Ngày 21-08-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mẫu ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:27 21/08/2010
Mẫu ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp

Trong các Thánh đường thường có bàn thờ Đức Mẹ Maria với bông hoa nến cháy sáng gần như đêm ngày. Cung cách lòng đạo đức này thể hiện nếp sống đức tin của con người. Vì thế, tùy theo tập tục lòng sùng kính của người giáo dân xứ đạo mà tưọng Đức Mẹ nào được đặt dựng ra để tôn kính, như đức Mẹ ban ơn lành, đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ Đức, Đưc mẹ sầu bi…

Có những thánh đường treo mẫu ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp, hoặc in trên giấy lồng trong khung kính, hoặc thêu trên một tấm vải. Mẫu ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp khác hẳn với hững bức tượng ảnh Đức Mẹ người Công giáo vẽ tạc theo nét văn hóa của tây phương. Ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp mang nét vẽ văn hóa nền thần học đạo đức của bên giáo hội Đông phương – Byzantin –

Đang khi nét vẽ văn hóa tôn giáo của giáo hội bên tây phương về Đức mẹ có nhiều mầu trắng là chính, pha trộn mầu xanh nhạt, thì nét vẽ theo văn hóa lòng sùng kính Đức mẹ Byzantin nhiều mầu vàng làm nền khung pha lẫn mầu xanh đậm tối và đỏ.

Nhưng đâu là ý nghĩa sứ điệp mẫu ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp?

1. Về lịch sử nguồn gốc bức ảnh Đức mẹ hằng cứu giúp có nhiều tương truyền để lại từ trung cổ. Trên bức ảnh ta nhìn thấy Đức Mẹ Maria trên tay bồng ẵm Chúa Giêsu. Ánh mắt Đức Mẹ nhìn thẳng vào người ngắm nhìn ảnh chứ không hướng về Chúa Giêsu trên tay mình, và cũng chằng hướng lên trời cao. Ánh mắt nhìn của Đức Mẹ tỏa nét nghiêm nghị buồn sầu, nhưng lại như có sức thu hút lôi kéo sự chú ý của người nhìn vào bức ảnh.

2. Chúa Giêsu ngồi trên tay Đức mẹ như một em bé tuổi thơ, nhưng gương mặt tỏa ra nét của một người lớn tuổi.

3.Khung nền bức ảnh toàn là mầu vàng. Theo suy nghĩ thời trung cổ, mầu vàng là biểu tượng nói về bầu trời. Đức mẹ khoác áo choàng mầu xanh tối đậm có lớp vải lót bên trong mầu xanh lá cây và áo dài mầu đỏ. Ba mầu xanh da trời, xanh lá cây và đỏ là những mầu của nữ hoàng vua chúa. Chỉ nữ hoàng được mang mặc mầu này thôi.

4.Trên vầng trán Đức mẹ có ngôi sao tám cánh, có lẽ về sau người ta vẽ thêm vào, nhưng ý nghĩa muốn diễn tả theo như văn hóa thần học Đông phương, Đức mẹ là ngôi sao dẫn đường chỉ lối cho ta hướng về Chúa Giêsu. Và để làm nổi bật ý nghĩa này một vòng tròn hình thánh gía được vẽ chung quanh đầu Đức Mẹ.

5.Phía bên cạnh Đức mẹ có những chữ viết tắt bằng tiếng Hylạp „ MR TU“ – Mater Theou, có nghĩa là Mẹ Thiên Chúa.

6.Phía bên Chúa Giêsu có hàng chữ cũng bằng tiếng Hylạp „ IC XC“= Jesuos Christos: Chúa Giêsu, Đấng cứu thế.

7.Hai bên phía trên bức ảnh có hình hai Thiên Thần. Hình Thiên Thần phía bên trái cầm chiếc đòng ngọn giáo có hàng chữ chú thích: „ O AR M“ = O Archangelos Michael= Tổng lãnh Thiên Thần Michael. Vị tổng lãnh thiên thần này chỉ huy các Thiên Thần chống lại qủy dữ Satan nổi loạn chống Thiên Chúa, như sách Khải huyền diễn tả ( Kh 12,7). Vị Tổng lãnh Thiên Thần này có tên Quis ut Deus: Ai bằng Thiên Chúa.

Thiên Thần Michael cầm chiếc bình nước đắng cùng với cây gậy có quấn miếng bọt biển thấm nước, mà người lính đưa lên cho Chúa Giêsu nhắp uống lúc Ngài bị treo trên thập gía ( Mt 27,48). Tay ông cũng cầm một cây đòng nhọn, thứ khí cụ này quân lính dùng đâm thủng cạnh sườn Chúa Giêsu thâu vào trái tim khi chết trên thập gía( Ga 19,28-36).

8. Hình Thiên thần bên phải với dòng chữ „O AR G“ O Archangelos Gabriel= Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel. Vị tổng lãnh Thiên Thần này đã đến truyền tin cho Đức mẹ, báo tin Chúa Giêsu xuống làm người trong cung lòng Đức Mẹ Maria (Lc 1,28). Trong tay Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel cầm cây thánh gía và 4 chiếc đinh sắt. Những dụng cụ này nói lên cuộc đời Chúa Giêsu sẽ phải chịu đau khổ chết trên thập gía thế nào.

9. Chúa Giêsu ngồi trên tay Đức Mẹ ngoái cổ nhìn sang hai bên phía trên đầu thấy hai Thiên Thần một vị cầm bình nước đắng và một vị cầm cây thâp gía với đinh nhọn làm ngài sợ hãi. Như em bé đang lúc sợ hãi, chui vào lòng mẹ mình, Chúa Giêsu sợ hãi qúa nên ngồi nép sát vào lòng Đức mẹ, hai tay ôm chặt lấy mẹ mình tìm sự che chở an toàn. Có lẽ trong lúc sợ hãi đó chiếc dép rơi tuột khỏi chân Chúa Giêsu như trong hình vẽ họa lại.

