By Nancy Frazier O'Brien

Catholic News Service


Những năm sau này, khi các phân tích chấm dứt, các nhà lịch sử có lẽ sẽ nhận ra giờ phút đặc biệt trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2004 khi làn sóng ủng hộ của dân chúng nghiêng về phía ứng cử viên Cộng Hòa Tổng Thống George W. Bush hơn là đối thủ của ông, Thượng Nghị Sĩ John F. Kerry của bang Massachusetts.

Đó là vào thời điểm đầu Tháng Bẩy, hai tuần trước Đại Hội Đảng Dân Chủ và tổng thống Bush bày tỏ sự ủng hộ đối với Tu Chính Án Liên Bang về Hôn Nhân nhằm sửa đổi Hiến Pháp Hoa Kỳ để định nghĩa rõ ràng và dứt khoát hôn nhân là sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ.

Tổng thống Bush đã tuyên bố trên làn sóng điện quốc gia: ”Vì gia đình chuyển tải các giá trị và hình thành nhân cách, hôn nhân truyền thống là điều hệ trọng đối với sức khoẻ của xã hội. Chính sách của chúng ta nhằm tăng cường gia đình chứ không phải làm suy yếu đi. Và việc thay đổi định nghĩa của hôn nhân truyền thống sẽ lũng đoạn cơ cấu của gia đình”.

Nhiều người cảnh báo rằng tổng thống thật là dại khờ khi nhấn mạnh vào một vấn đề họ xem là đang gây ra chia rẽ xã hội trong khi cử tri quan tâm nhiều hơn đến Iraq, chiến tranh chống khủng bố và kinh tế.

”Những phân tích của chúng tôi trên các cử tri chao đảo cho thấy rằng họ lo lắng về Iraq và về kinh tế, và tôi không nghĩ rằng họ sẽ nghiêng về, hay có một cảm nghĩ mạnh mẽ, về chuyện tu chính hiến pháp”. Andrew Kohut, giám đốc Pew Research Center for the People and the Press đã nói với tờ The New York Times hồi tháng Bẩy. "Thật là vớ vẩn khi nhấn mạnh vào một chỗ trong khi quốc gia đang có những vấn đề khác”.

Nhưng khi mọi lời tuyên bố đã được tuyên bố, 22% cử tri trên toàn cõi Hoa Kỳ coi “các giá trị luân lý” là mối quan tâm số một, kế đến kinh tế và công ăn việc làm (20%), và chiến tranh chống khủng bố (19%). Tám mươi phần trăm những ai thấy các giá trị luân lý là quan trọng nhất đã bầu cho tổng thống Bush, theo dữ liệu hậu bầu cử của National Election Pool.

Mười một bang đã thăm dò những biện pháp tương tự như Tu Chính Án Liên Bang về Hôn Nhân, nhằm xem xét lại hiến pháp của bang hầu hạn chế hôn nhân trong phạm vi của định nghĩa hôn nhân truyền thống. Biện pháp này đã được chấp thuận tại tất cả 11 bang, trong đó có Ohio, nơi tổng thống Bush đã đạt được chiến thắng bảo đảm số phiếu Đại Cử Tri, và tổng thống cũng thắng vẻ vang tại 8 bang khác trong số 11 bang này.

Ông Tony Perkins, chủ tịch Family Research Council nhận xét: “Rõ ràng rằng các ủng hộ viên cho hôn nhân truyền thống đã giúp tổng thống Bush đạt được nhiệm kỳ thứ hai”.

Kerry nói trong suốt cuộc vận động tranh cử rằng ông ta cũng thích giới hạn hôn nhân giữa những người khác phái nhưng chống lại cách đạt đến điều đó bằng việc thay đổi hiến pháp.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo toàn quốc và tại các bang khi xem xét đến vấn đề này trong năm nay đã thống nhất kêu gọi việc chấp thuận tu chính hiến pháp quốc gia và hiến pháp của các bang.

