Chúa Nhật 14-07-2013

Chúa Nhật XV Thường niên -C (Luca 10:25-37)

Giữ đạo và sống đạo luôn là hai khía cạnh của đời sống người Kitô hữu. Có những Kitô hữu rất nghiêm khắc trong việc giữ đạo, cố gắng tuân giữ các điều luật Chúa và Hội thánh dạy, như: 10 Điều răn, các luật Hội thánh, siêng năng đi lễ ngày thường và Chúa Nhật, đón nhận các bí tích, đọc kinh cầu nguyện sáng tối.......nhưng trong cuộc sống, họ không thể hiện được điều họ giữ và có khi còn làm ngược lại. Lối sống đạo của họ chỉ là trên danh nghĩa người Kitô hữu và dừng lại ở những hàng chữ chết. Ngược lại, những Kitô hữu sống đạo, là người không chỉ tuân giữ luật điều Chúa và Hội thánh dạy; nhưng còn biết áp dụng những điều luật ấy vào trong cuộc sống hằng ngày, thể hiện qua sự yêu thương, tha thứ và bác ái với tha nhân. Đây là những người mà Chúa muốn đề cập đến trong trang Tin mừng hôm nay.

Thánh Luca, qua câu truyện Tin mừng, kể rằng: Có một thày thông luật đã đến gặp và thử Chúa Giêsu qua câu hỏi làm thế nào để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Chúa hỏi ông đã đọc thấy gì trong Luật. Ông trả lời thật tự tin:"Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khốn và người thân cận như chính mình". Có thể nói ông là một người giữ đạo xuất sắc vì thuộc lòng các giới răn mà người Dothái cho là rất quan trọng. Chúa Giêsu kết luận: " Ông trà lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống". Và nếu thày thông luật này khiêm nhường ra đi thực hành lời Chúa dạy, ông đã có thể trở thành người tốt, người môn đệ chân chính của Chúa. Thế nhưng, ông cũng giống như nhiều người Kitô hữu chỉ giữ đạo, và vì lòng tự ái, đã không thể áp dụng được lời Chúa vào trong cuộc sống qua câu hỏi ngược lại: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?"

Câu trả lời được Chúa Giêsu đưa ra qua câu truyện một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị bọn cướp lấy hết tiền bạc, đánh cho nhừ tử và bỏ bên vệ đường dở sống dở chết. Tình cờ, một thày tư tế, một thày Lêvi và một người Samari đều đi qua đoạn đường đó và trông thấy người bị nạn, nhưng chỉ có người Samari, một người ngoại đạo, đã dừng lại chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Trong 3 hạng người trên, thày tư tế và Lêvi tượng trưng cho những người nhiệt thành giữ đạo, nhưng lại thiếu đi tấm lòng bác ái và sự yêu thương. Ngược lại, người Samaria, cho dù là dân ngoại, nhưng đã biết sống tình người một cách chân thành, vượt qua những rào cản của tôn giáo và lề luật, để hướng đến tha nhân. Anh ta là hình ảnh của những người sống đạo với niềm xác tín và thể hiện đức tin qua hành động của lòng nhân aí.

Ngày hôm nay, đâu đó người đang lên án và chê trách hàng Giáo sĩ, mà cụ thể là một số các Linh mục, Tu sĩ đang bị cám dỗ của đời sống tiện nghi vật chất, tìm kiếm sự "an toàn" bản thân, mà sao nhãng hoặc thiếu đi một tấm lòng, sự quan tâm tới những người nghèo, người bất hạnh và bị áp bức trong xã hội. Lối sống này phản ngược với những đòi hỏi của Tin mừng và đang gây nên "scandal" cho Giáo Hội. Chúng ta không phủ nhận điều nhận xét của dư luận, nhưng thực ra đó chỉ là một số rất nhỏ so với những việc lớn lao mà Giáo Hội và hàng giáo sĩ đang phục vụ cho cộng đồng nhân loại. Tuy nhiên, dầu sao đi nữa, nó cũng là một lời cảnh tỉnh cho những ai đang đi theo lựa chọn sống cho Tin mừng, làm chứng cho một Giáo Hội sống nghèo như Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong muốn. Bên cạnh đó, nhiều tấm gương của các anh chị em giáo dân trong việc phục vụ cho những người già yếu, bệnh tật nơi các nhà dưỡng lão, giúp đỡ người nghèo, can đảm lên tiếng trước những bất công và bạo lực trong xã hội; kiên trì trong sứ mạng bảo vệ sự sống......chính là những người Samariatnô nhân hậu cho thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mỗi người chúng con luôn biết cân bằng giữa việc giữ đạo và sống đạo, tuân giữ luật Chúa và Hội thánh; nhưng cũng cố gắng thực hành lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, như người Samaritanô nhân hậu, bằng những cử chỉ yêu thương, tha thứ và bác ái với anh chị em. Amen.

Cha Giuse Nguyễn Kim Long.