Theo VaticanNews, trong buổi yết kiến chung thứ Tư, 26 tháng 8, Đức Phanxicô đã chú tâm vào tầm quan trọng của bình đẳng và chia sẻ của cải nhằm phản ảnh tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta và Sáng Thế trong thời gian thử thách do đại dịch gây ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô mở đầu bài giáo lý của ngài bằng cách mời gọi tín hữu “chào đón hồng phúc đức cậy vốn phát xuất từ Chúa Kitô”, nhất là trong mùa đại dịch, khi “nhiều người liều mình đánh mất đức cậy”, do các bất công xã hội.

Ngài nói các bất công trên được cơn đại dịch làm “nổi bật và gia trọng”. Nhiều trẻ em không còn khả năng nhận được nền giáo dục thỏa đáng trong khi nhiều em khác nhận được; nhiều người không có khả năng làm việc tại nhà, nhiều người khác thì có; nhiều quốc gia không thể phát hành tiền để đương đầu với tình thế khẩn trương mà không gây hại cho tương lai tài chánh của mình, trong khi các quốc gia khác thì có thể.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý thứ tư của Đức Phanxicô theo bản dịch tiếng Anh của ZenitNews:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em buổi sáng tốt đẹp!

Trước đại dịch và các hậu quả xã hội của nó, nhiều người có nguy cơ mất đức cậy. Trong thời gian bất trắc và đau khổ này, tôi mời mọi người chào đón hồng phúc đức cậy vốn phát xuất từ Chúa Kitô. Chính Người giúp chúng ta lèo lái qua dòng nước hỗn loạn của bệnh tật, chết chóc và bất công, vốn không có lời nói cuối cùng đối với vận mệnh sau cùng của chúng ta.

Đại dịch đã phơi bày và làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội, trên hết là vấn đề bất bình đẳng. Một số người có thể làm việc tại nhà, trong khi kiểu làm việc này không thể có đối với nhiều người khác. Một số trẻ em, bất kể các khó khăn có liên quan, vẫn có thể tiếp tục nhận được nền giáo dục học thuật, trong khi điều này đã bị gián đoạn đột ngột đối với nhiều, rất nhiều, trẻ em khác. Một số quốc gia hùng mạnh có thể phát hành tiền để đối phó với khủng hoảng, trong khi điều này, đối với nhiều nước khác, có nghĩa là phải thế chấp tương lai.

Những triệu chứng của sự bất bình đẳng trên cho thấy một căn bệnh xã hội; nó là một loại virus phát xuất từ một nền kinh tế bệnh hoạn. Và chúng ta phải nói một cách đơn giản: nó là một nền kinh tế đang mắc bệnh. Nó đã mắc bệnh. Nó đang mắc bệnh. Đó là hậu quả của một việc tăng trưởng kinh tế bất bình đẳng - căn bệnh đó như thế đó: nó là hậu quả của tăng trưởng kinh tế bất bình đẳng - coi thường các giá trị căn bản của con người. Trong thế giới ngày nay, một số ít người giàu có sở hữu nhiều hơn tất cả phần còn lại của nhân loại. Tôi xin lặp lại điều này để nó giúp chúng ta suy nghĩ: một số ít người giàu có, chỉ một nhóm nhỏ thôi, đang sở hữu nhiều hơn tất cả những người còn lại của nhân loại.

Đấy là số liệu thống kê thuần túy. Đấy là một sự bất công kêu thấu tới trời! Đồng thời, mô hình kinh tế này thờ ơ với những thiệt hại gây ra cho ngôi nhà chung của chúng ta. Ngôi nhà chung của chúng ta không được quan tâm chăm sóc.

Chúng ta sắp vượt quá nhiều giới hạn của hành tinh tuyệt vời của chúng ta, với những hậu quả nghiêm trọng và không thể đảo ngược được: từ việc mất tính đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu đến mực nước biển dâng cao và rừng nhiệt đới bị tàn phá. Bất bình đẳng xã hội và suy thoái môi trường đi đôi với nhau và có cùng một nguồn gốc (xem Thông điệp Laudato Si’, 101): tội muốn chiếm hữu và muốn thống trị anh chị em của mình, muốn chiếm hữu và thống trị thiên nhiên và chính Thiên Chúa. Nhưng đấy không phải là thiết kế dành cho tạo thế.

