Hôm nay, ngày 06.04.2019, nhân được nghe đài RFI (Radio France Internationale, Ðài phát thanh Quốc tế Pháp) loan tin ‘Trung tâm Văn bút Ðức phản đối vụ trục xuất Nguyễn Quang Hồng Nhân’. Theo đó, Tổ chức PEN-Zentrum Deutschland bất bình về việc nhà hoạt động Nguyễn Quang Hồng Nhân và phu nhân bất ngờ bị Đức trục xuất từ Nuremberg về Việt Nam ngày 26.03.2019, trong lúc họ đang chờ xét đơn xin tị nạn ở Canada, sau khi bị bác đơn xin tị nạn ở Đức.

I.- TỪ HỒNG ÂN…

Sau khi bài ‘Sau Bắt Cóc, Tới Trục Xuất’ đưọc đăng tại :

vietcatholic.net/News/Html/249569.htm.

chúng tôi đã nhận được một lô mails khuyên dạy về ‘Vụ ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đang khá ồn ào ở Facebook và net’ :

Mail 1. Người viết cho rằng ngán ngẩm các TNLT (tôi nghĩ đến : ‘Tù nhân lương tâm’) cố tình vi phạm luật pháp vc, để bị bắt, rồi DLV (dư luận viên) ở Hoa kỳ ồn ào lên tiếng để Bộ Ngoại Giao HK cứu xét cho TNLT được qua Mỹ. Không phải ‘case’ nào cũng được BNG cấp cả. Có ‘lobby’, tôi đoán thế. Qua Mỹ: họ phải lo ổn định đời sống mới. Cho dù họ có tiếp tục tranh đấu thì sự tranh đấu của họ có bằng cộng đồng chống cộng hải ngoại đã tranh đấu từ 1975, 1980. (Xin hỏi : Sau đó thì sao và tại sao ‘xệp’?). Tiếp đến là những TRÒ HỀ đem TNLT đi đây đó nói chuyện, xin tiền. …

Mail 2. Người viết là một đại trí thức ở Ðức chê trách đích danh tôi khi viết ‘Lý do bất nhân để trục xuất và trao cho cộng’ và ‘sự hứa lèo ‘Bảo đảm an toàn cho gia đình nạn nhân khi trở về’. Sau đó, ‘vị đáng kính’ này khuyên : « kính xin những đồng bào không cư ngụ tại Đức, không quán triệt chế độ cấp và hưởng quyền tỵ nạn của Đức, không thấu hiểu chính sách Đức đãi ngộ người xin tỵ nạn, không nắm vững hiện tình di dân và tỵ nạn tại Đức, không thông suốt đường lối giải quyết vấn nạn di dân-tỵ nạn của Liên minh Đảng phái đương quyền; kính xin những đồng bào vừa kể đừng lên tiếng phê phán hành xử của các lực lượng bảo vệ an ninh Đức và tệ hơn nữa, đừng lên tiếng xúc phạm pháp đình và công lực Đức ». Ông khoe có gửi điện thư cho đồng nghiệp đàn em BS Nguyễn Ðan Quế để ‘bảo lĩnh’ cho ông Nhân để có thể được tiếp tại nhà ông, một gia đình có năm người từ Việt Nam được Tây Ðức ‘bốc’ đi năm 1984 trong khi gia đình ông Hồng Nhân ba người đã sang đến Ðức rồi lại bị Ðức dẫn độ trở về Việt Nam năm 2019. Ðúng là một sự so sánh ‘kém đạo đức’ của một ‘vĩ nhân cần thiết’ cho Tây Ðức.

Tôi xin cám ơn, nhưng vì Tình Ðồng Bào và vì sự thiếu xót, tôi buộc phải tiếp tục phải viết tiếp…

Mail 3. Người viết cho biết đã giúp đỡ tận tình gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đến Nuremberg từ việc giấy tờ, bác sỹ… kể cả những lời khuyên và cảnh giác rằng : Việc xin tị nạn chánh trị tại Đức của họ sẽ không bao giờ được chấp nhận vì:

1- Họ sang Đức với tư cách du lịch, với passport Việt Nam. Theo luật xin tị nạn tại Đức, nói riêng, và tại EU (Liên hiệp Âu châu) nói chung, khi 1 người đã đến 1 nước trong EU và sang 1 nước khác cũng trong EU để xin tị nạn là không bao giờ được chấp nhận. Tình trạng gia đình này là như thế.