Chỉ có hai nơi là Oregon và Michigan tuy cử tri đã bỏ phiếu cấm hôn nhân đồng tính nhưng lại ủng hộ Kerry hơn là tổng thống Bush. Trong hai bang này, theo dữ liệu của National Election Pool, cử tri đã đánh giá các giá trị luân lý kém quan trọng hơn các vấn đề khác. Đối với người dân Oregon, chiến tranh tại Iraq là quan tâm hàng đầu, trong khi đối với dân chúng tại Michigan, vấn đề ưu tiên là kinh tế và công ăn việc làm.

Trong buổi hội thảo hôm 4/11/2004 do Liên Đoàn Cử Tri Phụ Nữ bảo trợ, bà Karen M. White, giám đốc chính trị của EMILY's List, cho biết các nhà tổ chức của đảng Cộng Hòa “đã rất khôn ngoan trong việc dàn xếp các chiến lược tranh cử” chung quanh vấn đề hôn nhân đồng tính là điều đã thúc đẩy dân chúng tuốn đến phòng phiếu để bỏ cho tổng thống Bush. EMILY's List là tổ chức hoạt động để đưa lên “các phụ nữ đảng Dân Chủ ủng hộ phò lựa chọn (tức là ủng hộ phá thai - chú thích của người dịch) trong các vị thế tại liên bang và các bang”. EMILY là chữ viết tắt của Early Money Is Like Yeast (tiền trước như là men - đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn).

White nhìn nhận rằng các nhà chiến lược của đảng Dân Chủ có lẽ đã đánh giá thấp con số những người đã tuốn đến các phòng phiếu cho bước tiến về hôn nhân. “Một phần có lẽ vì khi được hỏi vấn đề quan trọng nhất mà Hoa Kỳ đang phải đối phó là gì, nhiều người đã không nói thẳng là ‘hôn nhân đồng tính’”.

Tại một địa điểm thảo luận hậu tranh cử diễn ra cùng ngày, John Kenneth White, giáo sư chính trị và là giám đốc Life Cycle Institute tại The Catholic University of America, cho rằng cách nào đó Tối Cao Pháp Viện Massachusetts đã trao cho các vận động viên tranh cử của tổng thống điều mà họ đang cần.

Khi tòa án tối cao tại Massachusetts truyền vào tháng Mười Một năm ngoái rằng việc giới hạn hôn nhân trong phạm vi giữa những người khác phái vi phạm hiến pháp tiểu bang, John White cho biết các vận động viên tái cử của tổng thống Bush đã nhảy mừng.

Quyết định của tòa án này đã cho các nhà chiến lược của đảng Cộng Hòa một đề tài kích thích dân chúng tuốn đến các phòng phiếu để phê chuẩn cho đề nghị tu chính hiến pháp về hôn nhân và cũng là để ủng hộ tổng thống Bush.

Matt Daniels, chủ tịch Alliance for Marriage, cho rằng đề nghị tu chính hiến pháp về hôn nhân đem lại cho tổng thống Bush “một sự ủng hộ nhảy vọt thiết yếu giữa các nhóm ủng hộ nòng cốt của đảng Dân Chủ”, những người nghiêng về tu chính án này, trong đó có người Mỹ gốc Phi Châu, người Công Giáo và phụ nữ.

Daniels cho biết “Chỉ trong phạm vi những người Mỹ gốc Phi Châu tại Ohio mà thôi … tổng thống Bush đã nâng gấp đôi số người ủng hộ ông trong cuộc bầu cử hồi năm 2000, từ 9% đến 16%”.

Daniels nhận xét rằng tổng thống Bush “cũng cải thiện được sự ủng hộ trong số người Công Giáo và giới phụ nữ hơn 5%. Thật vậy, người Mỹ đã biểu dương sự ủng hộ rộng rãi và động lực cho Tu Chính Án Hôn Nhân là sức mạnh và động lực vượt qua mọi lằn ranh chủng tộc, văn hóa và tôn giáo”.