chỉ nói điều đó thôi: Ngài còn mang bình an đến cho chúng ta.

Tôi hạnh phúc khi thấy anh chị em thích “lời khuyên” mà tôi chia sẻ với các cặp vợ chồng: “Không bao giờ đi ngủ trong tức giận, thậm chí dù chỉ một đêm”. Từ những gì tôi quan sát, tôi thấy nó có hiệu quả với anh chị em! Đó là một chút lời khuyên cũng có thể hữu ích cho tất cả các Kitô hữu. Tôi muốn nói với các cặp vợ chồng đừng nên tranh cãi, nhưng nếu họ cãi nhau, thì không sao, vì vượt qua chuyện đó cũng là bình thường. Bình thường thôi mà. Và đôi khi thậm chí tranh cãi khá gay gắt - đôi khi cả chén dĩa cũng bay - nhưng có thể vượt qua, miễn là ngày đó kết thúc trong hòa bình. Đừng bao giờ kết thúc một ngày trong chiến tranh. Tất cả các cặp vợ chồng: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà vẫn còn hậm hực với nhau. Và anh chị em có biết tại sao không? Bởi vì “chiến tranh lạnh” vào ban ngày trở nên rất nguy hiểm sau đó. “Nhưng, thưa Cha, làm thế nào để chúng ta làm hòa? Con có thể học cách nói lời dàn hòa ở chỗ nào? Hãy làm như thế này [Đức Thánh Cha làm điệu bộ vuốt ve]: chỉ cần một cử chỉ như thế và hòa bình được tái lập. Chỉ cần một cử chỉ của tình yêu. Anh chị em hiểu không? Điều này là dành cho các cặp vợ chồng.

Đúng là, như anh chị em cũng đã nói, chúng ta trải qua nhiều thử thách khác nhau; đó là lý do tại sao chúng ta cần cảnh giác ngăn chặn không cho sự tức giận, oán giận hoặc cay đắng chiếm hữu trái tim của chúng ta. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau trong việc này, chăm sóc lẫn nhau, để ngọn lửa mà Thánh Linh đã thắp lên trong lòng chúng ta không bao giờ lụi tàn.

Anh chị em đánh giá cao, và rất biết ơn các linh mục và nữ tu chăm sóc cho anh chị em. Các ngài thật tốt lành! Một tràng pháo tay dành cho các ngài. Khi tôi lắng nghe anh chị em, tôi đã bị đánh động bởi một vị linh mục không nói về việc ngài đã thành công như thế nào trong những năm phục vụ, nhưng về tất cả những người mà Chúa đặt để trên con đường của ngài để giúp ngài trở thành một mục tử tốt của Chúa. Và anh chị em là những người này.