2- Ông Nhân không có giấy tờ chứng minh Politik verfolgen (sự theo dõi của công an trong thời gian ông còn ở VN); và nếu khai với BAMF (cơ quan xin tị nạn) rằng mình bị công an theo dõi, thì tại sao được cấp giấy tờ đi du lịch sang Âu châu một cách công khai, đó là dấu hỏi của BAMF.

3- Ông Nhân nói ông bị tù vì tội đưa người vượt biển, mà ở Ðức, đó là cũng là tội schlepperbande (băng đảng tổ chức di dân lậu),

4- Khi đơn xin tị nạn bị bác bỏ, gia đình ông Nhân không trở về VN vào cuối năm 2017. Sở di trú đã trả lại Passport VN hết hạn và buộc họ phải đi gia hạn Consulat VN ở Berlin, họ ngoan cố không thi hành theo luật pháp sau đó nhờ tổ chức Voice (VT) để xin tị nạn tại Canada qua consulat ở Áo, toàn những chuyện mà luật pháp ở Đức cũng như ở Áo (Áo cũng thuộc trong khối EU) không bao giờ chấp nhận được.

Xin trả lời :

1- Sau ngày 30.04.1975, rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đi theo các đoàn văn công việt cộng mang passport Việt Nam vẫn xin được tị nạn tại các nước. Chưa kể trường hợp Trịnh Xuân Thanh mang hộ chiếu ngoại giao và Bùi Tín cũng được nhận tị nạn.

2- Lần đầu tiên, tôi nghe văn kiện Politik verfolgen mà công an chịu cấp.

3- Tùy chứng minh đưa ai vượt biên

4- Mọi người Việt đau khổ vì cộng sản đang xin tị nạn đều hành động như vậy với hy vọng. Nếu không giúp được đồng bào nạn nhân cộng sản, xin đừng gian ác như những người Ðức trục xuất ông bà Nhân, kết án đồng bào chúng ta là ‘ngoan cố’. Người Ðức không cần sự tôn vinh quá đáng vì họ chỉ hành động theo lương tâm, bản tính nhân đạo của họ khác với bà. Kết quả cái bị lên án ‘ngoan cố’ đến giờ phút này là hồ sơ gia đình ông Nhân được thẩm quyền Liên bang Ðức lưu tâm nắm lấy. Ước gì cô Hồng Ân được sống Bình an và Hy vọng trên Ðất Ðức.

Thế rồi, tự nhiên sao bà lại so sánh với vụ Trịnh Xuân Thanh ? Trong câu chuyện đó, nhà nước Ðức nhận xét đơn xin tị nạn cho Trịnh Xuân Thanh, người tham nhũng nặng ký là tội hình mà hình luật mọi nước đều kết án, tội nặng ngàn lần so với gia đình nạn nhân Nguyễn Quang Hồng Nhân. Tại sao nhà nước Ðức lại chịu tốn bao nhiêu công sức và ngân sách (tiền đóng thuế của người dân Ðức) để ước mong đem ông Thanh trở lại Ðức trong khi bang Bayern tàn bạo và chi tiền để trục xuất ông bà Hồng Nhân và trao tận tay cho công an Việt Nam. Vấn đề hiện nay là Chánh phủ Ðức không bác bỏ được lập luận của Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh tự do về nước trình diện Công an. Thế rồi, tại sao bà phải viết ‘tôi cũng rất phiền về thoibao.de do Lê Trung Khoa chủ nhiệm’. Sự thật, trong hơn 1,5 năm qua, người Việt khắp thế giới đón chờ ‘tin tức Trịnh Xuân Thanh’ hàng ngày nhờ ông Khoa.

