Trong tuần qua, Thượng viện Pakistan đã thông qua dự luật bó buộc việc dạy và học kinh Qur'an ở các trường công lập. Văn bản bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục truyền đạt giáo lý kinh Qur'an cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, bất kể học sinh ấy có theo Hồi Giáo hay không.

Dự luật này nhấn mạnh rằng “cần phải hiểu sứ điệp của Thiên Chúa, để bảo đảm sự lan rộng của Hồi Giáo trong xã hội, để khuyến khích hòa bình và ổn định, để thúc đẩy các giá trị tối cao của con người về chân lý, sự trung thực, toàn vẹn, khoan dung và những hiểu biết khác”. Thêm vào đó, một bản ghi nhớ của chính phủ lưu ý rằng dự luật sẽ giúp Nhà nước hoàn thành trách nhiệm theo hiến pháp, như Điều 31 triệt 2 của Hiến pháp nói rằng “Nhà nước sẽ cố gắng thực hiện các giáo lý của kinh Qur'an”.

Các trường thuộc Giáo Hội Công Giáo và Tin lành ở Pakistan cũng bắt buộc phải dạy môn Hồi Giáo cho học sinh Hồi giáo, trong khi chưa có quy định cụ thể nào đối với các học sinh không phải Hồi giáo.

Luật sư Nasir Saeed, là một tín hữu Công Giáo và là giám đốc của “Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý dành cho các tín hữu Kitô” nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng: “Biện pháp này nhằm tăng cường Hồi giáo hóa trong xã hội Pakistan, và điều này có thể thúc đẩy sự không dung nạp tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chính phủ buộc trẻ em phải học Kinh Koran, ngoài ra, luật này có thể có ảnh hưởng tiêu cực đối với các học sinh không theo đạo Hồi, vì họ bị buộc phải tuân theo những bài học đó”.