Dù các liên hệ giữa Tòa Thánh và Israel gần đây được mô tả như có nhiều tiến bộ, nhưng nhiều vấn đề giữa đôi bên vẫn dậm chân tại chỗ. Như vấn đề miễn thuế cho các cơ sở của Giáo Hội tại Israel chẳng hạn. Dĩ nhiên, nhiều người qui trách nhiệm cho Giáo Hội. Thực ra, không phải chỉ là vấn đề liên hệ với Israel, có ba vụ sa lầy khác được coi như chuyện không bao giờ kết thúc. Đó là viễn tượng ngoại giao với Trung Hoa; các cố gắng chấm dứt cuộc ly giáo của phe Lefèbre; hy vọng Đức Giáo Hoàng tới thăm Nga và mùa xuân đại kết với Chính Thống Giáo Nga.

Trong mỗi trường hợp, ta đều thấy cả một chu kỳ thăng trầm có thể tiên đoán được. Cứ mỗi tháng hay gần như thế, một ai đó lại tường trình có sự tiến triển, sắp phá vỡ được bế tắc, tiếp theo là cả một đợt phấn khởi. Nhưng chẳng bao lâu sau, một chuyện gì đó lại xẩy ra cho thấy hứa hẹn trên chỉ là hão huyền hay quá đáng và thế là ta lại trở về cái điểm chờ đợi thuở nào.

Dù không có nhiều tiến bộ trong cả bốn mặt trận trên, người ta vẫn hết sức lưu tâm quan sát. Trong cả bốn mặt trận ấy, các trách cứ trong việc thất bại đẩy banh đi không hoàn toàn, thậm chí, không chủ yếu thuộc về Rôma. Thí dụ rõ rệt nhất là các liên hệ với Hội Thánh Piô X, một hội duy truyền thống, và thường được gọi là Nhóm Lefèbre.

Chỉ thiếu đứng bên ngoài trụ sở chính của họ ở Econe, Thụy Sĩ, trong mưa tuyết để xin họ tha thứ như Henry IV tại Canossa ra, Đức Bênêđíctô XVI đã làm mọi sự có thể làm được để hàn gắn sự rạn nứt, nhưng hội này một mực “em chả, em chả”. Trong một lá thư Phục Sinh gửi bạn bè và ân nhân, Giám Mục Bernard Fellay quả quyết rằng Rôma đã áp đặt việc chấp nhận Công Đồng Vatican II như điều kiện tiên quyết “không có không được” (sine qua non), một áp đặt “chúng ta đã không thể và vẫn còn không thể chấp nhận được”.

Nhiều quan sát viên tin rằng hiện nay “trò chơi đã chấm dứt”, ít nhất cũng trong một tương lai có thể tiên đoán được và sẽ không còn một nhượng bộ bất ngờ nào về phía Lefèbre cả.

Còn về phía Trung Hoa và Chính Thống Nga, Vatican chắc chắn đã thực hiện nhiều bước khiến sự vật đi thụt lùi, bất kể luận lý của chúng ra sao. Như năm 2000 chẳng hạn, 120 vị tử đạo của Trung Hoa đã được phong hiển thánh vào ngày 1 tháng 10, ngày tại Trung Hoa là lễ nghỉ của cả nước mừng kỷ niệm chế độ Cộng Sản. Việc chọn ngày ấy bị nhà cầm quyền Trung Hoa coi như cái tát vào mặt họ bất kể việc Vatican nằng nặc cho rằng ngày 1 tháng 10 là ngày lễ kính Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, quan thầy phổ quát của các xứ truyền giáo.

Trong khi đó, năm 2002, Vatican tuyên bố rằng bốn tông tòa tại Nga đã được nâng lên hàng giáo phận, khiến người Chính Thống tố cáo Vatican bành trướng và chủ trương cải đạo. Quyết định trên rõ ràng được đưa ra mà không có sự tham khảo người Chính Thống… Ấy thế nhưng, trong cả hai trường hợp này, qui kết Vatican là cản trở hàng đầu là điều không hoàn toàn chính xác.

Đức Hồng Y Angelo Sodano, cựu Quốc Vụ Khanh, có lần đã thời danh cho rằng nếu Trung Hoa chịu thiết lập liên hệ ngoại giao, Vatican sẽ lập tức đóng cửa tòa đại sứ của mình tại Đài Loan, “không phải sáng mai, mà ngay đêm nay”. Sự thực là, phần đông những người quan sát Trung Hoa tin rằng trở ngại thực sự hệ ở các căng thẳng không được giải quyết giữa phe Cộng Sản thực tiễn và phe Cộng Sản thủ cựu bên trong hàng ngũ ưu tú của xứ sở, khiến phát sinh ra thứ hội chứng cá tính nhiều mặt khi đối diện với chính sách về tôn giáo.

