Chúa Giêsu, Vị Thầy Thuốc Cao Tay Đầy Lòng Nhân Ái

Suy Niệm Chúa Nhật IV Thường Niên – C

(Lc 4, 21-30)

Nếu như Chúa Nhật III Thường niên, Chúa Giêsu thực hiện lời ngôn sứ đã loan báo về mình, thì bước vào Chúa Nhật IV, Chúa Giêsu tiếp tục thi hành sứ vụ Thiên sai, Danh tiếng Chúa lan truyền khắp nơi, Chúa chữa lành những người bị quỉ ám, làm cho người mù được sáng mắt, người què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được, nhìn chung là vui mừng và sung sướng; mọi người đều thán phục Người; các thần ô uế phải vâng lệnh Người.

Nhưng hôm nay hoàn toàn ngược lại, vì sau một thời gian vắng mặt, Chúa Giêsu đã trở lại Nagiarét trong một tư cách hoàn toàn mới: Chúa Giêsu vào hội đường đọc một lời tiên tri của ngôn sứ Isaia và loan báo "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4,21), khiến cho người nghe hiểu rằng lời tiên tri ấy quy chiếu về Người. Ðiều này khơi dậy sự bất bình của dân làng Nagiarét: một đàng, "mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra" (Lc 4,22). Nhưng đàng khác, các người đồng hương biết Người qúa rõ. Họ nói: "Ông ta là một người trong chúng ta. Yêu sách của ông chỉ có thể là sự tự phụ" (Ðức Giêsu thành Nagiarét, 11). "Người này không phải là con ông Giuse sao?" (Lc 4,22), như thể nói rằng: một bác thợ mộc làng Nagiaret có thể có khát vọng gì đây?

Sự biết của họ gợi nhớ câu ngạn ngữ: "Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình! Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông" (Lc 4,23). Liền sau đó, Chúa Giêsu đã thở dài và tuyên bố câu nói để đời: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình"(Lc 4,24). Tuyên bố của Chúa Giêsu vang lên trong hội đường như một sự khiêu khích. Người kể lại hai phép lạ mà các ngôn sứ Elia và Elisêo đã làm cho những người không phải dân Do thái, để chứng minh rằng đôi khi ngoài dân Israel có nhiều kẻ tin mạnh hơn. Tới đây thì tất cả những người có mặt đều phản ứng: "Mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi" (Lc 4,28-30). Người ta phải tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu lại khơi dậy sự đổ bể ấy? Ban đầu dân chúng thán phục Người và có lẽ Người đã có thể có được một sự đồng ý nào đó của họ. Chúa Giêsu đã không đến để tìm sự đồng ý của loài người. Vị ngôn sứ thật không vâng lời ai khác ngoài Thiên Chúa, và phục vụ chân lý, sẵn sàng trả giá.

Về điểm này, thánh Augustinô (354-430), Giám mục thành Hippôn (Bắc Phi), tiến sĩ Hội Thánh đã chủ giải như sau: "Người rẽ qua giữa họ mà đi", nghĩa là Chúa Giêsu là một thầy thuốc cao tay đã đến giữa chúng ta. Người vẫn rẽ ngang qua cuộc đời của mỗi chúng ta để làm cho chúng ta được khỏe mạnh. Chúa Giêsu đã đến, và Người thấy hội chứng mù lòa trong lòng nhân loại, Người liền hứa ban sự sáng cho chúng ta được thấy, thật đúng là: "Những điều mắt chẳng hề thấy, tai không hề nghe, và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm" ( 1 Cr 2, 9).

Nếu Chúa Giêsu, một Vì Thiên Chúa, là Thầy thuốc đến để chữa bệnh thì Người chữa bệnh gì cho nhân loại ? Người đã dùng phương thuốc nào ?

Người đến để chữa nhiều thứ bệnh, trong đó có bệnh kiêu ngạo. Phương thuốc chữa trị cho căn bệnh kiêu ngạo là sự khiêm nhường của Đức Giêsu Kitô. Một vị thầy thuốc tôn trọng bệnh nhân khi chữa trị cho các bệnh nhân, với phương thuốc: Hãy học cùng Người vì Người là Thiên Chúa khiêm nhường trong lòng, như Người mời gọi ta. Thật vậy, Người biết rằng, phương thuốc để chữa lành bệnh bệnh kiêu ngạo của chúng ta là sự khiêm nhường. Người biết rõ căn nguyên của bệnh tật và bốc đúng liều lượng để chữa trị. Trong thực tế, người bệnh là chúng ta không thể chạy đến cùng thầy thuốc, vậy mà đích thân thầy thuốc đã đến nhà chúng ta, Người đến cứu chúng ta, vì Người biết điều chúng ta cần.

Thiên Chúa đã đến với con người trong sự khiêm nhường, để con người có thể noi gương bắt chước Thiên Chúa. Có người hỏi: Thiên Chúa vẫn ở trên cao, làm thế nào để ta có thể bắt chước Người được? Và nếu không bắt chước được Người, thì làm sao con người có thể được chữa lành? Người đến trong sự khiêm nhường, vì Người biết rõ tính tự nhiên của một thầy thuốc là phải túc trực thường xuyên bên người bệnh: thuốc có đắng, mới chữa được bệnh. Còn con người, con người tiếp tục nhạo báng Thiên Chúa, tay cầm chén, và nói: "Lạy Thiên Chúa của con, Người là ai?" Người được sinh ra, Người đã chịu khổ hình, chịu đội mạo gai, bị đóng đanh và chịu chết trên cây thập giá! Ôi, tâm hồn sầu khổ! Ta chứng kiến sự khiêm tốn của thầy thuốc, mà lại không thấy được căn bệnh ung thư kiêu ngạo tiềm ẩn trong ta, đó là lý do tại sao ta không thích sự khiêm nhường.

Thường thì kẻ mắc bệnh tâm thần mới đánh lại bác sĩ khi bác sĩ đang chữa trị bệnh tật cho mình. Trong trường hợp này, bác sĩ đầy tình thương không chỉ không tức giận chống lại người đánh, nhưng bác sĩ còn cố gắng để chữa bệnh cho người ốm. Bác sĩ của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Người không sợ bị giết bởi bệnh nhân điên rồ: Người đã làm cho cái chết của mình trở nên thần dược chữa lành họ, Người đã chết và đã sống lại.

Như thế Đức Giêsu, Chúa chúng ta đã không cứu chúng ta bằng cách làm phép lạ, nhưng bằng việc loan báo Tin Mừng, từ bỏ và hy sinh mạng sống cho chúng ta. Chính lập trường của Chúa Giêsu củng cố niềm tin của chúng ta. Người chính là Đấng Mêsia đích thực của Thiên Chúa, một Đấng Mêsia không vận dụng quyền lực để thực hiện một cảnh ngoại mục cứu độ trần thế, nhưng đặt tại trung tâm sứ điệp về Thiên Chúa. Người đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta bằng liều thuốc khiêm nhường, để khi chúng ta sống trong một hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn, chúng ta có thể khiêm nhường đặt trọn niềm tin nơi Ngài, bởi vì chính Người sẽ ban cho chúng ta ơn cứu độ vẹn toàn.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con trung thành và tươi vui bước theo Chúa Giêsu trên con đường ấy. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