Thánh Gioan Phaolô Cả



Khi chấp nhận việc bầu ngài làm giáo hoàng, Đức HY Karol Wojtyla của Ba Lan đã chọn tên hiệu của hai vị giáo hoàng vốn chủ trì Công Đồng Vatican II là Đức Gioan và Đức Phaolô. Cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Gioan và Đức Phaolô đã góp tay thúc đẩy Đông và Trung Âu nổi dậy phá sập kẻ thù lớn nhất của nhân loại là chủ nghĩa Cộng Sản vô thần, và phá sập nó theo cung cách Kitô Giáo, nghĩa là một cách hòa bình.

Nếu Đức Gioan XXIII không bất ngờ triệu tập Công Đồng Vatican II, thì thế giới có bao giờ được chứng kiến khoảng 2,500 giám mục Công Giáo Rôma tụ họp nhau trên khán đài không có lộng che bên trong Nhà Thờ Thánh Phêrô năm 1962. Năm 1870, chỉ có khoảng 700 giám mục tại Vatican I. Chỉ trong vòng 90 năm phân cách, sự phát triển của Giáo Hội Công Giáo, tại Châu Mỹ La Tinh, tại Bắc Mỹ, tại Châu Phi và tại Châu Á, quả là phi thường. Giờ đây, sức mạnh hoàn cầu của nó chỉ cần một bức hình cũng thấy rõ.

Nếu Đức Phaolô không lưu tâm tới lời yêu cầu thống thiết của Đức HY Karol Wojtyla rằng các giám mục sau Bức Màn Sắt phải trở về nhà với Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae), thì các ngài làm gì có được lời kêu gọi chiến đấu làm thất đảm những tên trùm bất cần đạo lý của Châu Âu Cộng Sản: “Tự Do Tôn Giáo!” Các Giáo Hội hầm trú phồn thịnh của Đông Âu, các khích động của Solidarnosc (Phong Trào Đoàn Kết, tức nghiệp đoàn lao động của Lech Walesa), liên minh các nhà trí thức vô thần và các nhà lãnh đạo Giáo Hội họp thường xuyên tại các cơ sở Giáo Hội, tất cả hẳn đã đến rồi đi. Ta cần trở lại hàng thế kỷ họa may mới thấy một tiền lệ trong đó các thay đổi vĩ đại bỗng nhiên diễn ra nhanh chóng.

Đức Lêô Cả chặn đứng lũ man rợ khỏi xâm nhập Rôma năm 452. Đức Grêgôriô Cả cũng làm một việc như thế vào năm 593. Đức Gioan Phaolô Cả năm 1989 (Bá Linh) và 1991 (Mạc Tư Khoa) cũng đã hạ bệ những tên bách hại Giáo Hội dữ dằn nhất trong lịch sử con người. Tất cả sẽ không thể nào diễn ra nếu không có hai vị giáo hoàng là Gioan XXIII và Phaolô VI, hai vị giáo hoàng được Đức Gioan Phaolô II lấy tên.

Đó là lý do tại sao Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II được liên kết với nhau mãi mãi trong lịch sử.

Đức Lêô Cả và Đức Grêgôriô Cả là các khuôn mẫu của Đức Gioan Phaolô II theo nhiều cách khác nữa. Các ngài can đảm một cách phi thường khi đối diện với những kẻ thù gây khiếp đảm, nhưng cũng rất nhiều sáng kiến trong việc cải tổ Giáo Hội, trong việc canh tân kỷ luật tiên khởi, trong âm nhạc, giáo luật, giáo lý và giáo huấn huấn quyền. Cả hai vị giáo hoàng cao cả đều phục hồi mạnh mẽ bản chất cũng như cột trụ và định hướng của một đức tin tín thác.

Cũng vì những lý do trên và nhờ cuốn Sách Giáo Lý mới của ngài cũng như việc ngài khai triển một cách trang trọng các học lý lâu đời qua 14 thông điệp hết sức sâu sắc, Đức Gioan Phaolô II đã được tôn vinh ngang hàng “Cả” với các Đức Lêô và Grêgôriô. Chỉ có ba vị “Cả” trong số 263 vị giáo hoàng đầu tiên.

