Mùa hè ở Pháp và các hoạt động liên quan

Dường như đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp nghỉ hè, nước Pháp lại có hàng trăm người bị chết đuối. Năm ngoái, trong vòng bốn tháng kể từ đầu tháng Sáu cho đến cuối tháng Chín 2012, 497 người thiệt mạng liên quan đến tắm biển và bơi lội nơi các sông hồ. Đấy là chưa kể đến con số chết vì tai nạn giao thông đang khi trên đường đi nghỉ hè. Có lẽ khi đứng về phía những người lao động tại một số nước quanh năm làm việc vất vả mà lại không hề có được kỳ nghỉ thì các trường hợp rủi ro nêu trên chẳng cần phải bàn luận nhiều làm gì. Nói vậy cũng dễ hiểu, bởi vì rất nhiều nơi trên thế giới vẫn còn cảnh thiếu ăn, hoặc người dân còn phải vất vả trong kế sinh nhai. Thêm vào đó, nhiều người chết vì bệnh hiểm nghèo mà không có điều kiện chạy chữa, những người khác nữa lại chết vì tai nạn lao động. Khi đem những cái chết này so sánh với cái chết xảy ra khi đi nghỉ hè xem ra có sự khác biệt rất lớn.

Lại cũng có những sự bất tiện khác phát sinh mà nguyên nhân chính là do kỳ nghỉ hè tạo ra. Cuối tuần trước, chỉ riêng buổi sáng, các tuyến đường giao thông của toàn nước Pháp đã bị tắc nghẽn với chiều dài quãng đường khoảng 800 km. Có tuyến đường bị kẹt trên 50 cây số. Các xe nối đuôi nhau nhích từng bước trong khi đó nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Đấy là chưa kể ngành đường sắt đã phải làm việc hết công suất. Tuần rồi các chuyến tàu đã chuyên chở trên 800 ngàn hành khách về hướng biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Vấn đề di chuyển trong thời kỳ nghỉ hè quả là tạo ra những khó khăn không nhỏ. Các mối sinh hoạt khác dường như cũng bị giảm thiểu rất nhiều. Ngay cả những người làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe cũng ngưng làm việc trong khoảng thời gian một tháng hè. Các nha sĩ đóng cửa kéo theo những phòng cung cấp răng giả bắt buộc phải nghỉ theo. Những bác sĩ khám tổng quát cũng rời phòng khám của mình để đi nghỉ hè. Các giáo xứ không phải là trường hợp ngoại lệ. Vào dịp hè, các hội đoàn tạm thời ngưng hoạt động. Nhiều văn phòng giáo xứ không có người trực để tiếp khách mà chỉ nhận các tin nhắn để lại trong hộp thư thoại. Chỉ cử hành bí tích hôn phối và rửa tội cho những trường hợp đã có sự chuẩn bị từ trước. Xứ nào có nhiều linh mục thì chia nhau đi nghỉ. Xứ nào chỉ có một cha xứ thì mượn cha khách về thay thế. Giáo xứ hầu như chỉ còn duy trì việc cử hành thánh lễ và an táng.

Trong khi đi nghỉ, người ta không những không lao động để làm ra sản phẩm mà còn phải chi phí rất tốn kém cho vấn đề đi lại, ăn ở và giải trí. Chi trả của một gia đình cho kỳ nghỉ đắt đỏ hơn rất nhiều so với chi phí sinh hoạt hàng ngày. Câu hỏi đặt ra là liệu có cần chú trọng quá đến việc nghỉ hè ? Nó có thực sự là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống ? Hoặc là dùng số tiền chi phí cho kỳ nghỉ hè để làm một việc thiết thực cho những ai đang có nhu cầu khẩn thiết để thể hiện tình liên đới ?

Xét về điều kiện khí hậu, có thể nói thời tiết trong hai tháng hè Bảy và Tám là nhiều nắng và nóng nhất trong năm. Đây là dịp lý tưởng để tổ chức các cuộc dã ngoại mà những thời gian khác trong năm năm không thể có được như vậy. Mặt trời cũng là yếu tố cần thiết. Trong suốt mùa đông lạnh giá, người ta thiếu hẳn sự năng động vì sự xuất hiện của mặt trời rất hiếm. Cảnh vật chìm sâu trong giấc ngủ đông. Vì thế, mùa hè là lúc cần phải thay đổi nhịp sống.

Sách Giảng Viên viết : « Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà » (Gv 8, 1-8).

Cũng thế, có thể nói tiếp rằng một thời để làm việc, một thời để nghỉ ngơi. Xét theo chiều hướng tích cực, ngưng làm việc để nghỉ ngơi lại sức và sau đó hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Khi đầu óc và tay chân không phải bận tâm đến công việc thì sẽ có cái nhìn tổng quát và khách quan hơn về những gì đã làm trong thời gian qua để điều chỉnh lại hướng đi và có kế hoạch phù hợp cho thời tiếp theo. Ngoài ra, khi tạm ngừng làm việc sẽ có thời gian chăm sóc cho gia đình, làm những gì theo sở thích, có thời gian tham quan thư giãn và thiết lập những mối liên hệ khác trong cuộc sống, hoặc là khám phá ra một địa danh mới cũng như trau dồi được một số kiến thức mới mẻ giống như người Việt mình thường nói : « Đi một ngày đàng học một sàng khôn »...Như vậy, nghỉ ngơi là điều cần thiết để quân bình trong các sinh hoạt của cuộc sống mang lại hiệu quả cao cho các công việc.

Trong khi mong muốn những người thất nghiệp tìm được việc làm, những người lao động vất vả có được kỳ nghỉ ngơi, con người còn cần có những cặp tương quan hỗ tương về « lúc » và « thời » khác nữa như : một thời để học hành và một thời để thực hành ; một thời để được yêu thương và một thời để yêu thương ; một thời để được nhận lãnh và một thời để trao ban ; một thời cần nhu cầu vật chất thì cũng có một thời cần nhu cầu tinh thần ; một thời chia ly thì cũng có thời gặp gỡ…Có như vậy cái nhìn về cuộc sống mới bao quát và mới có được sự phát triển về con người cách toàn diện.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng