Trong cuộc sống hàng ngày hầu như ai trong chúng ta cũng gặp phải những tình huống hoặc biết một ai đó hoặc biết qua tin tức những trường hợp như: Một người vợ, người chồng, cha, mẹ hay con cái mới chẩn đoán bị bệnh ung thư. Một người con, cháu, anh, chị, em đã và đang rời xa khỏi Giáo Hội vì một lý do nào đó. Một người thân, người bạn đồng nghiệp bị vào bệnh viện sau một tai nạn. Một người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân cận bị thất nghiệp mất việc làm, v.v… Ở khắc mọi nơi đang có hàng triệu người không nhà không cửa vô gia cư không có nơi ăn chốn ngủ ổn định. Nhiều người không có bảo hiểm sức khỏe, không được chăm sóc y tế. Biết bao nhiêu phụ nữ và trẻ em đã và đang bị bắt buộc đi vào con đường nô lệ tình dục. Một Xã hội của sự chết đang thịnh hành khi mà xã hội đó làm ngơ, từ chối quyền sống của một thai nhi, v.v…

Có qúa nhiều những tệ nạn và những nỗi thống khổ trên thế giới làm cho chúng ta có cảm tưởng như là con người không có hy vọng, không thể nào vượt qua nó được. Thế nhưng chúng ta hãy có hy vọng vì điều này đã được tìm thấy trong Kinh Thánh "Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa." (Luca 18:27) Đây rõ ràng là một lý do chính đáng để chúng ta thấy được vì sao việc cầu nguyện chuyển cầu (intercessory prayer) đáng quý và có giá trị. Đặc biệt là trong mùa Chay Thánh chúng ta được mời gọi chú ý đến lợi ích của sự cầu nguyện chuyển cầu này trong gia đình, trong nhóm, hội đoàn, giáo xứ và Giáo Hội.

Giá Trị Của Sự Cầu Nguyện Chuyển Cầu.

Việc cầu nguyện chuyển cầu không giống như việc thờ phượng, việc soi sáng thiêng liêng (spiritual enlightenment), hay tạ ơn. Đây không chỉ là việc cầu nguyện cho những người đang cần giúp đỡ. Nhưng nó là một sự kết hợp của việc cầu xin Thiên Chúa đồng hành bước vào một hoàn cảnh nào đó của mỗi người chúng ta. Qua sự đồng hành này chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ ban ân sủng để giúp chúng ta tìm ra phương cách nào đó ngõ hầu chúng ta có thể giải quyết cho một sự việc, một vấn nạn nào đó mà chúng ta đang gặp phải trong đời sống.

Chúng ta có biết việc cầu nguyện chuyển cầu quan trọng đến như thế nào đối với Thiên Chúa không? Có lẽ chỉ cần nhìn vào Kinh Lạy Cha chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Trong lời Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin những điều gì là quan trọng, thí dụ như: Cho chúng ta thờ phương và thấy được vinh quang của Thiên Chúa. Cho chúng ta mở lòng đón nhận “Ý” và kế hoạch của Thiên Chúa, để Thiên CHúa ban cho chúng ta lương thực hằng ngày, tha thứ tội lỗi, và bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ, khỏi những cám dỗ. Và một điều quan trọng hơn nữa là Thiên Chúa ao ước chúng ta cũng sẽ làm cho những người chung quanh những gì mà Thiên Chúa làm cho từng người chúng ta.

Việc cầu nguyện chuyển cầu thật sự là đều rất quý giá đến nỗi chính Chúa Giêsu Kitô cũng áp dụng phương thức cầu nguyện này. Vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, trong Bữa Tiệc Ly vài giờ trước khi bị bắt, bị tử nạn, thì Chúa Giêsu đã cầu nguyện xin Thiên Chúa bảo vệ cho các tông đồ và những môn đệ tương lai của Ngài là mỗi người chúng ta, và ban ân sủng ngõ hầu chúng ta có thể chiến thắng sự cám dỗ của ma quỷ; thánh hóa mỗi người chúng ta và ban ơn để chúng ta có sự hiệp nhất. (Gioan 17: 9-21)

Như thế thì đã quá rõ ràng là lời cầu nguyện chuyển cầu không phải là một việc thiêng liêng thứ yếu; nhưng ngược lại nó rất quan trọng và cần thiết cho đời sống tâm linh của người tín hữu Công Giáo. Đặc biệt hơn nữa là trong mùa Chay Thánh thì việc cầu nguyện chuyển cầu là một thứ vũ khí mạnh mẽ chống lại những cám dỗ của tội lỗi và sợ hãi trong con người yếu đuối của mỗi người chúng ta.

