Phàm làm một công việc gì cũng cần có nhân sự. Chúa Giêsu khởi sự cuộc đời hoạt động, Ngài cũng cần có nhân sự giúp sức, nếu Ngài muốn là Ngài là người thật. Còn nếu Ngài chọn Ngài chỉ là Chúa thật thôi, thì quyền năng của Ngài chẳng cần gì tới cái động tay của con người góp vào. Ngài phán một lời mọi loài liền có, từ không ra có, huống chỉ phán một lời ai nấy nghe theo thì còn dễ hơn gấp bội.

Nhưng vì Ngài sống ở trần gian, theo lời thuật của Luca: “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan” tức là muốn sống hệt như con người, ngoại trừ tội lỗi, nên Ngài đã cần đến những con người giúp một tay với Ngài. Và bài Tin Mừng hôm nay, thuật lại việc Chúa gọi 4 tay giúp sức: 4 tay này là hai cặp anh em ruột: Phêrô và Anrê. Giacobê và Gioan. Ta hãy nương theo cách Chúa gọi 4 tay này để suy đến mầu nhiệm ơn gọi nơi mỗi người chúng ta.

1. Trước hết ta hãy ngó xem 4 tay đó là ai.

Họ chỉ là những người thông thường, không hề xuất thân từ một trường cao đẳng nào, họ không hề được tuyển chọn từ giới tư tế, hàng giáo phẩm hay dòng quí tộc, họ không có học thức hay giàu có gì. Họ chỉ là các ngư dân nghĩa là con người bình thường. Chưa hề có ai tin tưởng vào con người bình thường như Chúa Giêsu. Dường như Chúa Giêsu muốn mời gọi: “Hãy giao cho Tôi mười hai người tầm thường và với chừng ấy, nếu họ tự hiến thân cho Tôi, Tôi sẽ thay đổi cả thế giới này”. Đừng bao giờ chúng ta nghĩ quá nhiều về mình là gì, nhưng hãy nghĩ đến những gì Chúa sẽ khiến chúng ta trở thành

2. Chúng ta chú ý lúc Chúa Giêsu gọi thì họ đang làm gì.

Họ đang làm công việc hằng ngày của mình, họ đang đánh cá (Phêrô và Anre), vá lưới (Gioan và Giacobe). Với nhiều nhà tiên tri cũng vậy. Amốt nói: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Chẳng phải là con cái của ngôn sứ nào cả, ra như là con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa thời quét lá đa. Không, tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Israen dân Ta”(7,14-15). Rất nhiều người được Chúa gọi không phải tại nhà Thiên Chúa, tức là Nhà Thờ, lúc đang cầu nguyện. Cũng không chỉ ở nơi bí mật, nhưng giữa lúc người ấy làm công việc hằng ngày. Một người sống trong một thế giới mà chính Thiên Chúa dựng nên và điều khiển, sẽ không thể nào trốn tránh được Ngài.

3.Chúng ta chú ý xem Ngài đã gọi họ như thế nào.

Chúng ta có biết lời nói đầu tiên và lời nói cuối cùng của Đức Giêsu với tông đồ đầu tiên là lời gì không? Đơn giản thôi: Hãy theo Tôi (Follow me: như chiếc xe con ở phi trường Tân Sơn Nhất khi có một chuyến bay đáp xuống đường băng, liền chạy ngay đến và đi trước để cơ trưởng máy bay cứ follow me mà vào tới chỗ đậu). Hôm nay gặp Simon Phêrô đang quăng lưới đánh cá, Follow me là lời Chúa Giêsu nói ngay với ông. Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho anh trở thành kẻ lưới người như lưới cá. Chúa không nói : “Hãy theo Tôi, đến Trường chuyên Tu Từ Học, để học cách dùng miệng lưỡi mà dẫn dụ người.” hoặc “Hãy theo Tôi, vào trường Tin Học, học cách vào mạng, (mạng là lưới) internet, để chụp bắt người như mạng lưới quốc tế internet lan tỏa khắp nơi. Chắc hẳn ngày nay nếu Đức Giêsu gọi bạn nào đang khi lên mạng để chat chắc hẳn Ngài cũng sẽ dùng một kiểu như Phêrô xưa rằng: Hãy theo Tôi, tôi sẽ làm cho bạn trở thành kẻ lưới trên mạng. Phêrô khi ấy đang lưới cá, nên ai đang ở ngành nghề nào thì Chúa để họ ở ngành nghề đó mà đi theo Người. “Hãy theo Tôi” là câu nói đầu tiên. Và cũng chính follow me là câu nói cuối cho Phêrô. "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy." Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?" Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao?" Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy."

