(Perth 20/2/2005). “Anh chị em thân mến, hôm nay tôi muốn tuyên bố với anh chị em điều này: cuộc khủng hoảng ơn thiên triệu tại tổng giáo phận nay đã đến hồi kết thúc”. Lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey của tổng giáo phận Perth, miền Tây Úc Đại Lợi, thư ký Hội Đồng Giám Mục Úc Châu, đã lập tức được đáp trả bằng một tràng vỗ tay dài của anh chị em giáo dân Úc Việt đang tham dự lễ phong chức cho các tân linh mục Việt Nam hôm 13/12/2002. Đức Tổng Giám Mục ghi nhận ngày nay ít có một giám mục nào ở các nước phương Tây có thể nói một câu “xanh rờn” như ngài. Hướng về cộng đoàn Công Giáo Việt Nam đứng chật đầy nhà thờ, ánh mắt Đức Cha lộ đầy vẻ biết ơn.

Trong bài tường thuật về chuyến đi thăm Việt Nam vào đầu tháng Hai/2005, do chính Đức Tổng Giám Mục viết, ngài đã tường thuật những điều mắt thấy tai nghe về một Giáo Hội anh hùng “đã thắm đượm máu đào của các vị tử đạo”, một Giáo Hội mà “sau khi chế độ cũ bị lật đổ, đã bị bách hại không chút xót thương” với một số đông đảo “các linh mục, tu sĩ bị giết hay chết trong ngục tù cộng sản”.

Sự trân trọng của vị mục tử đối với cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, và tình cảm quý mến mà ngài dành cho người Công Giáo Việt Nam thể hiện rõ qua những lý do mà ngài đã đưa ra để giải thích cho chuyến đi Việt Nam của ngài. Trước hết, là để hiện diện trong thánh lễ đầu tiên nơi quê cha đất tổ của một linh mục Việt Nam thuộc quyền ngài, cha Francis Lý Văn Ca, đã xa quê 23 năm. Đức Cha đã không ngại đường xá xa xôi lặn lội xuống tận một làng quê hẻo lánh trong lưu vực sông Cửu Long để tận mắt chứng kiến niềm hân hoan trong ánh mắt, và nụ cười rạng rỡ của anh chị em giáo dân thuộc cộng đoàn địa phương vui mừng thấy lại được người anh em quen biết của họ mà “trước cuộc đại biến dẫn đến cảnh phải gạt nước mắt ra đi“ đã xa cách họ trong nhiều năm, nay về dâng lễ trong ngôi nhà thờ mới khang trang do sự giúp đỡ tài chính của Giáo Hội Công Giáo Úc Châu.

Nghe biết về một linh mục thuộc tổng giáo phận Sàigòn đã có sáng kiến giúp đỡ cho những phụ nữ trẻ mang thai trong vòng túng quẫn mà nếu không có sự giúp đỡ của ngài chắc chắn phải phá thai, Đức Cha đã tìm đến tận nơi, quan sát hỏi han tận tường và dành nhiều đoạn trong bài tường thuật của ngài để nói về sáng kiến bác ái của cha Giuse Đinh Huy Hưởng. Ngài bày tỏ lòng ngưỡng mộ chân thành của ngài trước công việc của cha Hưởng, và nêu ra như một gương sáng cho các linh mục trong tổng giáo phận. Ngài đề cập đến công việc của cha Hưởng như một điều nếu không nêu ra thì thật là thiếu sót: “Tôi phải nói với anh chị em về cha Giuse Đinh Huy Hưởng”. Công việc đầu tiên của ngài sau khi về Úc là chỉ thị cho Quỹ Phò Sự Sống của tổng giáo phận viết ngay một chi phiếu ủng hộ công việc của cha Hưởng.

Thái độ trân trọng của ngài đối với cộng đoàn Công Giáo Việt Nam còn thể hiện ở những lời cám ơn chân thành trước Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, các Đức Giám Mục Huế, Phát Diệm và Hà nội “về sự phong phú tinh thần anh chị em giáo dân của họ đã mang đến cho Úc Châu.”

Lý do thứ hai trong chuyến đi của ngài là để tìm lại những bạn bè cũ đã cùng học với ngài tại Trường Truyền Giáo tại Rôma, để mắt thấy tai nghe những khổ đau và bách hại của Giáo Hội tại Việt Nam cũng như chính cá nhân các vị đã phải trải qua.

Lý do thứ ba khiến nhiều người cảm động trước tình cảm quý mến của ngài dành cho người Công Giáo Việt Nam và thái độ khiêm nhường của ngài: “tôi muốn hiểu rõ hơn về văn hóa và việc thực hành đức tin của dân tộc mà cộng đoàn Công Giáo Việt Nam của chúng ta ở đây đã xuất thân từ đó”.

Bài tường thuật dài của Đức Tổng Giám Mục với tràn ngập hình ảnh được đăng trang trọng nơi trang giữa tờ The Record đem lại nhiều cảm mến dành cho người Việt Nam. Một linh mục Úc gặp gỡ chúng tôi ở cuối nhà thờ:

- Xin chúc mừng.

- Cha chúc mừng con điều chi?

- Cha đã đọc bài của Đức Tổng Giám Mục. Hèn gì ngày nào cũng thấy các vị Việt Nam ở đây đi lễ sốt sắng. Bây giờ được hiểu thêm. Good lắm. Cậu có biết cha Hưởng cho mình gởi lời ngưỡng mộ nhé! Cha Hưởng cừ lắm.

Thật là một niềm vui sáng Chúa Nhật!