Bà con mình rất ưa tò mò về chuyện tương lai. Thành ra ai cũng thích nghe về ‘Sấm Trạng Trình’. Người ta gọi ngài là nhà đại tiên tri, coi bói hậu lai như thần.

Tên gốc là Nguyễn bỉnh Khiêm. Tên húy là Nguyễn văn Đạt. Tên tự là Hanh Phủ. Tên hiệu là Bạch Vân Am cư sĩ. Các môn sinh tôn ngài là Tuyết Giang phu tử. Từ thế kỷ 16, tiếng tăm ngài đã vang dội khắp chốn. Đã tiên đoán tương lai giỏi, lại có tài thơ văn, kèm theo lối sống đạo hạnh khác thường. Năm 1535 đậu trạng nguyên, ra làm quan, được phong tước ‘Trình tuyền hầu’ rồi ‘Trình quốc công’. Thiên hạ gọi ngài gọn ghẽ với tên TRẠNG TRÌNH.

Dĩ nhiên ngài nổi tiếng về những bài SẤM, cho nên huyền thoại Sấm Trạng Trình đã đi vào lịch sử dân gian dân ta. Bà con mình còn tôn kính ngài, bên cạnh vĩ nhân Nguyễn Trãi, là ‘cây đại thụ văn hóa dân tộc’ (qua nhiều tác phẩm dồi dào phong phú, được lưu truyền rộng rãi khắp nơi). Ngài cũng được yêu mến như một nhân sĩ chủ trương ‘nhân đạo chủ nghĩa’ cho mọi người. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một tầm nhìn chiến lược thấu suốt sâu rộng và dài lâu.

Nhân tài chỗ nào ?



Có nhân sĩ đã nhận xét : “Trạng Trình là người khôi ngô anh tuấn, học hết các kinh sách lại rất tinh tế về nghĩa lý Kinh Dịch. Phàm việc mưa nắng, lụt hạn, họa phúc, điềm dữ, điềm lành, cơ suy, cơ thịnh... việc gì cũng biết trước.

Thật ra, bà con mình hay nhắc tới những biến cố lớn : ví dụ ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê. Khi Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể Trịnh Kiểm giết, ông khuyên nên xin về phía nam với câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (có tài liệu viết là “khả dĩ dung thân”) nghĩa là “Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài”. Nguyễn Hoàng nghe theo và lập được nghiệp lớn, truyền cho con cháu từ đất Thuận Hoá. Lúc nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi ông, ông khuyên vua tôi nhà Mạc “Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể” (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa. Đối với Lê – Trịnh, khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ông. Ông nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản” (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: “Lê tồn Trịnh tại”.

Dân gian lưu truyền nhiều bản Sấm ký được cho là của ông. Hiện nay ở kho sách Viện nghiên cứu Hán – Nôm còn giữ được bốn bản. Ví dụ có truyện kể lại rằng, trước khi qua đời, Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại một phong thư, đặt trong một ống quyển gắn kín, dặn con cháu sau này nếu làm ăn sa sút, mang thư ấy đến gặp quan sở tại thì sẽ được cứu giúp. Đến đời thứ bảy, người cháu thứ bảy là Thời Đương nghèo khốn quá, nhớ lời truyền lại, đem phong thư đến gặp quan sở tại. Quan lúc này đang nằm võng đọc sách, nghe gia nhân báo có thư của cụ Trạng Trình thì lấy làm lạ, lật đật chạy ra đón thư. Vừa ra khỏi nhà thì cái xà rơi xuống đúng chỗ võng đang nằm. Quan sợ hãi vội mở thư ra xem thì chỉ có mấy chữ:

“Ngã cứu nhĩ thượng lương chi ách Nhĩ cứu ngã thất thế chi tôn (Ta cứu ngươi thoát khỏi ách xà rơi Ngươi nên cứu cháu bảy đời của ta).

Quan vừa kinh ngạc, vừa cảm phục, bèn giúp đỡ cháu bảy đời của Trạng hết sức tử tế.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như tập thơ Bạch Vân, gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán (còn lưu lại) và hai tập Trình Quốc công Bạch vân thi tập và Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập, hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi, (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm) hiện còn lưu lại được một quyển của Bạch Vân thi tập gồm 100 bài và 23 bài thơ trong tập Bạch Vân Gia Huấn mang nhiều chất hiện thực và triết lý sâu xa, thể hiện đạo lý đối nhân xử thế lấy đức bao trùm lên tất cả, mục đích để răn dạy đời.

Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được biến cố xảy ra 500 năm sau này. Người Trung Hoa khen Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”. Ông tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn .

Chuyện thời sự hôm nay :



Bây giờ người Việt chúng ta thử bàn chuyện thời đại đang ‘nóng’với vụ ‘Biển Đông’ nhé :

Trạng Trình đã ghi rõ "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Chí những phù nguy xin gắng sức/Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình".

Với con mắt chiến lược, nhìn thấy đại cục thiên hạ ngàn năm, Trạng Trình đã khuyên thế hệ sau phải nắm giữ được Biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời.

Bài thơ có tuổi đã khoảng 500 năm mà bây giờ càng đọc, càng thấy rất rất thời sự. Ta những tưởng như cụ Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay. Bài thơ lắng đọng trong đó một tư tưởng chiến lược, một dự báo thiên tài: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Vạn lý Đông minh quy bả ác/ức niên Nam cực điện long bình".

Trải qua không ít thực tế, chúng ta càng thấy những câu thơ sấm truyền của cụ Trạng mang tính thời sự thức thời đối với người Việt. Hai câu thơ mang tính dự báo chiến lược của cụ Trạng càng khiến lay động từ sâu thẳm ý chí của người Việt về cái tâm thức bám biển, giữ biển của mình. Tự ngàn xưa, người Việt đã là những cư dân sông nước, cư dân của văn hóa biển đảo.

Với kho sấm truyền của cụ Trạng còn ứng đúng với những cục diện trên thế giới, tỉ như đại chiến thế giới lần thứ II. Đại chiến này khởi đầu khi phát xít Đức tấn công Ba Lan, từ năm 1940 đã bắt đầu rục rịch (cuối năm Thìn - Long vĩ) khởi đầu chiến tranh, đến năm 1941 (đầu năm Tỵ - Xà đầu) Hitler tấn công Liên Xô (cũ). Qua cuối năm 1942, giữa năm 1943 (Mã đề dương cước) thì đến năm 1944 - 1945 (Thân Dậu niên lai kiến thái bình) mới qua khỏi nạn chiến tranh.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể giải mã hết những bí ẩn của điều gọi là "Sấm Trạng Trình". Thực tế, cho đến nay vẫn cần sự quan tâm của các nhà khoa học để giải đáp. Cuối cùng, những lời sấm của nhà tiên tri số 1 Việt Nam cũng vẫn quay trở về với ý nghĩa sâu xa như ngay trong lời cảm đề ông đã viết: "Bí truyền cho con cháu - Dành hậu thế xem chơi", mọi ý nghĩa ‘sâu xa hơn’ vẫn là một câu hỏi lớn.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư