Đức Thánh Cha mang lại hòa bình, thống nhất cho nước Bulgaria và Bắc Macedonia

Tổng trưởng Ngoại giao của Tòa thánh Vatican là ĐHY Pietro Parolin cho hay chuyến tông du hải ngoại lần thứ 29 của ĐTC, đưa ngài đến Bulgaria và Bắc Macedonia từ ngày 5 đến 7 tháng 5 năm 2019. Đức Hồng Y Parolin đã nhìn vào logo và phương châm của chuyến tông du này với chủ đề là “Pacem in Terris” - Hòa bình trên Trái đất – một chủ đề của thánh giáo hoàng Gioan XXIII, vị giáo hoàng đầu tiên và Đại diện thánh Phêrô đặt chân đến các vùng đất này.
Đức Hồng Y giải thích: ĐTC sẽ là sứ giả của hòa bình, là chứng nhân của Chúa Kitô Phục sinh, vì chúng ta đang trong mùa Phục sinh, chúng ta nhớ đến sự hiện ra của Chúa Giêsu Phục sinh cho các môn đệ của mình, lời chào đầu tiên của Ngài là “Bình an cho anh em”.
ĐHY Parolin dẫn giải thêm rằng chủ đề hòa bình, vốn là trọng tâm của thánh giáo hoàng Gioan XXIII, sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô xử dụng lại trong cùng một tâm tình mà thánh giáo hoàng XXIII đã thực hiện là: xây đắp tình huynh đệ, lòng nhân từ dịu hiền, gặp gỡ tha nhân, làm nổi bật những nỗ lực hợp nhất vượt lên những gì gây chia rẽ!
Những đặc điểm tuyệt vời này của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã thực hiện ngay từ thời điểm ngài còn là Khâm sứ Tòa thánh ở Bulgaria; ĐHY tin rằng xuyên suốt qua dòng lịch sử này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp nối điều này trong cuộc tông du này của ngài.

Đại kết
Khi đến Bulgaria Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến cầu nguyện tại Trung tâm Chính thống thánh Cyril và Methodius, trong cuộc gặp gỡ với các đại diện của các giáo phái tôn giáo khác nhau và thăm viếng Đức Thượng phụ Neophyte - người đứng đầu Giáo hội Chính thống tại Bulgaria – ĐHY nói: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ suy tư trên cuộc đời của hai vị thánh là Cyril và Methodius để đem vào cuộc sống hiện tại dựa vào lịch sử của quá khứ.
Đức Hồng Y nói: Hai vị thánh này là những vị thánh của Giáo hội vào những kỷ thứ đầu khi mà Giáo hội còn hiệp nhất chưa bị phân chia do nhưng căng thẳng đưa tới sự gãy đổ và chia cắt...
ĐHY Parolin nói: Các ngài là những Nhân chứng giúp chúng ta tái tìm lại sự hiệp nhất, trong nhiệt tâm truyền giáo cho mọi dân tộc bằng các phương tiện tân thời, và bằng những ngôn ngữ mới! Cho nên cuộc tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ kiện cường tình huynh đệ đại kết để cho người khác nhận ra chúng ta là những người anh em trong cùng một Chúa Giêsu, hầu vượt qua những chia rẽ căng thẳng vẫn còn tồn đọng.
ĐHY còn cho hay ước muốn theo đuổi sứ mệnh Kitô giáo để mang Tin Mừng đến cho thế giới chắc chắn sẽ được kiện cường hối thúc chúng ta hiệp nhất, hầu công bố Lời hằng sống cứu độ mà Chúa đã giao phó cho chúng ta.

Những người di cư và người tị nạn
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dự kiến thăm các trại tị nạn trong cuộc tông du này. Đức Hồng Y Parolin nhắc nhớ lại bốn động từ thường được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để kêu mời tình đoàn kết và hành động liên quan đến người di cư và người tị nạn: Chào mừng, Bảo vệ, Thúc đẩy và Hòa nhập.
ĐHY nêu ra rằng Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện mục tiêu này bằng những hành động cụ thể không ngừng mỏi mệt hầu thực hiện được mục tiêu quan trọng này trong hầu hết các cuộc tông du của Ngài cũng như trong nhiều tình huống và cảnh trạng khác nhau.
Trong chuyến tông du này ĐTC cũng muốn nhấn mạnh đến những khía cạnh này, hầu bảo vệ phẩm giá của anh chị em chúng ta, những người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi.

Mẹ Teresa thành Calcutta
Tại Bắc Macedonia, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm thành phố Skopje, nơi Mẹ Teresa thành Calcutta đã được sinh ra chào đời, một người đã hiến thân trọn vẹn cho những người nghèo khổ.
Đức Hồng Y Parolin cho hay cùng với thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và hai thánh Cyril và Methodius, Mẹ thánh Teresa sẽ là một nhân vật được nói đến cách đặc biệt trong chuyến tông du này.
Đức Hồng Y Parolin đoan chắc rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nhất định sẽ hấp thụ các lời giảng dạy và tinh thần của các vị thánh trên và biến chúng thành tâm tư riêng của mình hầu thuyết phục các tín hữu hãy đưa các chương trình từ thiện vào hành động.

Thách thức và cơ hội
ĐHY tin tưởng rằng không có một thách đố nào mà lại không nắm bắt lấy cơ hội trong chuyến tông du này, đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử tại Bulgaria và Bắc Macedonia trong thời điểm này mà theo ĐHY thì đất nước này đang đứng trước một ngã tư của cuộc hòa giài và hòa hợp các sắc dân, trong một xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo.
Và ĐHY kết luận: Đây là một dịp để khơi dậy một trào lưu hòa hợp hòa giải các nền văn hóa đa diện hầu làm phong phú hóa lẫn nhau.