dân Chúa biết ơn các linh mục của mình và các linh mục nhận ra rằng các ngài đang học cách trở thành các tín hữu – hãy chú ý đến điều này: các ngài đang học cách trở thành các tín hữu - với sự giúp đỡ của người dân, gia đình họ, trong khi sống giữa họ. Khi một linh mục hoặc một người tận hiến, thậm chí là một giám mục như tôi, sống cách xa dân Chúa, trái tim người ấy trở nên băng giá và mất khả năng để tin như dân Chúa tin. Đây là lý do tại sao tôi thích câu nói: dân Chúa giúp đỡ những người thánh hiến - có thể là linh mục, giám mục hoặc các nữ tu - để trở thành các tín hữu. dân Chúa là một cộng đồng sống động, một cộng đồng hỗ trợ, đồng hành, hòa nhập và làm phong phú. Không bao giờ tách rời, nhưng hợp nhất, nơi mọi người học cách trở thành một dấu chỉ và phước lành của Thiên Chúa cho người khác. Một linh mục không có dân của mình sẽ mất đi bản sắc, và những người dân có thể trở nên rời rạc nếu không có các linh mục. Đó là sự hiệp nhất giữa linh mục, là người hỗ trợ và chiến đấu cho dân mình, và những người ủng hộ và chiến đấu cho linh mục của họ. Đây là một điều tuyệt vời! Mỗi người cống hiến cuộc đời của mình cho người khác. Không ai trong chúng ta có thể chỉ sống cho chính mình; chúng ta sống vì người khác Thánh Phaolô đã nói điều này trong một lá thư của ngài: “Không ai sống với chính mình”. “Nhưng mà thưa Cha, con biết có một người sống cho bản thân mình mà thôi”. Thế thì người đó có hạnh phúc không? Anh ta có khả năng trao ban cuộc sống của mình cho người khác không? Anh ta có thể mỉm cười không? Họ là những người ích kỷ. Dân tư tế có thể nói cùng với các linh mục của mình: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Đây là dân Chúa hợp nhất với linh mục của họ. Đó là cách chúng ta học để trở thành một Giáo Hội, một gia đình và một cộng đồng chào đón, lắng nghe, đồng hành, quan tâm đến người khác, tỏ lộ dung nhan đích thật của mình, đó là khuôn mặt của một người mẹ. Giáo Hội là một người mẹ. Một Giáo Hội là mẹ - Giáo Hội Mẹ - trải nghiệm và biến vấn nạn của con cái thành vấn đề của chính mình, không đưa ra câu trả lời được làm sẵn. Không. Khi các bà mẹ phải phản ứng trước thực tế của con cái họ, họ nói những gì xuất hiện trong tâm trí họ lúc đó. Các bà mẹ không có câu trả lời làm sẵn: họ trả lời bằng trái tim, bằng tâm hồn của một người mẹ. Giáo Hội cũng vậy, Giáo Hội này được tạo thành từ tất cả chúng ta, người dân cùng với các linh mục, các giám mục, những người nam nữ tận hiến: tất cả đang tìm kiếm những con đường của cuộc sống bên nhau, những con đường hòa giải trong khi nỗ lực làm cho Nước Chúa trị đến. Một Giáo Hội, một gia đình và một cộng đồng đương đầu với những vấn đề rắc rối của cuộc sống, những vấn nạn thường rối tung lên như những quả bóng len rối; trước khi gỡ rối những vấn đề này, nó phải biến những vấn đề ấy thành những vấn đề của riêng mình, xắn tay vào, trong tình yêu mến. Một người mẹ cũng thực hiện điều này: khi bà nhìn thấy con trai hay con gái mình “rối tung lên” giữa tất cả các loại khó khăn, bà không lên án họ: bà xắn tay vào những khó khăn, đặt những nút thắt này trong tay của mình, biến những khó khăn ấy thành khó khăn của mình và giải quyết chúng. Giáo Hội của chúng ta, là một người mẹ, cũng làm như thế. Chúng ta phải nhìn Giáo Hội như thế. Giáo Hội là người mẹ chấp nhận chúng ta như chúng ta là, với những khó khăn, thậm chí cả với tội lỗi của chúng ta. Giáo Hội là một người mẹ, Giáo Hội luôn biết cách giải quyết mọi thứ. Thật tuyệt vời khi có một người mẹ như vậy phải không? Đừng bao giờ tách mình ra khỏi người mẹ ấy, đừng bao giờ rời khỏi Giáo Hội! Bởi vì nếu anh chị em ra đi, anh chị em sẽ mất ký ức về tình mẫu tử của Giáo Hội; anh chị em sẽ bắt đầu nghĩ xấu về Giáo Hội là mẹ của anh chị em, và anh chị em càng đi xa, hình ảnh người mẹ sẽ càng trở thành hình ảnh của một người mẹ kế độc ác. Nhưng cho dù người mẹ kế độc ác ở trong trái tim anh chị em; thì Giáo Hội vẫn là một người mẹ.