Thưa nhị vị viết mail 2 và mail 3.

Thú thật tôi không ‘thuộc nằm lòng Điều 16a Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức’ như quý nhị vị. Nhưng tôi xin được phép nhắc, về vấn đề tị nạn, ngoài Hiến pháp, luật tối thượng nước Ðức, nhưng còn phải tôn trọng qui định hiệu lực cao hơn bởi Công ước Quốc tế Genève ngày 28.07.1951. Xin mời quý vị đọc một mẫu tin mà một TNLT, chị Huỳnh Thục Vy, đã đối đáp với công an Việt. Ngày 08.11.2011, lối 200 công an chốt quanh và ập vô nhà văn sĩ Huỳnh Ngọc Tuấn và hai con là những bloggers Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Ngọc Hiếu vì phát tán trên mạng những bài vở chống lại đảng, chống nhà nước gây mất đoàn kết dân tộc, cho nên họ cứ việc tịch thu các phương tiện đó. Chị Thục Vy ghi vào biên bản ‘Những bài này là những bài có nội dung tốt chứ không phải nội dung xấu. Tôi phản đối chuyện kết luận đây là nội dung xấu’. Ngày 06.01.2012, Thanh tra Quảng Nam đã tổ chức buổi giải quyết đơn khiếu nại của gia đình về việc không chấp nhận đóng số tiền phạt lên tới 270 triệu đồng do ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND Tỉnh, quyết định xử phạt với nội dung vi phạm hành chính về công nghệ thông tin.

Chị Thục Vy đã biện luận pháp lý để tranh cãi với họ thế nào là chống phá đảng, chống phá nhà nước vì trong luật pháp Việt Nam việc này rất mập mờ bởi vậy có thể bất cứ lúc nào công an sẽ chụp mũ cho bất cứ ai để đàn áp những người có tiếng nói đối lập với Cộng đảng. Chị đã viện dẫn ra trước tiên là điều 69 Hiến pháp và điều 19 Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia năm 1982. Tiếp theo là điều 27 Công ước Vienna về các điều luật quốc tế năm 1969 và luật Quốc hội năm 2005 về việc tham gia thực hiện các điều ước quốc tế. Chị cũng nêu Luật năm 2005 để bác lời Thanh tra buộc chị phải tuân luật trong nước, trước Luật Quốc tế.

Trong khi những đồng bào tị nạn ở Ðức bênh vực nhà nước Bayern và cảnh sát ‘hứa lèo’, vẫn có những đồng bào ở quốc gia khác đã lên tiếng.

Sau khi tìm hiểu thêm về ông Nguyễn Quang Hồng Nhân trên Internet, chúng tôi tìm được bản kiến nghị Petition ngày 15.01.2018 của Cộng đồng người Việt bên Mỹ (Vietnamese American Community of the USA) gửi bà Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu nước Đức cho ông NQH Nhân được tỵ nạn.

Cộng đồng VN tại Đức, các hội người Việt tỵ nạn tại Đức, dường như không ai biết có Petition này tại :

https://www.change.org/p/gemany-chancellor-angela-merkel-request-to-grant-asylum-status-to-vietnamese-human-rights-activist-nguyen-quang

Ngoài ra, cũng có một bài báo của ông NQH Nhân viết ngày 24.08.2018 về ‘Những Khuôn Mặt Phản Chiến Miền Nam’ tại :

https://www.tvvn.org/nhung-khuon-mat-phan-chien-mien-nam-nguyen-quang-hong-nhan/

Chính giới Đức Nổi Giận trước sự Trục Xuất Nhà Văn về Việt Nam.

Trong khi có những người Việt tị nạn đối đải đáng tiếc như vậy đối với đồng bào lâm cơn hoạn nạn thì cũng có những người tị nạn Việt tại các nước khác và thật nhiều người Ðức có trái tim nhân đạo hơn.