Đức Mẹ tuy bồng ẵm Chúa Giêsu trong lúc con mình sợ hãi, nhưng lại không hướng ánh mắt về con mình, mà về phía người đối diện ngắm nhìn bức ảnh. Điều đó như Đức Mẹ muốn nhắn gửi sứ điệp:

„Là người Mẹ, tôi biết con tôi đang tìm sự an ủi chở che, nên ngồi sát nép vào lòng tôi tìm sự an ủi giúp đỡ để con tôi làm trọn hảo ý Thiên Chúa muốn. Và tôi chấp nhận vâng theo ý Thiên Chúa bằng lòng để con tôi hy sinh cho công cuộc cứu rỗi loài người khỏi vòng tội lỗi. Tôi đã nói lời xin vâng theo ý Thiên Chúa ngay từ giây phút Thiên Thần đến truyền tin cho tôi. Điều này tôi không bao giờ rút lại.

Như Chúa Giêsu, con tôi, nép sát mình bên tôi khi sợ hãi lúng túng nhìn thấy cây thập gía, con người các Bạn trong cơn khốn khó đau khổ, cũng được phép chạy đến tìm sự an ủi giúp đỡ nơi tôi.

Tôi là người mẹ luôn sẵn sàng phù hộ giúp đỡ cho những người cần đến kêu cầu tôi.

Và trong dòng thời gian do lòng kính mến cùng biết ơn, người ta ca tụng tặng tôi danh hiệu: Đức Bà phù hộ các giáo hữu! Đức Bà an ủi kẻ âu lo!

Tôi vui mừng được làm công việc của một người mẹ bây giờ ở trên trời chuyển lời cầu xin của người tín hữu tới nhan Thiên Chúa, Đấng là kho tàng mọi ân đức phúc lộc cho con người.

Và đó đây trong kinh cầu Đức mẹ hằng cứu giúp, người tín hữu Chúa Kitô hát kêu xin: „Con xin dâng lên gia đình con cái, trong tay khoan nhân của Mẹ Chúa trời!

Xin Mẹ thương hãy giúp đỡ con!“

Ôi lời kinh thắm thiết chan chứa tâm tình vừa lòng yêu mến và cũng vừa lo lắng cho đời sống con người bắt đầu từ trong gia đình mình!“

Lễ kính Đức Mẹ nữ vương trời đất, 22.08.2010
 
Sống khiêm nhường
Phanxicô Xaviê
08:49 21/08/2010
Từ một nhận xét theo kinh nghiệm thấy rằng con người cư xử khiêm hạ luôn luôn được mọi người chấp nhận, tác giả sách Huấn ca tìm thấy giá trị sâu xa của thái độ ấy nằm trong Lời Chúa và mạc khải của Người. Trong bản văn Hc 3,17-18.20.28-29, tác giả ca ngợi sự hiền hòa và khiêm hạ là những nhân đức căn bản và quý giá của con người. Chính nhờ nhân đức này, con người khám phá sự cao trọng của Thiên Chúa và mở ngõ cho con người đi vào sự khôn ngoan đích thực của Ngài. Đồng thời tác giả cũng cho thấy nết xấu ngược lại, tức là tính kiêu ngạo là một thứ bệnh nan y. Nó như một thứ cây xấu đã đâm rễ từ trong lòng người ta, nên hành vi ngôn ngữ của họ đều ẩn chứa sự xâu xa tội lỗi. Ông nghĩ rằng con người có tư cách, và xứng đáng lãnh nhận Lời Hứa cúa Chúa phải là kẻ khôn ngoan, biết nhận xét thực tại nhưng nhất là phải biết lắng nghe Lời Người. Một con người như vậy sẽ đẹp lòng Chúa và không sợ sai lầm.

Khao khát danh vọng, quyền bính là đam mê chung của mọi người. Ai cũng thích xuất hiện trước công chúng, thích được người đời ca tụng, và thích được phục vụ. Một cách nào đó, người tham vọng không những dùng người khác như bàn đạp, mà còn tước đoạt chính vinh quang của Thiên Chúa. Trước lối sống trên, cùng những nhận định của con người chỉ dựa trên ưu thế của sự giàu có, danh dự cá nhân, quyền lực xã hội để rồi có thái độ kiêu ngạo, xem thường người khác. Chúa Giêsu khuyên mọi người phải biết sống khiêm nhu tự hạ, biết quên mình và biết quảng đại bác ái với người nghèo khổ.

“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất,… “. Lời Chúa Giêsu không nhằm dạy về nghệ thuật ứng xử để thành đạt hay được vinh dự chỗ chốn đông người bằng thủ đoạn khéo léo. Ở đây Chúa muốn nhấn mạnh đến sự đảo lộn vị trí trong Nước Chúa để khuyên dạy mọi người sống khiêm hạ. “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Chính kinh nghiệm đức tin của dân Do Thái đã minh chứng điều ấy: Thiên Chúa sẽ nâng cao người phận nhỏ, người quyền thế bị lật đổ, người giàu có trở về tay không và người nghèo đói sẽ no đầy ơn phúc. Từ lời tiên báo của tiên tri Êzêkien, đến lời kinh Magnificat của Đức Maria và nay là lời dạy của Chúa Giêsu đều nói lên một chân lý: Thiên Chúa đứng vế phía những người khiêm nhường, những người thấp hèn trong địa vị xã hội, những người bị áp bức bất công. Theo lời Chúa dạy, con đường đi tới Nước Trời, được Thiên Chúa Cha yêu thương nâng lên chính là thái độ sống khiêm nhu tự hạ. Từ một vị Thiên Chúa, Người đã hạ mình làm người bần cùng trong thế gian; từ một người Thầy Người đã tự hạ rửa chân cho các môn đệ; từ một Đấng phán một Lời liền có Người đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết cách nhục nhã. Nơi Chúa Giêsu, sự khiêm hạ đã đi đến tột cùng. Chính nhờ thế mà Thiên Chúa Cha đã suy tôn Người (Pl 2,6-9). Sự khiêm nhu tự hạ mà Chúa dạy hôm nay không phải là sự chịu lụy, nhịn nhục theo kiểu “cố đấm ăn xôi” nhưng là một sự chọn lựa tự do trong tinh thần yêu thương và phục vụ.

