Cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi để cầu nguyện cho hòa bình lần này gây được nhiều chú ý, vì đây là buổi gặp gỡ kỷ niệm 25 năm sáng kiến đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II, người đã mang cuộc đối thoại liên tôn lên đỉnh cao suốt trong triều đại của ngài. Nhân dịp này, một chuyên viên về liên tôn, Đức Tổng Giám Mục hưu trí Kevin McDonald của giáo phận Southwark và là nguyên chủ tịch Ủy Ban Đối Thoại và Hợp Nhất của Hội Đồng Giám Mục Anh và Wales, có đọc một bài diễn văn tựa là “Cầu Nguyện cho Hòa Bình: Linh Đạo và Đối Thoại Liên Tôn” tại Đại Học Canterbury Christ Church hôm thứ năm vừa qua. Bài diễn văn được Tập San The Tablet lấy làm chủ đề cho số báo mới nhất của họ.

Tinh thần Assisi

Được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II triệu tập tại Assisi năm 1986, Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình là một biến cố có một không hai, và cả Kitô hữu lẫn những người thuộc các tôn giáo khác vẫn tiếp tục dấn thân vào diễn trình suy tư về nó, lượng giá ý nghĩa của nó và đẩy mạnh điều đã xẩy ra tại đó. Đức Bênêđíctô sẽ triệu tập một Ngày Assisi nữa vào Thứ Năm tới để đem lại một cơ hội nhìn lại con đường đã đi kể từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, đồng thời nhìn tới tương lai.

Cuộc tụ tập đầu tiên tại Assisi hoàn toàn là sáng kiến riêng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và nếu cẩn thận đọc lại những gì ngài từng nói cả trước lẫn sau biến cố ấy ta sẽ có được những lời giải đáp cho nhiều âu lo và vấn nạn người ta vốn có về nó. Lời của ngài cũng mở ra nhiều câu hỏi bao quát hơn về ý nghĩa văn hóa cũng như lịch sử của ngày này.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô công bố cuộc gặp gỡ này trong bài giảng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành ở Rôma nhân dịp cử hành thánh lễ kết thúc tuần tám ngày Cầu Nguyện cho sự Hợp Nhất Kitô Giáo vào ngày 25 tháng Giêng năm 1986. Ngài nhắc lại rằng năm 1986 đã được Liên Hiệp Quốc công bố là Năm Hòa Bình Quốc Tế. Đức Giáo Hoàng rõ ràng muốn đáp ứng sáng kiến đó và mời gọi Kitô hữu và mọi người thiện chí cầu nguyện cho hồng ân hòa bình.

Thuật ngữ “hồng ân hòa bình” sẽ trở thành trung tâm đối với mọi điều Đức Giáo Hoàng sau đó nói về ngày này. Ngài nói tiếp: “Tòa Thánh muốn đóng góp vào việc làm nổi lên một phong trào thế giới cầu nguyện cho hòa bình, một phong trào vượt mọi biên giới quốc gia và bao hàm mọi tín hữu các tôn giáo, đến độ bao trùm khắp thế giới”.

Như thế, Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình tại Assisi hoàn toàn là điều bất ngờ. Hồi đó, Đức TGM McDonald đang làm việc tại Văn Phòng Hợp Nhất Kitô Giáo tại Rôma và ngài cho hay việc ấy làm mọi người rất bỡ ngỡ. Ngài không đi Assisi, nhưng các vị bề trên của ngài, như Đức Hồng Y Johannes Willebrands và Cha Pierre Duprey, đều có mặt ở đó và hợp tác gần gũi vào việc tổ chức ngày ấy. Đối với những người tham dự cuộc đối thoại đại kết hay liên tôn nhân danh Tòa Thánh, ai cũng có cảm tưởng mình đang bước vào một vùng đất mới, khai phá những mảnh đất lạ.

Dĩ nhiên, ngay từ đầu, người ta đã tỏ ra nhiều quan ngại và vấn nạn về việc này. Đức Gioan Phaolô II cũng rất hiểu tình thế ấy, nên ngài đã dùng bài nói chuyện trong buổi triều yết chung vào ngày 22 tháng 10 năm đó, chỉ 5 ngày trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ, để giải thích và biện minh cho sáng kiến của mình. Ngài nói rằng: các tham dự viên sẽ “chỉ dấn thân vào việc khẩn xin Thiên Chúa ban cho hồng ân hòa bình”. Ngài đưa ra một nghị trình và một quan điểm về ý nghĩa của công trình liên tôn, hai điều vẫn còn gây ảnh hưởng lớn lao cả trong Giáo Hội Công Giáo lẫn các định chế khác.

