Về mặt chính thức, lời mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm Ai Cập xuất phát từ Tổng Thống nước này và vị Chủ Tịch của cả Đền Thờ lẫn Đại Học lâu đời nhất thế giới Hồi Giáo là Al-Azhar.

Đền thờ và Đại Học Al-Azhar

Tên của Đền Thờ và Đại Học nói trên đặt theo tên của Fatima Az-Zahraa, con gái cưng của Muhammad, người mà triều đại Fatimid tự hào coi là tổ tiên.

Đền thờ này được xây dựng trong hai năm bắt đầu từ năm 971 Công Nguyên, bởi Caliph Al-Mu'izz li-Din Allah. Đây là đền thờ đầu tiên xây dựng tại Cairo, một thành phố, từ đó, có tên là “kinh thành của ngàn ngọn tháp”. Trường thần học (madrassa) liên hê với Đền Thờ được thiết lập năm 988 như một trường của phái Ismai Shia, nhưng không bao lâu sau, trở thành trường của phái Sunni cho tới nay. Nó tự coi mình là đại học Hồi Giáo lâu đời nhất thế giới, nhưng điều này bị Đền Thờ Kairaouine ở Fes, Marốc, tranh cãi.

Trong hơn một thiên niên kỷ qua, sinh hoạt học thuật cốt lõi tại Al-Azhar vẫn là một: các sinh viên học Kinh Kôrăng và luật Hồi Giáo trong chi tiết, cùng với luận lý học, văn phạm, tu từ học, và cách tính các giai đoạn của chu kỳ mặt trăng. Phần lớn việc học hỏi này diễn ra bằng cách ngồi quanh (halqa) một vị thầy (sheik), lắng nghe ông ta và học thuộc lòng. Khi đã học lên cao hơn, sinh viên có thể tham gia cuộc tranh luận kiểu Sôcrát với các thầy dạy của mình và giảng dạy các lớp đàn em.

Al-Azhar không thu nhận các sinh viên không thực hành Hồi Giáo nhưng cung cấp việc huấn luyện các nghề thế tục; bởi thế, nó là một phối hợp độc đáo giữa một chủng viện thần học và một đại học thông thường, với việc thiết lập các phân khoa y khoa và kỹ sư vào năm 1961. Sĩ số hiện nay vào khoảng 90,000 sinh viên.

Al-Azhar được phần lớn người Hồi Giáo Sunni coi như trường luật Hồi Giáo nổi tiếng nhất, và các học giả của nó được coi như các học giả trổi vượt nhất trong thế giới Hồi Giáo. Mục đích công khai của nó luôn là truyền bá văn hóa Hồi Giáo và ngôn ngữ Ả Rập.

Để đạt mục đích trên, nó duy trì một ủy ban các ulemas (học giả) để phán quyết các vấn đề cá thể thuộc Hồi Giáo, một cơ quan in ấn để in Kinh Kôrăng, và huấn luyện các vị giảng thuyết về nghệ thuật giảng đạo và truyến bá đức tin Hồi Giáo. Al-Azhar được quản trị bởi một Hội Đồng Tối Cao; Hội Đồng này có nhiệm vụ ấn định chính sách tổng quát, đứng đầu bởi một Đại Imam gọi là "Sheikh Al-Azhar".

Từ năm 1929, Al-Azhar ấn hành một tập san nhằm mục đích phổ biến các luật lệ tôn giáo, các đề tài liên quan tới việc truyền bá văn chương Hồi Giáo, và các pháp chế (sharia) căn bản, bao gồm các phân bộ lịch sử, địa dư, các bản dịch thuật và tin tức liên quan tới thế giới Hồi Giáo.

Vị Đại Imam hiện nay của Al-Azhar từng tuyên bố rằng những kẻ chủ mưu cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 (vào tòa Tháp Đôi New York) và các cuộc ném bom tự sát đều là những kẻ không đi theo con đường chân chính của Hồi Giáo. Trong một hội nghị mới đây ở Indonesia, vị này yêu cầu “mọi tín hữu đích thực” bác bỏ việc các diễn giả sai lạc đầy bạo động của Hồi Giáo lên tiếng tại các đền thờ, nhằm ngăn chặn việc lan tràn các ý thức hệ bạo lực.