Một thuyết nhân bản mới

Ấy thế nhưng, đóng góp vĩ đại nhất của Đức Gioan Phaolô II hẳn là việc ngài đã dẫn nhập vào thế giới, trên bình diện hoàn cầu, một chủ thuyết nhân bản Kitô Giáo mới. Ngài đề cao Chúa Giêsu Kitô độc nhất như là hình thức mới của chủ nghĩa nhân bản: ngôi vị, Ngôi Vị Thiên Chúa mặc xác phàm, khuôn mẫu mới cho những con người nhân bản nhờ thế ta trở nên điều mình đã được dựng nên để trở thành.

Đức Gioan Phaolô II mặc lấy nhân tính của ngài một cách duyên dáng: một tân giáo hoàng trẻ trung và mạnh khỏe từng trượt tuyết và đi bộ trên dẫy núi Alps, cái mỉm cười sẵn sàng và sự lanh trí của một nghệ sĩ đã quá quen thuộc với các đám đông lớn và được quần chúng ái mộ, nói thì nói thẳng như rót vào trái tim từng người.

Tôi còn nhớ có lần đem mẹ tôi tới nghe ngài khi ngài viếng Thủ Đô Washington lần đầu. Chúng tôi có được một chỗ đứng rất tốt trên Đại Lộ Rhode Island trước mặt nhà xứ cạnh Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Mátthêu. Theo chương trình thì không có gì diễn ra ở đây, nhưng một đám đông lớn và đầy yêu thương đã tụ tập bên dưới cửa sổ lầu hai có một ban công nhỏ của nhà xứ. Khi các cánh cửa kiểu Pháp mở rộng, thì đám đông rộ lên cả một triều phấn kích khi thấy khuôn mặt thân yêu mặc đồ trắng xuất hiện: hoàn toàn trẻ trung và đầy sinh khí, toát ra tràn trề sinh lực.

Đám đông lập tức bật lên tiếng hô: “John Paul Two – We love you!” “John Paul Two – We love you!” (Gioan Phaolô II, Chúng con yêu mến ngài! Gioan Phaolô II, chúng con yêu mến ngài!). Ngài để tiếng hô ấy kéo dài thêm ít phút, rồi vẫy tay xin im lặng. Khi im lặng từ từ được tái lập, đột nhiên, Đức Giáo Hoàng chỉ tay vào đám đông, vào mọi người từ trái qua phải, và hô lớn: “John Paul II – he loves you! John Paul II” (Gioan Phaolô II, ngài yêu mến anh chị em! Gioan Phaolô II) vừa đâm mạnh ngón tay vào đám đông vừa thêm “he loves you!” (ngài yêu mến anh chị em!). Đám đông lại ồ lên hò reo vang dội. Một trao đổi yêu thương quả đang diễn ra trước mắt.

Thế giới cũng thấy nhân tính của Đức Gioan Phaolô II không chỉ nơi tuổi trẻ đầy sức sống của ngài, mà cả trong tình thế xanh xao và yếu đuối của ngài khi vụ mưu sát hụt gần như đã sát hại ngài, và một lần nữa trong tuổi già của ngài, lúc thể lý đã ra yếu đuối (tự đẩy mình vào máy bay bằng cách nắm chặt cầu thang). Bất kể lúc trẻ hay lúc già, đôi mắt của ngài vẫn ánh lên, dường như muốn nói “vinh quang Thiên Chúa là con người sống trọn vẹn!” (Thánh Irênê).

Xét về bản thân, Đức Gioan Phaolô II là người ấm áp, dí dỏm, mau lẹ nắm được nghịch lý cũng như nét hài hước của mọi hoàn cảnh, và ngài rất thích bông đùa lành mạnh, nhất là những bông đùa pha lẫn nét oái oăm của Trung Âu. Thí dụ, có lần ngài phá lên cười trong một bữa ăn, khi nghe kể câu truyện về người lính Ba Lan và người lính Nga trong một buổi thao dượt chung vào mùa đông. Lúc đó là lúc thiết quân luật tại Ba Lan, và cả hai chàng lính này đều lạnh và đói bụng. Cả hai người đều không được một chút thực phẩm nào trong ngày này.