Sự liên lĩ kiên trì

Sự liên lĩ kiên trì là tâm điểm của việc cầu nguyện chuyển cầu. Người thực hành cầu nguyện liên lĩ sẽ dành được sự chú ý của Thiên Chúa. Đây không phải là điều mà Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy qua những câu chuyện trong Phúc Âm hay sao!? Trong Phúc Âm Thánh Luca có câu chuyện người kìa bị người bạn hàng xóm đến quấy rầy lúc nữa đêm. Vì không muốn ra khỏi gường cho nên ông ta đã từ chối không chịu giúp đỡ. Mặc dầu bị từ chối nhưng người bạn kia vẫn không bỏ cuộc mà cứ tiếp tục liên lĩ kiên trì gõ cửa. Cuối cùng thì ông ta cũng ra khỏi giường để giúp người hạn hàng xóm. (Luca 1:5-13)

Kinh Thánh cũng có hai câu chuyện khác nữa mang cùng một ý tưởng “đạt được” do sự bền đỗ liên lĩ và kiên trì. Câu chuyện thứ nhất trong Phúc Âm thánh Luca nói về việc một bà góa đã đến xin ông quan tòa thẩm phán chấp nhận yêu cầu của bà ta. Trong câu chuyện này Chúa Giêsu cho thấy rằng ông quan tòa không nhất thiết phải theo quyết định của bà ta bởi vì bà ta đúng, nhưng mà vì bà ta cứ kiên trì liên lĩ cầu xin mãi nên ông đã làm vừa lòng bà ta để bà ta không còn làm phiền nữa nhờ đó ông ta hết mệt mỏi. (Luca 18:-8)

Câu chuyện thứ hai nằm trong Phúc Âm của Thánh Mát-thêu qua cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người đàn bà thành Ca-na. Bà ta đến xin Chúa chữa lành cho con bà đang bị bệnh. Nhưng vì bà là người dân ngoại, nên Chúa Giêsu đã không sẵn lòng giúp đỡ. Bất chấp việc Chúa Giêsu coi người dân ngoại là bà ta như những con chó, bà ta vẫn khiên nhẫn liên lĩ cầu xin. Cuối cùng thì Chúa Giêsu cũng đã phải đầu hàng cái tâm tình liên lĩ kiên trì của bà ta khi Ngài nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.” (Mát=thêu 15:21-28)

Cũng cùng một cách như thế, Chúa Giêsu đã khắng định cho chúng ta biết rẳng Thiên Chúa hứa rằng nếu chúng ta liên lĩ kiên trì trong việc cầu nguyện chuyển cầu thì Ngài sẽ đáp trả, "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho…” (Mát-thêu 7:7)

Chúa Giêsu Chuyển Cầu Cho Chúng Ta

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng tất cả các ông sẽ bỏ rơi Ngài trong những giờ phút mà Ngài cần sự chia sẻ và giúp đỡ nhiều nhất. Rồi Chúa Giêsu quay sang nói với ông Phê-rô rằng: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh" (Luca 22:32). Chúa Giêsu biết trước rằng ông Phê-rô sẽ cần đến sự giúp đỡ ân sủng của Thiên Chúa khi ông chối là đã không biết Ngài trong đinh quan Phi-la-tô, nên Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho ông Phê-rô cụ thể là cho việc chối Chúa của ông.

Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện riêng cho Thánh Phê-rô hoặc các tông đồ, mà Ngài còn cầu nguyện cho những ai theo Ngài như đã nói trong thứ gửi các tìn hữu Do Thái rằng Ngài “sống mãi mãi để chuyển cầu” cho mỗi người chúng ta.(Thư Do-Thái 7:25) Chúng ta hãy hình dung tưởng tượng trong đầu mình hình ảnh Chúa Giêsu đang sống trong vinh quang và đẹp đẻ của Thiên Đàng, và Ngài đang dành toàn thời gian của Ngài “mãi mãi cầu nguyện”cho chúng ta là môn đệ của Ngài. Hãy tin rằng ngay bây giờ trong khi chúng ta đọc bài này thì Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho chúng ta và cho những người thân yêu của chúng ta.

Cũng cùng một cách thức như thế, là người Công Giáo, chúng ta đã được dạy ngay từ khi còn bé là hãy cầu xin Đức Mẹ Maria “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử,” vì chúng ta tin rằng Đức Mẹ có một vai trò đặc biệt trong việc chuyển cầu trên Thiêng Đàng. Giống như bất kỳ một bà mẹ tốt lành nào có thể bước vào căn phòng của con trai mình bất cứ lúc nào để xin sự giúp đỡ của con mình. Mẹ Maria cũng có thể làm như vậy. Mẹ Maria biết những khó khăn thách đố và đau đớn của những vết thương cũng như những nhu cầu cần thiết của các con cái của Mẹ. Do đó Mẹ Maria hằng tiếp tục cầu nguyện cho các con cái của Mẹ. Mẹ Maria luôn an ủi chúng ta khi chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta. Mẹ Maria đảm bảo cho chúng ta rằng Mẹ hằng ở bên cạnh và cùng cầu nguyện cho và với chúng ta.

Điều này không phải là một sự thật mang lại an ủi và hy vọng cho mỗi người chúng ta hay sao? Chúa Giêsu đã hứa rằng nếu chúng ta xin, thì chúng ta sẽ được. "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho…” (Mát-thêu 7:7) Chúa Giêsu đã hứa rằng nếu chúng ta liên lĩ kiên trì trong việc cầu nguyện, thì chúng ta sẽ thấy những hành động của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hứa rằng Ngài và Mẹ của Ngài sẽ cùng đồng hành với chúng ta trong việc cầu nguyện cho hết mọi nhu cầu và bận tâm mà chúng ta dâng lên cho Thiên Chúa. Do đó chúng ta hãy tin chắc rằng chúng ta không bao giờ đơn côi và lẻ loi một mình trong cầu nguyện!

Ý Muốn Nhiệm Mầu Của Thiên Chúa

Một số người trong chúng ta có lẽ cũng thường hay nói: “Tôi đã từng liên lĩ kiên trì cầu nguyện, nhưng tại sao lâu quá mà lời cầu nguyện của tôi không được Thiên Chúa nhận lời, đáp trả!?” Đây là một trong những mầu nhiệm lớn lao cho đức tin của chúng ta. Chúng ta tin chắc rằng Chúa Giêsu Kitô luôn yêu thương từng người chúng ta. Và chúng ta cũng tin rằng Thiên Chúa không muốn thấy bất cứ một ai phải bị hư mất. Nhưng chúng ta thường xuyên không thấy những đáp trả từ Thiên Chúa cho những lời cầu nguyện của chúng ta, mặc dù đó là những ý hướng tốt lành và kiên nhẫn cầu nguyện có như thế nào đi chăng nữa. Câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi “tại sao” này là chúng ta hãy tin chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng Ngài đáp trả bằng cách nào và khi nào thì chúng ta không biết mà thôi. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta có nhận ra và sẵn sàng mở trái tim ra để đón nhận Ngài hay không mà thôi.!!!

