Nhân dịp sinh nhật thứ 100 của Thánh Gioan Phaolô II, thầy Consolmagno, Dòng Tên, Giám đốc Đài Thiên Văn Vatican, người được Hội Thiên Văn Hoa Kỳ lấy đặt tên cho một hành tinh nhỏ, 4597 Consolmagno, đã nhắc đến sự đóng góp lớn lao về khoa học của vị Giáo Hoàng này, vị Giáo Hoàng mà Đức Bênêđíctô XVI, dù đã 94 tuổi, vẫn còn nhớ vanh vách mọi hoạt động và tư duy và đang vận động để tước hiệu “Vĩ Đại” (Cả) được chính thức dành cho ngài. Bài viết của thầy Consolmagno được đăng trên website của Đài Thiên Văn Vatican ngày 18 tháng 5, 2020 (https://www.vofoundation.org/blog/happy-birthday-pope-john-paul-ii/)



Triều Giáo Hoàng của Thánh Gioan Phaolô II xuất hiện đúng vào buổi giao thời trong lịch sử của Đài Thiên Văn Vatican. Một giám đốc mới cho đài, Cha George Coyne, Dòng Tên, vừa được vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô I, bổ nhiệm; nhưng Cha Coyne chỉ bắt đầu thi hành nhiệm vụ dưới thời Đức Gioan Phaolô II.

Cha Coyne và Đức tân Giáo hoàng đã sớm tạo được mối liên hệ làm việc tuyệt vời. Đức Giáo Hoàng khuyến khích các cố gắng của Cha Coyne muốn đưa vào Đài quan sát một nhóm các nhà thiên văn học Dòng Tên trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Ngài ủng hộ và khuyến khích sáng kiến xây dựng một viễn vọng kính mới và thành lập một nhóm nghiên cứu ở Arizona, đồng thời duy trì trụ sở Specola trong cung điện mùa hè của Đức Giáo Hoàng ở bên ngoài Rôma. Và ngài đã phê duyệt và tài trợ cho việc thành lập một trường mùa hè hai năm một lần tại Castel Gandolfo cho các sinh viên thiên văn học sau đại học, hiện có hơn 400 cựu sinh viên, trong đó có một số nhà thiên văn học quan trọng nhất trên thế giới hiện nay.

Điều chủ chốt dẫn đến mối liên hệ tốt đẹp này là mối liên hệ bền chặt giữa cha Coyne và cha Michael Heller, linh mục giáo phận và là nhà vũ trụ học từ Krakow (từng lãnh giải thưởng Templeton năm 2008), một người bạn lâu năm của Đức Giáo Hoàng. Cha Heller là một trong những người đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ “phụ tá thiên văn gia” (adjunct astronomer) mới được Cha Coyne tạo ra, dành cho các đồng nghiệp đã có các công việc toàn thời gian trên khắp thế giới nhưng muốn có mối liên hệ chặt chẽ hơn với Đài thiên văn Vatican và tiếp cận các cơ sở của nó.

Chính thông qua Cha Heller mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã sắp xếp để công bố một văn kiện quan trọng về mối tương quan giữa khoa học và đức tin. Năm 1987, Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học đã tổ chức một Tuần học tập để vinh danh 300 năm các nguyên lý (Princia) của Newton; như một phần của diễn biến được công bố, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết một lá thư cho Cha Coyne để phác thảo viễn kiến của ngài về mối tương quan giữa khoa học và tôn giáo. Thừa nhận cả hai như là các con đường dẫn đến sự thật, ngài viết rằng: “Mỗi ngành cần tiếp tục làm phong phú, nuôi dưỡng và thách thức lẫn nhau để trở nên trọn vẹn hơn những gì mình có thể trở nên và đóng góp vào viễn kiến của chúng ta về việc chúng ta là ai và chúng ta đang trở thành ai... Khoa học có thể thanh tẩy tôn giáo khỏi sai lầm và mê tín; tôn giáo có thể thanh tẩy khoa học khỏi thờ ngẫu tượng và những điều tuyệt đối sai lầm”.