Một gia đình giữa các gia đình - đây là Giáo Hội – hãy mở ra để làm chứng trong thế giới ngày nay, như người nữ tu đã nói với chúng ta, hãy mở lòng ra đối với đức tin, hy vọng và tình yêu dành cho Chúa và cho những người mà Ngài yêu mến cách riêng. Đó là một ngôi nhà mở toang cửa. Giáo Hội là một ngôi nhà với những cánh cửa mở, vì Giáo Hội là một người mẹ. Một điều mà một linh mục vĩ đại đã viết ra thực sự gây ấn tượng đối với tôi. Ngài là một nhà thơ yêu mến Đức Mẹ rất nhiều. Ngài cũng là một linh mục và là một người tội lỗi, ngài biết mình là kẻ có tội, nhưng ngài đã đến với Đức Mẹ và khóc trước mặt Mẹ. Lần kia, ngài đã viết một bài thơ cầu xin sự tha thứ từ Đức Mẹ và quyết tâm không bao giờ tách mình ra khỏi Giáo Hội. Đây là những gì ngài đã viết: “Tối nay, Lạy Mẹ của con, lời hứa của con là chân thành. Nhưng, để cho chắc, xin đừng quên để lại chìa khóa ở bên ngoài cánh cửa”. Đức Maria và Giáo Hội không bao giờ đóng cửa từ bên trong! Nếu cửa đóng, chìa khóa luôn ở bên ngoài: anh chị em có thể mở nó. Và đây là hy vọng của chúng ta. Đó là hy vọng hòa giải. “Cha ơi, Cha nói rằng Giáo Hội và Đức Mẹ là một ngôi nhà với những cánh cửa mở tung, nhưng thưa Cha, trước những điều khủng khiếp mà con đã thực hiện trong cuộc sống của con thì đối với con những cánh cửa của Giáo Hội, và thậm chí cả cửa trái tim của Mẹ, đã khép kín rồi”. Anh chị em nói đúng: những cánh cửa đã đóng, nhưng cứ đến gần hơn, xem xét cẩn thận và anh chị em sẽ thấy rằng chìa khóa là ở bên ngoài. Chỉ cần mở và đi vào. Anh chị em không cần phải rung chuông. Hãy mở với chìa khóa ngay tại đó”. Và điều này đúng cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

Theo nghĩa này, tôi có một “công việc” cho anh chị em. Anh chị em là những con cái, trong đức tin, của những chứng nhân vĩ đại đã làm chứng bằng cuộc sống của các ngài với tình yêu của Chúa ở những vùng đất này. Hai anh em Thánh Cyrilô và Methôđiô, những người thánh thiện với những giấc mơ vĩ đại, xác tín rằng cách nói chuyện chân thực nhất với Chúa là bằng ngôn ngữ của chính mình. Điều này khiến các ngài mạnh dạn quyết định dịch Kinh thánh, để không ai có thể thiếu Lời sự sống.

Là một ngôi nhà với những cánh cửa mở, theo bước chân của hai Thánh Cyrilô và Methôđiô, có nghĩa là ngày nay cũng vậy, chúng ta cần phải táo bạo và sáng tạo. Chúng ta phải hỏi làm thế nào chúng ta có thể dịch tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta thành ngôn ngữ cụ thể và dễ hiểu cho thế hệ trẻ. Chúng ta phải mạnh dạn, và can đảm. Từ kinh nghiệm, chúng ta biết rằng “những người trẻ thường xuyên không tìm được trong các chương trình thường lệ của chúng ta một câu trả lời cho những mối quan tâm, các nhu cầu, các vấn nạn và các nan đề của họ” (Christus Vivit, 202). Và điều này đòi hỏi chúng ta những nỗ lực mới và giàu trí tưởng tượng trong việc tiếp cận mục vụ của chúng ta. Hãy tìm cách chạm đến trái tim của họ, để tìm hiểu về những kỳ vọng của họ và khuyến khích ước mơ của họ, như một gia đình cộng đồng hỗ trợ, đồng hành và hướng họ đến tương lai với hy vọng. Một cám dỗ lớn mà những người trẻ phải đối mặt là thiếu những gốc rễ, những gốc rễ sâu xa để hỗ trợ họ; kết quả là, họ cảm thấy bị bứng gốc và cô đơn. Những người trẻ của chúng ta, khi cảm thấy được kêu gọi thể hiện tất cả tiềm năng mà họ sở hữu, thường bỏ cuộc giữa chừng vì những chán nản hoặc thất vọng mà họ trải qua, vì họ không có nguồn gốc để dựa vào khi nhìn về tương lai (xem thượng dẫn. 179-186). Khi họ bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, đất nước và gia đình họ, tình cảnh còn bi đát đến mức nào.

