Ngày 15 tháng 8 là ngày Lễ Đức Mẹ Về Trời, một “ngày lễ buộc”, ngày người Công Giáo được dự kiến sẽ tham dự thánh lễ. Năm nay, hàng triệu người Công Giáo đã đến nhà thờ mà lòng thì muốn phát bệnh. Tôi nằm trong số đó.



Ngày hôm trước, bộ trưởng tư pháp của tiểu bang Pennsylvania đã công bố một phúc trình của đại bồi thẩm đoàn tuyên bố rằng hàng trăm linh mục Công Giáo đã lạm dụng tình dục vị thành niên. Các kết luận của đại bồi thẩm đoàn đã được tóm tắt trong các tường trình xuất hiện trên trang nhất của New York Times và các tờ báo khác trên thế giới, cũng như các câu chuyện chính trên mọi loại chương trình tin tức truyền hình. Bộ trưởng tư pháp Pennsylvania, Josh Shapiro, đã phát biểu trên The Today Show và các chương trình tin tức hàng đêm. Không người Công Giáo nào, nghiêm túc về đức tin của mình, đúng hơn, không ai với bất cứ độ nhạy cảm nào, có thể đọc phúc trình này mà không cảm thấy kinh hoàng và xấu hổ. Cũng như tức giận. Thật đủ tệ khi đọc các trình thuật sinh động tả các cảnh hiếp dâm hậu môn và miệng, đôi khi kết hợp với những cảnh đồi trụy phạm thánh; đôi khi thật kinh khủng khi được kể rằng các nhà lãnh đạo giáo hội đã che đậy một cách có hệ thống các tội ác này và để mặc các kẻ lạm dụng không hề bị kiểm soát.

Chỉ trong vài giờ, phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania đã được đẩy lên vị thế quốc tế. Vatican bày tỏ sự “xấu hổ và đau buồn”. Các tĩnh từ chồng chất lên nhau từ các nguồn Công Giáo và thế tục: gớm ghiếc, ghê tởm, đáng trách, buồn nôn, quỉ quái. New York Times đã xã luận về “Vết Nhơ Bất Thánh Thiện của Giáo Hội Công Giáo”.

Đã nhiều tháng trôi qua nhưng tác động của phúc trình thì chưa trôi qua. Ít nhất khoảng chục tiểu bang đã tuyên bố họ sẽ theo chân Pennsylvania để tiến hành các cuộc điều tra của riêng họ (Illinois đã công bố một phúc trình sơ bộ hồi tháng 12); Bộ Tư pháp (Liên Bang) đã gợi ý họ cũng có thể tham gia vào hành động này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi các giám mục khắp thế giới giải quyết vụ tai tiếng lạm dụng tình dục tại Vatican vào tháng Hai, nơi phúc trình Pennsylvania chắc chắn sẽ được chú ý nhiều nhất – vì hiện nay, người Công Giáo, cả cánh hữu lẫn cánh tả, đều đang viết lời tạm biệt đối với giáo hội.

Thực thế, phúc trình đưa ra không phải chỉ một mà là hai lời buộc tội riêng biệt. Lời buộc tội đầu liên quan đến các linh mục “săn mồi”, nhiều nạn nhân của họ và các hành vi không thể nói được của họ. Lời buộc tội này, bao lâu có thể xác định được, là một sự thật khủng khiếp. Lời kết tội đầu tiên này thật đáng sợ, nhưng thực ra, lời kết tội thứ hai mới có những vang dội lớn lao nhất. Bản phúc trình tuyên bố, “mọi nạn nhân này đều bị các nhà lãnh đạo giáo hội, ở mọi tiểu bang, phớt lờ vì những nhà lãnh đạo này muốn bảo vệ những kẻ lạm dụng và các định chế của họ trước hết”. Hay, như phần dẫn vào phúc trình đã tóm tắt, “Các linh mục đã hãm hiếp các bé trai và bé gái, và những người của Thiên Chúa có trách nhiệm đối với các linh mục này không những không làm gì; mà họ còn giấu mọi điều".