4. Suy tư về ơn gọi của chúng ta

Người ta thường hiểu ơn gọi, ơn Chúa gọi, ơn Thiên Triệu theo nghĩa hẹp là ơn gọi làm Linh mục, dì phước, làm Frère. Nhưng thực ra mọi kitô hữu cũng đều được Chúa gọi để làm kitô hữu xứng đáng trong bậc sống của mình. Tiếng Anh: Ơn Gọi là Vocation. Mà Vocational Center lại mang nghĩa Trung Tâm Hướng Nghiệp, dạy Nghề, chứ không phải trung tâm tuyển lựa Ơn Gọi đâu. Vì cùng một chữ dùng, cho nên nội dung Ơn Gọi và Nghề Nghiệp cũng có nét giống nhau: được gọi (tức có năng khiếu) làm họa sĩ, làm nhạc sư, làm ca sĩ, làm thầy giáo, làm cô nuôi, làm sơ hiền, làm cha làm mẹ, làm anh làm em. Nhưng có một khác biệt lớn giữa ơn gọi và nghề nghiệp, công việc.

- Nếu ta làm vừa đủ để thông qua, đó là công việc. Nếu ta làm để đạt tới tốt nhất có thể, đó là ơn gọi.

- Nếu ta làm vì có ai đó nói cần phải làm, đó là công việc. Nếu ta làm, vì chính ta xác tín rằng cần phải làm, đó là ơn gọi.

- Nếu ta bỏ cuộc vì chẳng ai để ý hoặc nói lời cám ơn, đó là công việc. Còn nếu ta cứ trung kiên, dẫu chẳng ai để tâm đến ta, đó là ơn gọi.

- Nếu quan tâm của ta thành quả, đó là công việc. Nếu trung thành với bổn phận là điều ta nhắm tới, đó là ơn gọi.

- Thật khó để tạo hứng thú cho một công việc, nhưng hầu như không thể không hứng thú, khi đó là một ơn gọi.

- Khi ta nói: xong rồi. Đó là công việc. Còn ơn gọi, thì chính Chúa sẽ nói: xong rồi.

Ta hãy chu toàn công viêc, làm cha làm mẹ, làm con. làm thầy làm xưởng làm trong văn phòng… nhưng chu toàn như là được Chúa gọi. Đó chính là ơn gọi của bạn, để đến ngày kia, Chúa nói với bạn: xong rồi.

Một ngày kia, Phanxicô gọi một thầy khác cùng với mình đi rao giảng, như lời Chúa dạy, anh em hãy đi từng 2 người một. Thế là hai anh em ra đi, đi hết đường này đến đường nọ, vô ngõ này ra hẻm kia, rồi cuối cùng về đến nhà. Thầy dòng kia thắc mắc, thưa cha, con nghe cha nói ta sẽ ra phố rao giảng cơ mà.

“Ta đã giảng rồi đó.” Phanxicô đáp lại, “Khi ta đi đường, thấy cách ăn mặc đi đứng, nghe xầm xì về lối sống của ta, họ sẽ thắc mắc về đời sống của họ, như thế chẳng phải là giảng đạo rồi sao.”

Người Kitô hữu không có cách rao giảng nào hữu hiệu cho bằng chính đời sống nêu gương của mình.

Một người kia kể chuyện rằng, trước đó ông làm vườn. Khi chiến tranh bùng nổ, bị gọi động viên. Ông biết nếu quân đội Nhật đến làng ông, sẽ vơ vét hết, nên bao nhiêu của cải quý giá, ông cho vào chum, hàn bịt miêng lại, đào chôn trong vườn, chờ ngày chiến tranh hết, trở về lấy lên dùng.

Nhưng ông bị bắt, bị đầy đến đảo Salomon nhiều năm. Khi hết chiến tranh, quay trở lại, thì mọi sự thay đổi hẳn. Vườn cũ đã có chủ khác, và một ngôi nhà đã che kín bên trên. Ông đành đến gặp chủ và nói rõ có chôn cái hũ trong vườn, nay đã là nền nhà. Xin phép đào được không? Ông bà chủ mới, mới nghe tới hũ, liền… mỉm cười.

-Chúng tôi có đào được cái hũ khi làm nền, và đang giữ nó đây. Nay biết ông là chủ, chúng tôi xin trao lại. Nói dứt trao liền. Ông này nhận hũ mà mắt dán chặt vào người chủ mới, với câu hỏi: Chắc hẳn ông bà là người Công Giáo. Họ gật đầu mỉm cười.

Ta có được như vậy không ? Người khác nhìn ta mà nhận ra được ta là người Công Giáo. Đó đúng là ơn gọi, chứ không phải công việc.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(theo một số gợi ý của cha Hàm)