Trong đời sống hiện tại, chúng ta thường có khuynh hướng xem nhẹ, thậm chí coi thường những người nghèo, những người thấp hèn hơn chúng ta và tôn trọng những người giàu có, những người quyền thế, có địa vị xã hội. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, ở nơi Thiên Chúa giá trị con người được nhìn nhận cách khác hẳn. Trong Nước Chúa không có phân biệt nô lệ hay tự do, Do Thái hay Hy Lạp. Cho nên, chúng ta phải biết trân trọng nhau trong tư cách tất cả đều là con người, đều là con cái Chúa, và là anh chị em của nhau.

Nên nhớ rằng, đời là một cuộc hành trình. Ra khỏi lòng mẹ là nhập cuộc và ra đi không ngừng. Tuổi thơ và thanh niên được dệt bằng tính hiếu động để không ngừng dự phóng và tiến tới. Ở tuổi trung niên, thành công tràn ngập nhưng thất bại cũng giăng đầy lối đi, có những người bạn chợt đến rồi đi, vui tươi hớn hở đó, nhưng buồn chán lẫn thất vọng cũng ê chề. Rồi tuổi già chợt đến, chúng ta mới nhận ra rằng tất cả trên đời này chỉ là tạm bợ, nơi Thiên Chúa mới có sự vĩnh cửu.

Từ một vị Thiên Chúa, Đức Kitô cũng đã trải qua cuộc đời trần thế với không biết bao nhiêu cuộc hành trình. Sinh ra trong một cuộc hành trình, vừa mở mắt chào đời đã phải vội vã ra đi như một người tỵ nạn. Năm 12 tuổi lạc mất trong một cuộc hành trình. Ra đời, Ngài không ngừng đi lại khắp nẻo đường Palestina. Và cuối cùng, Giêrusalem, đồi Calvê là điểm đến của cuộc hành trình. Qua cuộc hành trình không ngơi nghỉ ấy, Đức Kitô đã tuyên bố với chúng ta: ”Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Chỉ trong Ngài, qua dấu chân của Ngài, chúng ta mới thật sự tìm được hướng đi cho cuộc đời mình. Ngài là Con Đường dẫn ta về cõi phúc vinh quang. Nhưng con đường của Ngài chính là con đường của yêu thương và phục vụ. Hãy tin tưởng rằng khi chúng ta sống yêu thương, sống phục vụ là lúc chúng ta đang đi trên con đường của Ngài. Trở nên giống Ngài là Đấng hiền lành và khiêm nhường.
 
Đường hẹp Chúa Giêsu đã chọn
Lm. Phêrô Hồng Phúc
09:11 21/08/2010
ĐƯỜNG HẸP CHÚA GIÊSU ĐÃ CHỌN

Con đường hẹp và con đường chông gai là một khái niệm về sự hy sinh và khó khăn. Chúa Giêsu chọn con đường Thập Giá còn cao hơn nữa vì không những khó khăn, gian khổ mà còn là sự chết. Như vậy đường hẹp, đường chông gai, đường Thập Giá là những nẻo đường Chúa Giêsu Kitô đã chọn. Và vì thế mỗi người chúng ta cần phải lựa chọn trong bước đường đi theo Đức Kitô, vì đã có đường hẹp đương nhiên sẽ có đường rộng. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Đường hẹp và đường chông gai sẽ dẫn tới sự sống đời đời. Còn đường rộng thênh thang thì dẫn tới sự hư mất. Có rất nhiều người đi đường đó” (Mt 7,13). Biểu hiện của hai con đường đó là:

- Con đường rộng thênh thang là sự tự do. Người ta sống buông thả, sống theo đam mê, sống tinh thần hưởng thụ của thời đại, sống duy vật chất. Với những lối sống buông thả như vậy, người ta không phải thức khuya dạy sớm, người ta không phải hy sinh cực nhọc, người ta không phải giữ nhiều những điều luật như là Công giáo của chúng ta mà là điều luật từ lương tâm – nghĩa là tự nguyện hoàn toàn. Cho nên có rất nhiều người đi theo đường rộng, bởi vì họ muốn gì họ làm đó. Họ muốn buông thả họ được buông thả; họ muốn đam mê họ được đam mê. Họ buông theo những trào lưu của xã hội là những văn minh hưởng thụ, nhà cửa sang trọng tiện nghi… Cứ như vậy, rất nhiều người, rất nhiều thế hệ đã bị cuốn hút theo làn sóng văn minh vật chất.

- Con đường hẹp là tính kỷ luật. Những người chọn con đường hẹp, con đường chông gai, con đường của lễ giáo gia phong, con đường của kỷ luật, kỷ cương và con đường đòi hỏi phải hy sinh, phải dấn thân vốn là ít. Những nẻo đường này nhiều khi dẫn con người ta tới những điều bất ngờ, bởi vì cuối con đường rộng thênh thang là sự hư mất, còn cuối con đường chật hẹp chông gai thì lại là ân sủng và tình thương.