Điều đó có đúng không?

Hầu như mọi câu chuyện truyền thông về phúc trình của bồi thẩm đoàn mà cuối cùng tôi đã đọc hoặc xem đều dựa trên phần dẫn nhập mười hai trang của nó và hàng tá ví dụ kinh tởm.

Dựa trên việc đọc số lượng lớn lao của bản phúc trình, dựa trên việc duyệt xét từng vụ xử lý cả hàng trăm vụ việc, dựa trên cơ sở cố gắng đối chiếu các câu trả lời của giáo phận với các cáo buộc của đại bồi thẩm đoàn và dựa trên việc kiểm tra các tài liệu khác của tòa án và nói chuyện với những người quen thuộc với công việc của đại bồi thẩm đoàn, bao gồm cả văn phòng bộ trưởng tư pháp, kết luận của tôi là lời cáo buộc thứ hai này thực tế là dẫn dắt sai lệch, vô trách nhiệm, không chính xác và không công bằng một cách thô thiển. Nó mâu thuẫn từ tư liệu tìm thấy trong chính phúc trình – nếu ta thực sự đọc nó một cách cẩn thận. Nó mâu thuẫn do chứng từ cung cấp cho đại bồi thẩm đoàn nhưng bị làm ngơ – và tôi tin, do chứng cớ mà đại bồi thẩm đoàn không bao giờ theo đuổi.

Những kết luận trên không cân xứng chút nào với nhận thức và cách tiếp nhận phúc trình của công chúng. Rõ ràng chúng cần được chứng minh. Để làm điều đó, điều chủ yếu là khảo sát, từng bước một, cách phúc trình này được tạo ra, được tổ chức và trình bày; điều nó bỏ qua cũng như điều nó bao gồm; và cuối cùng là liệu việc lấy mẫu cẩn thận các nội dung của nó có hỗ trợ cho các kết luận của nó hay không.

Tôi nhìn nhận rằng đối với nhiều người, nhất là nhiều người Công Giáo tức giận và mất tinh thần, một cuộc điều tra như vậy gần như phơ phất trước những cơn gió ngược hết sức áp đảo. Đặt nghi vấn, huống hồ thách thức phúc trình là điều không thể tưởng nghĩ được. Nó gần như bào chữa cho các tội ác mà các giám mục và các nhà lãnh đạo khác của giáo hội bị cáo buộc vi phạm.

Sự ngần ngại trên là điều dễ hiểu. Bản phúc trình được đưa ra tiếp theo các tiết lộ về việc lạm dụng tình dục cả các chủng sinh trưởng thành lẫn hai vị thành niên của cựu Hồng Y Theodore McCarrick. Mười ngày sau, những lời buộc tội từ một cựu quan chức Vatican, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, trong yếu tính, đã liệt được vụ tai tiếng lạm dụng vào cuộc chiến đang diễn ra giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các người phê bình ngài. Lẩn khuất ở hậu trường là các vụ tai tiếng lạm dụng khác ở Ái Nhĩ Lan, Chile và Úc. Và lẩn khuất ở một bình diện sâu sắc hơn nhiều là nhiều năm phúc trình thường hồ đồ nhưng luôn làm chết đứng về việc các linh mục lạm dụng tình dục, chắc chắn củng cố bất cứ nghi ngờ và thất vọng nào nơi người Công Giáo.