Ông Joe Difato là chủ nhiệm nhà xuất bản tạp chí “The Word Among Us”, cho chúng ta một giương mẫu của sự nhẫn nại trong cầu nguyện cho dù không thấy có kết quả. Ông Joe có một đứa con gái lớn bị mù khi mới lên bốn tuổi. Ông ta cầu nguyện thường xuyên cho con gái mình được chữa lành. Giống như bất kỳ một người bố nào, ông Joe ao ước con gái của ông sẽ tìm lại được ánh sáng, sẽ khỏi mù. Cùng một lúc đó, ông thấy chính bản thân ông bị từ chối, bị thất vọng là con gái ông sẽ luôn bị mù. Tuy nhiên ông vẫn không đầu hàng và bỏ cuộc khi ông nói: “tôi tin rằng Chúa Giêsu muốn chữa lành cho con gái của tôi cho nên tôi vẫn tiếp tục cầu xin điều này.” Ông nói tiếp: “tuy thế, con gái của tôi vẫn cứ mù. Đôi khi điều này đã làm cho tôi thất vọng và lấy đi mất niềm tin và hy vọng là con gái của tôi sẽ được sáng mắt trở lại. Những lúc bị cám dỗ như thế, tôi luôn tự nhủ với lòng mình rằng tất cả những gì mà tôi có thể làm được là tiếp tục liên lĩ và kiên trì cầu nguyện bất chấp mọi sự ngờ vực và hoài nghi có nổi lên trong lòng của tôi.

Bốn Mươi Ngày Cầu Nguyện

Với sự hiểu biết rất hạn hẹp nên rất khó để cho chúng ta có thể hiểu được ý hướng của Thiên Chúa, “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi…” (Isaia 55:*) Như thế việc tốt nhất chúng ta có thể làm là hãy tiếp tục kiên trì đặt vững đức tin vào Thiên Chúa. Do đó chúng ta hãy tiếp tục kiên tri liên lĩ trong lời cầu nguyện với một tâm tình tin tưởng rẳng Thiên Chúa sẽ đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta theo sự khôn ngoan và thời gian mà Thiên Chúa thấy là có lợi nhất cho mỗi người chúng ta.

Với tâm tình này, tại sao mỗi người chúng ta lại không làm một chương trình kế hoạch cầu nguyện thiết thực trong Mùa Chay năm nay? Cầu nguyện, ăn chay, bác ái là ba việc mà Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta làm để sống trọn vẹn tâm tình Mùa Chay. Trong ba hành động này thì lợi ích và đối tượng của việc“bác ái” là người khác nhiều hơn chứ không phải là cho người thực hành việc bái ái. Do đó, chúng ta hãy nghĩ đến những người mà chúng ta biết đang gặp hoàn cảnh khó khăn, đau đớn, v.v.. bất luận về thể lý hay tinh thần gần nơi chúng ta đang sinh sống. Đi xa hơn một ít nữa chúng ta hãy nghĩ đến một vài hoàn cảnh đang xẩy ra trên thế giới đang làm chúng ta bận tâm nhất, thí dụ như ở Việt Nam đã và đang có những tình trạng đàn áp tôn giáo, đấu tranh đòi lại đất của Giáo Hội bị chính phủ Việt Nam chiếm đoạt, đấu tranh chống ô nhiễm môi trường làm cho cá chết do tập đoàn Formosa gây ra, v.v… Hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ đến những vấn nạn như tình trạng bất ổn ở Trung Đông, vấn nạn phá thai, ly dị, đồng tình luyến ái của xã hội, nạn đói ở Châu Phi, tình trạng nghèo khổ ở Việt Nam, ở Châu Mỹ La Tinh, v.v…. Chúng ta hãy mang những hoàn cảnh và vấn nạn này nói chuyện tâm tình với Chúa Giêsu trong giời cầu nguyện mỗi ngày của Mùa Chay năm nay.

Ao ước rằng tất cả chúng ta hãy cầu nguyện liên lĩ, “cầu nguyện không ngừng” (1 Thesalonians 5:17 trong Mùa Chay Thánh này. Có ai mà biết được!? Biết đâu đó, có khi nào vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh Thiên Chúa sẽ cho chúng ta thấy một dấu chỉ, một câu trả lời đặc biệt nào đó cho những ý chỉ, cho một người nào đó mà chúng ta đã liên lĩ kiên trì cầu nguyện trong suốt bốn mười ngày của Mùa Chay chăng!!!. Nếu được như vậy thì thật là hạnh phúc và vui sướng biết bao.

Phó tế Giuse Nguyễn Xuân Văn

Viết theo “When you Pray” trong The Word Among Us