MỘT NGÀY ĐI KHÔNG TRỞ LẠI.

Reng…..reng, reng…. Reng…

Từng hồi, từng hồi điện thoại reo vang. Nó và tôi đang chung bàn, chỉ cách nhau một với tay. Vậy mà tôi không dám nhấc nó lên. Lạ, nó như biết rõ có người ngồi chờ, nên lại tiếp tục hồi chuông khác. Tôi nhắm mắt lại, đặt tay lên mình nó, rổi nhắc lên. Từ phía bên kia cũng yên lặng, chẳng có tiếng nói. Linh cảm như cho tôi biết là chuyện gì phải đến, đã đến. Cuối cùng, một âm thanh rời rạc nặng nề, làm tôi như muốn ngã đổ xuống:

- Đã đoạn… Người đã đi rồi…!

Âm thanh hụt hẫng đè nặng lên cái điện thoại, rồi ngưng. Không thêm một lời nào khác. Đoạn kết cuả cuộc báo tin chỉ là một tiếng động nhẹ nhàng của cái điện thoại đặt xuống trên bàn. Không gian như hoàn toàn gẫy đổ. Hy vọng mong manh vuột khỏi tầm tay với, rồi ngã xuống đau thương trong cuộc đợi chờ. Bởi vì giờ vĩnh biệt người bạn hiền từ thời ấu thơ của chúng tôi đã đến! Điều ấy có nghĩa, tuyến đường hành trình vào dương thế của Bạn đã khép lại sau 65 năm. Khép lại đúng vào ngày Lễ Tro của người Công Giáo. Đây là một ngày lễ mà bất kỳ ngưòi Công Giáo nào cũng trân trọng. Hơn thế, còn nhận biết được từ đâu mình đến và về! Trong tín thác là thế, nhưng sự hoang mang thường tình của một con người không thể không lên tiếng hỏi. Bạn giã từ trần thế, rồi đi đâu? Về với cát bụi ư? Nghe như có tiếng khẳng định từ niềm tin là không! Không! Hẳn nhiên là Bạn không về với cát bụi. Bạn chỉ gởi trả cát bụi lại cho trần gian và về với Đấng Linh Thiêng Cao Cả. Về với Đấng đã tạo dựng nên Trời và Đất. Về với Đấng đã tạo dựng nên chúng ta trong niềm tin yêu tuyệt đối vào tình thương của Ngài…

- Sống ơi… cậu Sống đâu rồi?

Tiếng cha già Vĩnh lanh lảnh gọi vọng vào trong. Đã hai ba lần vẫn không có tiếng trả lời. Ngài lắc mạnh tay trên cái chuông nhỏ lần nữa. Một cậu bé mặc quần đùi, áo tay ngắn, dáng gầy, có đôi mắt thật tinh anh, chạy vào. Cậu chưa kịp vòng tay chào khách đã phải chạy ngược vào trong, nhờ nhà bếp nấu ấm chè tươi để cha gìa mời cha khách. Trà nước chưa sẵn, cậu trở lại đứng bên cạnh cha già Vĩnh để xem Ngài có dặn dò gì thêm không. Lát sau, ấm nước trà xanh được mang lên, Hiền và tôi cùng lỉnh vào trong theo sau cậu Sống. Hắn quay lại:
- Các cậu vào đây làm gì?

- Ở ngoài đấy cũng chẳng biết làm gì!

- Vậy các cậu sang đây làm gì?

- Ghi tên học?

Nghe thế, Sống nhìn hai người khách lạ một lượt rồi hỏi: Học ở đây à? Cậu hỏi vì miền Long Phước Thôn này chỉ có 2 xứ đạo được đưa về đây lập nghiệp sau thời di cư. Người địa phương trong vùng không nhiều. Họ sống rải rác hai bên bờ sông, không quy tụ thành làng xóm như người miền bắc. Nghe nói, ở vùng này trước kia có ba trại định cư. Tuy thế, vì cuộc sống nhiều khó khăn, dần dần số người tản lạc đi càng nhiều. Nay trong vùng chỉ còn lại hai xứ xát cánh bên nhau. Cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây là cảnh dầm mưa dãi nắng trên các cánh đồng để đổi lấy mùa lúa chín. Hoặc quanh năm buôn bán, chài lưới ở ven sông là kế sinh nhai. Cảnh chợ lúc nào cũng hắt hiu. Mới khoảng mười giờ sáng là chẳng còn mấy bóng người, ngoại trừ vài ba hàng xén ven chợ. Cuộc yên lặng ấy lại bỗng bùng lên trong dăm ba phút vào buổi trưa, khi chiếc ca nô kéo còi báo hiệu về bến. Khi đó, người lên bến, kẻ xuống thuyền, tiếng gọi nhau ơi ới làm phố chợ giật mình.