Trong một cố gắng tuyệt vọng cuối cùng, người lính Ba Lan lục lọi khắp góc cạnh của chiếc tuí xách, và ngạc nhiên thay cho cả hai người, anh ta lôi ra được một khúc bánh đã hơi mốc. Khi thấy mẩu bánh, người lính Nga háu ăn bàn: “Ta hãy chia đôi mẩu bánh này, vì tinh thần bình đẳng chân thực xã hội chủ nghĩa”. Vì biết rõ lịch sử Xô Viết về “bình đẳng” và “liên đới” là “cái gì của tôi là của tôi, và cái gì của anh cũng là của tôi”, nên người lính Ba Lan trả lời: “Tuyệt đối không! Một nửa và một nửa. Không hơn một mẩu!”

Một dịp khác, bạn bè kể cho Đức Giáo Hoàng một truyện vui đùa về cuộc bầu cử tại Ba Lan, cuộc bầu cử thứ hai sau khi chính phủ Đoan Kết nắm quyền. Dù chỉ trong một thời gian ngắn, cử tri Ba Lan đã tự phân hóa thành 38 chính đảng khác nhau. Một trong các đảng này tự gọi mình là Đảng Uống Bia.

Nhắc đến sự phân hóa ấy, Đức Giáo Hoàng lắc đầu và nói: “Chỉ có hai giải pháp cho cuộc khủng hoảng của Ba Lan: giải pháp thực tiễn và giải pháp lạ lùng. Giải pháp thực tiễn là Đức Mẹ Czestochowa thình lình hiện ra, với Chúa Giêsu và tất cả các thánh ở một bên ngài, và Môsê cùng tất cả các tiên tri ở bên kia ngài, thì cuộc khủng hoảng Ba Lan sẽ được giải quyết. Giải pháp lạ lùng là dân Ba Lan học cách thỏa hiệp và hợp tác”.

Khi khách tới viếng ngài, Đức Gioan Phaolô II rất tò mò. Ngài rất thích tổng hợp việc suy nghĩ các chủ đề văn hóa lớn với các câu truyện cụ thể có tính thông tri. Hình như thỉnh thoảng ngài muốn có bạn bè vây quanh để thư giãn đôi chút, để quên đi những vần vũ hàng ngày, để trân quí những khoảnh khắc được vui hưởng thuần túy. Ngay cả những lúc như vậy, ngài cũng vẫn dò tìm một vài suy tư, một vài ý kiến, một vài gợi ý, một chút thông tri, nếu có thể, thì ngắn gọn và dí dỏm.
Ngài cau mặt và gật đầu về hướng người thư ký, là Đức Cha Dziwisz, “Nếu con thấy cảnh nghèo mà chúng ta vừa thấy tại Peru, con sẽ làm gì?” Ngài muốn câu trả lời thực tế, nhưng xem ra không được thuyết phục mấy đối với các câu trả lời ướm thử ngập ngừng.

Dịp khác, một ai đó cám ơn Đức Giáo Hoàng vì đã giúp đem lại “phép lạ” lật đổ được chủ nghĩa Cộng Sản chỉ sau khi được bầu không lâu, chưa đầy 11 năm. Khi nghe vậy, Đức Giáo Hoàng cau mặt đáp lại “Phép lạ gì đâu. Chẳng qua cái hệ thống Mickey-Mouse ấy tự sụp đổ do chính gánh nặng của nó đấy thôi”.

Và khi ở Ba Lan, ngài có được sự sáng trí tại chỗ khi lật ngược bàn cờ chống lại sự tuyên truyền của Cộng Sản trong một cuộc tranh luận trực diện: “Người ta nói rằng chủ nghĩa Cộng Sản ở đây để phục vụ công nhân. Nhưng họ đâu có biết gì tới chủ quan tính của công nhân, công nhân nghĩ gì, cảm nhận gì, họ tự hào về điều gì. Họ đâu có tôn trọng linh hồn của công nhân. Đó là những thành phần quan trọng của việc làm. Không phải chỉ sản xuất ra hàng đống bất tận những chiếc rầm chữ I để rồi thành rỉ sét dưới trời mưa, và rỉ sét vì sao? Vì không có thị trường, không ai muốn mua chúng cả.