Rồi, còn có một thực tại khó hiểu là ít người thực sự chịu đọc phúc trình, chứ đừng nói đến việc đọc nó một cách có phê phán. Điều đó thậm chí bao gồm, tôi đánh cuộc, cả nhiều người công khai đăng ký sự phẫn nộ của họ hoặc tự mình ấp ủ nỗi đau buồn tinh thần của mình. Tôi có thể an toàn nói thêm, nó còn gồm các nhà báo mà các trình thuật tin tức của họ được những người này dựa vào. Hầu như mọi câu chuyện của truyền thông về phúc trình của đại bồi thẩm đoàn mà cuối cùng tôi đã đọc hoặc xem đều dựa trên phần dẫn nhập dài đến mười hai trang của nó và khoảng một tá các thí dụ gây kinh tởm được phần dẫn nhập và bản phúc trình làm nổi bật, được viết bằng thứ ngôn ngữ mà Tòa án tối cao của Pennsylvania sau này gọi là “gây bất hòa” (incendiary).

Làm sao có thể khác đi được? Phúc trình được mô tả rất khác nhau là dài 884 hoặc 1,357 trang – sau này, chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về sự khác biệt kỳ lạ này. Là một thủ phạm lâu đời trong ngành báo chí, tôi biết các kỳ hạn (deadlines) và một phóng viên hay một phát ngôn viên như bộ trưởng tư pháp Pennsylvania phải lệ thuộc một bản tóm tắt, một dẫn nhập ra sao. Bạn chỉ có thời gian để đọc một phần rất nhỏ của một tài liệu đồ sộ như vậy. Bạn cũng không thể kiếm được một nhận định có hiểu biết, độc lập, khi không ai khác đọc được tài liệu này. Bạn phải dựa vào các bản tóm tắt lời phát biểu (soundbites) của các viên chức giáo hội hoặc các người bênh vực các nạn nhân, thường lặp lại các kịch bản có sẵn về những gì một câu chuyện phải là.

Trong trường hợp này, đó là kịch bản về các giám mục, những giám mục đã ý thức được đầy đủ về những nguy hiểm mà các linh mục săn mồi giăng ra cho các trẻ em và thanh thiếu niên, tuy nhiên, vẫn “đưa họ” hay “đổi họ” đi từ giáo xứ này đến giáo xứ nọ để bảo vệ danh tiếng của giáo hội và hàng giáo sĩ. Kịch bản này đã được khắc sâu trong tâm trí công chúng bởi các tiết lộ năm 2002 của tờ Boston Globe và bởi các vụ kiện tụng tiếp theo đó. Đó là kịch bản đã mang lại giải Oscar kịch bản hay nhất cho bộ phim Spotlight. Đây là kịch bản lên sinh sinh khí cho phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania. Và nó là một kịch bản quen thuộc đến nỗi bất chấp bất cứ việc nghi vấn nào.

Nguồn thứ ba ngần ngại không muốn đòi hỏi bất cứ sự xem xét lại nào là chính sự khủng khiếp của việc lạm dụng được phúc trình lên tài liệu. “Hãy nghe điều này”, phần dẫn nhập của phúc trình kêu gọi người đọc như thế ngay trong câu đầu tiên. Bạn có thể đã đọc về “việc lạm dụng tình dục trẻ em bên trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng không bao giờ ở quy mô này”. Kiểu văn xuôi này quả tượng hình (graphic) trong các chi tiết về tình dục của nó. Đoạn thứ ba chỉ rõ việc thủ dâm, làm tình bằng miệng, và hiếp dâm âm đạo và hậu môn, cùng với việc thao túng bằng rượu và văn hóa khiêu dâm. Mười một trang tiếp theo mô tả khoảng hai mươi trường hợp ghê tởm và đặc biệt thô bạo về sự đồi trụy tình dục. Tôi đã nghe nhiều người hữu lý phản đối rằng khi nhồi nhét các chi tiết như vậy vào mặt chúng ta, chính bản phúc trình đã có tính thao túng. Nhưng rồi, đây là điều việc lạm dụng tình dục trẻ em và thiếu niên là. Nó không phải là một khái niệm luật pháp hoặc trừu tượng, không phải là một thống kê. Đây là loại vi phạm riêng tư nhất, bất kể bị vi phạm bởi một giáo viên, một huấn luyện viên, một bác sĩ, hay trên hết, một người có liên hệ đặc biệt về trách nhiệm và quyền hành, như cha mẹ hoặc giáo sĩ.

