Vô gia cư thời Covid-19

Câu truyện từ Vatican lần này do Nữ tu Bernadette Mary Reis, fsp, kể về Debbie, một phụ nữ vô gia cư sống ở Boston trong thời kỳ Covid-19. Rất nhiều người sống như cô.



Debbie đã có một công việc ổn định, lương cao. Cô ấy là một y tá trực đêm tại một bệnh viện ở Boston. Một số kỳ nghỉ cuối cùng mà cô tham gia là các chuyến hành hương đến Thánh địa, Oberammergau để xem trình diễn cuộc thương phó của Chúa Giêsu, và Rome, và một chuyến du ngoạn vùng Caribe. Chưa bao giờ kết hôn, Debbie tự cấp dưỡng mình rất tốt.

Quá khứ bão tố

Ngay sau khi cô chuyển từ miền trung tây đến Boston khi còn là một phụ nữ trẻ, Debbie bắt đầu uống rượu. Sau đó cô thêm ma túy vào đồ uống của mình. Khi cuộc sống của cô bắt đầu chạm đáy, cô thường xuyên lui tới các cơ sở Cai nghiền (AA), điều mà cô vẫn làm cho đến tận nay. Cô đã tỉnh táo kể từ đó. Nhờ sự giúp đỡ của một linh mục địa phương ở Boston, Debbie đã tìm thấy con đường trở lại với đức tin Công Giáo. Cuối cùng, cô trở thành thừa tác viên Thánh Thể tại giáo xứ của cô, và tích cực trong phong trào Cursillo. Mọi việc diễn ra tốt đẹp.

Thất nghiệp

Rồi, điều không tưởng tượng được đã xảy ra. Khoảng mười năm trước đây, ngay sau cái chết của một trong cha mẹ cô, Debbie bị mất việc. Cô nói về những gì đã xảy ra với Nữ tu Bernadette.

“Tôi đã nghỉ một thời gian. Sau khoảng một năm, tôi bắt đầu tìm việc và chẳng kiếm được gì, lúc đó, căn bệnh trầm cảm của tôi ập đến. Rồi, trong căn bản, tôi ngồi ở nhà cho đến khi hết tiền. Thỉnh thoảng tôi có thể nhớ mình đã nghĩ, "tiền sẽ không còn nữa". Và chắc chắn nó đã không còn thật. Không lâu sau đó tôi phải rời khỏi căn hộ. Tôi sống trong chiếc xe hơi của mình ba năm và bây giờ tôi đã ở trong nơi tạm trú được khoảng mười tháng.”

Trong nơi tạm trú thời Covid-19

Các nhà tạm trú ở Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn Covid-19 lây lan giữa các khách trọ của họ. Tuy nhiên, như Debbie nói với chúng tôi, chẳng thành công bao nhiêu khi những người sống trong những nơi tạm trú phải ở trong những khu vực hết sức gần gũi nhau.

“Vâng, lúc đầu chỉ là giãn cách xã hội khi bạn đi ra ngoài. Nhưng ở các nhà tạm trú, chúng tôi thực sự không thể làm như thế - ý tôi muốn nói có rất nhiều việc rửa tay, họ đặt các tấm chắn giữa các giường để cố gắng giúp đỡ theo cách đó. Nhưng vào buổi tối, tất cả chúng tôi đều ở trong một phòng và ngồi cùng bàn ăn với nhau. Cuối cùng vi rút cũng vào được nhà tạm trú. Đó chỉ là vấn đề thời gian. Chúng tôi biết điều đó sẽ xảy ra. "

Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của Debbie đã trở thành hiện thực vào hôm thứ Hai. Cô phát hiện ra mình đã tiếp xúc với coronavirus. Khi cô biết rằng cô sẽ được chuyển đến một cơ sở không xác định, cú sốc bắt đầu ập tới.

“Tôi hơi bị sốc. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, tôi đã tự nhủ bản thân mình vì tin đồn đang hết sức tràn lan. Chúng tôi có một cuộc họp với giám đốc, vị này nói, “vâng, một người có dương tính.” Rồi, họ kéo một nhóm người ra vì họ biết đã bị nhiễm. Họ không để ý đến tôi, nhưng tôi biết tôi đã ngồi bên cạnh người mà tôi nghe đã bị. Và cuối cùng tôi đã vào văn phòng để nói chuyện với một ai đó và tôi nói, ‘Tôi biết qúy vị không thể nói với tôi nhưng đây là tên người mà tôi nghe đã bị nhiễm và tôi đã ngồi cạnh họ’. Và câu trả lời là, "nếu chị lo lắng, hãy đến gặp y tá." Và họ nói một cách mà tôi nghĩ, "à hả, tốt hơn mình nên đi." Và rồi sau một hồi khá mù mờ, rất nhiều câu ‘Ừ, chị sẽ phải đi cách ly. Chúng tôi sẽ đưa chị đến một nơi nào đó’, và rồi phải ngồi một khoảng thời gian rất dài và chờ đợi. "