“Việc làm không phải chỉ là kéo những chiếc lưới cá nặng lên khỏi Biển Bantích, chỉ để thấy chẳng có tủ đá nào còn hoạt động, thành thử mẻ cá thành hư thối. Qủa là một nhạo báng đối với tinh thần và mồ hôi công nhân. Những việc như thế không hề tôn vinh công nhân. Chúng làm họ phẫn nộ. Chúng hủy diệt linh hồn công nhân”. Một cách có hệ thống, từng chủ đề một, vị giáo hoàng trẻ trung đã quay chong chóng ý thức hệ Cộng Sản khiến nó tự mâu thuẫn với chính mình.

Chủ nghĩa nhân bản của ngài sâu rộng hơn chủ nghĩa nhân bản của họ. Sức phân tích của ngài cũng thế. Cả nụ cười và lanh trí của ngài cũng vậy.

Lợi điểm của việc yêu kịch nghệ

Người ta thường quên rằng vị giáo hoàng này là tác giả của những vở kịch và vần thơ rất thành công. Ngài hiểu rõ sức mạnh của bi hài kịch. Dưới chế độ Quốc Xã, ngài đã liều chết duy trì cho bằng được nền văn chương kịch nghệ, tình người và niềm hy vọng của Ba Lan tiếp tục sinh động. Khi làm giáo hoàng, ngài vẫn không quên kỹ năng kịch nghệ của mình.

Thí dụ, một trong các thành tựu vĩ đại thực sự của Công Đồng Vatican II là việc thông qua Hiến Chế Tin Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium). Mục đích của hiến chế này là để thi hành giáo huấn của Vatican I, là giáo huấn đã làm những gì có thể làm được, sau khi các lãnh thổ giáo hoàng bị mất, để minh xác vai trò thiêng liêng của các vị giáo hoàng tương lai. Còn Vatican II thì tập chú vào vai trò của mọi giám mục thế giới trong hợp nhất, quanh Giám Mục Rôma. Không còn lối liên hệ kim tự tháp nữa, đúng như thế, nhưng là liên hệ đồng tâm.

Với một cảm thức chắc chắn về lối giáo huấn bằng kỹ năng kịch nghệ, Đức Gioan Phaolô II đã gần như tức khắc khởi đầu các cuộc tông du mục vụ tới phân nửa các quốc gia trên thế giới. Không bao lâu sau đó, ngài trở thành con người nhân bản duy nhất đích thân hiện diện với hàng trăm triệu con người, hơn hẳn bất cứ người nào khác trong lịch sử.

Nhưng điều ít được lưu ý hơn là bất cứ xuất hiện ở đâu, ngài cũng được vây quanh bởi rất nhiều giám mục trong vùng cũng như từ các vùng khác. Tại những nơi đó, hiện diện hữu hình trên lễ đài hay trên màn ảnh truyền hình là những vòng tròn đồng tâm gồm các giám mục thế giới với phẩm phục mầu tím bao quanh ngài, tất cả đều lên tiếng như một. Điều rõ mồn một là Giám Mục Rôma đang quay nhìn và “củng cố anh em mình”. Sự hợp nhất hoàn cầu của các ngài nhờ ngài mà thành tỏ hiện.

Sự thánh thiện của ngài

Với Đức GH Gioan Phaolô, “Đức Thánh” (His Holiness) không phải chỉ là một tước hiệu danh dự. Nó cũng không phải là một lối sống. Nửa triều giáo hoàng của ngài, một vị Hồng Y được phỏng vấn, vị này lúc ấy chưa ai biết là người ủng hộ ngài. Ấy thế nhưng vị Hồng Y này nói lên sự ngưỡng phục khi thấy vị giáo hoàng này “huyền nhiệm” xiết bao. Ngài cho thấy vị giáo hoàng này cầu nguyện sâu sắc đến chừng nào như thể đang sống trong một thế giới khác hẳn mọi người chúng ta.

Sau đó, có ba hay bốn lần đích thân tôi được may mắn thấy điều đó lúc ngài chuẩn bị cử hành thánh lễ buổi sáng. Ngài như cuộn tròn trên ghế quì, hoàn toàn chú tâm vào Thiên Chúa. Dường như ngài không cầu nguyện, không đọc lời nào cả, mà như bị cuốn hút vào một Hiện Diện khác. Ấy thế nhưng, sau Thánh Lễ, khi tới thăm khách khứa, như thói quen ngài vốn làm, xem ra ngài hiện diện ngay lập tức với mỗi người chúng tôi. Như thể ngài trốn đi gặp Đấng khác rồi trở lại với thế giới thực mà không cần phải cố gắng chi. Như thể, việc ngài hiện diện với Chúa càng làm ngài hiện diện nhiều hơn, chứ không ít hơn, với mọi người khác.