Cuộc sinh hoạt của 365 ngày ở đây là thế. Tuy nhiên, tiếng chuông từ hai nhà thờ thì chưa bao giờ ngưng vào hai buổi sáng chiều. Phần trường học vẫn ê, a… tiếng trẻ reo vang đủ bốn mùa. Ở đây, mỗi xứ đạo đều có trường học riêng. Phía bên Mẫu Tâm dân số ít, nên chỉ có đến lớp 3. Học sinh hai lớp nhất, lớp nhì phải sang học bên Cao Thái. (tên rút gọn của Cao Mộc, Thái Bình?). Đứng nhìn bọn tôi, Thống hỏi:

- Các cậu mới đến à?

- Phải, lính mới đến Long Phước lần đầu.

- Trước ở đâu?

- Xuân Lộc?

- Sao không ở đó, lại về đây?

Những câu hỏi lạ, cả hai đứa tôi đều ú ớ, trong khi hắn mở to đôi mắt nhìn chúng tôi như nhìn những hình nhân đến từ thế giới khác. Cùng lúc, một cậu bé khác ở trong phòng chạy ra. Sau vài câu chuyện chẳng đầu chẳng đuôi, cả hai dẫn chúng tôi đi gặp thầy Châu để ghi tên nhập học. Lạ, Sống như rất quen thuộc và nhanh nhẹn với tay nghề đưa đón học sinh. Hắn lần lượt tra hỏi tên chúng tôi, rồi xin vào lớp mấy. Mãi đến lúc này, Hiền, bạn tôi mới lên tiếng:
- Cậu Sống! Cậu tên là … Sống à?
Nghe hỏi, đôi mắt hắn như đảo ngược lên và cái cằm bạnh ra thách đố:
- Không phải, tên là Thống, Vũ duy Thống.

- Sao cha già lại gọi là cậu Sống ơi!

- Ngài thích gọi thế! Mà cũng hay, gọi cho khỏi chết!

Miệng nói thế, nhưng hắn cũng chẳng biết giải thích gì thêm, chỉ cười xòa cho qua chuyện. Từ đó, những đứa trẻ xa nhà như chúng tôi bắt đầu có bạn, rồi câu chuyện cũng dễ thân thiện hơn khi biết sẽ ngồi chung trong một lớp học. Hơn thế, làm sao chúng tôi có thể quên được những buổi trưa sau khi cùng dầm mình với sóng nước Đồng Nai.

Hôm ấy, như dã hẹn trước, lũ chúng tôi gồm năm, sáu đứa trẻ do Thống và Dần dẫn đầu đưa nhau ra bờ sông. Nhìn con nước mông mênh, hai chúng tôi lạnh cẳng đứng trên bờ trong lúc những bạn bè ở đây đã như những con rái cá, trên người không một mảnh vải, lao vút xuống và đùa vui với dòng nước. Thời gian của ngần ngại chắc chẳng kéo dài. Sau những lời rủ rê đường mật, khích tướng của chúng bạn, những bộ quần áo trên người vội vã được quăng lên bờ cát. Chúng tôi khờ khạo chúi đầu xuống nước. Hỡi ơi, mắt mở ra không thấy trời, chân chẳng thấy đất, rồi từng cơn ho sặc sụa vì uống ngập nước! Khi bò vào được đến bờ thì cũng là lúc lũ trẻ quê ở đây lăn ra đất mà nhạo cười những kẻ trên rừng xuống biển mò… cát! Một đứa trong bọn của Dần hỏi tôi:

- Mày đã cho chuồn chuồn cắn rốn chưa?
- Cắn rốn à?
- Chưa cho nó cắn thì không biết bơi là phải rồi!
- Mày đừng có mà nói phét, rồi tao cũng bơi được.

Vậy đó, rồi quen. Chúng tôi bắt đầu vươn lên đè những con sóng nhỏ xuống để vui đùa với nhau trong những lần trốn ngủ trưa. Nhưng khi vừa quen với những đợt sóng đẩy người vươn lên mặt nước mà reo thì cũng là lúc cái họa ập đến.

Một hôm cha xứ ngủ trưa dậy. Ngài gọi đông, thét tây nhưng không thấy một cậu nào trả lời. Giữa lúc Ngài bốc hỏa, lũ chúng tôi ướt như chuột lột về tới cổng nhà xứ. Chưa biết chuyện gì, chỉ nghe tiếng Ngài oang oang tra hỏi ông gìa Ry. Đến khi đảo mắt ra sân. Hỡi ơi, bọn tôi nhớn nhỏ 4 đứa ướt như chuột đang đùn đẩy nhau vào sau cánh cổng khép hờ. Nhìn qua, hình như Ngài đã đoán biết là chuyện gì:

- Vào cả đây!
-
Lũ trẻ lấm lét kéo nhau vào. Ngài giận đến run tay:

- Nho, Hiền… ai cho các chú dẫn nhau ra sông tắm? Chưa kịp trả lời, Ngài đã đanh thép với lý do: Không có người lớn trông coi, nếu chết đuối thì sao? Mỗi cậu phải ba roi… Ông Ry đâu, mang cái roi lên đây.