Bị cách ly

Debbie nhanh chóng bị cô lập và tiếp tục chờ đợi cho đến khi phương tiện vận chuyển đến để đưa cô – đến một chỗ nào đó. Cô không được phép thu vội đồ đạc của riêng mình từ tủ đựng đồ của mình. Một trong những phụ nữ làm việc tại nhà tạm trú đã thu đồ đạc giùm cô. Vậy rốt cuộc Debbie đã đi đâu?

“Tôi đang ở nơi từng là trung tâm phục hồi chức năng ở một nơi nào đó của Boston. Tôi không rõ nó đã bị đóng cửa trong bao lâu, khá lâu rồi. Họ mở lại đặc biệt cho việc này, để có chỗ gửi bệnh nhân đến. Tất cả chúng tôi ở đây đều đang trong tình trạng cách ly, chúng tôi đều đã bị nhiễm. Không có trường hợp nào được biết rõ và tôi không nghĩ sẽ có bất cứ trường hợp nào như thế ở đây. Đây giống như một khu vực sắp xếp. Nếu bạn có triệu chứng, bạn hẳn phải đi đến một nơi khác. "

Chăm sóc tại cơ sở kiểm dịch

Debbie mô tả các nhân viên là những người "rất tốt" và biết quan tâm. Tất cả những người ở đó hầu hết đều giữ gìn ý tứ. Họ được cung cấp mọi thứ họ cần, và sau đó chỉ một số, như Debbie mô tả.

“Về căn bản, bạn ở trong phòng của mình. Nếu bạn đi ra ngoài hành lang, bạn phải đeo khẩu trang và găng tay. Một y tá đến vào buổi sáng, kiểm tra các dấu hiệu quan trọng của chúng tôi và sau đó hỏi chúng tôi hàng loạt câu hỏi: "Chị có bị ho không? Chị có đau không?” Bất cứ điều gì về lịch sử của chúng tôi. ‘Bạn có bị hụt hơi không?’ Và bất cứ triệu chứng nào – họ thực sự lướt qua toàn bộ danh sách. Và sau đó chúng tôi vì danh dự buộc phải trả lời thành thật. Có một bác sĩ ở tại cơ sở.

“[Các nhân viên], họ rất tốt. Họ cung cấp các bữa ăn. Họ liên tục kiểm tra chúng tôi, ‘chị có ổn không?’ Một số người trong chúng tôi không có quần áo ngủ vì, dì biết đấy, từ một nơi trú ẩn dì mong được cung cấp mọi sự…. Họ đang cố gắng để có được những thứ mà chúng tôi cần. Họ cung cấp cho chúng tôi sách, bài [để chơi]. Họ có vẻ quan tâm, họ thực sự quan tâm. Tôi rất thoải mái với họ”.

Tiếp theo sẽ là gì?

Câu hỏi luôn trong tâm trí của một người vô gia cư là, "ngày mai thì sao?” Tôi đã hỏi Debbie rằng cô ấy sẽ đi đâu sau khi ra khỏi khu cách ly.

“Tôi sẽ quay trở lại nhà tạm trú. Tôi hi vọng thế. Một số người đang được thả ra ngoài trang trại. Họ đang mở các ký túc xá không được sử dụng ở các trường đại học và những thứ đại loại như vậy. Vì vậy, bằng cách đó họ làm giảm bớt sự đông đúc trong các nhà tạm trú. Tôi hy vọng tôi sẽ được trở lại nhà tạm trú mà tôi đã ở. Mọi đồ đoàn của tôi ở đó. "

Cậy nhờ lời cầu nguyện

Ngay trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Debbie đã nói với tôi rằng cô rất biết ơn vì mọi người cầu nguyện cho cô. Ngay sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, cô nói với tôi rằng cô sẽ điền tên của cô vào một số danh sách cầu nguyện trên internet. Những lời cuối cùng của cô trong cuộc phỏng vấn cũng là về việc cầu nguyện:

“Tôi rất vui vì có rất nhiều người cầu nguyện cho tôi và tôi hy vọng sẽ luôn được khỏe mạnh.”

Tôi chắc chắn rằng Debbie sẽ rất vui khi biết rằng bạn cũng sẽ cầu nguyện cho cô và cho những người vô gia cư khác như cô.