“Khởi thủy, Thiên Chúa trao phó trái đất và các tài nguyên của nó cho nhân loại quản lý chung để chăm sóc chúng” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2402). Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nhân danh Người thống trị trái đất (xin xem St 1:28), cày cấy và bảo tồn nó như một khu vườn, một khu vườn dành cho mọi người (xin xem St 2:15). “‘cày cấy’ là trồng trọt, cày bừa hoặc làm việc, trong khi ‘bảo tồn’ có nghĩa là chăm sóc, bảo vệ, coi đây như là một môn bài trắng xóa (carte blanche) để làm bất cứ điều gì bạn muốn với trái đất. Không phải thế. Có “mối tương quan trách nhiệm hỗ tương” (đã dẫn) giữa chúng ta và thiên nhiên. Mối tương quan trách nhiệm hỗ tương giữa chúng ta và thiên nhiên. Chúng ta nhận được từ sáng thế và chúng ta phải đáp trả trở lại. “Mỗi cộng đồng có thể lấy từ sự hào phóng của trái đất bất cứ thứ gì họ cần để sống còn, nhưng họ cũng có nhiệm vụ bảo vệ trái đất” (đã dẫn). Một con đường hai chiều.

Thực vậy, trái đất “đã ở đây trước chúng ta và nó đã được ban cho chúng ta” (đã dẫn), nó đã được Thiên Chúa ban cho “toàn thể loài người” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2402). Và do đó, bổn phận của chúng ta là bảo đảm để hoa trái của nó đến được với mọi người, không phải chỉ một số ít người. Và đây là yếu tố then chốt trong mối tương quan của chúng ta với các của cải trên trái đất. Như các Nghị phụ của Công đồng Vatican II đã nhắc lại, các ngài nói: “Con người nên coi những thứ bên ngoài mà mình sở hữu một cách hợp pháp không những như của riêng mình mà còn là của chung theo nghĩa chúng có thể mang lại lợi ích không chỉ cho mình mà còn cho những người khác” (Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 69). Thực thế, “Quyền sở hữu bất cứ tài sản nào làm cho người nắm giữ tài sản đó trở thành người quản lý của Chúa Quan Phòng, với nhiệm vụ làm cho tài sản đó trở nên sinh hoa trái và truyền đạt lợi ích của nó cho người khác” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2404). Chúng ta là người quản lý hàng hóa, không phải chủ nhân ông.
Các nhà quản trị. “Đúng, nhưng điều tốt là của tôi”: điều đó đúng, nó là của bạn, nhưng hãy quản lý nó, đừng chiếm hữu nó một cách ích kỷ cho riêng mình bạn.

Để bảo đảm những gì chúng ta sở hữu mang lại giá trị cho cộng đồng, “thẩm quyền chính trị có quyền và nghĩa vụ qui định việc thực thi hợp pháp quyền sở hữu vì thiện ích chung” (Đã dẫn, 2406) [1]. “Việc bắt quyền tư hữu phụ thuộc nơi đến phổ quát của hàng hóa, […] là luật vàng của tác phong xã hội và là nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ trật tự xã hội và đạo đức” (Laudato Si', 93) [2].

Tài sản và tiền bạc là những công cụ có thể phục vụ cho việc truyền giáo. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng biến chúng thành mục đích, bất luận là cá nhân hay tập thể. Và khi điều này xảy ra, các giá trị thiết yếu của con người bị ảnh hưởng.

Loài hiểu biết (Homo sapiens) bị biến dạng và trở thành loài kinh tế (homo œconomicus) - theo nghĩa có hại - một loài người theo chủ nghĩa cá nhân, tính toán và độc đoán. Chúng ta quên rằng, được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa, chúng ta là những sinh vật xã hội, sáng tạo và liên đới với khả năng yêu thương vô bờ bến.