Gần đây nhất, giám mục phụ tá của Thượng Hải, Thaddeus Ma Daqin, đã bị giam tại nhà vì đã công khai bác bỏ tư cách hội viên Hội Công Giáo Ái Quốc, một cơ quan được nhà nước bảo trợ nhằm giữ người Công Giáo trong vòng kiểm soát.

Tại Nga, bất kể khuynh hướng hoà dịu đại kết gần đây, người ta vẫn thấy mối hoài nghi sâu xa đối với Rôma và ngôi vị giáo hoàng, khiến cho mọi cử chỉ có ý nghĩa trở thành lưỡng nghĩa, đa nghĩa. Cuối tháng 4 năm nay chẳng hạn, Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã ra một tuyên bố nồng nhiệt chào mừng việc bầu Đức Phanxicô làm giáo hoàng. Nhưng không lâu sau đó, viên chức đại kết cao cấp nhất, tức TGM Hilarion thuộc Volokolamsk, tuyên bố rằng nếu đức tân giáo hoàng thực sự muốn có mối liên hệ tốt hơn, thì ngài nên chặn đứng đà lớn mạnh của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp tại Ukraine, một Giáo Hội bị Moscow coi như dẵm chân lên “lãnh thổ giáo luật” của mình.

Tính đa nghi đối với chủ nghĩa duy cải đạo của Công Giáo đã ăn rất sâu vào người Chính Thống Nga, bất chấp sự kiện trong những năm thời Đức Gioan Phaolô II, Vatican đã áp đặt một chính sách không phát triển trên thực tế. Nếu có chủ nghĩa duy cải đạo ở Nga, thì đó là các người Tin Lành, hay Ngũ Tuần, chứ đâu phải là Công Giáo. Năm ngoái, một cuộc nghiên cứu về sự lớn mạnh của Tin Lành tại Nga đã được đặt tựa là "Post-Soviet Gold Rush" (Chạy Đua Tìm Vàng Hậu Xô Viết).

Có lần, người ta hỏi một giám mục Chính Thống Nga lý do tại sao họ lo lắng trước sự bành trướng của Công Giáo mà lại không lo lắng gì trước sự lớn mạnh của người Tin Lành hay Ngũ Tuần. Ngài cho hay: “Họ tới đây hôm nay rồi ngày mai ra đi, nhưng người Công Giáo sẽ ở đây vĩnh viễn”.

Dù người ta nói với ngài rằng quan điểm coi người Tin Lành và Ngũ Tuần ở đây hôm nay, ngày mai ra đi đã sai lầm ít nhất tại Châu Mỹ La Tinh, nhưng vị giám mục này vẫn không tin. Thực thế, cách nay 10 năm, các giám mục Công Giáo của Châu Mỹ La Tinh đã nghĩ như thế, nhưng thực ra, người Tin Lành và người Ngũ Tuần đến Châu Mỹ La Tinh và nay họ càng ngày càng phát triển thêm.

Trở lại Israel và Thoả Hiệp Căn Bản, người ta thấy cả hai bên đều chịu trách nhiệm đối với việc trì trệ. Theo quan điểm Vatican, tư thế luật pháp dành cho các tài sản của Giáo Hội phải được qui định bởi một hiệp ước, chứ không bởi các chính sách nay thay mai đổi của Quốc Hội Israel. Quả là điều hợp lý khi các nhà thương thảo của Vatican đặt câu hỏi: có ích chi khi thương thảo một thoả hiệp hai bên để rồi sau đó các điều khoản của nó bị một phía bên kia tự ý thay đổi.

Về phía Israel, họ có mối quan tâm hợp lý là nhường cho người khác chủ quyền đối với lãnh thổ của mình, nhất là vì Israel đã phải trả một giá rất đắt mới chiếm được nó. Họ cũng có mối quan tâm hợp lý khi tạo ra một tiền lệ, vì bất cứ thương lượng nào được ký với Vatican, họ thấy khó có thể từ khước cùng một thứ thương lượng đó đối với các nhóm tôn giáo khác.

Phần mình, Vatican đã cố gắng rất nhiều để khai quang bế tắc. Như trong năm 2011, Linh Mục Dòng Phanxicô, David-Maria Jaeger, đã được đề cử làm thẩm phán tòa Tối Cao Rôma, một vinh dự đủ làm ngài từ bỏ chức cố vấn tổng quát của Tòa Thánh trong các cuộc thương thảo với Israel. Sự kiện Cha Jaeger vốn là một tín hữu Do Thái Giáo trở lại Công Giáo từng là nguồn gây ra nhiều cơn đau ruột cho một số người thuộc phía Israel; sự kiện ngài còn là một thương thuyết gia cứng rắn vì biết rõ luật lệ và nền chính trị Do Thái từ trong ra ngoài có lẽ cũng là một nhân tố.

