Theo ký giả Elizabeth Scalia, nói về sự dịu dàng, ai ai cũng nghĩ tới Đức Phanxicô. Điều này xem ra hết sức tự nhiên. Một phần vì từ ngữ này được chính Đức Phanxicô sử dụng và sử dụng luôn.

Thực thế, theo bản tin ngày 12 tháng Mười Hai năm ngoái của Đài Phát Thanh Vatican, trong thánh lễ tại Nhà Thánh Mácta nhân thứ năm tuần thứ hai Mùa Vọng, Đức Phanxicô đã nói rằng: để chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, ta hãy dành ít phút im lặng để lắng nghe Thiên Chúa nói với ta bằng sự dịu dàng của một người cha và một người mẹ.

Ngài quảng diễn điều này bằng cách nhấn mạnh: khi một người cha hay một người mẹ dịu dàng nói với con thì trước nhất họ tới gần đứa con; thứ hai, họ trở nên “nhỏ mọn” và nói với con bằng giọng nói của con và bằng cung cách của con. “Họ hạ mình xuống thế giới của con… Họ trở nên con trẻ. Và Thiên Chúa cũng thế”.

Các thần học gia Hy Lạp gọi hiện tượng trên là synkatábasi: Thiên Chúa tự hạ mình xuống làm một người như ta! Và nếu cha mẹ nói những điều “buồn cười” với con: “ôi cục cưng”, “ôi cục…” của ba, của má, thì Thiên Chúa cũng chẳng khác gì. Người từng nói với Giacóp, với Ít-ra-en rằng: “Đừng sợ, Gia-cóp, loài sâu bọ, hỡi Ít-ra-en, loài giòi!” (Is 41:14).

Đức Phanxicô khuyên ta bắt chước Thiên Chúa nói lời yêu thương, lời dịu dàng, lời hạ mình ngó xuống anh em như vậy.

Rồi chỉ sau đó ít ngày, trong thông điệp gửi Thành Phố và Thế Giới (Urbi et Orbi) ngày 25 tháng Mười Hai, Đức Phanxicô lại nói tới sự dịu dàng. Ngài nói với các tín hữu: “Hãy để trái tim ta được đánh động, hãy để con người ta được sưởi ấm bằng sự dịu dàng của Thiên Chúa; ta cần sự vuốt ve của Người”.

Nhưng còn Đức Bênêđíctô XVI? Scalia kể lại phản ứng của một người bạn trước câu hỏi ấy. Chị ta giãy nẩy: No way! Không thể nào! Làm gì có chuyện Đức Bênêđíctô dịu dàng! Chữ này không thể được liên kết với ngài. Ngài chỉ có thể là God’s Rottweiler, chó dữ của Thiên Chúa, cùng lắm là Tổng Tư Lệnh của Giáo Hội Chiến Đấu!

Thực ra, nếu dịu dàng là trở nên gần gũi và ở cùng hàng, thì Đức Bênêđíctô không khác gì Đức Phanxicô. Thực vậy, trong cuốn Principles of Catholic Theology, Đức Hồng Y Ratzinger từng đưa ra chủ đề: ‘việc anh hiện hữu quả là điều tốt đẹp’. Ngài viết: “Lý do tại sao một cá nhân không thể chấp nhận cái anh, không thể thuận hảo với chính họ, là vì họ không thích cái tôi riêng của họ, và, vì lý do này, không thể chấp nhận cái anh… Nhưng làm thế nào để có thể khẳng định, thuận tình với cái tôi của chính mình? Câu trả lời có thể là bất ngờ: ta không làm được thế nếu chỉ nhờ vào cố gắng của một mình ta mà thôi. Tự ta, ta không thể thuận hảo với chính ta. Cái tôi của ta chỉ trở nên chấp nhận được đối với ta nếu trước nhất nó trở nên chấp nhận được đối với một cái tôi khác. Ta chỉ có thể yêu ta nếu trước nhất ta được một ai đó yêu thương… Nếu một cá nhân muốn chấp nhận chính mình, thì một ai đó phải nói với anh ta: ‘việc anh hiện hữu quả là điều tốt đẹp’; mà phải nói không hẳn bằng lời mà bằng hành vi của cả con người mà ta vốn gọi là yêu thương. Vì chính con đường tình yêu đã muốn có sự hiện hữu của người khác và, cùng một lúc, đem sự hiện hữu ấy xuất hiện đi xuất hiện lại”.

Điều đáng lưu ý là khi nghe trích dẫn chủ đề “việc anh hiện hữu quả là điều tốt đẹp”, một người bạn Công Giáo khác của Scalia, hơi “bụi” một chút, cho rằng chủ đề đó hẳn là của Đức Phanxicô. Anh ta rất đỗi ngạc nhiên khi được biết đó là nhận định của Đức Bênêđíctô.