Có lẽ với người đời đa số luôn muốn xin cho được bình an, xin cho được “mọi sự như ý”, xin cho được làm ăn nên, xin cho khỏi bệnh tật... Tất cả những điều xin đó đều tốt. Thiên Chúa dạy chúng ta như vậy. Chúa cho phép chúng ta gìn giữ mạng sống, Chúa cho phép chúng ta sống văn minh của cuộc sống với những tiện nghi để cuộc sống tiến bộ hơn. Thế nhưng nếu không được thì sao? Khi chúng ta không được những điều mà mình cầu xin hay là không đạt được những điều ấy thì sao? Và đó là những điều mà chúng ta phải nói tới. Với những người không có đức tin là thất vọng, là chán nản, là cho mình có số phận hẩm hiu. Còn người có đức tin thì sao? Họ đón nhận tất cả theo thánh ý Chúa. Như vậy, ở phía trước là con đường Thiên Chúa cho họ tới nhưng mà đi nẻo đường nào thì họ đi theo dấu chân của Đức Kitô, cho dẫu trước mắt vẫn là yếu đau, bệnh tật, rủi ro, khó khăn... nhưng họ chấp nhận tuân theo thánh ý Chúa và vì thế, con đường của họ dẫu chông gai chật hẹp, thì cuối cùng khi theo sát dấu chân của Chúa Giêsu Kitô họ lại đạt được những bất ngờ. Còn những người tự mình cố gắng tạo cho mình một sự hưởng thụ, một thiên đàng trần gian, cuối cùng là một sự thất vọng. Họ thất vọng vì những cố gắng của mình không đi đến đâu; họ thất vọng vì cuối nẻo đường là sự trống rỗng mà giữa đường rộng và đường hẹp chưa khác nhau là bao trên đoạn đường đi, nhưng cái khác nhau quan trọng nhất là ở cuối con đường. Cho nên với những người biết đón nhận thánh ý Chúa luôn luôn cảm thấy họ cảm thấy được sự nâng đỡ và họ bước đi trong bình an, cho dẫu đó là đường chông gai, đường chật hẹp. Nếu chúng ta biết đón nhận như thế thì không phải ngày mai mới có hạnh phúc mà ngay ngày hôm nay chúng ta đã có hạnh phúc, bởi vì chúng ta bằng lòng với những gì mình có. Ngày mai Chúa ban cho chúng ta lại tạ ơn Chúa. Ngày hôm nay Chúa chưa ban cho thì Chúa để dành cho chúng ta. Đời này chưa được thì Chúa để dành đời sau. Có những người mà đời này họ phải chịu một cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng đời sau họ được đưa vào lòng Abraham. Còn con cái trong nhà, con Abraham, Giacop, Isaac, chỉ những người Do Thái ngày xưa thì lại bị ném ra ngoài. Những người tưởng rằng mình có địa vị, mình được quyền lợi thì lại bị ném ra ngoài. Còn con cái từ Đông chí Tây họ lại được vào Nước Trời, chính là ở chỗ người ta khám phá ra và thấy ý nghĩa của con đường chật hẹp và chông gai.

Có một người kia bỏ công ra đi tìm cửa để lên trời vì có chân trời là có điểm tiếp giáp với trời. Ông ta ra đi để tìm điểm tiếp giáp ấy và khám phá ra bầu trời mới. Người đàn ông này đi mãi, đi mãi, ngày này qua ngày khác, cố gắng đi đến chân trời, đến điểm mà trời và đất tiếp giáp nhau để mình khám phá ra một cuộc sống mới nơi chân trời mới. Ông ta đi mãi, rồi cuối cùng cũng vui mừng tới nơi. Ông thấy được cái điểm tiếp giáp giữa trời và đất cách nhau chỉ có một cánh cửa thôi. Người này sung sướng vô cùng thầm nghĩ: “Bao nhiêu công lao của mình bỏ nhà ra đi, hôm nay đã nhìn thấy kết quả. Chỉ cần đẩy cánh cửa là thấy một bầu trời mới, biết bao nhiêu những lạ lùng”. Ông ta run run xúc động bật cánh cửa để đi vào trong bầu trời. Cánh cửa mở ra, người này bước vào. Cái lạ lùng, cái kỳ diệu không phải là ông ấy thấy những điều mới mà là thấy cái gì cũng quen, thấy cái gì cũng đúng như là của mình. Ông ta bỡ ngỡ nhìn kỹ lại thì ra đó chính là căn nhà của mình ở.

Câu chuyện trên muốn cho chúng ta thấy được rằng, ngôi nhà mình đang ở, môi trường mình đang sống là chính cái điểm tiếp giáp giữa trời và đất. Người ta không phải nhọc công đi mãi tới nơi xa xôi ở phương Đông, phương Tây hay đi mãi lên sao Hỏa, sao Kim. Nhưng ngay trong ngôi nhà của mình, ngay trong môi trường của mình đã là điểm tiếp giáp giữa trời và đất rồi, chỉ cần chúng ta mở một cánh cửa là chúng ta đi vào trong sự bình an của Chúa, nhưng mà nhiều người không chịu mở cánh cửa đó, tâm hồn nhiều những bối rối, những lo âu là bởi vì mình đã không chịu gõ cửa nhà Chúa, là bởi vì mình đã không chịu mở cánh cửa của lòng tin và chúng ta cũng không chịu mở cánh cửa của lòng bác ái.

Hôm nay bài học khiêm tốn, bài học của việc đi vào con đường hẹp giúp chúng ta dám mở cánh cửa lòng của mình ra. Trước nay chúng ta mới mở một cánh thì nay chúng ta hãy mở hai cánh. Trước nay “Đèn nhà ai rạng nhà nấy” thì bây giờ chúng ta hãy mở toang ra để phục vụ cho cả dân làng như người Nhật nói: “Nếu nhà nào cũng quét sạch ngõ nhà mình thì cả làng sạch”. Ngày hôm nay chúng ta mở toang những gì là bóng tối để ánh sáng của Chúa Kitô tràn vào trong gia đình chúng ta:

- Chúng ta gặp nhau trong tinh thần phục vụ, trong yêu thương, trong hiểu biết, trong dấn thân;

- Chúng ta cùng nhau đóng góp để xây đựng Nhà Chúa cho cộng đoàn giáo xứ của chúng ta;

- Chúng ta sẵn sàng dâng những người con tận hiến cho Chúa hay là chúng ta hy sinh để chăm lo cho giáo lý, cho con cái của mình trong ơn gọi hôn nhân một cách trưởng thành và đúng luật của Giáo Hội;

- Chúng ta dám đầu tư cho con cái của mình trong những nghề nghiệp, làm ăn chân chính và học hành để sau này nên người.

Tất cả những con đường hẹp ấy, những cánh cửa mở ra ấy chính là đưa chúng ta vào sự sống đời đời. Chúa Giêsu ở cuối đường đang đợi chúng ta. Ước gì con đường mà chúng ta đang đi hôm nay là con in đầy những dấu chân của Chúa Giêsu, dẫu là con đường Thập Giá, dẫu là con đường hy sinh, dẫu là con đường chông gai và chật hẹp.

