Trong các ngày 27, 28 và 29 tháng Sáu này, Đài Truyền Hình SBS của Úc đã cho chiếu một cuốn phim không hẳn là tài liệu mà tả lại một cuộc thử nghiệm trong đó, 5 người nhà giầu tình nguyện sống như người vô gia cư trên hè phố Melbourne trong suốt 10 ngày.

Theo tài liệu của SBS, hiện có hơn 100,000 người Úc vô gia cư. Với khoảng cách giữa người có và người không có đang rộng dần, và gía nhà và giá thuê nhà đang gia tăng khủng khiếp, nạn vô gia cư là một khả thể khiếp đảm đối với nhiều người trong chúng ta hơn bao giờ hết.

Người giầu dơ dáy và người vô gia cư

Trong cuốn phim Filthy Rich and Homeless (Người giầu dơ dáy và người vô gia cư), năm người nhà giầu tình nguyện sống vô gia cư để có được một cái thoáng nhìn của cảnh sống không nhà là như thế nào.

Năm người này đã đổi lối sống ưu đãi của họ trong 10 ngày 10 đêm để sống trên đường phố Melbourne. Các tiên niệm của họ về những người vô gia cư sẽ bị xé nát khi họ đích thân trải qua cảnh từ có tất cả xuống gần như không có gì cả ra sao.

Với điện thoại, căn cước và tiền bạc bị lấy khỏi, 5 tham dự viên này đã chỉ nhận được quần áo cũ, một túi ngủ, và không có gì khác nữa.

Trong 10 ngày đêm sống mở mắt và thay đổi này, họ bị tách biệt nhau, mỗi người sẽ phải trải nghiệm cuộc sống một mình trên đường phố, trong nhà trọ, nơi những chỗ chứa người gặp khủng hỏang và nơi chiếm đất cắm dùi.

Họ phải gặp những người không có nhà, hiểu rõ hơn các lý do đa dạng và phức tạp tại sao những người này lại không có nhà và lắng nghe những câu truyện nát lòng của họ trong việc sống còn bất chấp vận xui.

Các người tham dự

Những người trên là những người có thực:

• Tim Guest là một nhà kinh doanh tự lập, 39 tuổi (xem cuộc phỏng vấn anh ở phần sau).
• Kayla Fenech là con gái nhà vô địch quyền Anh Jeff Fenech, 20 tuổi, được nuông chiều từ nhỏ, nay muốn mở mắt để thấy đời sống của người kém may mắn ra sao.
• Jellaine Dee, từ rách rưới trở thành doanh gia sắc đẹp trị giá nhiều triệu đollars, 33 tuổi.
• Stu Laundy, thế hệ thứ ba của một doanh nghiệp rượu trị giá nhiều triệu dollars, 43 tuổi, 4 con, thích du hành quanh Vịnh Sydney với chiếc du thuyền sang trọng của mình.
• Christian Wilkins, người mẫu và giao thiệp rộng của Sydney, 21 tuổi, con trai nhân vật truyền hình Richard Wilkins.

Hướng dẫn năm tham dự viên vào trải nghiệm xã hội trên là nhà báo nổi tiếng và là người say mê tranh đấu cho vấn đề vô gia cư Indira Naidoo. Trong suốt 30 năm qua, Naidoo từng làm chủ chương trình và tường trình cho các chương trình tin tức và thời sự nổi tiếng nhất của Úc. Ngoài ra, dự án này còn được hướng dẫn của Tiến Sĩ Catherine Robinson, một nhà chuyên môn về các vấn đề vô gia cư. Bà hiện làm việc cho Trung Tâm Nghiên Cứu và Hành Động Xã Hội của Giáo Hội Anh Giáo ở Tasmania. Bà là tác giả cuốn Beside One’s Self: Homelessness Felt and Lived (Syracuse University Press) và (với Chris Chamberlain và Guy Johnson) Homelessness in Australia (NewSouth Publishing).

Sản phẩm

Giám Đốnc Nội Dung Truyền Hình và Liên Mạng của SBS, Marshall Heald, cho hay: “Filthy Rich and Homeless có tính thách thức, xé lòng và đôi lúc ấm lòng một cách khó tin vì nó rõi ánh sáng lên một thành phần của xã hội vốn bị ngó qua hay ngó ngơ. Bằng cách giúp làm cho điều vô hình trở thành hữu hình, loạt phim này nhằm khởi động một cuộc đàm luận khắp nước quanh việc thay đổi hết sức cần thiết cho số dân vô gia cư đáng kể của Úc”.

Nói chuyện với tham dự viên Tim Guest

Tim Guest là một nhà triệu phú tự tạo; anh nghĩ mình hiểu, nhưng đích thân ngủ ở đường phố mở mắt để anh thấy rõ thực tế hàng ngày của người vô gia cư.

