Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài biết rõ nhiều người thất vọng khi ngài không sử dụng từ “Rohingya” ở Miến Điện, nhưng mối quan tâm chính của ngài là làm sao chuyển đạt được những mối quan tâm đến những người có trách nhiệm tại Miến Điện về tình hình vi phạm nhân quyền tồi tệ này, và ngài đã làm được như vậy.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên trên chuyến bay từ Dhaka, Bangladesh, trở về Rôma rằng: "Nếu tôi dùng từ này, các cánh cửa sẽ đóng lại".

Ngài đã dành gần một giờ để trả lời các câu hỏi của các phóng viên sau chuyến đi 6 ngày tới Miến Điện và Bangladesh, nhưng yêu cầu rằng các câu hỏi nên tập trung về chuyến đi hơn là các chủ đề khác.

Trong các bài diễn văn ở Miến Điện, Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại nhiều lần nghĩa vụ bảo vệ sự sống và nhân quyền của tất cả mọi người. Nhưng ngài không đề cập cụ thể đến Rohingya, một nhóm Hồi giáo thiểu số tại bang Rakhine mà Liên Hiệp Quốc báo động là đang bị thanh lọc sắc tộc một cách có hệ thống. Quân đội Miến Điện, tuyên bố rằng họ đang tấn công vào các chiến binh thánh chiến, nhưng Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền trên thế giới đều cả quyết họ đã và đang phạm vào tội ác thanh lọc sắc tộc.

Chỉ từ tháng Tám đến nay, hơn 620,000 người Rohingya đã chạy trốn qua biên giới Bangladesh và sống chen chúc cùng hàng trăm ngàn người khác đã sống trong các trại tị nạn ở đó.

Đối với chính phủ Miến Điện, người Rohingya không tồn tại; thay vào đó họ được coi là các di dân không có giấy tờ.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên:

"Tôi biết rằng nếu, trong một bài phát biểu chính thức, tôi sử dụng từ này, thì họ sẽ đóng sầm các cánh cửa lại trước mặt tôi". Tuy nhiên, "tôi công khai mô tả tình hình và tôi đã có thể đi xa hơn nữa trong các cuộc họp riêng" với các quan chức chính phủ.

"Tôi rất, rất hài lòng với các cuộc họp," Đức Giáo Hoàng nói. "Tôi đã nói được tất cả những gì tôi muốn nói."

Đức Thánh Cha nói tiếp: Đúng là, "Tôi không có được hứng thú" khi có thể đưa ra "một lời tố cáo công khai, nhưng tôi hài lòng về các cuộc đối thoại, cho phép người kia nói và, theo cách đó, thông điệp đã được chuyển tải".

Cuối cùng việc có thể gặp được một số người tị nạn Rohingya ở Bangladesh là một khoảnh khắc cảm xúc đối với Đức Thánh Cha.

Chính quyền Bangladesh đã sắp xếp cho 16 người tị nạn đến Dhaka từ tỉnh Cox's Bazar, nơi có các trại tị nạn lớn, để họ có thể tham gia với các nhà lãnh đạo tôn giáo trong một cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha nhằm củng cố hòa bình.

Những người tị nạn đã phải di chuyển rất xa và đã trải qua quá nhiều những bi kịch trong đời nên Đức Thánh Cha nói ngài không thể chỉ bắt tay họ và thầm thì mấy câu an ủi như một số nhà tổ chức sự kiện này đã hoạch định.

Đức Thánh Cha đã có một vài phút với mỗi người, lắng nghe câu chuyện của họ với sự giúp đỡ của một thông dịch viên, nắm tay họ và nhìn vào mắt họ.

"Tôi đã khóc, nhưng cố giấu nó," Đức Giáo Hoàng nói với các phóng viên. "Họ cũng khóc."

Thật là cảm động khi lắng nghe họ và "Tôi không thể để họ bỏ đi mà không nói gì cả" với họ. Vì vậy, ngài yêu cầu người ta trao cho ngài một micrô và ngài nói về phẩm giá của Thiên Chúa ban cho họ và nghĩa vụ của các tín hữu của tất cả các tôn giáo phải đứng lên bênh vực cho họ như những người anh chị em. Ngài cũng xin lỗi vì tất cả những gì họ đã chịu đựng.

Đức Giáo Hoàng đã từ chối cung cấp cho các phóng viên những chi tiết về những cuộc gặp riêng tư của ngài với các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo quân sự ở Miến Điện, nhưng nhấn mạnh rằng các cuộc gặp gỡ đã được đánh dấu bởi những "cuộc đối thoại văn minh" và ngài đã có thể đưa ra những điểm được xem là quan trọng đối với mình.