Lạy Chúa Giêsu,
Con đường Thập Giá Chúa đã đi qua
Ngày hôm nay,
Chúa vẫn mời gọi chúng con tiếp nối con đường đó.
Con đường dẫn tới sự sống đời đời.
Xin đừng để ai trong chúng con
lại khám phá một con đường rộng rãi thênh thang
để dẫn tới sự hư mất.
Nhưng trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội,
chúng con bước đi theo sát dấu chân của Chúa
và chúng con đạt tới hạnh phúc Nước Trời,
hầu đón nhận ơn cứu độ đời đời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Hiến Chương cho một Nền Văn Minh Mới
Vũ Văn An
00:34 21/08/2010
Ngày 13 tháng 8 vừa qua, tại Liên HIệp Quốc, một nhóm thanh niên đại diện cho 20 quốc gia, trong tổ chức Nghị Viện Tuổi Trẻ Thế Giới, đã trình bày Đại Hiến Chương Các Giá Trị trong một cuộc họp do Đức Hồng Y Edward Egan, nguyên Tổng Giám Mục New York và hiện là quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc, chủ tọa.

Được sáng lập năm 1991, Nghị Viện Tuổi Trẻ Thế Giới đã soạn ra Đại Hiến Chương nói trên sau 2 năm chuẩn bị. Trước khi đem ra trình bày tại Liên Hiệp Quốc, Nghị Viện đã gặp nhau tại Đại Học St John, New York, trong hai ngày để thảo luận về 10 nguyên tắc nêu ra trong Đại Hiến Chương. Tài liệu này có tựa đề là: Đại Hiến Chương các Giá Trị cho một Nền Văn Minh Mới. Chúng tôi xin lược dịch dưới đây:


Giới Thiệu

Nghị Viện Tuổi Trẻ Thế Giới (World Youth Parliament, viết tắt là WYP) là một nghị hội đối thoại thường trực được Fernando Rielo Pardal (1923-2004), Sáng Lập Viên Hội Truyền Giáo Idente và Tuổi Trẻ Idente, thành lập năm 1981. Nghị Viện ra đời sau bài diễn văn của ông tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Ông ước mơ: tiếng nói tuổi trẻ, nhờ thoát khỏi thiên kiến và tư lợi, sẽ được khắp thế giới lắng nghe và tạo ra một đóng góp có tính quyết định đối với các vấn đề nền tảng thuộc sinh hoạt xã hội và tâm linh.

Bởi thế, đây là một dự án của Tuổi Trẻ Idente, tức tổ chức đã tiếp nhận gia tài vĩ đại của vị Sáng Lập, một dự án mở ra cho bất cứ người trẻ nào cảm thấy yêu thích mục tiêu của nó và muốn tham gia sáng kiến này.

Nền tảng lý thuyết của WYP dựa trên bản Hiến Chương do chính Rielo soạn thảo năm 1991 căn cứ vào lời yêu cầu của một số bạn trẻ muốn có một tuyên bố minh nhiên của ông về dự án này. Tài liệu nói ở đây trình bày các nguyên tắc điều hướng sáng kiến trên:

“Nghị Viện Tuổi Trẻ Thế Giới nghĩ rằng: cách con người được định nghĩa chính là thước đo con người và hành động của họ. Từ câu định nghĩa ấy, ta rút ra được nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ của con người, cũng như nền tảng cho các mối liên hệ tôn giáo, xã hội và chính trị của họ, và xét cho cùng, là nền tảng cho sự vĩ đại hay nghèo nàn của họ về phương diện bản thân và xã hội. (…) Sứ mệnh đặc thù của Nghị Viện Tuổi Trẻ Thế Giới là tăng gia cam kết bản thân nơi mọi người trẻ, bất kể nguồn gốc và số phận, song song với cam kết nơi người trẻ thuộc mọi niềm tin, chủng tộc và xứ sở, nhằm bảo vệ các lý tưởng cao thượng nhất tức hòa bình, sự sống, hợp nhất, yêu thương v.v… Trong chiều hướng đó, WYP đề xướng khuôn mẫu hợp nhất chứa đựng trong sứ điệp của Nghị Viện, một khuôn mẫu được chính Chúa Kitô hiến tặng cho nhân loại: con người nhân bản được cấu thành như một hợp nhất mầu nhiệm giống như Chúa Kitô và Chúa Cha đã tự cấu thành trong một hợp nhất tuyện đối”.

Qua Đại Hiến Chương Các Giá Trị cho một Nền Văn Minh Mới, WYP muốn trình bày một sáng kiến của tuổi trẻ với những đặc điểm độc đáo sau đây:

- Đây là lời tuyên bố các cam kết bản thân: chứ không phải lời phê phán xã hội hay tài liệu phản kháng hoặc yêu cầu quyền lợi. Nó không nhằm qui cho người khác hay các thực tại khác trách nhiệm phải thay đổi xã hội hay điều chỉnh các sai phạm của nó. Đúng hơn, chúng tôi đề xuất việc phải “bắt đầu từ chính chúng tôi”, suy tư về khả năng tự hiến mình cho người khác.

- Không chủ trương đặc lợi: Các người trẻ của Nghị Viện Tuổi Trẻ Thế Giới luôn luôn tìm kiếm cả ích chung lẫn các giải pháp chung nhằm lợi ích của mọi người như một toàn thể, luôn luôn có thiên hướng hy sinh bản thân và đại lượng.

- Sáng kiến này mở cửa chào đón sự tham gia của mọi người trẻ và sẵn sàng phản ảnh các khát vọng của họ: tài liệu này làm nổi bật các đặc tính của xã hội mà người trẻ khát mong xây dựng.

