Tôi đã đi xe van khoảng năm rưỡi nay và nay đã thành trưởng toán. Mỗi khi cảm thấy lạnh và không muốn đi, tôi đều nghĩ ít nhất mình cũng có giường ấm để trở về. Cứ tưởng tượng xem phải ngủ ngoài ga xe lửa hay dưới chân một tượng công viên thì sẽ ra sao. Vào những đêm lạnh lẽo, những người không nhà cần đến chúng tôi hơn bao giờ hết. Bởi thế, tôi tự nhủ thầm: ‘Đừng nghĩ đến nhà ngươi, nhà ngươi đâu có làm điều này vì nhà ngươi đâu’. Tuy nhiên, lý do khiến tôi làm công việc này thực ra vị kỷ đến mắc cỡ.



Lúc ấy, tôi đang thất nghiệp, sau khi bỏ việc để đi chu du khắp Nước Úc, và khi trở về, thấy thị trường nhân dụng khô cạn hết. Sáu tháng ăn tiền thất nghiệp chẳng làm gì nhiều cho lòng tự trọng. Liều thuốc hữu hiệu chữa bệnh khinh mình là làm cho mình thành người hữu dụng. Tôi từng có cảm thức mơ hồ rằng có những người còn khốn khổ hơn mình. Tôi thấy xe van chở súp thách thức mình và có thể mang lại cho mình đôi chút kinh nghiệm ‘sống thực’ xưa nay rất thiếu để phần nào thoát ra ngoài cái vỏ trung lưu của mình.

Dịch vụ xe van chở súp, bắt đầu từ năm 1975, hiện điều hành mỗi đêm suốt năm. Khoảng 100 tình nguyện viên tham dự. Chúng tôi thăm các nhà trọ và các đường phố dọc theo North Melbourne, Fitzroy, Southbanks và Khu Trung Tâm Thành Phố.

Cung cấp thức ăn không phải là mục tiêu chính của chúng tôi, mặc dù câu ‘tôi đói quá, cả ngày chưa ăn chi cả’ là câu nói quen thuộc nhất của những người hè phố mà chúng tôi đến gặp. Vì thực ra, vấn đề lớn nhất đối với đa số những người không nhà là nỗi cô đơn, cho nên, chúng tôi đặt mục tiêu phải nói chuyện với họ và tìm cách quen biết những người chúng tôi gặp.

Đối với tôi, xe van chở súp lúc 5 giờ chiều mỗi Chúa Nhật. Vừa đến nơi, chúng tôi mỗi người một tay. Bernie, trong tuần là nhân viên phục vụ các trẻ em khuyết tật, giờ đây đi thu các bao rác đầy những bánh mì và bánh ngọt không bán được mà cửa hàng Bakers Delight có nhã ý hiến tặng. Bernie đã làm việc cho xe van được khoảng 8 năm nay. Bà ấy có 4 con đã lớn, và vì phần đông chúng tôi trẻ hơn, nên chúng tôi luôn luôn đến bà xin ý kiến. Đêm nay, Bà và tôi cho từng thỏi ham vào máy thái, cắt các ổ bánh mì, phết bơ và nhồi thịt vô. John, một nhiếp ảnh viên, phụ trách nấu súp. Anh tham gia dịch vụ này với tư cách thiện nguyện đã 4 năm nay và là tay chọc cười cho cả nhóm.

Joanna, người trẻ nhất chừng 20 tuổi, làm việc cho một tiệm sandwich ở trung tâm thành phố, giờ đây trở thành chuyên viên lau chùi trong khi những người còn lại của chúng tôi rẩy thuốc tẩy tứ tung. Cô cũng có biệt tài nói chuyện với những người hè phố một cách cùng làn sóng với họ, nhờ thế mà phát triển được một mối liên hệ thoải mái. Sandy là một bà mẹ đơn chiếc, có hai con và đang học ngành công tác xã hội. Patrick là tay khinh doanh về ngành may mặc, hiện đang học để trở thành nhân viên xe cứu thương. Heidi là sinh viên luật. Rona là một bà mẹ tuổi trung niên, có hai con, và làm phòng nhân viên bán thời gian. Xong đâu đấy, chúng tôi chất thức ăn, ly nhựa, mền, trà, cà phê, nước chế, sandwiches, bánh mì ổ, bình súp và bánh ngọt lên xe van. Lúc 8 giờ, chúng tôi lên đường vào đêm đen. Làm 6 giờ một tuần như thế, dịch vụ xe van chở súp đâu phải là một cam kết nhỏ.

Trạm dừng đầu tiên của chúng tôi là một nhà trọ ở phố gần bên. Đó là một căn nhà trệt chia thành những phòng nhỏ xíu, lắm cái nhỏ như một phòng vệ sinh. Những căn khác trên con lộ này đều đã được tân trang theo kiểu tập san Vogue Living. Cư dân trong căn nhà này đều là những người đàn ông trung niên. Phòng của họ chật chội và bẩn thỉu, những bình gạt tàn thuốc, những viên thuốc viên và bụi bặm cùng chó mèo ngổn ngang khắp nơi, nhưng họ luôn thân thiện và biết ơn khi gặp bạn. Oscar ngủ tại một nơi trông giống như ngăn đựng chổi, nằm trên chiếc giường rộng bằng căn phòng. Vậy mà cũng có cả TV, tủ lạnh và giá sách. Ông đủ chứng bệnh nhưng chả bao giờ kêu ca than thở. Ông luôn dành những lời nói trong sáng cho chúng tôi. Ông cho hay, ngày đó ông phải ra ngoài. Bách bộ đến tận cuối phố.

