1. Linh mục có vũ trang bị bắt khi cố gắng vào Vatican dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha Phanxicô

Một linh mục được trang bị nhiều vũ khí và mặc áo chùng thâm đã cố gắng vào Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican để tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha Phanxicô vào Chúa Nhật, ngày 5 tháng Năm.

Theo hãng thông tấn Ý ANSA, vị linh mục đến từ Cộng hòa Tiệp đã cố gắng đi qua máy dò kim loại mang theo một khẩu súng hơi, hai con dao, một chiếc máy cắt và một chiếc tuốc nơ vít.

Sau khi bị bắt, vị linh mục này đã bị trình báo chính quyền về tội tàng trữ vũ khí trái phép. Khi bị thẩm vấn, vị linh mục cho biết ngài mang theo vũ khí để tự vệ.

Theo tờ báo La Repubblica của Ý, vị linh mục này là Cha Milan Palkovic, 59 tuổi.

Theo Europa Press, vũ khí nằm trong một chiếc túi của một người đàn ông khác, một người Tiệp 60 tuổi đi cùng vị linh mục và người này cũng bị giam giữ.

Cả hai vị này đều không có tiền án tiền sự và cả hai đều đến Rôma trong chuyến hành hương từ Cộng hòa Tiệp.

Các phương tiện truyền thông Ý đã đề cập đến giả thuyết cho rằng đó là một linh mục giả; và nhắc đến mưu toan ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm 13 Tháng Giêng, 1995, 5 tên khủng bố Hồi Giáo ăn mặc như các linh mục đã bị phát hiện dấu các khẩu tiểu liên và áo vest chứa đầy bom trong lớp áo chùng thâm.

Tuy nhiên, vị linh mục bị bắt lần này là một linh mục thật sự.

2. Đức Thánh Cha gặp gỡ một trăm linh mục thuộc trung tâm Rôma

Chiều thứ Sáu, ngày 03 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền thờ Thánh Giá Giêrusalem ở Rôma để gặp gỡ một trăm linh mục, gồm các cha sở, cha phó, quản đốc thánh đường và tuyên úy các nhà thương ở khu vực trung tâm Rôma. Trong cuộc trao đổi dài hai giờ đồng hồ, từ lúc 4 giờ chiều, các vị đặc biệt nói về việc giúp đỡ người cao tuổi, trẻ em và người nghèo.

Khu vực trung tâm Giáo phận Rôma gồm năm giáo hạt, với tổng cộng 38 giáo xứ. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ, có Đức Cha Baldo Reina, Phó Giám quản Giáo phận Rôma, và Đức ông Francesco Pesce, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Monti, được bổ nhiệm làm điều hợp viên khu vực trung tâm Rôma, và Đức Giám Mục Phụ Tá, Daniele Libanori, Dòng Tên, trước đây đặc trách khu vực này, nay được bổ nhiệm làm phụ tá Đức Thánh Cha về đời sống thánh hiến.

Trong cuộc gặp gỡ, các vị cũng bàn tới Năm Thánh 2025 tới đây, vấn đề tiếp đón các tín hữu hành hương đến từ các nơi trên thế giới, và tập trung vào khu trung tâm lịch sử của thành này.

Đức Cha Reina cho biết Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời khuyên thực hành cho các linh mục về việc mục vụ và tiềm năng của các nhà thờ ở trung tâm.

Cuối buổi gỡ, Đức Thánh Cha chào từng linh mục hiện diện. Trước khi giã từ thánh đường để trở về Vatican, ngài còn chào thăm các tín hữu tụ tập bên ngoài.

Cuộc gặp gỡ trên đây nối tiếp một loạt bốn cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã thực hiện trong thời gian gần đây với các linh mục trong giáo phận.

3. Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi các linh mục giáo xứ

Hôm thứ hai ngày 29 tháng 4 năm 2024, tại Vatican đã diễn ra cuộc Họp mặt Thế giới của các Linh mục Giáo xứ cho Thượng Hội đồng về tính Đồng nghị để thảo luận về việc “làm thế nào để trở thành một Giáo hội địa phương đồng nghị trong việc truyền giáo”. Ngày 2 tháng 5, cuộc gặp gỡ đã kết thúc.

Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một lá thư cho các linh mục giáo xứ nói chung. Sau đây là nguyên văn lá thư của ngài

Anh em Linh mục thân mến,

Cuộc gặp gỡ quốc tế “Các linh mục giáo xứ cho Thượng hội đồng”, và cuộc đối thoại với tất cả anh em đã tham gia, mang đến cho tôi cơ hội cầu nguyện cho các linh mục giáo xứ trên toàn thế giới. Với tất cả anh em, tôi nói những lời này với lòng yêu mến sâu sắc.

Điều đó hiển nhiên đến mức nghe gần như tầm thường, nhưng điều đó không làm cho nó bớt chân thực hơn: Giáo hội không thể tiếp tục tồn tại nếu không có sự cống hiến và công việc mục vụ của anh em. Vì vậy, trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao công việc quảng đại mà anh em làm mỗi ngày, gieo hạt giống Tin Mừng trên mọi loại đất (x. Mc 4:1-25).

Như anh em đã trải nghiệm trong những ngày chia sẻ này, các giáo xứ nơi anh em thi hành thừa tác vụ của mình rất khác nhau, từ những giáo xứ ở ngoại ô các thành phố lớn – như cá nhân tôi biết ở Buenos Aires – cho đến những giáo xứ ở những khu vực dân cư thưa thớt có diện tích bằng tỉnh rộng lớn. Chúng bao gồm từ những trung tâm thị trấn ở nhiều nước Âu Châu, nơi các tòa vương cung thánh đường cổ kính đang suy tàn đi và các cộng đồng đang già đi, cho đến những nơi tổ chức các buổi cử hành dưới những tán cây lớn và tiếng hót của chim hòa lẫn với giọng nói của trẻ nhỏ.

Các linh mục giáo xứ nhận thức rõ điều này, vì họ biết rõ từ bên trong đời sống của dân Chúa những niềm vui và khó khăn, những nguồn lực và nhu cầu của họ. Vì lý do này, một Giáo hội đồng nghị cần có các linh mục quản xứ. Không có các linh mục, chúng ta sẽ không bao giờ có thể học cách cùng nhau bước đi và bắt đầu con đường đồng nghị, “con đường mà Thiên Chúa mong đợi ở Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”. [1]

Chúng ta sẽ không bao giờ trở thành một Giáo hội đồng nghị và truyền giáo trừ khi các cộng đồng giáo xứ được phân biệt bằng việc hợp tác của tất cả những người đã được rửa tội vào sứ mệnh loan báo Tin Mừng duy nhất. Nếu các giáo xứ không có tính đồng nghị và truyền giáo thì Giáo hội cũng vậy. Báo cáo tổng hợp của Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ XVI rất rõ ràng về vấn đề này. Các giáo xứ, bắt đầu từ cơ cấu và tổ chức đời sống giáo xứ, được kêu gọi coi mình “trước hết là phục vụ sứ mạng mà các tín hữu thực hiện trong xã hội, trong đời sống gia đình và nơi làm việc, mà không chỉ tập trung vào các hoạt động của riêng mình và nhu cầu tổ chức của họ” (8.1). Các cộng đồng giáo xứ ngày càng cần phải trở thành những nơi mà từ đó những người đã được rửa tội khởi hành làm môn đệ truyền giáo và trở về, tràn đầy niềm vui, để chia sẻ những kỳ công Chúa thực hiện qua chứng tá của họ (x. Lc 10:17).

Với tư cách là các mục tử, chúng ta được mời gọi đồng hành trong quá trình này với các cộng đồng mà chúng ta phục vụ, đồng thời cam kết cầu nguyện, phân định và nhiệt tình tông đồ để bảo đảm rằng thừa tác vụ của chúng ta phù hợp với nhu cầu của một Giáo hội đồng nghị và truyền giáo. Thử thách này được đặt ra trước Đức Giáo Hoàng, các giám mục và Giáo triều Rôma, và nó cũng được đặt ra trước anh em, trong tư cách linh mục giáo xứ.

Chúa đã kêu gọi chúng ta và thánh hiến chúng ta hôm nay yêu cầu chúng ta lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần Người và tiến bước theo hướng Người chỉ ra cho chúng ta. Chúng ta có thể chắc chắn một điều: Người sẽ không bao giờ lìa chúng ta mà không có ân sủng của Người. Trên đường đi, chúng ta sẽ khám phá cách giải phóng thừa tác vụ của mình khỏi những điều làm chúng ta mệt mỏi và tái khám phá cốt lõi đích thực nhất của nó, đó là việc loan báo Lời Chúa và quy tụ cộng đồng để bẻ bánh.