Lời Nói Đầu

Sau hai năm làm việc đắc lực với chủ đề “Hướng Tới một Đại Hiến Chương các Giá Trị cho một Nền Văn Minh Mới”, chúng tôi, giới trẻ thuộc 20 quốc gia thành viên của Nghị Viện Tuổi Trẻ Thế Giới, xin trình bày những điều đã tìm được để qua tài liệu này tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe và để mọi người biết cam kết bản thân muốn sống thực các giá trị này, các giá trị mà chúng tôi coi là nền tảng để xây dựng một nền văn minh mới, một nền văn minh đáp ứng được khát vọng cao cả nhất của chúng tôi và là nền văn minh, ngay trong chính cấu trúc của nó, có thể phản ảnh phẩm giá vĩ đại của những con người nhân bản cũng như tiềm năng của họ trong việc sáng tạo và tái tạo thực tại. Bởi thế, tài liệu này thu thập các kết luận từ công trình do chúng tôi thực hiện. Nó đưa ra một số nguyên tắc lý thuyết mà chúng tôi đã nhất trí liên quan đến chủ đề đem ra thảo luận. Tài liệu này cũng nói lên một số cam kết mà chúng tôi đã cùng đưa ra ngõ hầu đem ra thực hành một số quyết tâm đã tìm được. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả những ai nhất trí với các nguyên tắc và cam kết này sẽ cùng chung tay biến Đại Hiến Chương Các Giá Trị này thành của mình. Chúng tôi cũng muốn nói lên sự sẵn sàng chào đón mọi gợi ý và đóng góp hầu làm cho Hiến Chương này phong phú hơn.

I. Nhân Vị Mở Cửa Đón Nhận Siêu Việt

Con người là một chủ thể mở cửa đón nhận không phải chỉ bản thân mình mà còn đón nhận nhiều “người khác” nữa. Họ luôn liên hệ với một tình yêu vượt quá họ, một tình yêu định nghĩa và cấu thành ra họ. Bản chất có tính liên hệ này đặt mọi con người, một cách hữu thức hay không, vào vị thế có thể chiếm hữu được một lý tưởng và một khuôn mẫu để điều hướng các khát vọng cao cả nhất của họ cũng như động lực hóa các hành động của họ. Từ nền tảng này, con người bước vào mối liên hệ với những người đồng trang đồng lứa với họ; và với những người này, họ sẽ tạo lập ra gia đình, ra xã hội, ra nền văn minh.

I. 1. Tình yêu Thiên Chúa nơi con người cũng như cảm nghiệm chân chính có tính tâm linh quan yếu của họ luôn luôn là động lực thúc đẩy việc phát triển của văn minh, với nhiều vang dội tích cực nơi văn hóa và xã hội. Chúng tôi hiểu rằng tình yêu chân thực của con người đối với Thiên Chúa, như đã được Chúa Giêsu sống thực, nhất thiết bao hàm tình yêu đối với mọi người và loại trừ mọi hình thức cuồng tín và vị kỷ.

Phần chúng tôi, chúng tôi cam kết cổ vũ và dành thì giờ phát triển cuộc sống tâm linh, cả cuộc sống bản thân lẫn cuộc sống cộng đoàn, để tìm ra con đường tốt nhất giúp chúng tôi đem lại mục tiêu cho các hành động cũng như cho chính cuộc đời mình.

I.2. Mọi người (từ lúc được tượng thai cho tới lúc qua đời) đều là độc đáo, không thể thay thế được. Chính phẩm giá không thể vi phạm của họ đã tạo ra nền tảng cho các quyền lợi tất yếu của họ như quyền sống, quyền có sức khỏe, được giáo dục và được tự do công dân v.v… Án tử hình, tra tấn, phá thai và mọi hình thức bạo hành đều chống lại phẩm giá nhân vị này.

Phần chúng tôi, chúng tôi cam kết cổ vũ đối thoại và bảo vệ phẩm giá con người, nhất là những người yếu đuối và vô tội (trẻ chưa sinh, trẻ em, người khuyết tật, người cao niên, di dân, người nghèo v.v…), điều hướng bước chân chúng tôi nhằm đạt tới một nền văn minh của tình yêu, qua việc cổ vũ nền văn hóa sự sống chứ không phải nền văn hóa sự chết.

I.3. Trong mọi con người từ lúc sinh ra, bất chấp niềm tin tôn giáo, đều có một lương tâm luân lý có sẵn trong mình. Chính vì thế, họ có khả năng nhận biết và đảm nhận tác phong đạo đức trên cả hai bình diện bản thân và cộng đoàn. Chúng tôi bác bỏ mọi hình thức của chủ nghĩa tương đối về luân lý.

Phần chúng tôi, chúng tôi cố gắng phát huy và thâm hậu hóa cuộc đối thoại với người thuộc các tín ngưỡng và nền văn hóa khác ngõ hầu cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm chủ yếu và phát huy các điểm có chung, tránh mọi hình thức của chủ nghĩa cuồng tín và ý thức hệ đi ngược lại sự chính trực của con người và/hoặc chống lại ích chung.

I.4. Lối sống chân chính và sinh động bằng tình yêu, và việc chiếm hữu các giá trị siêu việt làm điểm qui chiếu sẽ giúp con người hành xử một cách đại lượng hơn, giúp họ sức mạnh cần thiết cho cuộc chiến chống lại bất công và chịu đựng được đau khổ hàm chứa trong cuộc chiến đấu ấy.

Trong con người Chúa Kitô, chúng tôi nhận thức được khuôn mẫu của tình yêu đại lượng, một tình yêu luôn hành động nhằm tìm kiếm sự thiện tối đa cho mọi người, chấp nhận hy sinh hàm chứa trong cam kết này, biết cách tha thứ và yêu thương người khác vượt quá và vượt trên ích lợi bản thân, hay tự khước từ các sự thiện hợp pháp mà đối với người khác là lớn hơn hay có thể nới rộng cho họ.

I.5. Kinh nghiệm quan yếu của cuộc sống tâm linh sẽ được tăng cường, củng cố khi chúng tôi hợp tác với người khác, là những người đang cố gắng sống thực cùng những giá trị như mình.

Chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ các kinh nghiệm quan yếu về sự tốt lành và cổ vũ chiều kích gia đình và cộng đoàn của cuộc sống tâm linh.

II. Gia đình

Gia đình là điểm qui chiếu không thể nào thay thế được đối với con người và cộng đoàn, vì nó là nơi các hữu thể nhân bản cảm nghiệm được tình yêu và sự tự hiến đầu tiên, trong tình yêu vợ chồng và trong việc sinh sản và dưỡng dục con cái. Đó chính là lý do tại sao gia đình là “tế bào” của xã hội, là nền đá trên đó các ý thức hệ duy cá nhân hay tập thể bị đánh bại.

