Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 18 tháng 10 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá Thánh Charles de Foucauld. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta hãy tiếp tục cuộc gặp gỡ với một số chứng nhân Kitô giáo giàu lòng nhiệt thành trong việc công bố Tin Mừng. Lòng nhiệt thành tông đồ, lòng nhiệt thành loan báo: và chúng ta đang nhìn vào một số Kitô hữu đã là gương mẫu cho lòng nhiệt thành tông đồ này. Hôm nay tôi muốn nói chuyện với anh chị em về một người đã coi Chúa Giêsu và những người anh em nghèo nhất của Người là niềm đam mê của cuộc đời mình. Tôi muốn nói đến Thánh Charles de Foucauld, người “dựa trên kinh nghiệm mãnh liệt của mình về Thiên Chúa, đã thực hiện một hành trình biến đổi để cảm thấy mình là anh em của tất cả mọi người” (Thông điệp Fratelli tutti, 286).

Và đâu là “bí quyết” của Charles de Foucauld trong cuộc đời ngài? Sau khi sống một tuổi trẻ xa cách Chúa, không tin vào bất cứ điều gì khác ngoài việc theo đuổi thú vui một cách vô trật tự, ngài tâm sự điều này với một người bạn không tin; với người này ngài tiết lộ lý do cho cuộc đời của ngài, sau khi hoán cải bằng cách chấp nhận ơn tha thứ của Chúa trong Bí tích xưng tội. Ngài viết: “Tôi đã hết lòng vì Chúa Giêsu Nadarét”. [1] Như thế, Thầy Charles nhắc nhở chúng ta rằng bước đầu tiên trong việc truyền giảng Tin Mừng là có Chúa Giêsu trong tâm hồn mình; đó là “tiếng xét ái tình” vì Người. Nếu điều này không xảy ra thì chúng ta khó có thể biểu lộ nó bằng cuộc sống của mình. Thay vào đó, chúng ta có nguy cơ nói về chính mình, về nhóm mà chúng ta thuộc về, về đạo đức hay tệ hơn nữa là về một bộ quy tắc, nhưng không phải về Chúa Giêsu, tình yêu, lòng thương xót của Người. Tôi thấy điều này trong một số phong trào mới đang nổi lên: họ nói về tầm nhìn của họ về nhân loại, họ nói về linh đạo của họ và họ cảm thấy con đường của họ là một con đường mới… Nhưng tại sao bạn không nói về Chúa Giêsu? Họ nói về nhiều điều, về tổ chức, về những hành trình tâm linh, nhưng họ không biết nói về Chúa Giêsu như thế nào. Tôi nghĩ rằng hôm nay thật tốt cho mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi có đặt Chúa Giêsu vào trung tâm lòng mình không? Tôi có ‘mất đầu óc’ một chút vì Chúa Giêsu không?”.

Thánh Charles đã làm như vậy, đến mức ngài đi từ chỗ bị thu hút bởi Chúa Giêsu đến việc bắt chước Chúa Giêsu. Được cha giải tội khuyên bảo, ngài đến Thánh Địa để viếng thăm những nơi Chúa đã sống và bước đi nơi Thầy đã đi. Đặc biệt, chính tại Nadarét, ngài nhận ra mình phải được đào tạo trong trường học của Chúa Kitô. Ngài trải nghiệm một mối quan hệ mãnh liệt với Chúa, dành nhiều giờ để đọc Tin Mừng và cảm thấy mình như em trai của Người. Và khi ngài biết Chúa Giêsu, ước muốn làm cho Chúa Giêsu được biết đến nảy sinh trong ngài; nó luôn luôn xảy ra như thế. Khi một người trong chúng ta biết Chúa Giêsu nhiều hơn, ước muốn làm cho Người được biết đến, việc chia sẻ kho tàng này sẽ nảy sinh. Khi bình luận về chuyến viếng thăm của Đức Mẹ với Thánh Elisabét, ngài làm ngài nói với Đức Mẹ rằng: “Con đã từng hiến thân cho thế giới… xin đưa con đến với thế giới”. Đúng, nhưng việc này được thực hiện như thế nào? Như Đức Maria trong mầu nhiệm Thăm Viếng: “trong thinh lặng, bằng gương sáng, bằng cuộc sống”. [2] Bằng cuộc sống, bởi vì “toàn bộ cuộc sống của chúng ta”, Thánh Charles viết, “phải rao truyền Tin Mừng”. [3] Và cuộc sống của chúng ta rất thường kêu gọi tính trần tục, nó kêu gọi nhiều điều ngu xuẩn, những điều kỳ lạ, và ngài nói: “Không, tất cả cuộc sống của chúng ta phải vang lên Tin Mừng”.