Mối tương quan giữa khoa học và đức tin cũng có nghĩa là khám phá ra mối tương quan mới giữa thần học và các khoa học tự nhiên. Theo đề nghị của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đài thiên văn Vatican đã tài trợ một loạt các hội nghị ở Castel Gandolfo cùng với Trung tâm Thần học và các Khoa học tự nhiên ở Berkeley, California, về chủ đề tổng quát Hành động của Thiên Chúa trong Vũ trụ. Khung cảnh tuyệt đẹp của Castel Gandolfo là một địa điểm lý tưởng cho các nhà thần học, triết học và khoa học từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về và thảo luận các chủ đề từ khoa học thần kinh và Con người, đến vũ trụ học lượng tử và các luật tự nhiên. Một loạt các cuốn sách học thuật dựa trên các cuộc họp này cuối cùng đã được xuất bản, được biên tập bởi Cha William Stoeger, Dòng Tên, thuộc Đài Thiên văn Vatican và các học giả tham gia khác.

Ba nhân tố quan trọng đã nâng đỡ sự tái sinh đáng chú ý của Đài thiên văn trong thời giáo hoàng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Đầu tiên là sự kiện: chính Đức Giáo Hoàng là một nhà học thuật, một học giả. Ngài thường xuyên dành một phần mùa hè của ngài tại Castel Gandolfo cho một cuộc hội thảo không chính thức với bạn bè từ những ngày học thuật ở Ba Lan, thảo luận các chủ đề từ văn học đến toán học. Ngài hiểu lý do tại sao điều quan trọng đối với Giáo hội là phải đóng một vai trò tích cực trong thế giới khoa học, để cổ vũ một cuộc đối thoại thực sự trong việc tìm kiếm sự thật.

Ưu điểm thứ hai là sự trùng hợp của một số người chủ chốt biết chia sẻ viễn kiến của ngài. Ngoài Cha Heller, đã được đề cập, một người bạn tuyệt vời khác của cả Đức Giáo Hoàng lẫn Đài thiên văn là Đức Tổng Giám Mục Jozef Zycinski, một nhà triết học / vũ trụ học khác. Và trong số học trò của Cha Heller là linh mục Dòng Tên Robert Janusz, một chuyên gia về lý thuyết thông tin hiện đang làm việc toàn thời gian tại Đài thiên văn. Có một số người đồng hương liên hệ với Đài Thiên văn là một bảo đảm để các đường dây truyền thông luôn được mở sẵn.

Và lợi thế thứ ba đơn giản là việc đúng thời gian. Triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II trùng hợp với việc cả khoa học lẫn thần học đều chuyển hướng thoát khỏi chủ nghĩa háo thắng cũ, trong đó mỗi lĩnh vực nhìn nhau một cách nghi ngờ, để tiến sang một bầu khí mới trong đó, mỗi bên nhận ra những hạn chế của riêng mình và những cơ hội có thể đến từ các cuộc đối thoại hữu hiệu. Bức thư gửi cha George Coyne, được trích dẫn ở trên, cho thấy Đức Giáo Hoàng có khả năng nắm bắt và xây dựng dựa trên tinh thần mới đó như thế nào. Trong khi ấy, nền kinh tế đang lên của châu Âu cuối cùng đã đưa khoa học châu Âu thoát khỏi bóng phủ của Thế chiến II và cho phép khoa học châu Âu và châu Mỹ gặp gỡ và hợp tác như những chủ thể bình đẳng, một chuyển dịch cũng đã được thúc đẩy ngay bên trong chính Đài thiên văn Vatican. Sự tin tưởng của một Giáo hoàng mạnh mẽ có nghĩa là các nhà thần học và các nhà khoa học thời kỳ đó được sự ủng hộ mạnh mẽ trong mong muốn của họ được tận dụng những thay đổi này.