Ngài tiếp tục nói rằng đối với người Công Giáo, ngài muốn sáng kiến này “được mọi chi thể Giáo Hội nhìn và giải thích dưới ánh sáng Công Đồng Vatian II và các giáo huấn của Công Đồng này”. Như thế, đây không hẳn chỉ là một đáp ứng đối với năm hòa bình của LHQ nhưng phải nhìn nó trong ngữ cảnh các sáng kiến trước đây của Đức GH, như cuộc viếng thăm của ngài tại Hội Đường Do Thái Giáo tại Rôma và bài diễn văn của ngài trước giới trẻ Hồi Giáo tại Morocco. Cả hai đều là hoa trái của Vatican II.

Như Đức Gioan Phaolô II sẽ nói sau này trong một diễn văn quan trọng vào dịp cuối năm: “Như thế, có thể nhìn biến cố Assisi như một minh họa rõ ràng, một điển hình cụ thể, một bài giáo lý, khả niệm đối với mọi người, về nội dung và ý nghĩa của dấn thân đại kết và đối thoại liên tôn từng được Công Đồng Vatican II khuyến cáo và cổ vũ”.

Điều đó rất quan trọng đối với ý nghĩa lịch sử của biến cố này vì cả hai cuộc đối thoại đại kết và liên tôn đều được các văn kiện của Công Đồng trình bày như là thành phần cấu tạo ra sinh hoạt của Giáo Hội, đúng hơn, là thành phần tạo ra cái hiểu của ta về bản chất Giáo Hội. Điều này được phát biểu một cách rất minh nhiên trong chương hai của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, và được giải thích chi tiết trong các sắc lệnh về đại kết và mối tương quan với các tôn giáo không phải là Kitô Giáo.

Hai mươi năm sau Vatican II, dưới thừa tác vụ của Đức Gioan Phaolô II, điều cũng hiển nhiên là ý thức lớn lao về trách nhiệm bản thân đối với các chia rẽ trong nội bộ Kitô Giáo, các chia rẽ giữa các tôn giáo và mọi cuộc tranh chấp nằm dưới cội rễ gây ra đau khổ cho nhân loại. Việc giải quyết các chia rẽ này trở thành nghị trình cho Giáo Hội Công Giáo hiện nay, theo nghĩa cụ thể nhất của nó.

Trong bài nói chuyện vào ngày 22 tháng 10 nói trên, Đức Gioan Phaolô II cũng đã nhắc nhở rằng: Công Đồng Vatican II đã nại tới các giáo phụ sơ khai để quả quyết rằng trong các tôn giáo khác vốn có “hạt giống Lời Chúa” và “tia sáng sự thật duy nhất”. Đây quả là một cái nhìn tích cực đối với các tôn giáo khác. Ngải tỏ lòng tôn kính đối với việc cầu nguyện của các tôn giáo khác nhưng ngài tiếp tục đưa ra lời giải thích hết sức chủ yếu để biện minh cho Ngày Assisi: “Điều sắp xẩy ra tại Assisi chắc chắn sẽ không phải là chủ nghĩa chiết trung tôn giáo nhưng là một thái độ thành thực cầu nguyện cùng Thiên Chúa trong một bầu khí tôn trọng lẫn nhau. Vì lý do này, công thức chọn cho cuộc tụ tập tại Assisi là: hiện diện với nhau để cầu nguyện. Điều chắc chắn là ta không thể ‘cầu nguyện với nhau’, tức thực hiện lời cầu nguyện chung, nhưng ta có thể hiện diện trong khi người khác cầu nguyện”.

Sau đó, Đức Gioan Phaoloô II bác bỏ ý nghĩ cho rằng sáng kiến của ngài giảm thiểu hóa các dị biệt hay gợi ý rằng mọi tôn giáo đều như nhau. Công thức được ngài đưa ra chỉ nói lên một phương châm lâu đời: lex orandi, lex credendi (luật cầu là luật tin). Cầu nguyện là phát biểu đức tin, nên ta chỉ có thể cầu nguyện với những người chia sẻ cùng một đức tin như ta. Nhưng ta vẫn có thể hiện diện trước mặt người khác khi họ cầu nguyện, và có thái độ tích cực đối với việc cầu nguyện ấy. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô cũng đã làm rất nhiều để đặt cơ sở và biện minh cho quan điểm này, nhất là một cách rất sâu sắc và thận trọng khi nhiều lần nói tới hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các tín hữu thuộc các tôn giáo khác.