Đại giáo trưởng Ahmed el-Tayeb

Tên vị Đại Imam nói trên chính là Ahmed el-Tayeb. Ông được nguyên Tổng Thống Hosni Mubarak bổ nhiệm năm 2010 và được coi là một trong các giáo sĩ ôn hòa nhất của phái Sunni Ai Cập. Đậu tiến sĩ triết học Hồi Giáo tại Đại Học Sorbonne, Paris, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Đại Học Al-Azhar từ năm 2003.

Nói đến tính ôn hòa, phải kể đến đại hội quốc tế năm 2016 tại Chechnya, với sự tham dự của hơn 100 tư tưởng gia Sunni. Hội nghị này nhằm đưa ra “một chủ trương không khoan nhượng chống lại chủ nghĩa khủng bố takfiri (tuyên bố ai đó lạc giáo) ngày một gia tăng đang gây họa khắp thế giới”. Đại Imam el-Tayeb có tham dự đại hội này.

Trong một bài báo đăng ngay sau khi ông được cử đứng đầu Đại Học Al-Azhar, Đại Imam được mô tả là “một người trung thành của chế độ và là thành viên của Đảng Dân Chủ Quốc Gia đang cầm quyền của Ông Mubarak, một thành viên có chủ trương cương quyết chống lại nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood)". Ông được trích dẫn đã nói rằng Al-Azhar sẽ “không bao giờ là lãnh địa mở cửa cho Huynh Đệ Hồi Giáo”.

Bởi thế, ông ủng hộ cuộc đảo chánh truất phế Tổng Thống Mohamed Morsi, một lãnh tụ của Huynh Đệ Hồi Giáo.

Ông cũng là người cực lực lên án ISIS, cho rằng nó hành động “dưới chiêu bài tôn giáo thánh thiêng và tự gán cho mình danh hiệu ‘Nhà Nước Duy Hồi Giáo’ trong mưu toan xuất cảng thứ Hồi Giáo Giả Mạo của chúng”.

Có điều, ông không bao giờ minh nhiên coi bọn ISIS là lạc giáo. Vì theo trường phái Ash’ari của ông, ta không được gọi một tín đồ Hồi Giáo là người bỏ đạo, như phái chủ trương takfiri (tuyên bố ai lạc giáo) thường làm.

Trung dung giữa duy cực đoan và duy hiện đại

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với nhật báo Al-Masry Al-Youm năm 2015, Đại Imam Ahmed el-Tayeb giải thích lập trường của Al-Azhar liên quan tới lời kêu gọi của Tổng Thống el-Sisi muốn cổ vũ một viễn tượng thông sáng hơn bên trong Hồi Giáo. Một cách đặc biệt, Đại Imam đề cập tới các sai lạc đầy tính bạo động của một số phần tử tự coi mình là Hồi Giáo, và vai trò thực sự của Al-Azhar trong cộng đồng Hồi Giáo.

Thực vậy, dịp kỷ niệm 4 năm cuộc Cách Mạng Ai Cập, Tổng Thống Abdel Fattah el-Sisi lên tiếng kêu gọi các vị hữu trách Hồi Giáo ‘bước ra khỏi’ luồng tư tưởng tôn giáo bị phần lớn nhân loại coi là đe dọa, ngõ hầu đem lại một viễn tượng ‘thông sáng” hơn. Cuối lời kêu gọi, ông quay qua Đại Imam mà nói rằng: “Ngài có trách nhiệm lớn lao trước mặt Thiên Chúa. Toàn thế giới đang mong đợi lời lẽ của ngài”.

Đáp ứng của Đại Imam diễn ra ngay sau đó, trong cuộc phỏng vấn ngày 14 tháng Giêng năm 2015. Trong cuộc phỏng vấn này, ông đề cập tới nhiều vấn đề: vai trò của Al-Azhar, chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo, việc huấn luyện các Imam, giáo huấn tôn giáo, cuộc tấn công tờ Charlie Hebdo ở Paris, và các mối tương quan với Huynh Đệ Hồi Giáo và Nhà Nước Ai Cập.

Đại Imam cho rằng sứ mệnh của Al-Azhar là trình bày phía trung dung, khoan thứ của Hồi Giáo […]. Al-Azhar hiểu trọn vẹn sự kiện này: chúng ta đang ở trong một biến động mãnh liệt gây ra bởi các thay đổi lớn lao và các cuộc tranh chấp chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, và tôn giáo là một trong những quân bài mà những người tranh chấp đang cố gắng chơi trong cuộc tranh chấp này […] Al-Azhar cố gắng ngày đêm chống lại biến động này […], nhưng sẽ không làm một mình; việc này là trách nhiệm của Nhà Nước song song với Bộ Giáo Dục.

