CUỘC TRỞ VỀ CỦA NHỮNG NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY

(chia sẻ dụ ngôn Người con hoang đàng Lc 15, 11-32)

1. Lòng nhân hậu của người cha già

Tấm lòng người cha, người mẹ luôn mở rộng và bao dung cho dù con mình đã làm nhiều điều xúc phạm. Theo văn hóa Việt, việc chia tài sản chỉ xảy ra khi cha mẹ qua đời, ý muốn của người con thứ muốn được chia gia tài và ra ở riêng phải chăng nằm trong ý nghĩa đó ? Đau khổ của người cha càng dâng cao khi biết chắc chắn con mình đang lao vào hết sai lầm này đến sai lầm khác, nhưng không có cách nào cản được; và càng đau khổ hơn khi thấy con bước vào chỗ chết nhưng chỉ biết đứng nhìn con từng ngày héo mòn.

Hạnh phúc bao nhiêu khi con được sinh ra vuông tròn, nhưng nay lại càng đau khổ bấy nhiêu khi không thể níu kéo con, bảo vệ con trong vòng tay của mình. Người cha đó chỉ biết mong chờ một ngày nào đó con trở về. Trong hi vọng, cha đã chuẩn bị tất cả: quần áo, giầy dép, nhẫn … tất cả đều mới.

“Anh ta còn đang ở đàng xa thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (Lc 15, 20). Kết quả của bao ngày tháng mong chờ mòn mỏi đã được bù đắp. Không để con kịp nói lời xin lỗi và xin chỉ được làm người ở, cha đã kêu gọi các đầy tớ mang tất cả những gì đã chuẩn bị cho cậu con cưng của mình. Ông đã trao ban lại tất cả những gì người con thứ đánh mất, món quà giá trị nhất là được trở về với quyền của một người con.

2. Người con thứ và cuộc trở về

Người con đang sống trong vòng tay ấm áp, được bảo bọc bởi tình thương yêu của cha mẹ nên rất khó nhận biết giá trị của nó. Luôn luôn mang suy nghĩ sống độc lập và được tự do làm theo ý riêng thúc đẩy người con thứ “trẩy đi phương xa” cùng phần gia tài nhận được. Với thói quen sống thỏai mái trong gia đình, anh ta vung tay ăn chơi : có tiền mua tiên cũng được. Làm bạn với nàng tiên nâu, cùng say sưa trong ảo giác làn khói cuốn hút anh bay bổng quên đi quá khứ, quên đi hiện thực vui thú cùng bạn bè.

Nàng tiên nâu hút dần sinh khí của anh, hút dần sức sống và tất cả những gì anh có trong cuộc đời. Để rồi khi nhìn lại, anh giật mình vì : “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói !” (Lc 15, 14-17).

Kết quả của việc muốn có một đời sống tự do thỏai mái, không lệ thuộc vào gia đình là đây. Bạn bè của anh ở đâu, những người đã cùng thề sinh tử - sống chết có nhau khi anh còn tiền bao bạn ăn chơi, còn tiền chia nhau từng tép thuốc tiên nâu. Tất cả trở về con số không, con số tròn trĩnh dễ thương nhưng khó nuốt, khó chấp nhận được.

Lần vấp ngã này giúp anh chân nhận được tất cả : “Thôi, ta đứng lên đi về cùng cha và thưa với người : Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng đáng gọi là con cha nữa. Xin cho con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha” (Lc 15, 18-20). Dũng cảm chấp nhận tất cả, chấp nhận con người đuối của mình làm thành sức mạnh và quyết tâm trở về; chấp nhận đến độ chỉ dám coi bản thân như là một người làm công cho cha. Mặc cảm vì những gì đã gây ra nên anh chẳng mơ mộng gì hơn nếu được như thế, được nhìn lại hình ảnh thân thương của cha, được nghe giọng nói ân tình dù chỉ trong vai trò là một người đầy tớ. Động lực đó giúp anh thêm can đảm tiến bước …

Rụt rè không biết phản ứng của cha thế nào khi thấy anh trở về, anh chỉ dám rón rén từng bước run run. Và kìa : “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20). Tất cả mặc cảm được thay thế bằng vòng tay nồng ấm của cha đón tiếp, rộn ràng niềm vui làm bữa tiệc bê béo đón mừng, anh òa khóc. Tiếng khóc và những giọt nước mắt ân hận, giọt nước mắt có vị đắng của nhiều sai trái, giọt nước mắt có vị mặn nồng của hạnh phúc được trở về trong yêu thương. Anh luôn tự nhủ bản thân không bao giờ làm bất cứ điều gì làm cha buồn, luôn mãi là một người con nhỏ bé sống trong lòng tình yêu của cha.

3. Người con cả : cuộc trở về không trọn vẹn

Làm một cuộc trở về không phải dễ, và càng khó hơn để hòa nhập lại vào đời sống chung của gia đình, của xã hội : “Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ, cậu trả lời cha : Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê để con ăn mừng với bạn bè” (Lc 15, 28-29).

Phản ứng của người anh cả chẳng khác gì phản ứng của xã hội hiện nay đối với những người đã từng nghiện ma túy, đã từng làm một điều xấu nào đó. Ấn tượng xấu luôn lưu lại trong kí ức con người nhưng ấn tượng tốt chỉ như cơn gió thỏang qua. “Nổi giận và không chịu vào nhà”, người anh cả xã hội luôn luôn có cái nhìn đề phòng và không chấp nhận có sự thay đổi : "nhiều lúc về Tp HCM chơi trong những ngày phép. tôi đi lễ ở giáo xứ, thánh lễ thật trang nghiêm, sống động. Tới lúc lễ xong, đi về nhà thì một số người tỏ vẻ khá bất ngờ khi gặp tôi, cái nhìn soi mói như dò tìm một cái gì trong tôi, rồi xì xầm, to nhỏ, chắc chắn là những câu nói ko hay. Tự nhiên tôi cảm thấy khó chịu ngượng ngùng, và rất bực bội. không hiểu tại sao lại còn những người thiển cận tới như vậy. Nhưng nghĩ lại thì cũng do mình, tuy không làm hại tới ai nhưng những người đã bị biết với cái danh từ ghê tởm là THẰNG XÌ KE thì sẽ ko tránh khỏi những cái nhìn như thế" (Út Sáu, gđ Phục Sinh). Phải chăng chính những hành động tiêu cực này đẩy người con thứ trở về con đường cũ : tái nghiện ?

Đúng thế, đứng trước cái nhìn nghi kị, cái nhìn ác cảm và thậm chí pha thêm chút ghen tức của xã hội đã cản bước chân cuộc trở về của người con thứ : ” Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !” (Lc 15, 30).

“Thằng con của cha đó” không phải là người em của anh sao ? “thằng con của cha đó” không phải là một con người có phẩm giá và quyền làm người ? Câu nói sao quá đau xót. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, đã là con người đều tồn tại khả năng vượt trội cùng những giới hạn riêng. Hãy nhìn khuyết điểm của bản thân để hiểu, thông cảm và chia sẻ khuyết điểm của người khác : “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng hoan hỉ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 31-32).

Lòng nhân hậu, vâng chỉ có lòng nhân hậu mới đón nhận cuộc trở về trong hạnh phúc vui mừng; chỉ có lòng nhân hậu mới có cái nhìn thông cảm, hiểu thấu và chia sẻ. Cuộc trở về của người con thứ chỉ trọn vẹn nếu xã hội tiếp đón trong lòng nhân hậu.

“Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng hoan hỉ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 31-32).

Bài chia sẻ nhóm gia đình cai nghiện Phục Sinh (www.phucsinh.org)