Sau cùng, Đức Gioan Phaolô II nói rằng bất chấp nhiều dị biệt, các tôn giáo hoàn cầu “đều được mời gọi đóng góp vào việc khai sinh ra một thế giới nhân bản hơn, công bình hơn và huynh đệ hơn. Sau khi đã là nguyên nhân thường xuyên của chia rẽ, nay, tất cả các tôn giáo đều muốn đóng một vài trò quyết định trong việc xây dựng nền hòa bình thế giới”. Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng vẽ ra một cái nhìn vĩ đại về ý nghĩa của sáng kiến này. Nhưng điều cũng hiển nhiên là một khai triển đầy ý nghĩa về chính việc thừa hành ngôi vị giáo hoàng. Đây là một khai triển về vai trò lãnh đạo và việc dấn thân vào vấn đề tôn giáo nói chung, một khai triển chưa từng có trước đó.

Như thế, lời mời đã được gửi đi và đáp ứng quả là tích cực cả từ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo lẫn từ các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác. Tuy thế vẫn có người từ khước và bác bỏ. Có người cho rằng cuộc tụ họp như thế trước nhất nên tiến hành vì công lý và nhân quyền trước khi đến với nhau vì hòa bình… Nhưng các tôn giáo chính đã đồng ý tham dự, và cuối cùng có 71 đại biểu các tôn giáo không phải là Kitô Giáo hiện diện tại Assisi, đại diện cho 26 phái đoàn khác nhau.

Vào chính ngày cầu nguyện tại Assisi, Đức Giáo Hoàng nói với quí khách mời rằng cuộc tụ họp này chứng minh cho thế giới thấy: có một chiều kích nữa cho hòa bình và một đường lối nữa để cổ vũ nó mà không cần đến thương thảo, đến thỏa hiệp chính trị hay mặc cả kinh tế. Đúng hơn, ngài nói, đó chính là “kết quả của cầu nguyện, một việc, giữa cảnh đa nguyên tôn giáo, nói lên mối tương quan với quyền lực tối cao vốn vượt quá các khả năng nhân bản của chúng ta”.

Ngài kêu gọi cả đại diện các hiệp thông Kitô Giáo khác lẫn đại diện các tôn giáo khác đang có mặt chia sẻ cái nhìn của ngài về vai trò độc đáo và quan yếu mà tôn giáo vốn đóng trong việc mưu cầu hòa bình cho thế giới. Đây cũng là một khẳng nhận về giá trị của cầu nguyện nơi các tôn giáo khác, một sự khẳng nhận tiếp tục được xác nhận bởi Giáo Hội Công Giáo, nhất là bởi Đức GH Bênêđíctô XVI trong bài diễn văn của ngài với đại diện các tôn giáo khác tại Học Viện St Mary ở Twickenham, trong chuyến tông du Anh Quốc một năm trước đây. Trong dịp này, ngài kêu gọi tín hữu các tôn giáo khác chia sẻ kinh nghiệm của họ về tình yêu thần thiêng.

Nhưng Đức Gioan Phaolô II cũng minh xác rằng cuộc gặp gỡ này không liên hệ gì tới việc đi tìm sự đồng thuận về tôn giáo hay thương lượng về các xác tín của niềm tin. Đây cũng không phải là chuyện tương nhượng đối với chủ nghĩa tương đối dưới bất cứ hình thức nào. Dĩ nhiên, một số người vốn cho rằng cuộc tụ họp tại Assisi cho người ta cảm nghĩ mọi tôn giáo đều ngang nhau hay đều như nhau, nhưng nếu nghiên cứu lời lẽ của Đức Giáo Hoàng một cách cẩn thận sẽ thấy điều đó không đúng.

Trong chính ngày tụ họp, các Kitô hữu đã cùng cầu nguyện với nhau, còn đại diện các tôn giáo khác cầu nguyện tại nhiều địa điểm khác nhau tại Assisi. Ăn chay và thống hối cũng là thành phần trong ngày. Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng ngỏ lời với cả các nhà lãnh đạo Kitô Giáo lẫn đại diện các tôn giáo khác. Tại buổi gặp gỡ sau cùng, họ đều đã lên tiếng và làm chứng cho hòa bình. Quả là một ngày đặc biệt.

Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo lúc đó, Tiến Sĩ Robert Runcie, xúc động rõ ràng vì cuộc gặp gỡ này. Ngài nói rằng chỉ có một Giáo Hội và chỉ có một con người có thể triệu tập được cuộc gặp gỡ này. Tiến Sĩ Runcie chắc chắn là người quan tâm tới việc thăm dò sự phát triển nơi thừa tác vụ của Giám Mục Rôma trong tương quan với các Kitô hữu của các hiệp thông khác. Điều đáng lưu ý là 9 năm sau, trong thông điệp Ut Unum Sint, công bố năm 1995, của ngài, Đức GH Gioan Phaolô II đã mời gọi tín hữu các hiệp thông khác đóng góp ý kiến vào việc làm thế nào thừa tác vụ của Giám Mục Rôma có thể vừa duy trì đươc tính nguyên vẹn của nó vừa “cởi mở đối với tình thế mới”.

Đức GH Gioan Phaolô đã đưa ra một suy tư nhiều chất lượng về ngày cầu nguyện trên trong bài nói chuyện cuối năm với Giáo Triều ngày 22 tháng 12 năm 1986. Trong bài nói chuyện này, ngài mạnh mẽ nói tới việc cuộc gặp gỡ Assisi đã tập trung nói ra sao về tính đơn nhất có tính nền tảng của nhân loại. Ngài cho rằng cuộc gặp gỡ ấy là một biểu thức hữu hình của tính đơn nhất dấu ẩn nhưng căn để mà Ngôi Lời Thiên Chúa từng thiết dựng giữa mọi người nam nữ trên thế giới. Ngài nói tới mối liên hệ giữa căn tính cũng như sứ mệnh của Giáo Hội với tính đơn nhất của nhân loại như sau: “Các dị biệt trở thành yếu tố kém quan trọng khi đối diện với tính đơn nhất hết sức căn để, nền tảng và có tính quyết định”.

Tất cả những điều trên phát xuất từ một con người từng chu du khắp thế giới và coi đó như một phần trong vai trò của mình. Ngài minh xác rằng ngài coi mọi người đều được sắp đặt cho sự hợp nhất trong Chúa Giêsu Kitô. Tuyệt đối không còn mơ hồ gì nữa về điều đó, nhưng trong cái nhìn của ngài, cũng có sự đại lượng và cởi mở về cách Thiên Chúa thể hiện các mục đích của Người.

Trong số các đáp ứng có ý nghĩa, đại diện nhà vua Morocco nhiệt liệt chúc tụng Đức GH Gioan Phaolô II về sáng kiến của ngài và lên tiếng cầu xin cho mọi người biết theo đuổi con đường hòa bình, công lý và tình yêu huynh đệ. Sau đó, theo yêu cầu của nhà vua, một buổi cử hành liên tôn đã được tổ chức tại Nhà Thờ Chính Tòa Công Giáo ở Rabat. Một đại biểu khác là Thượng Tọa Etai Yamada, vị chủ trì 86 tuổi của tu viện Phật Giáo lâu đời nhất ở Nhật. Ngài Thượng Tọa quyết định tổ chức một buổi gặp gỡ tương tự ở Nhật và buổi gặp gỡ này nay trở thành thường niên gần ngày kỷ niệm biến cố Hiroshima.

Nhưng thử hỏi tương lai của ngày này ra sao? Hai ngày tương tự đã được tổ chức tiếp theo nhau, một vào năm thánh 2000 và một vào năm 2002, không sau ngày 11 tháng 9 bao lâu, ngày có cuộc tấn công khủng bố vào Trung Tâm Thương Mãi Quốc Tế tại New York. Trong các tháng và năm kế tiếp, người ta bắt đầu nói tới “tinh thần Assisi”. Hai mươi năm sau, Đức Tổng Giám Mục Luigi Celata, tổng thư ký của cơ quan lúc ấy có tên Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, nhân một cuộc gặp gỡ giới trẻ liên tôn tại Assisi, có phát biểu: “Cuộc gặp gỡ năm 1986 thực sự đã tạo ra một năng động tính, gần như một phong trào, được biết dưới tên ‘tinh thần Assisi’, một tinh thần từng gợi hứng và vẫn tiếp tục gợi hứng cho nhiều sáng kiến khác nhau nhằm suy nghĩ liên tôn và cầu nguyện cho hòa bình, không những chỉ ở thành phố này, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới”.