Báo The Local Germany đưa tin : ‘Việc Đức quốc trục xuất một nhà văn Việt Nam và là một nhà hoạt động nhân quyền về lại Việt Nam cộng sản đã gây ra sự phản đối hôm 04.04.2019’. Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, 65 tuổi, và vợ đã bị trục xuất tuần trước bởi các nhân viên di trú thành phố Nuremberg (Bayern). Sự kiện diễn ra bất chấp sự nhà nước nước này xem ông Nhân là ‘kẻ thù nhà nước’ và, do đó, đã tống ông vào tù 20 năm.

Đảng tả phá Xanh (Greens) đã phản đối việc trục xuất ngày 26.03.2019, cho đó là ‘cực kỳ tàn nhẫn và vô nhân đạo’ do ‘thảm bại hoàn toàn của chính sách tỵ nạn Bavaria’. Năm 1979, ông Hồng Nhân bị kêu án 20 năm tù tại Việt Nam vì ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCN’ và ở tù hết án.

Báo TAZ (Đức) đã đầu tiên tường trình về hồ sơ trục xuất, cho biết ông Nhân đã viết hơn 20 cuốn sách.

Theo lời luật sư Manfred Hưrner của ông Nhân nói với nhật báo Süddeutsche Zeitung là ‘Sau khi về tới Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Hồng Nhân (lúc đó cần thuốc điều trị đột quỵ) bị công an thẩm vấn rồi thả ra.

Về phần cô Nguyễn Quang Hồng Ân, luật sư Manfred Hưrner nói với nhật báo Stuttgarter Nachrichten rằng gia đình cô bị chia cách, cha mẹ bị trục xuất đã làm cô tan nát. Margarete Bause, dân biểu Đảng Xanh kêu gọi Bộ Ngoại Giao Đức giải quyết hồ sơ này và phải bảo vệ cô Hồng Ân. Hiệu trưởng trường nhạc Christoph Adt tuyên bố với báo TAZ ‘việc trục xuất cô Hồng Ận sẽ là điều tuyệt đối không chấp nhận được’. Ông và Giáo xứ đã kêu gọi khẩn cấp để cô được phép ở lại Đức quốc. Bình an Ðức Kitô luôn ở cùng Hồng Ân.

Trong bức thư ngỏ đề ngày 04.04.2019, gởi Bộ trưởng Nội Vụ Bayern và Giám đốc Sở Liên bang về Di cư và Tị nạn, ông Ralf Nestmeyer, Phó Chủ tịch Trung tâm Văn bút PEN CLUB ở Đức đã bày tỏ thái độ ‘bàng hoàng’ về vụ trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân về Việt Nam. Trả lời RFI ngày 05.04.2019, ông Nestmeyer tuyên bố : « Ông ấy đã bị trục xuất về Việt Nam cách đây vài ngày. Chẳng ai quan tâm đến ông và để ý đến việc ông đã bị cầm tù suốt 20 năm ở Việt Nam. Tôi cho rằng việc trục xuất ông Nhân thật là quá đáng. Bình thường, chúng ta không thể trục xuất một người đã thọ án tù lâu như vậy về nước người ấy. Tôi rất bàng hoàng và tôi kêu gọi cơ quan liên bang về di trú hãy xét lại quyết định của mình, để ông Nhân được trở về Đức. Aùi nữ ông ấy vẫn đang sống ở Hambourg. Chúng tôi hy vọng cô có thể sống ở đây lâu dài và nhất là được gặp lại cha mẹ. Ông là một nhà văn, còn tôi là phó chủ tịch PEN CLUB Đức. Trách nhiệm tôi là phải nói rằng chúng ta không thể nào trục xuất một người về Việt Nam, nơi nổi tiếng về đàn áp và kiểm duyệt ».

Ông Ralf Nestmeyer, cũng đồng thời là Ủy viên Writer-in-Prison (Ủy ban Người cầm bút trong nhà tù) của Trung tâm Văn bút Đức, cũng bày tỏ sự tiếc nuối rằng nhà văn Nguyễn Quang Hồng Nhân đã không tiếp cận hiệp hội PEN với các vấn đề của mình. Về vụ trục xuất ông Nestmeyer chỉ biết được từ báo chí, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức). ” Làm sao người ta có thể trục xuất một tác giả mà tiếng nói tự do là căn bản của cuộc sống, về một quốc gia có tiếng trong việc đàn áp và kiểm duyệt?“, ông Nestmeyer đặt câu hỏi trong bức thư ngỏ của mình.