II.1. Gia đình là môi trường nơi con người khởi sự phát triển và trưởng thành. Cần phải suy tư và cam kết trước mới có thể thành lập được gia đình một cách có trách nhiệm, vì gia đình liên quan tới việc cho đi và tiếp nhận yêu thương, việc đào tạo và âu yếm nhau giữa mọi thành viên.

Phần chúng tôi, chúng tôi cam kết tìm cách duy trì trong gia đình chúng tôi các mối tương quan tín thác, yêu thương, âu yếm, chú tâm và giúp đỡ lẫn nhau, để mọi thành viên cảm thấy mình được người khác xây dựng và nâng đỡ. Điều cũng cần thiết là phải đem tình âu yếm đến cho nhau, không được coi nó như chuyện đương nhiên, trái lại phải biết phát biểu nó ra một cách cụ thể.

II. 2. Điều quan trọng là gia đình phải được xây dựng trên cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, với con cái và các thành viên thuộc nhiều thế hệ cùng chung sống, luôn dành cho nhau lòng tôn trọng họ đáng được hưởng.

Chúng tôi cam kết trân qúi mọi thành viên của gia đình chúng tôi trong mọi hoàn cảnh, sẽ dành vinh dự cho họ và biểu lộ một thái độ phục vụ và nâng đỡ hỗ tương.

II. 3. Các mối tương quan giữa mọi thành viên của gia đình phải được đánh dấu bằng một tình yêu chân chính, vượt lên trên sự phân cách thế hệ cũng như bất cứ ý thích bản thân nào.

Chúng tôi cam kết sẽ tránh không để bất cứ thành viên nào của gia đình bị coi như phương tiện để thỏa mãn nhu cầu hay ý thích của người khác.Chúng tôi sẽ tìm cách liên hệ với nhau bằng tình cảm biết ơn chân thực, nhất quyết cố gắng sống trong tình liên đới, nhìn nhận lỗi lầm của mình và có lòng tương cảm và tinh thần hợp tác.

II. 4. Điều đáng làm là tranh đấu duy trì sự hợp nhất và tình liên đới của gia đình, tránh bất cứ sự phân rẽ nào. Các mối tương quan trong phạm vi gia đình phải luôn được cổ vũ để dây liên kết giữa các thành viên luôn được mạnh mẽ và không bị sứt mẻ.

Chúng tôi cam kết bảo vệ lòng chung thủy và sự hợp nhất, thực hành tha thứ và từ bỏ mình như phương thế giải quyết tranh chấp. Điều này không có nghĩa chúng tôi thôi không cố gắng giáo dục người khác và giúp họ thay đổi bất cứ điều gì trong tác phong của họ có thể gây hại tới cuộc sống chung. Chúng tôi sẽ tìm cách dành thì giờ cho gia đình của chúng tôi, chứ không để cho công việc chuyên môn của mình hay các lãnh vực sinh hoạt khác tạo ra sự xuy giảm trong thông đạt, trong đối thoại hay tình thân ái giữa các thành viên trong gia đình.

II. 5. Ý thức rằng Thiên Chúa và linh đạo trong đời sống gia đình giúp gia đình đử sức đương đầu với mọi khó khăn của cuộc sống, chúng tôi cam kết sống các giá trị tâm linh vốn điều hướng các mối tương quan gia đình bằng cách gia tăng yêu thương, giải quyết các vấn đề và làm điều tốt cho người khác.

II. 6. Mọi thành viên trong gia đình phải được đối xử bằng nhau và có cùng cơ hội như nhau, nhất là liên quan đến giáo dục, đưa ra quyết định, tự do và công bình, tôn trọng cá tính và nhu cầu của họ.

Chúng tôi cam kết yêu thương, tôn trọng và khoan dung với từng thành viên của gia đình, bất phân phái tính, tuổi tác hay trình độ hiểu biết.

III. Các Mối Tương Quan Liên Bản Ngã

Cách ta đối xử với nhau là thước đo phẩm chất của mọi trình độ trong các mối tương quan nhân bản. Ta cấu tạo nền văn minh chân thực tùy theo cách ta đối xử với nhau. Các đam mê của con người thường là nguyên nhân tạo ra bất công xã hội.

III. 1. Tình bạn tác động lớn lao trên xã hội. Dù các tương quan bản thân của ta có thể sâu đậm và thân tình nhiều hay ít với một số người, nhưng nền văn minh chân chính chỉ được xây dựng trên tâm tình cởi mở với mọi con người nhân bản, được nối kết với nhau như anh chị em, bất chấp các khác biệt.

Chúng tôi cam kết thực hành tình bạn một cách đại lượng và vô tư, và yêu thương người khác vì họ là họ chứ không phải vì họ là người theo ý muốn của chúng tôi; một cách không kỳ thị hay thiên kiến, một cách kính trọng và tín thác chúng tôi cam kết mưu cầu hợp nhất, tăng cường thông đạt và đối thoại trong mọi lãnh vực.

III. 2. Tha thứ các xúc phạm để tái lập các mối tương quan, khi chúng đã mất, giữa người tha thứ và người gây xúc phạm. Chúng tôi cam kết phát huy nền văn hóa tha thứ như một giải pháp cho rất nhiều vấn đề, không những trong các mối tương quan bản thân mà cả trong lãnh vực xã hội và pháp chế nữa, vì biết rằng tha thứ đòi ăn năn, cố gắng và hy sinh thật sự để thay đổi thái độ và tác phong của chúng tôi.

III. 3. Điều cần là phải bảo vệ tính ưu tiên nơi giá trị của các mối tương quan bản thân, vốn chỉ nhờ Chúa mới thành khả thể, so với các loại sự thiện khác (kinh tế, vật chất v.v…). Chúng tôi nhất quyết sử dụng tốt thì giờ để lớn lên trong đời và trong tương quan với Thiên Chúa và người khác, chứ không để cho sự vội vã, nôn nóng, và nhu cầu hữu hiệu hay có năng xuất xâm thực các mối tương quan nhân bản của chúng tôi.