Trong ba thập niên qua, tôi đã đọc rất nhiều câu chuyện về những người sống sót việc lạm dụng và nghe trực tiếp hàng tá câu chuyện này: những câu chuyện về niềm tin tan vỡ, sự hồ đồ bối rối về tôn giáo và tình dục, và những năm tháng sống hậu quả trệch đường cuộc sống. Một số nạn nhân dĩ nhiên đã vứt bỏ được việc họ bị lạm dụng, hoặc ít nhất tỏ ra như thế. Đối với những người khác, nó kéo lê họ qua trầm cảm, hôn nhân tan vỡ, lạm dụng ma túy, các tội ác tự hủy hoại, nhỏ mọn hoặc nghiêm trọng, thậm chí tự tử. Việc phúc trình khăng khăng liệt kê các hành vi thể lý hiếm khi nắm bắt được những điều phức tạp của con người, nhưng đây là một khởi đầu.

Những câu chuyện buồn và gây phẫn nộ trong bản phúc trình, cả trong các chi tiết gợi hình một cách cực kỳ tỉ mỉ, không phải là điều mới lạ đối với những người trong chúng ta quen đọc báo chí và xem truyền hình vào năm 2002. Một câu chuyện trên trang một của mục Sunday Week in Review của New York Times viết rằng “các tường trình về việc lạm dụng tình dục trẻ em và thanh thiếu niên của các linh mục đã mang chiều kích của một nạn dịch trong Thánh Kinh”. Nó nhắc đến các ước tính về số các nạn nhân trong nhiều thập niên, từ 15,000 đến 100,000 người. Là một phóng viên tôn giáo kỳ cựu tại tờ Times từ năm 1988 đến 1997, tôi đã viết câu chuyện đó vào tháng Sáu năm 1993, gần một thập niên trước các tiết lộ của Boston Globe.

Nhắc lại những câu chuyện như vậy từ những năm 1990 đến năm 2002, tôi tự hỏi liệu người Công Giáo và những người khác có quên cơn lũ các tiết lộ đau lòng năm 2002 hay không, không nói gì đến những cuộc phơi bày thời kỳ cao điểm của những năm 1990. (Năm 2002, tờ Globe đã cho đăng 770 câu chuyện lạm dụng tình dục của Công Giáo, so với 25 câu chuyện một năm trước đó; New York Thời báo cho đăng 692 câu chuyện). Thế còn các nghiên cứu năm 2004 và 2011 của Trường Tư pháp hình sự John Jay, các nghiên cứu kết luận rằng 4,392 linh mục, từ 4 đến 5 phần trăm giáo sĩ Công Giáo, đã chịu trách nhiệm cho hơn 11,000 trường hợp lạm dụng tình dục từ năm 1950 đến 2002? Há không ai thực sự lưu ý tới các tiết lộ sớm sủa đó sao?

Tôi đã tự hỏi mình: chính xác ra, phúc trình Pennsylvania có nói với chúng ta điều gì mới mẻ không? Có phải nó đã bác bỏ niềm tin quan yếu và rộng rãi rằng Hiến chương Dallas về việc Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên, từng được các giám mục Công Giáo thông qua vào tháng 6 năm 2002, được thi hành toàn quốc và được hỗ trợ bằng các cuộc kiểm toán thường xuyên kể từ đó, đã thay đổi sự việc một cách đáng kể không? Phúc trình có nói tới câu hỏi, quan trọng hơn hết trong đầu óc của nhiều phụ huynh, là liệu trẻ em và các thiếu niên có đặc biệt gặp nguy hiểm hay không, ngay bây giờ, trong các trường học và giáo xứ Công Giáo, như những cụm từ của truyền thông như “các tai tiếng lạm dụng tình dục Công Giáo đang lan rộng” hay “Làn sóng tai tiếng lạm dụng tình dục mới” hay các tai tiếng lạm dụng tình dục hiện “đang nhận chìm giáo hội” muốn gợi ý?