Rồi, ngài quyết định định cư ở những vùng xa xôi để rao giảng Tin Mừng trong thinh lặng, sống theo tinh thần Nadarét, trong cảnh nghèo khó và ẩn dật. Ngài đến sa mạc Sahara, giữa những người không phải là Kitô hữu, và ngài đến đó như một người bạn và một người anh em, mang theo sự hiền lành của Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Charles để Chúa Giêsu hành động trong im lặng, tin chắc rằng “đời sống Thánh Thể” có tác dụng truyền giáo. Thật vậy, ngài tin rằng Chúa Kitô là nhà truyền giáo đầu tiên. Vì vậy, ngài cầu nguyện dưới chân Chúa Giêsu, trước Nhà Tạm, hàng chục giờ mỗi ngày, tin chắc rằng sức mạnh truyền giáo đang cư trú ở đó và cảm thấy rằng chính Chúa Giêsu sẽ đưa ngài đến gần với biết bao anh em xa xôi. Và tôi tự hỏi liệu chúng ta có tin vào sức mạnh của Bí tích Thánh Thể không? Việc chúng ta đi đến với người khác, việc phục vụ của chúng ta có tìm thấy sự khởi đầu và sự viên mãn ở đó, trong việc tôn thờ không? Tôi tin chắc rằng chúng ta đã đánh mất cảm thức tôn thờ: chúng ta phải lấy lại nó, bắt đầu từ chúng ta là những người thánh hiến, các giám mục, linh mục, nữ tu và tất cả những người thánh hiến. “Lãng phí” thời gian trước nhà tạm, lấy lại cảm giác tôn thờ.

Thánh Charles de Foucauld từng viết: “Mỗi Kitô hữu là một tông đồ”, [4] và nhắc nhở một người bạn giáo dân rằng “cần có những giáo dân gần gũi với các linh mục, để nhìn thấy những gì linh mục không nhìn thấy, rao giảng Tin Mừng với sự gần gũi của đức ái, với lòng tốt dành cho mọi người, với tình âu yếm luôn sẵn sàng tự hiến”. [5] Những giáo dân thánh thiện, không phải những người leo núi, mà là những giáo dân, giáo dân, nữ giáo dân yêu mến Chúa Giêsu, làm cho linh mục hiểu rằng ngài không phải là một viên chức, ngài là một người trung gian, một linh mục. Biết bao chúng ta, các linh mục, cần có bên cạnh mình những giáo dân thực sự tin tưởng và dạy dỗ chúng ta bằng chứng tá của họ.

Thánh Charles de Foucauld, với kinh nghiệm giáo dân này báo trước thời kỳ của Công đồng Vatican II; ngài trực giác được tầm quan trọng của giáo dân và hiểu rằng việc rao giảng Tin Mừng là việc của toàn thể dân Chúa. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể tăng cường sự tham gia này? Cách mà Thánh Charles de Foucauld đã làm: bằng cách quỳ gối và chào đón hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn gợi hứng cho những cách thức mới để dấn thân, gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại, luôn hợp tác và tin tưởng, luôn hiệp thông với Giáo hội và các mục tử.