Vì vậy, tôi khuyến khích anh em chấp nhận lời mời gọi này của Chúa để trở thành các linh mục giáo xứ, những người xây dựng một Giáo hội đồng nghị và truyền giáo, đồng thời nhiệt tình cống hiến hết mình để đạt được mục tiêu này. Để đạt mục đích này, tôi muốn đưa ra ba gợi ý có thể giúp truyền cảm hứng cho lối sống và hoạt động của anh em trong tư cách mục tử.

1. Trước tiên, tôi xin anh em sống đặc sủng thừa tác vụ cụ thể của mình để phục vụ ngày càng nhiều hơn những hồng ân đa dạng mà Chúa Thánh Thần gieo trồng trong dân Chúa. Điều cấp bách là “bằng đức tin, hãy khám phá những đoàn sủng phong phú và đa dạng của giáo dân, dù ở dạng khiêm tốn hay cao quý hơn” (Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Thừa tác vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis, 9), vốn không thể thiếu cho việc truyền giáo ở bất cứ hoàn cảnh và bối cảnh nào của con người. Tôi tin chắc rằng bằng cách này anh em sẽ làm sáng tỏ nhiều kho tàng ẩn giấu và cảm thấy bớt cô đơn hơn trong nhiệm vụ truyền giáo đầy khó khăn. Anh em sẽ trải nghiệm niềm vui được làm những người cha đích thực, những người không thống trị người khác mà mang lại cho họ, cả nam lẫn nữ, những khả thể to lớn và quý giá.

2. Với tất cả tấm lòng, tôi đề nghị anh em học cách thực hành nghệ thuật phân định cộng đồng, sử dụng phương pháp “đối thoại trong Chúa Thánh Thần” cho mục đích này, phương pháp đã tỏ ra rất hữu ích trong hành trình đồng nghị và trong tiến trình của Phiên họp thượng hội đồng. Tôi tin chắc rằng từ đó anh em sẽ gặt hái được nhiều hoa trái tốt lành, không chỉ trong các cơ cấu hiệp thông như hội đồng giáo xứ, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Như Báo cáo Tổng hợp đã chỉ rõ, phân định là yếu tố then chốt trong hoạt động mục vụ của một Giáo hội đồng nghị: “Điều quan trọng là việc thực hành phân định cũng phải được thực hiện trong các bối cảnh mục vụ, theo cách thích nghi với các bối cảnh khác nhau, để soi sáng tính cụ thể của đời sống Giáo hội. Điều này sẽ giúp nhận ra tốt hơn các đặc sủng hiện diện trong cộng đồng, phân phối một cách khôn ngoan các trách nhiệm và mục vụ khác nhau, đồng thời lập kế hoạch dưới ánh sáng của Thánh Thần các dự án mục vụ vượt ra ngoài việc lập kế hoạch hoạt động đơn thuần” (2.1).

3. Cuối cùng, tôi muốn thúc giục anh em đặt mọi việc anh em làm trên tinh thần chia sẻ và tình huynh đệ giữa anh em và với các giám mục của anh em. Đây là điều nổi lên một cách mạnh mẽ từ Hội nghị quốc tế về việc đào tạo thường trực các linh mục, với chủ đề “Hãy thổi bùng lên hồng ân của Thiên Chúa mà bạn sở hữu” (2 Tm 1:6), diễn ra vào tháng 2 năm ngoái tại Rôma, với hơn 800 giám mục, linh mục, giáo dân và tu sĩ nam nữ, tham gia vào lĩnh vực này và đại diện cho khoảng 18 quốc gia. Chúng ta không thể là những người cha đích thực nếu chúng ta trước hết không phải là những người con và những người anh em. Và chúng ta không thể thúc đẩy sự hiệp thông và tham gia vào các cộng đồng được giao phó cho chúng ta chăm sóc, trừ khi, trước hết, chúng ta sống những thực tế đó với nhau. Tôi hoàn toàn ý thức rằng, giữa lời đòi hỏi liên tục của các trách nhiệm mục vụ của chúng ta, sự cam kết này có thể có vẻ nặng nề, thậm chí lãng phí thời gian, nhưng điều ngược lại mới đúng: thực sự, chỉ bằng cách này chúng ta mới đáng tin cậy và hoạt động của chúng ta không kết thúc ở chỗ phân tán những gì người khác đã thu thập được.