Phúc trình đã thêm được gì vào các cuộc tranh luận sôi nổi và quan trọng về việc sống độc thân của linh mục, các giáo huấn về tính dục, nền văn hóa giáo sĩ cố hữu, thẩm quyền giáo hội, đồng tính luyến ái trong hàng linh mục, và trách nhiệm đối với các nạn nhân, chưa nói tới các tranh chấp xưa, từ thời Công Đồng Vatican II và sau đó, về ngừa thai, vai trò của phụ nữ trong giáo hội, đạo đức tính dục, giáo dục tôn giáo, thẩm quyền của Vatican và bất cứ con số các vấn đề lớn nhỏ nào khác?

Tôi đã viết ở những nơi khác về nhiều chủ đề trong số này, trong các tiểu luận và một cuốn sách ít trình bầy một ánh sáng thuận lợi về các giám mục Công Giáo của đất nước hoặc cách các ngài xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Tôi không đề cập tới các chủ đề ấy ở đây. Tôi không đứng về phía nào trong những cuộc tranh cãi âm ỉ về Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi không hỏi ai biết gì, biết khi nào và biết như thế nào về Hồng Y McCarrick. Tôi không thả nổi những cách mới mẻ để đảm bảo trách nhiệm của giám mục. Tôi chỉ xem xét những lời buộc tội ầm ĩ của phúc trình Pennsylvania về việc xử lý lạm dụng: Chúng có đúng không?

Tuy nhiên, một điều thậm chí có tính căn bản hơn đã kích hoạt việc ngần ngại không muốn đặt bất cứ nghi vấn nào đối với phúc trình Pennsylvania, đó là điều người ta quen gọi là lối suy nghĩ nhị phân (binary thiking). Nghi vấn các kết luận của phúc trình là khẳng định điều ngược lại. Nếu không đúng sự thật là mọi nạn nhân đã bị gạt sang một bên, thì phải đúng sự thật là không có nạn nhân nào bị gạt sang một bên. Nếu không đúng sự thật là các nhà lãnh đạo giáo hội có thói quen hành động để bảo vệ các linh mục và định chế của họ, thì phải đúng sự thật là không có nhà lãnh đạo giáo hội nào làm điều đó.

Đó không phải là chủ trương của tôi. Tôi tin rằng đáng lý ra đại bồi thẩm đoàn đã có thể đạt được những khám phá xúc tích, chính xác, cung cấp thông tri, và có tác dụng mạnh về những điều các nhà lãnh đạo các giáo hội khác nhau làm và không làm, về những điều thường xuyên được làm ở một số nơi và trong một số thập niên chứ không ở những nơi khác. Đáng lý nó đã có thể trình bầy đủ các cơ sở ít nhất cho 3 trong số 4 khuyến cáo không mấy độc đáo chứ không nhất quyết đưa ra các tố cáo chung chung. Đáng lý nó đã có thể xác nhận hay sửa lại phần lớn những điều chúng ta tưởng mình biết về các nguyên nhân và cách phòng ngừa việc lạm dụng tình dục người trẻ”.

Thay vào đó, phúc trình đã chọn một chiến thuật phù hợp hơn với môi trường thích nói khoa trương (hyperbolic), thích khẩu hiệu dán ở càng xe (bumper-sticker), hậu sự thật (post-truth) của chúng ta với những tuyên bố về di dân hiếp dâm và giết người, những vụ săn phù thủy và các âm mưu đứng đàng sau chính phủ (deep-state conspiracies). Ít nhất trong lúc này, hãy tưởng tượng một bài nói rất kêu kiểu “Các linh mục đang hãm hiếp các cậu bé và cô bé, và những người của Chúa chịu trách nhiệm về họ không những không làm gì; mà còn che giấu mọi chuyện” phát xuất từ một trong các vị mị dân được dân cử hoặc được lên truyền hình của chúng ta. Liệu người ta có thực sự bác bỏ bất cứ việc tìm hiểu sự kiện nào như là không được đòi hỏi chăng?

Nhưng đây không phải là một nhà bác học hay chính trị gia mị dân chọn thứ ngôn ngữ đó trực tiếp từ một tiểu luận chống giáo hoàng ở thế kỷ XIX. Đây là một đại bồi thẩm đoàn. Và chính ở đó nằm sẵn một sự hiểu lầm khá lớn.

Điều tra các đại bồi thẩm đoàn

Điều nghịch lý là những người nêu lên những câu hỏi hoàn toàn chính đáng về trách nhiệm nhận lỗi của các giám mục lại bỏ qua các câu hỏi về trách nhiệm nhận lỗi của các đại bồi thẩm đoàn.

Các đại bồi thẩm đoàn là những thực thể pháp lý bắt nguồn sâu sắc trong luật phổ thông (common law) và được đưa vào Tu chính án thứ năm của Hiến pháp. Mục đích của chúng không phải là để xác định tội lỗi hoặc vô tội mà chỉ là liệu có đủ căn cứ để đưa ra một bản cáo trạng và kích hoạt một phiên tòa hay không. Phiên tòa mới là nơi mà tội lỗi hoặc sự vô tội sẽ được xác định bởi mọi thủ tục thuận nghịch (adversarial) trong việc khảo sát bằng chứng và lời khai của cả hai bên dưới sự giám sát chặt chẽ của một thẩm phán. Đại bồi thẩm đoàn không hoạt động theo các quy tắc này. Chúng nghe bằng chứng ex parte (từ 1 bên), nghĩa là, không có đại diện của những người bị điều tra. Chúng hoạt động trong bí mật. Và trong thực tế, chúng hoạt động gần như hoàn toàn dưới sự chỉ đạo của một công tố viên địa phương, tiểu bang hoặc liên bang, một quan tòa cấp quận hoặc bộ trưởng tư pháp, mà các kết luận của vị này, các đại bồi thẩm đoàn chỉ việc đóng dấu chấp thuận.

Vì lý do này, các đại bồi thẩm đoàn đã trở thành đầu đề gây tranh cãi. Việc có được cáo trạng hay không tùy thuộc vào các nhu cầu chính trị của các công tố viên được bầu, một vấn đề được nêu lên bởi các cộng đồng thiểu số liên quan đến các vụ giết người của cảnh sát da trắng. Việc điều tra các đại bồi thẩm đoàn, giống như ở Pennsylvania, cũng tỏ ra có vấn đề. Stanley H. Fuld, một nhà luật học nổi tiếng, từng là chánh án của Tòa phúc thẩm New York, có lần đã chỉ ra rằng một bản cáo trạng “chỉ là bước đầu tiên trong diễn trình dài trong đó bị cáo có thể tìm được sự minh oan qua việc thi hành quyền được xét xử công khai, quyền có một bồi thẩm đoàn, quyền có luật sư, quyền đối chất với các nhân chứng chống lại họ và, nếu bị kết án, quyền kháng án”. Ngược lại, một phúc trình điều tra của đại bồi thẩm đoàn, “vừa là lời buộc tội vừa là lời lên án sau cùng, và, vì phát xuất từ một cơ quan tư pháp chiếm một vị trí đáng kính và quan trọng trong cộng đồng, nên tiềm năng gây hại của nó không thể nào tính toán được”. Ông Fuld nói tiếp: là một tài liệu tư pháp, một phúc trình của đại bồi thẩm đoàn “mang cùng ý nghĩa lên án có thế giá tương tự như một bản cáo trạng, tuy nhiên, không dành cho bị cáo lợi ích che chở như đã dành cho một người bị truy tố”.