Thánh Charles de Foucauld, một nhân vật vốn là một lời tiên tri cho thời đại chúng ta, đã làm chứng cho vẻ đẹp của việc truyền đạt Tin Mừng qua việc làm tông đồ của sự hiền lành: coi mình là “người anh em phổ quát” và chào đón mọi người, ngài cho chúng ta thấy sức mạnh truyền giáo của lòng hiền lành, của sự dịu dàng. Chúng ta đừng quên rằng phong cách của Thiên Chúa được tóm tắt trong ba chữ: gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Thiên Chúa luôn ở gần, Người luôn cảm thương, Người luôn dịu dàng. Và chứng tá Kitô giáo phải đi theo con đường này: gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Và ngài là như thế, hiền lành và dịu dàng. Ngài mọi người ngài gặp đều nhìn thấy, qua lòng tốt của ngài, lòng tốt của Chúa Giêsu. Quả thực, ngài từng nói rằng ngài là “đầy tớ của người giỏi hơn tôi nhiều”. [6] Việc sống lòng nhân lành của Chúa Giêsu đã giúp ngài xây dựng tình bạn huynh đệ bằng những mối dây tình bạn với người nghèo, với người Tuareg, với những người xa cách nhất với tâm trí của ngài. Dần dần những mối ràng buộc này tạo ra tình huynh đệ, sự hòa nhập và đánh giá cao nền văn hóa của nhau. Lòng tốt rất đơn giản và yêu cầu chúng ta trở thành những người đơn giản, không ngại nở nụ cười. Và với nụ cười, với sự đơn sơ của mình, Thánh Charles đã làm chứng cho Tin Mừng. Không bao giờ bằng việc cải đạo, không bao giờ: nhưng bằng chứng tá. Người ta không rao giảng Tin Mừng bằng chủ nghĩa cải đạo nhưng bằng chứng tá, bằng sự thu hút.

Vì vậy, cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi liệu chúng ta có mang lại niềm vui Kitô giáo, sự hiền lành Kitô giáo, sự dịu dàng Kitô giáo, lòng cảm thương Kitô giáo, sự gần gũi Kitô giáo hay không. Cảm ơn anh chị em.

________________________________________________

[1] Lettres à un ami de lycée. Correspondance avec Gabriel Tourdes [Thư gửi một người bạn trung học. Thư từ của Gabriel Tourdes (1874-1915), Paris 2010, 161.

[2] Crier l’Evangile [Hô vang Tin Mừng], Montrouge 2004, 49.

[3] M/314 in C. de Foucauld, La bonté de Dieu. Médi-tations sur les Saints Evangiles (1) [M/314 trong C. de Foucauld, Sự Tốt lành của Thiên Chúa. Suy gẫm về các Tin Mừng Thánh (1)], Montrouge 2002, 285.

[4] Letter to Joseph Hours, in Correspondances lyon-naises [Thư gửi Joseph Hours, trong Thư từ Lyon] (1904-1916), Paris 2005, 92.

[5] Ivi, 90.

[6] Carnets de Tamanrasset [nhật ký Tamanrasset] (1905-1916), Paris 1986, 188.

________________________________________________

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, hôm nay cũng vậy, tư tưởng của chúng ta hướng về Palestine và Israel. Số nạn nhân ngày càng tăng và tình hình ở Gaza ngày càng tuyệt vọng. Xin hãy làm mọi điều có thể để tránh một thảm họa nhân đạo. Khả năng mở rộng xung đột là điều đáng lo ngại, trong khi rất nhiều mặt trận chiến tranh đã được mở ra trên thế giới. Xin cho vũ khí im lặng, và chúng ta hãy chú ý đến tiếng kêu hòa bình của người nghèo, người dân, trẻ em… Anh chị em thân mến, chiến tranh không giải quyết được bất cứ vấn đề nào: nó chỉ gieo rắc cái chết và sự hủy diệt, kích động hận thù, thúc đẩy sự trả thù. Chiến tranh hủy bỏ tương lai, nó hủy bỏ tương lai. Tôi kêu gọi các tín hữu chỉ đứng về một phía trong cuộc xung đột này: đó là hòa bình. Nhưng không phải bằng lời nói – bằng lời cầu nguyện, bằng sự cống hiến trọn vẹn. Với suy nghĩ này, tôi đã quyết định kêu gọi một ngày ăn chay và cầu nguyện vào thứ Sáu ngày 27 tháng 10, một ngày sám hối mà tôi mời gọi các anh chị em thuộc các giáo phái Kitô giáo khác nhau, những người thuộc các tôn giáo khác và tất cả những ai thực sự quan tâm đến hòa bình trên thế giới, hãy tham gia khi họ thấy phù hợp. Tối hôm đó, lúc 18 giờ tại Đền Thờ Thánh Phêrô, chúng ta sẽ dành một giờ cầu nguyện trong tinh thần sám hối để cầu xin hòa bình cho thời đại chúng ta, hòa bình trên thế giới này. Tôi yêu cầu tất cả các Giáo hội cụ thể tham gia bằng cách sắp xếp các hoạt động tương tự có sự tham gia của dân Chúa.