Chúng ta thường quên điều đó. Thực thế, trong tất cả các loài, chúng ta là những sinh vật biết hợp tác nhất và chúng ta phát triển trong cộng đồng, như được thấy rõ trong kinh nghiệm các thánh. Có một câu nói trong tiếng Tây Ban Nha từng truyền cảm hứng cho tôi để viết cụm từ này. Câu đó nói: “Florecemos en racimo, como los santos”: chúng ta phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng, như được thấy rõ trong kinh nghiệm của các thánh [3].

Khi nỗi ám ảnh chiếm hữu và thống trị loại bỏ hàng triệu người khỏi có được hàng hóa đệ nhất đẳng; khi sự bất bình đẳng về kinh tế và kỹ thuật tiến tới mức làm cho cơ cấu xã hội bị xé nát; và khi sự phụ thuộc vào tiến bộ vật chất vô giới hạn đe dọa ngôi nhà chung của chúng ta, thì chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn. Không, điều này thật đáng buồn. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn! Với cái nhìn chăm chú của chúng ta vào Chúa Giêsu (xem Dt 12: 2) và với sự chắc chắn rằng tình yêu của Người hành động qua cộng đồng các môn đệ của Người, chúng ta phải cùng nhau hành động, với hy vọng tạo ra điều gì đó khác hơn và tốt đẹp hơn. Đức cậy Kitô giáo, bắt nguồn từ Thiên Chúa, là mỏ neo của chúng ta. Nó thúc đẩy ý chí chia sẻ, củng cố sứ mệnh của chúng ta trong tư cách môn đệ của Chúa Kitô, Đấng đã chia sẻ mọi sự với chúng ta.

Các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã hiểu rõ điều này. Họ sống những thời kỳ khó khăn, giống như chúng ta. Nhận thức mình tạo thành một trái tim và một linh hồn, họ đặt tất cả của cải của họ làm của chung, làm chứng cho ân sủng dồi dào của Chúa Giêsu Kitô ở trong họ (xin xem Cv 4: 32-35). Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Đại dịch đã khiến tất cả chúng ta rơi vào khủng hoảng. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng sau một cuộc khủng hoảng, người ta sẽ không còn giống y như trước nữa. Chúng ta thoát khỏi nó tốt hơn, hoặc chúng ta thoát khỏi nó tệ hơn. Tùy chúng ta lựa chọn.

Sau cuộc khủng hoảng, liệu chúng ta có tiếp tục với hệ thống kinh tế bất công xã hội và đánh giá thấp sự quan tâm dành cho môi trường, cho sáng thế, cho ngôi nhà chung của chúng ta không? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này. Mong các cộng đồng Kitô hữu của thế kỷ XXI phục hồi thực tại này - quan tâm đến sự sáng thế và công bằng xã hội: chúng đi đôi với nhau… - nhờ thế làm chứng cho sự Phục sinh của Chúa. Nếu chúng ta chăm sóc các của cải mà Đấng Hóa Công đã ban tặng cho chúng ta, nếu chúng ta đặt những gì chúng ta sở hữu làm của chung một cách để không ai bị thiếu chúng, thì chúng ta sẽ thực sự gây hứng để đức cậy tái tạo một thế giới lành mạnh và bình đẳng hơn. Và để kết luận, chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ. Hãy đọc số liệu thống kê: biết bao trẻ em ngày nay đang chết đói vì sự phân bổ của cải không tốt, vì hệ thống kinh tế, như tôi đã nói ở trên; và biết bao trẻ em ngày nay không được quyền học hành vì cùng y một lý do.
Mong rằng hình ảnh về những đứa trẻ bị đói khát và thiếu học này giúp chúng ta hiểu rằng sau cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải thoát ra khỏi nó tốt hơn. Cảm ơn anh chị em.
______________________
[1] Xem GS, 71; Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 42; Thông điệp Centesimus annus, 40, 48).
[2] Xem Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens, 19.
[3] “Florecemos en racimo, como los santos” (chúng ta phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng, như được thấy rõ trong kinh nghiệm của các thánh): một câu phát biểu phổ biến trong tiếng Tây Ban Nha.