Mặt khác, Đại Imam cho rằng “không ai có thể nói rằng chủ nghĩa cực đoan sẽ dễ dàng hay nhanh chóng bị tận diệt khỏi xã hội. Chúng ta đang đương đầu với một hiện tượng xã hội bén rể cả một thập niên qua”.

Về việc huấn luyện để các imam (giáo sĩ) Hồi Giáo thuyết giảng tại các đền thờ, Đại Imam đồng ý với quyết định của chính phủ Ai Cập đòi các giáo sĩ này phải có bằng cấp tốt nghiệp của Al-Azhar, cho rằng đây là “bước tiến đúng hướng” vì đã đến lúc không thể “để các bục giảng trong trạng thái hỗn loạn như trước đây”.

Trước các phê phán về phương pháp huấn luyện của Al-Azhar, Đại Imam cho rằng “ngoại trừ một trường hợp riêng rẽ ra, không một người ý thức hệ cực đoan và quá khích nào khắp thế giới đã tốt nghiệp từ Al-Azhar […] và do đó, quả là đáng tiếc khi Al-Azhar không ngừng bị tố cáo phải chịu trách nhiệm đối với chủ nghĩa khủng bố”.

Đối với cuộc tấn công ở Paris, Đại Imam tuyên bố rằng “không thể dùng việc giết người và thảm sát dã man để bảo vệ Hồi Giáo và Đấng Tiên Tri và cái giá của việc này đang được người Hồi Giáo khắp thế giới trả. Ông kêu gọi người Hồi Giáo khắp nơi “lên án và công khai bác bỏ các hành vi tội ác như các cuộc tấn công ở Paris”. Tuy nhiên, Đại Imam, một lần nữa, không kết án lạc giáo cho những tên khủng bố này, coi chúng chỉ là những người tội lỗi, chứ không phải là kẻ không tin. Lập trường này, Đại Imam cho rằng đã có từ thế kỷ thứ tám.

Cuối cùng, nói về vai trò của Al-Azhar, Đại Imam cho rằng các ý kiến của Al-Azhar không có tính bó buộc, “chúng tôi không phải là ngành tư pháp ban hành các bản án, cũng không phải là cơ quan hành pháp ban hành các sắc lệnh. Chúng tôi không khua gậy trừng phạt những ai không phù hợp với ý kiến của mình. […] Chúng tôi không thực hiện bất cứ sự bảo hộ nào, và cũng không phải là một thế lực tôn giáo”.

Nói chung, Đại Imam không bác bỏ việc đền thờ có nhiều vấn đề, nhưng cương quyết bác bỏ các mưu toan tô vẽ nó như người xúi bẩy bạo lực vốn là phần bệnh hoạn của thế giới Hồi Giáo ngày nay.

Các nhà bình luận cho rằng lời lẽ của el-Tayeb đại diện cho một nền văn hóa tôn giáo có lẽ khá phổ biến trong các xã hội Hồi Giáo hiện nay; nền văn hóa này lên án bạo lực nhân danh Thiên Chúa, nhưng gặp khó khăn lớn, không tích cực đương đầu với các vấn đề của xã hội đương thời cũng như các khát vọng mà các cuộc cách mạng Ả Rập đã đem lại dù một cách thoáng qua. Đây cũng là một lập trường lúng túng, kẹt cứng giữa hai luận bác. Một đàng có luận bác duy Hồi Giáo cho rằng cả về lượng lẫn về phẩm, sự hiện diện của Hồi Giáo trong xã hội không bao giờ đủ cả. Một đàng là lập trường duy hiện đại, muốn Hồi Giáo hoà giải với lý trí và khoa học, và có khả năng để lại sau lưng một truyền thống sẵn sàng sát hại người bỏ đạo, phân biệt đối xử giữa người Hồi Giáo và người không theo Hồi Giáo, khuất phục phụ nữ, như nhà phân tích Adil Numaan nhận định trên cùng nhật báo đã đăng bài phỏng vấn Đại Imam.

Đức Phanxicô, với thái độ hết sức cởi mở không những đối với các hệ phái Kitô Giáo và các tôn giáo hoàn cầu, mà còn đối với xã hội và văn hóa nói chung, có thể là một chất xúc tác để el-Tayeb mạnh dạn hơn trong các dấn thân của ông.

Kỳ sau: Chính Thống Giáo Ai Cập