Ở hậu cảnh, các tham dự viên của cuộc thương thuyết thuộc cả đôi bên đều nói rằng họ rất cần đạt được một thỏa hiệp. Họ cho rằng khó khăn hàng đầu hiện nay là làm sao vận động được một đà chính trị tại Israel để họ, kể cả quốc hội, chịu ký bất cứ thoả hiệp nào mang hiệu lực luật lệ. Người ta đang còn phải chờ xem chính phủ của ông Benjamin Netanyahu sẽ đặt vấn đề này ở hàng thứ mấy trên danh sách các ưu tiên của họ.

Tóm lại, việc người ta thường đổ lỗi cho Vatican là người gây trở ngại chính cho 4 lãnh vực ngoại giao nói trên không hoàn toàn được biện minh. Cần có hai người mới có thể có một điệu nhẩy tango. Vatican rất muốn nhẩy, nhưng chưa thực sự có người cùng nhẩy với mình.

Tin mới nhất

Ký giả Andrea Tornielli vừa báo tin trong hai ngày 3 và 4 tháng 6 này, một cuộc gặp gỡ nữa giữa Israel và Tòa Thánh sẽ được tổ chức tại Rôma để giải quyết hai vấn đề cuối cùng còn tồn đọng đó là khu đậu xe tại Nhà Tiệc Ly trên Núi Xion và một nơi thờ phượng tại Xêdarê.

Theo phát ngôn viên Do Thái, Nhà Tiệc Ly trên Núi Xion sẽ trở thành nơi thờ phượng của Công Giáo như trước. Điều này có nghĩa từ nay, phía Công Giáo có thể cử hành Thánh Lễ tại đây, nhưng đất đai thì vẫn thuộc sở hữu của Nhà Nước Do Thái, chứ không được trao lại cho các Cha Dòng Phanxicô là người vẫn sở hữu nó trước đây.

Song song với việc ấy, các nơi thánh, các nơi thờ phượng và nghĩa trang Công Giáo sẽ hoàn toàn được miễn thuế, nhưng các nơi dùng cho mục đích thương mãi như tiệm bán đồ kỷ niệm, quán ăn…vẫn phải chịu thuế.

Tuy thế, người ta vẫn không hy vọng là hai bên sẽ ký được một thỏa hiệp dứt khoát trong cuộc họp sắp tới, tuy cả hai bên đều có thương thuyết gia mới. Phía Israel là phó Bộ Trưởng Ngoại Giao, Zeev Elken; phía Vatican là Thứ Trưởng Liên Lạc Các Chính Phủ, Antoine Camilleri.

Hai vấn đề tồn đọng là khu đậu xe trên Núi Xion và một nơi thờ phượng tại Xêdarê. Các Cha Phanxicô đòi quyền sở hữu khu đậu xe, nhưng Israel cho hay họ không thể thay đổi việc dùng khu đất đó làm chỗ đậu xe, nhưng bù lại, họ sẽ cung cấp cho các cha một chỗ khác.

Tình thế có khác đối với khu khảo cổ tại Xêdarê. Tòa Thượng Phụ La Tinh có một nhà thờ nhỏ dâng kính Thánh Phaolô tại đây (Thánh Phaolô rời Xêdarê đi Rôma). Khi Nhà Nước Israel được thành lập, Tòa Thượng Phụ bị tước mảnh đất này và ngôi nhà thờ bị phá hủy. Bây giờ, Tòa Thánh muốn có một nơi thờ phượng ở đấy. Khu vực khảo cổ, nơi hiện còn di tích ngôi nhà thờ của Thập Tự Quân ngày xưa, nay là một công viên và không ai được đụng tới. Hai bên đang cố gắng tìm giải pháp để người Công Giáo được thờ phượng đâu đó tại khu vực này tuy không có quyền sở hữu đất đai. Giải pháp thay thế là một khu đất khác bên ngoài khu khảo cổ để bên Công Giáo xây dựng một khu hành hương.

Cuộc thương thảo hết sức phức tạp và kéo dài đã lâu. Các thông cáo chung chính thức lúc nào cũng có giọng hứa hẹn, nhất là về phía Israel. Tuy nhiên, theo Tornielli, lần này, giọng điệu có nhiều hứa hẹn thực sự. Ta hãy chờ xem.