Tim năm nay 39 tuổi. Cuối tuổi 20, anh đã thôi hoạt động tài chánh và nay là ‘một nhà giáo dục tài chánh’. Là một người rộng lượng đóng góp cho nhiều cơ quan bác ái, anh rất buồn đã không làm được nhiều hơn cho người vô gia cư. Nhưng anh cũng tin rằng người ta có trách nhiệm đối với cuộc sống của riêng mình.

Sau đây là cuộc phỏng vấn Tim Guest của SBS:

Anh tích cực ra sao đối với thành quả của việc tham dự? Anh có nghĩ nó sẽ mở mắt anh khi anh tới lúc kết thúc nó không?

Khá khó mà nói vì tôi không hoàn toàn biết chúng tôi làm gì. Tôi không biết mình mong điều gì. Từ những gì họ cho tôi biết, đây sẽ là một cuộc trải nghiệm 10 ngày có tính dìm mình vào vấn đề vô gia cư. Họ không cho chúng tôi hay bất cứ điều gì nhiều hơn thế. Nhưng đồng thời, tôi cũng đoán được phần nào việc chúng tôi sẽ làm. Tôi nghĩ nó sẽ mở mắt để tôi thấy một điều tôi vẫn ngây thơ và ngu muội không biết. Và cùng một lúc, tôi biết nó sẽ rất khó nhá, nhưng cũng là một cơ hội. Dù phải kinh qua một điều khó nhá, nhưng nó sẽ đem lại cái nhìn thấu suốt cho hàng trăm ngàn người có thể chưa có dịp.

Trải nghiệm này thay đổi cuộc sống ngày qua ngày của anh ra sao?

Nó chắc chắn thay đổi cách tôi tương tác với người vô gia cư. Trước khi tham gia dự án này, [tôi nghĩ tôi hiểu] – có thể vì chúng tôi đã tặng 10% lợi nhuận cho các cơ quan bác ái, chúng tôi lại làm việc gần gũi với một số tổ chức liên hệ tới cảnh vô gia cư như Manor Inc.Chúng tôi đã tài trợ Trại Người Trẻ của Đội Quân Cứu Thế ở Tây Úc, nhờ thế chúng tôi đang tạo được dị biệt lớn lao.

Nhưng còn về đời sống thực của tôi, thỉnh thoảng tôi cũng thấy người vô gia cư. Tôi thường dừng lại và tự giới thiệu mình. Tôi tìm biết xem tên họ là gì. Tôi hỏi họ ngày sống của họ diễn tiến ra sao, họ được tắm lần cuối cùng khi nào, họ ngủ ở đâu, họ có an toàn không, họ có đồ vệ sinh hay không. Không phải chỉ là việc Hỏi Thưa, nhưng tôi dành năm phút để khám phá xem điều gì đang xẩy ra với họ và xem có điều gì tôi có thể làm để giúp họ không.

Các câu hỏi anh hỏi họ có phải là các câu hỏi mà anh nghĩ sẽ hỏi trước đây không?

Không. Tôi nghĩ đây là một rào cản lớn đối với tôi. Cho dù họ có thể nói với một người vô gia cư, nhưng có một người vô gia cư mà có lẽ chúng ta rất quen thuộc, người này sẽ xin tiền lẻ hay một điếu thuốc. Nhiều lần tôi đã thấy người vô gia cư và muốn làm một điều gì đó, nhưng không biết phải bắt đầu ra sao… bây giờ, tôi đã có ý niệm tốt hơn phải bắt đầu từ đâu. Nay mới biết việc này đơn giản xiết bao, nhưng ở trên đời, đôi khi khó thấy cánh rừng qua các gốc cây.

Ngay đối với tôi, một trong những điều tôi không mong chờ là việc không có chiếc đồng hồ đeo tay hay đồng hồ treo tường là một điều gây tác động mạnh mẽ xiết bao. Khi thức giấc vào ban sáng mà không biết mấy giờ. Và điều này rất khó vì bạn phải biết các nơi chốn nhất định và các thời khắc nhất định để có ăn.