Bốn người trong bọn tôi đi về hướng Các Thánh, một khu phố ẩn mình sau đường Brunswick tân kỳ. Khoảng 35 người đang đứng chờ chúng tôi dưới ánh đèn đường. Đêm nay, họ rất đói. Tại khu Các Thánh, hầu hết đều là những khuôn mặt quen thuộc. Tuy nhiên, phải mất một thời gian lâu tôi mới thuộc tên họ. Carl là một người mù, có mặt ở đây mỗi tuần. Anh lúc nào cũng bặt thiệp lịch lãm. Đêm nay, anh mặc chiếc áo thung của Đội Bắc Melbourne. Xem ra anh rất vui. Theresa, một người đàn bà lùn tóc sẫm, lấy 5 chiếc sandwiches và 5 chiếc bánh ngọt, cho hay chị còn 3 đứa nhỏ ở nhà. Chúng tôi tin chị, nhưng khi khác, có những người tham lam một cách khó tin. Tôi thấy mình có tội khi hồ nghi chị. Rồi đến Joan, bà sống tại Windsor. Tóc đã hoa râm nhưng hai mắt còn sáng và linh hoạt, luôn mang theo mình những chiếc túi xách bằng plastic. Lời nói của bà có chiều hướng ra ngoài đề. Bà cho tôi hay trước kia bà là cô giáo có 3 con nhưng bà không còn thấy chúng nữa. Tôi chẳng hiểu tại sao. Việc của tôi chẳng phải là trinh thám.

Sau đó, chúng tôi cho xe chạy vào khu gần trung tâm Thành Phố, góc đường Spencer và Flinders, nơi chúng tôi đâu xe bên ngoài một nhà trọ 7 tầng hư nát cũ kỹ.

Rona cho tôi hay tại sao chị đi theo xe van từ 3 tháng nay. “Năm ngoái, tôi bị khủng hoảng trầm trọng về sức khỏe. Tôi bèn quyết định tái thẩm định mọi điều mình đang làm. Tôi nghĩ hình như mình đã trở nên quá duy vật chất. Mình nghĩ đến mình nhiều quá và điều này khiến mình sống tà tà mặt đất. Hẳn bạn biết những thuật ngữ như ‘Hãy nắm lấy mà sống’ và ‘Đời đâu có lần thứ hai’”.

Fred, xún răng, cao, mặc áo Đội Bombers, trạc 30, đang đứng đợi chúng tôi, miệng mỉm cười, vừa khi chúng tôi quẹo vào lề. Cho đến mãi gần đây, anh vẫn sống nhiều năm ngoài đường phố, lăn quay ra ngủ hàng đêm tại ga xe lửa Caulfield sau khi “cỡi” xe lửa thâu đêm suốt sáng. Anh thích kể chuyện tếu về những con chuột khổng lồ anh thường đụng phải. Nay, anh lại bắt đầu thấy khó “an cư” tại căn nhà chia phòng gần đây. ‘Có lẽ tại vì tôi không thích ở một nơi quá lâu chăng”.

Michael, một thanh niên chừng 28, người nhỏ, để râu, lẩm bẩm là nhiều khi xe van không chịu dừng lại đây, trong khi anh trông mong nhận được thực phẩm từ chúng tôi. Tôi cho anh hay chúng tôi sẽ ráng đến mỗi tuần cũng vào giờ này. Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi đến trễ. Chúng tôi trao cho anh một chiếc mền len. Tôi hỏi nhà trọ ra sao, anh cho hay: “Ổ chuột chứ nhà trọ chi. Lạnh, tối, bẩn thỉu thấy mồ.Nhưng tôi đâu phải loại người ngủ ngoài đường”.

Khoảng gần nửa đêm, chúng tôi ra xe trở về nhà. Sandy, bà mẹ sinh viên công tác xã hội, là người cuối cùng rời địa điểm. Chị suy tư: “Đôi khi bạn nói chuyện với họ và bạn là người duy nhất trong ngày họ được chuyện trò với như một người bạn”. Sandy bắt đầu theo xe van vì 30 giờ bắt buộc của khóa học, nhưng 30 giờ đã qua, chị vẫn tiếp tục đi mãi.

Chị tâm sự: “Đây không hẳn là điều bạn thích thú gì. Nhưng nó giúp bạn rờ mó được cách người ta sống và điều gì đang xẩy ra ở ngoài kia. Nó khiến bạn không còn coi mọi việc là đương nhiên nữa”. Sandy sẽ làm việc với các thanh thiếu niên trong tư cách nhân viên xã hội, nhưng chị tin rằng xe van giúp những người theo xe van kinh nghiệm qúy giá của cuộc sống và kinh nghiệm này đi sâu vào nhiều lãnh vực bên ngoài công việc thường xuyên của họ. Chị nhớ lại câu chuyện do một người không nhà viết trên bản tin xe van kể lại những bước chân vượt qua anh ngoài phố, bỏ rơi anh cô độc.

“Câu chuyện ấy đập mạnh vào tôi vì đó là cách phần đông chúng ta đối xử với những người kém may mắn hơn mình. Ta tìm cách tránh né họ hơn là dây dưa đến họ. Và tôi nghĩ điều ấy thật đáng buồn”.

Annie Blanchard, Australian Catholics, Summer 1998, pp. 21-23.

Và thưa chị Sandy, điều ấy có tội, chứ không hẳn chỉ là đáng buồn. Xin chị đọc lại Dụ Ngôn Người Ăn Mày Tên Ladarô và Ông Phú Hộ (Lc 16:19-31). Công Lý của Chúa Kitô chính là đó. Cho nên chủ bút tờ Australian Catholics mới xếp câu chuyện trong đó có chị vào mục Công Lý.

Kỳ tới: Nói Gần Nói Xa Chẳng Qua Nói Thật