Fuld tin rằng tiềm năng lạm dụng này đặc biệt to lớn khi một phúc trình điều tra của bồi thẩm đoàn nêu các tên tuổi; và phúc trình Pennsylvania tất nhiên nêu tên không những hàng trăm kẻ săn mồi, mà còn hơn năm mươi giám mục và quản trị viên giáo phận bị coi là có tội tương tự. Phần dẫn nhập của phúc trình không ngần ngại nói rõ ý định của nó, muốn trở thành chánh án và bồi thẩm đoàn, đồng thời đưa ra các lời kết án đối với “các tội ác mà nếu không sẽ không bị trừng phạt và bồi thường”: “Phúc trình này là cầu viện (recourse) duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nêu tên và mô tả những gì họ đã làm, cả những người phạm tội tình dục và những người che giấu họ. Chúng tôi sẽ rõi một tia sáng vào hành vi của họ, vì đó là điều các nạn nhân đáng có được”.

Điều rõ ràng là hầu hết mọi người đã coi phúc trình Pennsylvania là điều mà Chánh án Fuld gọi là “một sự lên án có thẩm quyền” mà không nhìn nhận các giới hạn của nó. Điều nghịch lý là những người nêu lên những câu hỏi hoàn toàn chính đáng về trách nhiệm nhận lỗi của các giám mục lại bỏ qua các câu hỏi về trách nhiệm nhận lỗi của các đại bồi thẩm đoàn. Những phát hiện của các báo cáo như vậy chỉ có thể bị thách thức sau khi chúng được công bố: bởi những người công kích, bởi các nhà phê bình có hiểu biết, bởi các nhà điều tra độc lập, bởi các chính trị gia bất đồng chính kiến, bởi các phương tiện truyền thông, v.v.

Trong trường hợp Pennsylvania, lẽ dĩ nhiên, các giám mục bị tê liệt. Không những tính khả tín của các ngài bị bôi nhọ bởi các thất bại trong quá khứ, thường là bởi những người tiền nhiệm đã qua đời, nhưng từ lâu họ đã thừa nhận rằng ưu tiên hàng đầu của họ, đúng như thế, phải là tránh đưa ra bất kỳ lời bào chữa nào cho tội ác săn mồi hoặc “ tái nạn nhân hóa” các người sống sót việc lạm dụng. Ai khác có thể lấp đầy khoảng trống này? Các nhà báo cấp tiến, các nhà tranh đấu tự do dân quyền, hay các nhà học thuật bất mãn với các giáo huấn Công Giáo về phá thai và hôn nhân đồng tính? ProPublica (Phò Cộng Hòa)?, Frontline (Tuyến đầu)? Các người Công Giáo bảo thủ không hài lòng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô? Các ngươi Công Giáo cấp tiến không hài lòng với hàng giáo phẩm bảo thủ? Chắc là không.

Cấu trúc phúc trình

Phúc trình Pennsylvania được chia thành năm phần, với tỷ lệ rất khác nhau. Tiếp theo Phần I, phần dẫn nhập mười hai trang đầy kích thích đó, Phần II dành hàng trăm trang cho mười tám thí dụ lạm dụng gây ngỡ ngàng, trong một số trường hợp, còn kệch cỡm nữa, ba thí dụ từ mỗi giáo phận trong số sáu giáo phận.