« Chính quyền bang Bayern, một lần nữa, thực hiện một vụ trục xuất đáng nghi ngờ, cho thấy họ không có khả năng », bà Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo Quốc hội Liên bang Đức, nói với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức). Nữ chính trị gia đảng FDP này trách nhà nước bang Bayern lập lại ‘việc thực hiện trục xuất về các quốc gia nơi người ta tiếp tục bị truy nã’.

Theo lời ông Alexander Thal, tổ chức Flüchtlingsrat (giúp đỡ người tị nạn) ở bang Bayern, ngay sau khi bị trục xuất về đến Hà Nội, ông Hồng Nhân đã bị công an thẩm vấn suốt 14 giờ. ‘Bây giờ ông ta phải được khẩn cấp quay trở lại Đức’. Ông Thal trách ‘sự trục xuất này là một quyết định sai lầm, không có bằng chứng nào tốt hơn là cuộc thẩm vấn như vậy’. Ngoài ra, một người Việt Nam ở bang Bayern đã khởi đầu một chiến dịch thu chữ ký cho bản kiến nghị với yêu cầu chính phủ Đức đưa ông bà Hồng Nhân trở lại Đức.

Chính phủ Liên bang Đức cứu xét lại trường hợp nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang Hồng Nhân.

Bản tin Thông tấn Pháp xã AFP đăng trên báo Stern (Đức) ngày 05.04.2019 cho biết : « Vụ trục xuất người bất đồng chính kiến Nguyễn Quang Hồng Nhân và hiền thê từ Đức, nơi tạm cư chờ cứu xét tị nạn ở Canada, về Việt Nam đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội, buộc Chính phủ Liên bang Đức phải cứu xét lại trường hợp bất nhân này. Bộ Ngoại giao Đức quyết định theo dõi sát việc ông Nhân hiện đang bị quản thúc tại gia hay được đối xử như thế nào. Ước mong đây là lời hứa thật…

Cô Hồng Ân cũng đang bị đe dọa trục xuất?

Các tổ chức nhân quyền hiện đang quan tâm đến trường hợp nữ sinh viên 19 tuổi này đang theo học Piano tại Đại học Âm nhạc ở Nürnberg. Vì ở trong cùng hoàn cảnh bị bác đơn xin tị nạn như cha me, tức cũng có thể bị trục xuất. Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức Gyde Jensen đã thông báo với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức). Do hộ chiếu Việt của cô đã hết hiệu lực, nên tạm thời chưa bị trục xuất. Hiện cô Hồng Ân chỉ nhận được tờ giấy phép tạm dung (Duldung) có hạn 1 tháng.

II. … ÐẾN THỊ HƯƠNG.

Ngày 11.03.2019, Tòa án Malaysia đã trả tự do cho bị cáo Siti Aisyah (Indonesia) sau khi công tố viên thu hồi lịnh truy tố đối với đương sự. Sau đó, Tòa quyết định bị cáo Ðoàn Thị Hương (Việt Nam) phải trở lại hầu Tòa ngày 24.03.2019. Là người, chúng ta, ai cũng hiểu được và thương cảm sức khỏe và điều kiện tâm lý tồi tệ của cô, nên Tòa phải hoãn phiên xét xử Hương đến 01.04.2019.

Sáng ngày 01.04.2019, là người Việt như Hương, tôi đã cầu nguyện cho Hương và ước mong Hương, vì cùng một cáo trạng như Aisyah trong nghi án sát hại ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với Chủ tịch Bắc hàn King Jong Un, sẽ được hưởng tự do như Aisyah. Nhưng, định mệnh trớ triêu. Ðoàn thị Hương chỉ bị Thẩm Phán Malaysia Azmin Ariffin tuyên án cho Đoàn Thị Hương là 3 năm 4 tháng tù giam về tội ‘cố ý gây thương tích’ thay cho tội danh ‘giết người’ có thể bị tử hình.