Tôi thường có ý nghĩ trong đầu rằng nếu tôi sắp giúp một người vô gia cư, tôi sẽ không cho tiền vì sợ họ có thể dùng tiền bậy. Bây giờ thì tôi bất cần. Nếu họ muốn đi tiêu nó vào ma túy hay rượu chè - Quả là khó. Nếu họ muốn có một ngày trong đó họ quyết định sẽ đi say sỉn… Tôi từng thế mà. Có những lúc tôi làm việc cả mấy tuần liền và quyết định sẽ đi ăn và nhậu vài ly đến có thể phải đi đái. Thì tại sao họ lại không được hưởng cùng một điều. Và rồi, dĩ nhiên, cũng có mặt khác của vấn đề. Theo tôi thấy, nhiều người trong số họ dùng ma túy như một cách chữa bệnh. Một vài người trong số họ còn bị quấy nhiễu và lạm dụng tình dục… bạo hành gia đình. Rõ ràng tôi không ủng hộ ma túy, nó không lợi cho sức khỏe và nó chẳng giúp ích chi. Tôi đoán: điều gây tác động mạnh nơi tôi là tôi cho họ tiền. Tôi bất cần họ tiêu nó vào điều gì. Tôi hy vọng nó giúp họ phần nào.

Nói về hậu cần của việc ngủ ngoài đường, điều gì mở mắt nhất anh đã gặp?

Về thể lý, điều này thật khó khăn. Một trong các điều này là bạn phải vác các đồ lỉnh kỉnh của mình đi khắp nơi. Bạn không thể để chúng ở lại bất cứ nơi nào, mà tôi thì rảo bước khắp chốn. Bạn phải đi từ chỗ cung cấp phục vụ này đến chỗ cung cấp phục vụ kia. Có lần tôi thức giấc tại chỗ mình nằm. Có một trong các nhà vệ sinh tự rửa ở Đường Bourke có lẽ cách một cây số, nên tôi phải đứng dậy và bước cả một cây số để đi vệ sinh. Rồi tôi phải tới một nhà thờ nơi họ cho ăn sáng, lại một hay hai cây số cuốc bộ nữa. Và việc này phải làm trước khi được ăn sáng. Thành thử, quả là gian khổ về thể lý. Nhưng đối với tôi, tính thể lý của nó chẳng thấm thía gì so với việc được hiểu một số người tôi gặp ngoài đường, nghe truyện của họ, và một số câu truyện này xé lòng xé dạ xiết bao. Tôi thường được gợi hứng bởi lòng can đảm của họ, sự kiên cường của họ, sự tháo vát của họ. Rất nhiều người tôi gặp, tôi lắng nghe các câu truyện của họ và trong đầu tôi bỗng nẩy ra ý nghĩ “mình sẽ ra sao nếu phải sống y hệt thế này”. Nói thật, có lẽ tôi sẽ tự sát hoặc đã chết từ lâu rồi. Việc họ làm và họ là, đối với tôi, quả là điều gợi hứng. Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng với tôi đúng như thế.

Bạn bè và gia đình anh nói gì khi anh bảo họ anh sẽ làm việc này?

Người bạn đời của tôi không muốn tôi đi, nhưng rất ủng hộ. Nàng biết tính tôi. Nàng biết tôi thích thúc đẩy và thách đố bản thân mình. Tôi đặc biệt thích làm việc này khi nó tạo được một khác biệt nào đó cho người khác. Nàng lo lắng cho tôi, nhưng bạn không thể làm tôi bỏ cuộc thực sự. Với các người bạn khác và gia đình tôi cũng thế. Ủng hộ, nhưng đồng thời cũng có rúng động về việc nó sẽ như thế nào, nguy hiểm… nhiều người lo sợ về việc sống ngoài đường nguy hiểm xiết bao. Tôi có được an toàn hay không? Những câu hỏi, tôi trả lời không được. Đôi khi tôi bảo họ “họ không để chúng tôi làm điều này nếu không an toàn”.

Anh có đoàn quay phim với anh mà…

Chính xác,nhưng đôi khi không phải là điều tốt nhất.

Tại sao không?

Hãy đặt bạn vào thân phận người vô gia cư. Chẳng hạn, tôi nhớ buổi sáng đầu tiên đến một nơi ở Đường Kilda để kiếm đồ ăn. Đoàn quay phim đang đi theo tôi nhưng ngay lúc ấy tôi quẹo ở góc phố để tới chỗ có khoảng 10-15 người vô gia cư; mấy người này hoảng hồn khi thấy máy quay phim. Họ không muốn bị quay hình. Nó tạo ra tính dễ thất thường (volatility), sẵn sàng bạo động. Nhiều người đang phải đương đầu với bệnh tâm thần. Nhiều người bị ảnh hưởng hoặc ma túy hoặc nghiện rượu. Có những người mang vũ khí.Tôi nghĩ để tự vệ, nhưng đây là một môi trường thất thường, dễ bạo động. Phái một đoàn quay phim tới là bạn tạo ra một điều không ai biết trước. Rất nhiều lần tôi phải nói với đoàn quay phim “để tôi đi đây một mình hoặc qúy anh đừng cho người ta thấy rõ qúy anh đang quay phim tôi”.