Không những chỉ Giáo hội đồng nghị và truyền giáo mới cần các linh mục giáo xứ, mà cả tiến trình đang diễn ra của Thượng hội đồng 2021-2024, “Vì một Giáo hội đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia, Truyền giáo”, khi chúng ta mong chờ Phiên họp thứ hai của Đại hội thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Để chuẩn bị cho điều đó, chúng tôi cần nghe giọng nói của anh em.

Vì lý do này, tôi mời gọi những người đã tham gia Cuộc gặp gỡ quốc tế “Các linh mục giáo xứ cho Thượng hội đồng” hãy trở thành những nhà truyền giáo của tính đồng nghị, giữa anh em và, khi anh em trở về nhà, cùng với các linh mục giáo xứ của anh em. Tôi xin anh em khuyến khích sự suy tư, với một tư duy đồng nghị và truyền giáo, về việc đổi mới thừa tác vụ của các linh mục quản xứ, và tạo điều kiện cho Tổng Thư ký Thượng Hội đồng thu thập những đóng góp đặc biệt của anh em để chuẩn bị Tài liệu Làm việc. Mục đích của Cuộc gặp gỡ Quốc tế lần này là để lắng nghe các linh mục giáo xứ, nhưng điều đó không thể kết thúc ngày hôm nay: chúng tôi cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của anh em.

Anh em thân mến, tôi ở bên cạnh anh em trong tiến trình này, trong đó chính tôi cũng tham gia. Tôi chúc lành cho tất cả anh em từ trái tim, và ngược lại, tôi cần cảm nhận được sự gần gũi và sự hỗ trợ từ những lời cầu nguyện của anh em. Chúng ta hãy phó thác mình cho Đức Trinh Nữ Maria Hodgetria, Đức Mẹ Dẫn Đường. Ngài chỉ đường cho chúng ta; Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Rôma, Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateranô, ngày 2 tháng 5 năm 2024

Phanxicô

[1] Diễn văn kỷ niệm 5 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015.

4. Sứ điệp Phục sinh của Đức Thượng phụ Đại Kết Bácthôlômêô

“Sự ác không có tiếng nói cuối cùng và niềm tin nơi sự Phục sinh chính là động lực thúc đẩy chúng ta chiến đấu chống lại sự hiện diện của điều ác, với những hậu quả của nó trong thế giới”.

Trên đây là nội dung Sứ điệp Phục sinh của Đức Thượng phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Giáo chủ Chính thống Constantinople, và cũng là vị đứng đầu các Giáo hội Chính thống.

Sứ điệp của Đức Thượng phụ cũng được phổ biến trên báo Quan sát viên Rôma của Tòa Thánh, số ra ngày 03 tháng Năm vừa qua, áp lễ Phục sinh theo lịch Giulianô, được các Giáo hội Chính thống áp dụng. Ngài cũng khẳng định rằng sự tham gia vào mầu nhiệm Phục sinh, sự thánh hóa trong các bí tích, việc cảm nghiệm về Phục sinh, “mở ra cho chúng ta những cánh cửa thiên đàng”. Những điều này không được sống “như hoài niệm về một biến cố quá khứ, nhưng như tinh hoa của đời sống Giáo hội, như sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta”. Vì thế, sự sống lại của Chúa Kitô báo trước sự hoàn hảo của tất cả mọi người cũng như sự viên mãn chương trình của Chúa trong Nước Trời”.

Đức Thượng phụ Đại Kết Bácthôlômêô cũng khẳng định rằng: “Đặc tính trung tâm của cuộc sống Chính thống giáo, chính là động lực phục sinh: niềm tin này không bao giờ quên rằng con đường tiến về sự sống lại đi qua khổ giá. Linh đạo Chính thống giáo không theo ảo tưởng về một sự phục sinh không có thánh giá, và cũng không chấp nhận sự bi quan về thập giá không có sự sống lại”. Vì thế, trong kinh nghiệm Chính thống giáo, “sự ác không có tiếng nói cuối cùng trong lịch sử” và niềm tin nơi sự sống lại chính là động lực để chiến đấu chống lại sự hiện diện của điều ác và những hậu quả của nó trên thế giới, tác động như một sức mạnh biến đổi”.