Ðể tìm hiểu vì sao có sự quá cách biệt giữa sự trả tự do cho Aisyah và bị kết tội cho Ðoàn Thị Hương, tôi tìm trên ‘xa lộ thông tin’ và được biết :

- Trước phiên tòa ngày 11.03.2019, Tổng trưởng Tư pháp và Nhân quyền Indonesia Yasonna Laoly đã gửi một thư cho Tổng trưởng Tư pháp Malaysia Tommy Thomas yêu cầu giúp trả tự do cho chị Aisyah vì đương sự không hề có ý định giết Kim Chính Nam mà vì ‘bị đánh lừa và không hề biết mình đang bị Bắc Hàn sử dụng như một công cụ tình báo’. Hôm 08.03.2019, ông Thomas phúc đáp thư ông Laoly để thông báo quyết định miễn tố Siti Aisyah do ‘quan hệ tốt đẹp’ giữa hai nước. Điều này có nghĩa sau khi được Tòa tuyên tha vào ngày 11.03.2019, cô này sẽ được trả tự do.

- Nhà nước Việt Nam cũng vận động với Chánh phủ Malaisia qua các cuộc hội đàm song phương. Ngày 28.04.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thủ tướng Malaysia Najib Razak bảo đảm một phiên tòa công bằng và các quyền hợp pháp của cô Hương. Ông Razak cam kết Malaysia sẽ làm như vậy. Bốn tháng sau, khi chuyến thăm Malaysia, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc lại trường hợp cô Hương. Ông Razak lại cam kết bảo đảm công bằng khi điều tra và xét xử nghi can người Việt. Sau khi Aisyah được tự do trở về nước trong vòng tay tiếp đón của Tổng thống và đồng bào, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh điện thoại cho Tổng trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah đề nghị nước này ‘bảo đảm một phiên tòa công bằng và trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương’.

Xin ‘xử công bằng’ bao gồm cả việc Tòa giữ nguyên tội trạng và bản án có thể là Tử Hình. Trong khi Indonesia chỉ yêu cầu một lần bằng văn thư nêu rõ yêu cầu ‘giúp trả tự do cho Aisyah’. Tại sao ? ‘vì Aisyah không hề có ý định giết Kim Chính Nam mà vì ‘bị đánh lừa và không hề biết mình đang bị Triều Tiên sử dụng như một công cụ tình báo’. Ngoài ra, quốc danh ‘Triều Tiên’ có thể gây ‘thế kẹt’ cho bang giao xã hội chủ nghĩa anh em.

Sau khi Chủ tọa phiên tòa tuyên án, cô Đoàn Thị Hương mừng và nói: « Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Rất cảm ơn mọi người, chính phủ Việt Nam, luật sư Việt Nam, Malaysia và chủ tọa ngày hôm nay ». Thông tấn xã AP đưa tin : « Luật sư Hisyam Teh Poh Teik của Hương nói trước Tòa án rằng việc Hương chấp nhận cáo buộc mới cho thấy cô ‘có trách nhiệm’ với hành động của mình ». Tôi tự hỏi : « Hai cô Aisyah và Hương đã hành động như nhau, vào nhà tù cùng lúc với cùng tội như nhau. Nhưng kết quả ra tù hoàn toàn khác nhau : cô Aisyah trắng án, không trách nhiệm trong khi cô Hương có trách nhiệm ? ».

Dĩ nhiên, để gỡ gạt, ông Teik nói theo thủ tục nhà giam, tất cả tù nhân đều được giảm 1/3 án tù. Do đó, cô Hương sẽ được phóng thích vào ngày 04.05.2019.

Ước mong đó là sự thật để người Việt Ðoàn Thị Hương được chấm dứt con đường khổ nạn, trở về với vòng tay thương mến của gia đình. Ước gì cô Hương thành công ước muốn ‘theo đuổi nghề ca hát và diễn xuất’ trở thành Sự Thật.

Hà Minh Thảo