Tôi muốn nhấn mạnh những gì tôi nói về những người trẻ, những người thường xuyên mất gốc. Ngày nay, trên thế giới, có hai nhóm người phải chịu đựng rất nhiều: người trẻ và người già. Chúng ta phải giúp đỡ để cho họ gặp nhau. Người già là gốc rễ của xã hội chúng ta; chúng ta không thể xua đuổi họ khỏi cộng đồng của chúng ta; họ là ký ức sống động của đức tin chúng ta. Người trẻ cần gốc rễ, cần ký ức. Chúng ta phải bảo đảm rằng họ có thể giao tiếp với nhau, mà không sợ hãi. Có một lời tiên tri thập đẹp của tiên tri Giôen: “người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.” (3: 1). Khi người trẻ gặp gỡ người già và người già gặp gỡ người trẻ, người già bắt đầu sống lại, bắt đầu mơ trở lại, và người trẻ lấy hết can đảm từ người già; họ đi về phía trước và bắt đầu thực hiện những gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của họ, đó là “dành nhiều thời gian” cho tương lai. Chúng ta cần những người trẻ tuổi “trở nên quen thuộc” với tương lai, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ có gốc rễ của người già. Khi tôi đến giáo xứ này, có rất nhiều người già trên đường phố, nhiều đàn ông và phụ nữ lớn tuổi. Họ đang mỉm cười. Họ có kho báu bên trong họ. Và có nhiều anh chị em trẻ cũng chào hỏi và mỉm cười. Cầu xin cho họ có thể gặp nhau! Xin cho người già có thể trao cho những người trẻ khả năng để nói tiên tri này, nghĩa là, biết “dành nhiều thời gian” với tương lai. Đây là những đánh cuộc của ngày hôm nay. Và chúng ta đừng sợ hãi. Chúng ta hãy đương đầu với những thử thách mới, miễn là chúng ta nỗ lực để bảo đảm rằng người dân của chúng ta không bao giờ thiếu ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình huynh đệ với Chúa Giêsu, không thiếu một cộng đồng đức tin để hỗ trợ họ, và không thiếu những chân trời mới mẻ hơn bao giờ có thể mang lại cho họ ý nghĩa và mục tiêu trong cuộc sống (x. Niềm Vui Phúc Âm, 49). Xin cho chúng ta đừng bao giờ quên rằng những chương đẹp nhất trong cuộc đời của Giáo Hội đã được viết khi dân Chúa bắt đầu với sự sáng tạo để diễn dịch tình yêu của Thiên Chúa trong thời của họ, bằng những thử thách mà họ gặp phải dần. dân Chúa là một dân tộc hợp nhất với các cảm thức đức tin phù hợp với mình. Thật tốt khi biết rằng anh chị em có thể tin tưởng vào một lịch sử sống động tuyệt vời, nhưng thậm chí còn đẹp hơn nữa khi nhận ra rằng anh chị em đang được yêu cầu viết chương tiếp theo. Những trang này chưa được viết. Anh chị em phải viết những trang ấy. Tương lai nằm trong tay anh chị em; anh chị em phải viết cuốn sách của tương lai. Đừng bao giờ mệt mỏi trở thành một Giáo Hội tiếp tục sản sinh, giữa những mâu thuẫn, đau khổ và cả bao nhiêu những nghèo khổ, Giáo Hội là người mẹ liên tục sinh con, mang lại sự sống cho những đứa con trai và con gái mà vùng đất này cần đến ngày nay, vào đầu thế kỷ hai mươi mốt này. Hãy luôn luôn lắng nghe một tai với Tin Mừng, và tai kia với trái tim của dân tộc anh chị em.

Cảm ơn anh chị em, tôi vẫn chưa nói xong! Tôi vẫn còn đang hành hạ anh chị em thêm một chút nữa - cảm ơn anh chị em vì cuộc gặp gỡ rất thú vị này. Và, khi nghĩ về Thánh Giáo Hoàng Gioan, tôi muốn phép lành mà giờ đây tôi dành cho anh chị em sẽ trở thành một sự vuốt ve của Chúa cho mỗi người trong anh chị em. Thánh Giáo Hoàng Gioan đã ban phép lành này với mong muốn đó là một sự âu yếm của Chúa, đó là phép lành mà ngài đã ban dưới ánh trăng khi khai mạc Công đồng Vatican II.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Mẹ, Đấng là hình ảnh của Giáo Hội. Hãy cầu nguyện bằng ngôn ngữ của anh chị em. [Anh chị em giáo dân đã đọc kinh Kính Mừng bằng tiếng Bảo Gia Lợi]


Source:Libreria Editrice Vaticana