Điều ấy cho thấy phần lớn chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các trình thuật và hàng tít lớn của truyền thông, và lười lĩnh chấp nhận chúng như những chân lý tin mừng. Đến nỗi ngay cả những người dấn thân tích cực hoạt động cho Đạo đôi khi cũng chấp nhận các lời giải thích giản dị thái quá về các vị giáo hoàng của ta. Thực ra, các vị ngồi trên tòa Phêrô nhất thiết đều là những con người phức tạp với khối óc được dệt bằng những sợi chỉ dọc ngang của cả đức tin lẫn lý trí.

Nhiều người công khai ngưỡng mộ Đức Bênêđíctô về trí hiểu sâu sắc và sự mạch lạc về tín lý của ngài, nhưng lại không nhìn thấy sự khiêm nhường hay sự ấm áp của ngài. Những ai chỉ nhìn thấy sự khiêm nhường và sự ấm áp nơi Đức Phanxicô xem ra không lưu ý mấy tới sự kiện con người rất học thức này tuy không nhúc nhích gì về phương diện tín lý, nhưng nhấn mạnh tới việc làm thế nào để ta phục vụ tín lý giữa lòng nhân loại.

Điều người ta bỏ sót ở cả hai vị là các ngài hoàn toàn và trọn vẹn là của Chúa Kitô, đầu hết và trên hết, và do đó, các ngài đều thấm nhuần chủ nghĩa triệt để (radicalism), nhưng không theo nghĩa thế gian.

Scalia thuật thêm một người bạn khác, một người rất ham đọc sách. Nhưng khi đụng tới cuốn Co-Workers of the Truth: Meditations for Every Day of the Year (Những Người Cùng Làm Công Cho Sự Thật: Các Bài Suy Niệm Mỗi Ngày Quanh Năm), thì chị ngừng lại: “tôi không thích ngài” vì ngài đây là Joseph Ratzinger, một người chị vốn xếp vào phạm trù Ratzi-Nazi (Ratzinger-Quốc Xã).

Nài nỉ mãi, chị mới chịu đọc vì nể nang. Mấy ngày sau, chị điện thoại cho Scalia giọng đầy nước mắt “Ngài quả tuyệt vời. Trước đây tôi quả không hay!” Bài suy niệm làm chị xúc động hơn cả là bài suy niệm cho hôm thứ Ba, ngày 18 tháng Hai:

“Tổng số đời người sẽ không cân bằng nếu ta loại bỏ Thiên Chúa; trong trường hợp này, chỉ mâu thuẫn còn lại mà thôi. Thành thử sẽ không đủ nếu chỉ tin về lý thuyết rằng có một Thiên Chúa; ta phải coi Người như yếu tố quan trọng nhất đời ta. Người phải ở khắp nơi. Và liên hệ nền tảng của ta với Người phải là liên hệ yêu thương.

Điều ấy thường rất khó khăn. Rất có thể một cá nhân nào đó mang nhiều chứng bệnh… cảnh nghèo có thể khiến cuộc sống của người thứ hai ra khó khăn. Người thứ ba có thể mất một người thân mà trọn đời họ vẫn yêu thương, tùy thuộc… Và còn mối nguy hiểm hơn nữa là cá nhân trở thành cay đắng đến nỗi dám thưa rằng: Chúa chẳng tốt lành chút nào; vì nếu tốt, Người đâu có xử với tôi như thế này.

Cuộc nổi loạn chống Thiên Chúa như thế là điều có thể hiểu được; nhiều lúc, xem ra ta không tài nào chấp nhận được thánh ý Thiên Chúa. Nhưng người nào ngả theo sự nổi loạn này là chuốc độc cho toàn bộ cuộc sống mình. Độc dược của việc nói Không, của việc nổi giận với Thiên Chúa và với thế giới, sẽ sói mòn cá nhân từ bên trong.

Nhưng điều Thiên Chúa yêu cầu ta là một tạm ứng tin tưởng (advance of confidence), có thể nói như thế. Người bảo ta: ‘Ta biết, con chưa hiểu Ta. Nhưng dù sao cũng hãy tín thác Ta, tin rằng Ta tốt lành, và hãy dám sống với niềm tín thác đó’. Đã có rất nhiều điển hình các thánh và vĩ nhân dám tín thác và nhờ thế, đã tìm được cho chính mình và cho người khác niềm hạnh phúc chân thực giữa bóng tối dầy đặc” (Trích từ Auf Christus schauen pp 109-110).

Chị ta bảo: “nghe hệt Đức Phanxicô! Hệt điều ngài muốn nói!”.

Đúng thế, tiếng nói của Người Đại Diện Chúa Kitô là tiếng nói của người chăn chiên dịu dàng, luôn hiểu ta thực sự, ngay cả lúc ta không hiểu hay không để cho mình hiểu ngài trong mọi điều ngài nói.