Vậy tinh thần Assisi là gì? Mười năm sau biến cố này, Viện Khoa Học và Thần Học Tôn Giáo (ISTR) tại Marseille có tổ chức một hội nghị về Ngày Assisi và các bài tham luận tại hội nghị này đã được đăng trên tập san của Viện. Giám đốc của ISTR, Cha Christian Salenson, đã nhấn mạnh tới 6 xác tín mà theo ngài đã tạo nên tinh thần Assisi. Ngài liệt kê chúng như sau: mọi người đều có liên hệ với nhau cách nào đó trong Chúa Kitô; mọi tôn giáo đều chứa đựng “hạt giống Lời Chúa; mọi tôn giáo đều đóng một vài trò đặc thù trong lịch sử nhân loại; gặp gỡ liên tôn là một đóng góp cho Nước Trời mau đến; cầu nguyện, vì nói lên sự cởi mở đối với Thiên Chúa, nên có một vị trí trung tâm trong cuộc đối thoại này; hiện đang rất cần một cuộc đối thoại liên tôn.

Sự phân tích trên cho ta thấy rõ một nghị trình đang được đặt ra cho mọi tôn giáo trên thế giới ngày nay. Biến cố Assisi, vì thế, quả có tính tiên tri và theo một nghĩa mạnh mẽ, có tính biểu tượng đến độ người ta vẫn còn thể rút tỉa được điều gì đó từ tinh thần của nó khi các Kitô hữu và đại diện mọi tôn giáo tiếp tục cùng lên tiếng và suy nghĩ với nhau.

Mô thức Phanxixô

Trong khi đó, theo AsiaNews, tại Tích Lan, Anton Meemana, một giáo sư Công Giáo tại Viện Thần Học Chân Phúc Joseph Vaz ở Colombo và tại Viện Đại Học Kelaniya, cho rằng để kỷ niệm 25 năm ngày Đức Gioan Phaolô II cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi cùng đại diện các giáo hội Kitô Giáo và đại diện các tôn giáo hoàn cầu, các nhà lãnh đạo tôn giáo nên “chú ý tới vấn đề bách hại người Kitô hữu” vì “người Kitô hữu chân thực là một chúc phúc và là một thách thức cho toàn thể nhân loại, chứ không bao giờ là một gánh nặng hay một nhục nhã”.

Ông cũng cho hay: “tinh thần Assisi là một tinh thần chuộng chân lý, hòa bình, tự do, công lý và hết sức khiêm nhu. Đó là tinh thần tôn giáo tính đích thực”. Theo Giáo Sư Meemana, Thánh Phanxicô thành Assisi cho ta một “mô thức đích thực” vì “hàng ngày, ngài thách thức ta nghiêm túc tiếp nhận những điều hay nhất trong truyền thống ta và sống chúng hết mình”. Chỉ có những người như thế mới “trở nên một chúc phúc cho toàn thể nhân loại”.

Theo ông, “Hòa bình và chân lý liên kết chặt chẽ với nhau. Tìm kiếm chân lý là nền tảng cho mọi cố gắng xây dựng hòa bình. Các căng thẳng về học thuyết làm cho các chân trời linh đạo của ta mở rộng hơn”. Theo chiều hướng này, “người Kitô hữu chân thực là một chúc phúc và là một thách thức cho toàn thể nhân loại, chứ không bao giờ là một gánh nặng hay một nhục nhã. Những người không phải là Kitô hữu không nên sợ sệt những người Kitô hữu chân thực”.

Meeman sau đó thúc giục các nhà lãnh đạo tôn giáo lưu ý tới vấn đề bách hại trên hế giới, nhất là chống lại cộng đồng Kitô Giáo: “Ai sát hại một Kitô hữu, hay bất cứ một con người nhân bản nào, đều làm tôn giáo mình ra ô nhục. Công bình xã hội phải xuất từ trái tim. Việc Á Châu bừng tỉnh về linh đạo phải đổi mới được bộ mặt thế giới, làm trái tim con người bừng cháy và chiếu sáng linh hồn nhân loại”.

Sau cùng, Giáo Sư Meemana đưa ra 4 gợi ý cho các nhà lãnh đạo tôn giáo tham dự Ngày Assisi năm nay: “tăng cường nghị trình công bằng xã hội, liên đới hơn với các quốc gia của Thế Giới Thứ Ba, làm chứng cho giá trị của cầu nguyện, giải quyết công bằng kinh tế và môi sinh”.