Lệnh phát ra, ông gìa Ry bước thấp bước cao như cố ý đi tìm mà chẳng thấy cái gì khả gì làm roi theo lệnh. Ông vẫn khập khiễng từng bước trong lúc lũ trẻ co rúm trước hè. Bất chợt cha sở cầm lấy cái chổi lông gà, quấn trên thân mây to chừng ngón tay, trên tay ông gìa Ry. Ngài nắn nắn, ướm thử. “Nho lớn hơn, nằm xuống trước”. Khi lệnh ban ra, tôi chưa kịp nằm xuống, Hùng, một tay em trong bọn vùng thoát bỏ chạy:

- Ớ, mẹ ơi đau qúa. Đau qúa mẹ ơi…
Cha sở nhìn theo đứa cháu, không thể nhịn cười, Ngài quay vào. Không ngờ gã trẻ này nhanh trí kêu oan bỏ chạy mà chúng tôi thoát nạn. Cùng lúc ấy, các “ thầy dùi” luyện bơi thấy “ học trò” gặp nạn cũng vội rời chân tường.

Thế đấy, tuổi thơ của chúng tôi đã lớn lên từ đây. Sau năm học, bốn đứa trong bọn chúng tôi ghi tên thi vào chủng viện Châu Đốc. Nay hơn 50 năm đã qua rồi, hỏi xem, những khuôn mặt của tuổi thơ trên sông nước Long Phước ngày nào, giờ ra sao? Phu, Dần và những bằng hữu cũ ở đây, tôi chưa một lần gặp lại sau ngày chúng tôi rời Long Phước. Bùi đức Hiền và tôi sau ngày Việt cộng vào thành phố, chúng tôi vẫn bên nhau. Riêng người bạn Vũ duy Thống thì từ sau 30-4-1975 đến nay, tôi chưa một lần gặp lại ngoài những dòng thư trao đổi. Và đây là những bước đi trong hành trình 65 năm của Ngài trước khi trở về nhà Cha.

Tiểu sử Đức cố Giám Mục Giuse Vũ duy Thống

* Sinh ngày 02 tháng 7 năm 1952 tại Cao Mộc, Thái Bình.
* Tháng 8-Năm 1964: Nhập học tiểu chủng viện Long Xuyên
* Năm 1971- 1975, học Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân triết.
* Trong khi theo học tại Đại Học Sài Gòn. Vào Năm 1973 -1974, Ngài trở lại tu học tại Chủng Viện thánh Giuse, Sài Gòn.
* Từ cuối 1975- 1983 học tại đại Chủng Viện thánh Giuse, Sài Gòn.
* 26-10-1985: Thụ phong Linh mục, do Ðức TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình.
• Từ 1985-1992, Phụ tá giáo xứ Tân Mỹ, Hóc Môn, Sài Gòn.
• Từ 1987-1992, Ðặc trách xứ Bạch Ðằng, Hóc Môn, Sài Gòn.
• Niên khoá 1992-1993, Phụ khảo tại Ðại Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn.
• Từ 1993-1998, Du học tại Paris-Pháp. Ngài tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học tại đây.
• Từ 1998-2001, Giáo sư tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn.
• Ngày 14-07-2001: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn, hiệu tòa Tortiboli.
• 17-08-2001, Lễ tấn phong tại Vương Cung Thánh Đường Ðức Bà Sàigòn được tổ chức vào ngày 17-8-2001. Vị Chủ phong là Đức Tổng Giám mục GB. Phạm Minh Mẫn. 2 vị phụ phong là ĐGM GioanB. Bùi Tuần và ĐGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.
• Ngày 25-07-2009; Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phan Thiết.
• Ngày 03-9-2009 : Thánh lễ nhậm chức Giám mục Chính toà Phan Thiết tại Nhà thờ Chính toà Phan Thiết.
• Từ khi ngài về đây, trung tâm Đức Mẹ TàPao đã trở thành một trung tâm hành hương đông dảo của giáo dân trên toàn quốc.
• Giữa lúc Phan Thiết trở thành một trung tâm hành hương của Việt Nam. Ngày 26-02-2017. Ngài vào bệnh viện Sài Gòn vì khó thở.
• Lúc 8 giờ sáng ngày 01-3-2017, Lễ Tro. Ngài đã được Chúa gọi về nhà cha trên Trời. Xem ra trần thế còn lại nặng tiếc thương.

Cùng nguyện xin Đấng Cao Cả đưa Ngài về cõi Trường Sinh.
Bảo Giang
Bái tiễn 03/03/2017.