Vào dịp kia, vợ tôi, một điêu khắc gia và là một họa sĩ, đem tặng ngài bức tượng đồng thân mình Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá. Vợ tôi đúc tượng này cho cây thánh giá rước kiệu. Vừa thấy tượng này, Đức Giáo Hoàng bèn ấn ngón tay vào khuôn tượng rũ rợi không còn giữ cho mình thẳng đứng được nữa vì đang chết vì nghẹt thở. Ngài bảo: “vào chính lúc hấp hối”. Vợ tôi liền ôn tồn tiếp nối: là “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”. Đây là tựa đề tác phẩm bán chạy nhất vừa được phát hành của Đức Giáo Hoàng, và ngài mỉm cười một cách ý vị trước câu đáp nhanh nhẹn của nàng.

Giống mọi dịp khác, dịp này Đức Gioan Phaolô II cũng đã thực tế hết sức khi chỉ trước đó vài phút, ngài từng mất hút trước Nhan Thiên Chúa, như thể chìm hẳn vào một thế giới khác.

Karen và tôi từng hiện diện với Mẹ Têrêxa, Dorothy Day và nhiều vị thánh thiện đặc biệt khác. Các bạn cũng có thể cảm nhận sự thánh thiện của các vị này.

Nhưng sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II có khác. Một sự hiện diện mạnh mẽ bao phủ ngài. Đôi mắt trong xanh của ngài ánh lên một niềm vui giống như của Thánh Nicôla. Của một tình yêu vui tươi và dịu dàng dành cho người khác, xem ra tràn đầy cương nghị.

Với chủ thuyết nhân bản Kitô Giáo sâu sắc, mạnh như sắt, can đảm, bạo dạn, Đức Gioan Phaolô II quả xứng đáng với những lời được nhiều người ưa thích của Shakespeare: “Đời ngài dịu hiền; và các yếu tố nơi ngài được hoà hợp đến độ Thiên Nhiên cũng phải đứng dậy và tuyên bố với toàn thể thế giới rằng: đây quả là một con người!”

Công trình của Đức Gioan XXIII chưa hoàn tất

Trong một cuộc phỏng vấn với Deborah Castellano Lubov của Zenit trước lễ phong thánh, Novak cho rằng vào cuối đời ngài, công trình của Đức Gioan XXIII chưa hoàn tất. Phải đợi tới Đức Gioan, công trình ấy mới đem lại kết quả chính xác. Lúc đó, có người còn đề cập tới khả thể một Vatican III. Chính Đức Bênêđíctô XVI, khi được hỏi: “ý nghĩa trọn vẹn của Vatican II là gì?”, đã cho hay: “Chúng ta không biết được, vì hoa trái của Công Đồng cần có thời gian mới phát triển được”.

Theo Novak, thời gian ấy chính là 50 năm phân cách giữa Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II, phải có nó ta mới đạt được “sự hiểu biết chung về những gì thực sự đã diễn ra”. Vì các vấn đề do Vatican II đặt ra hết sức sâu rộng và có cái nhìn khá xa về tương lai. Đức Gioan Phaolô II giúp đưa lại một lối giải thích đúng đắn. Ngài “làm tròn” các sáng kiến của Đức Gioan XXIII, nghĩa là hoàn tất chúng và làm chúng trở thành quốc tế. Ngài cho thế giới thấy cơ cấu Giáo Hội không còn là kim tự tháp mà là các vòng tròn đồng tâm. Tuy nhiên, cần tới Đức Bênêđíctô XVI, ta mới có được một cấu trúc có tính bác học và Đức Phanxicô đem lại cho cấu trúc ấy một khuôn mặt hợp quần chúng.

Novak cũng nhấn mạnh tới sự tương tự giữa Đức Gioan XXIII và Đức Phanxicô hiện nay: cả hai vị đều là những người bạn muốn uống một ly cà phê hay hút một điếu thuốc với.