Mặt khác, Phần II liệt kê các giám mục và các viên chức chủ chốt khác của mỗi giáo phận và tất cả những kẻ lạm dụng bị cáo buộc trong bảy đến tám thập niên qua. Bằng một ngôn ngữ gần như nóng bỏng, đại bồi thẩm đoàn tuyên bố rằng họ đã tìm thấy bằng chứng lạm dụng tình dục trong mỗi giáo phận (“tán tỉnh [grooming] và mơn trớn bộ phận sinh dục” và “việc xâm nhập âm đạo, miệng hoặc hậu môn”); các giám mục và quản trị viên thì “biết các hành vi này”, nhưng thường xuyên vẫn bổ nhiệm những kẻ lạm dụng vào thừa tác vụ, bất chấp các khiếu nại, do đó lên năng lực cho những kẻ phạm tội và gây nguy hiểm cho các trẻ em. Các giáo phận thì bị nhận thấy đi tham khảo các luật sư và đạt được các dàn xếp bí mật với các nạn nhân nhằm cấm họ nói ra. Tương tự như vậy, các giáo phận cũng bị nhận thấy đã can ngăn các nạn nhân đến cảnh sát hoặc tiến hành “các cuộc điều tra thiếu sót, thiên vị của chính họ” mà không phúc trình các tội ác này.

Hiển nhiên, điều trên không có nghĩa các điều như vậy chỉ xảy ra đôi khi và ở một số nơi trong hơn bảy thập niên qua, nhưng chúng xảy ra thường xuyên, thường lệ và như phần dẫn nhập quả quyết, “ở khắp mọi nơi”.

Phần III là phần tổng quan gồm chín trang nói về “Giáo hội và việc lạm dụng trẻ em, quá khứ và hiện tại”. Phần IV dành sáu trang để đưa ra các khuyến cáo đã đề cập trong phần dẫn nhập.

Sau đó, trong “Phụ lục các Người phạm tội” dài 569 trang, phúc trình mô tả hồ sơ (profiles), từng giáo phận, mọi linh mục, phó tế hoặc chủng sinh mà phúc trình kết luận đã bị cáo buộc một cách đáng tin cậy là đã lạm dụng. Bản phúc trình gọi những hồ sơ này về hơn ba trăm linh mục có lẽ là phần “quan trọng nhất” và “sau cùng” của nó. Thật vậy, trong một số bản PDF của phúc trình trên trực tuyến, kể cả, một cách gây ngỡ ngàng, trang web của văn phòng bộ trưởng tư pháp, tài liệu kết thúc ở chỗ đó, tại trang 884. Trên thực tế, còn hơn 450 trang tiếp theo nữa. Những trang này bao gồm các câu trả lời được sao chụp từ các giáo phận, cựu giám mục, các viên chức giáo phận khác và thậm chí một số linh mục bị buộc tội phản đối để chứng minh sự vô tội của họ. Nhiều tài liệu trong số này nêu ra các câu hỏi quan trọng hoặc đưa ra những lời chỉ trích đáng kể. Mặc dù phúc trình quả quyết rằng các giáo phận đã được mời gửi các tuyên bố về các chính sách gần đây của họ, nhưng không có bình luận hay trả lời có thực chất nào của đại bồi thẩm đoàn.

Việc sắp xếp trên hữu hiệu, nhưng sai lệch và kềnh càng. Hữu hiệu vì những lời hùng biện có kịch tính, gần như kích động của phần dẫn nhập và sau đó vì mười tám thí dụ được chọn. Lệch lạc, bởi vì phúc trình dành hơn tám trăm trang cho các thí dụ đã chọn và “Hồ sơ Lạm dụng” giống như một bách khoa toàn thư. Non năm mươi trang, kể cả phần dẫn nhập, được dành cho việc phân tích, phát hiện và khuyến cáo của chính đại bồi thẩm đoàn. Kềnh càng, vì hàng trăm trang phân cách ba hạng “kinh khủng” của mỗi giáo phận ra khỏi danh sách mọi người phạm tội trong phụ lục và một lần nữa khỏi bất cứ câu trả lời nào. Bất kể là dùng thang cuộn trực tuyến hoặc lần rở qua các trang in, việc theo dõi các tố cáo và câu trả lời là điều rất khó khăn.

Xem tiếp: Điều gì có điều gì không trong phúc trình