III.4. Đặt Thiên Chúa vào giữa cuộc đời của chúng tôi là dấu chỉ lòng khiêm tốn trên nền yêu thương. Chúng tôi cam kết thực hành giá trị của khiêm tốn trong mỗi mối tương quan chúng tôi xây dựng hằng ngày với mọi người chung quanh, bằng một tình yêu chân thành theo hình ảnh và họa ảnh mà Chúa đề nghị với mỗi người chúng tôi.

IV. Xã Hội

Xã hội là toàn bộ các tương quan nhân bản cũng như các nguồn tài nguyên văn hóa và hiệp đoàn, đặt căn bản trên các giá trị và lý tưởng chung với mục đích duy trì sự tự chủ và độc lập tương đối liên quan tới các hình thức hiện hữu tập thể theo nghĩa rộng rãi nhất. Toàn bộ cuộc sống của một con người không phát triển bên trong một gia đình hay một xã hội chính trị; đúng hơn, có cả một loạt các mối liên kết trung gian, từ những tình bạn đơn giản tới những nhóm phức tạp nhất hay mối tương quan cộng đồng. Chính các mối tương quan này có khả thể tạo ra “mạng chỉ nối kết” xã hội, nếu chúng thực sự được tình đồng loại (fellowship) nhân bản tạo phẩm chất.

IV. 1. Bộ máy của lịch sử bản thân và xã hội chính là tình yêu, được phản ảnh qua các giá trị và đức hạnh như tình đồng loại, tình liên đới và việc chăm sóc lẫn nhau, tất cả giúp chúng ta lớn lên một cách toàn bộ.

Chúng tôi muốn phát huy phẩm giá của những ai thiếu thốn nhất, qua việc thực hành tình liên đới, mỗi ngày mỗi ý thức rằng mọi người chúng ta đều có trách nhiệm đối với mọi người.

IV. 2. Cố gắng và thay đổi bản thân là hai khía cạnh chủ yếu của tiến độ văn minh.

Chúng tôi cam kết cổ vũ việc tạo ra các giá trị và đức hạnh quan trọng nhất, không để mình bị tràn ngập bởi sợ sệt, bởi khó khăn, bởi thiếu hy vọng và động lực hóa. Chúng tôi chống việc mưu cầu khoái lạc chỉ vì khóai lạc, muốn có kết quả mà không muốn chịu hy sinh. Chúng tôi cho rằng thành tựu chân chính ở đời bao hàm cố gắng bản thân và cộng đồng.

IV. 3. Các dị biệt về phái tính, nguồn gốc, nhóm sắc tộc, mầu da, tín ngưỡng, ý kiến, ngôn ngữ và văn hóa đều là những nguồn có tiềm năng tạo ra phong phú.

Chúng tôi cam kết tôn trọng các dị biệt và cố gắng hiểu biết nhau hơn, chứ không coi chúng là trở ngại cho cuộc sống chung.

IV. 4. Mọi người đều có quyền được chăm sóc đầy đủ về sức khỏe để họ không bị bỏ rơi hay đặt ra bên lề.

Chúng tôi muốn cổ vũ việc chăm sóc sức khỏe hay chữa chạy hoặc điều trị biết thực sự kính trọng phẩm giá con người và phúc lợi thể lý, tâm lý và thiêng liêng của họ.

IV.5. Vai trò của xã hội là cổ vũ một nền văn hóa và hợp tác hòa bình, qua việc tích cực tham gia của một số người càng đông bao nhiêu càng tốt dưới sợi dây liên kết yêu thương.

Chúng tôi muốn nhìn nhận điều này: xã hội là thực thể không thể miễn chuẩn trong việc quản lý các tranh chấp xã hội (địa phương, quốc gia, quốc tế) bằng các phương pháp bất bạo động nhằm mục tiêu tìm được công lý và công bình xã hội.

IV. 6. Thể thao, nghệ thuật và văn hóa là các lãnh vực sinh tử trong đó ta hiến tặng người khác những tặng phẩm mà chính ta đã tiếp nhận và trong đó, ta phát triển như những nhân vị.

Chúng tôi cam kết sử dụng một cách sáng tạo các khả năng của mình để làm người khác hạnh phúc, hiến những gì tốt đẹp nhất của chúng tôi một cách trung thực và chân chính.

(còn một kỳ)
 
Sách Lễ Rôma Anh ngữ mới sẽ áp dụng tại Hoa Kỳ từ Mùa Vọng 2011
Nguyễn Hoàng Thương
08:22 21/08/2010
Sách Lễ Rôma Anh ngữ mới sẽ áp dụng tại Hoa Kỳ từ Mùa Vọng 2011

Washington D.C. (CNA / EWTN News) – Hôm 20/08/2010, Đức Hồng Y Francis George, Tổng Giám Mục Chicago và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB) đã loan báo bản dịch Anh ngữ mới của Sách Lễ Rôma, ấn bản thứ ba đã nhận được sự phê chuẩn của Tòa Thánh Vatican và sẽ bắt đầu áp dụng từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm 2011. Một giám mục nói rằng bản văn mới sẽ cho phép "tiếp tục canh tân" phụng vụ trong các giáo xứ.

Đức Hồng Y George đã công bố sự phê chuẩn của Tòa Thánh Vatican trong thư gửi đến các giám mục Hoa Kỳ ngày 20/8/2010. Theo một thông cáo báo chí hôm Thứ Sáu của USCCB, ngài đã đưa ra một tuyên bố rằng việc sử dụng ấn bản thứ ba của Sách Lễ Rôma sẽ bắt đầu áp dụng trong các giáo phận Hoa Kỳ từ ngày 27 tháng Mười Một năm 2011.

Tuyên bố cho hay: “Từ ngày đó trở đi, không ấn bản nào khác của Sách Lễ Roma được sử dụng trong các giáo phận của Hoa Kỳ”. Đức Hồng Y bình luận thêm: "Giờ chúng ta hướng về phía trước và tiếp tục những nỗ lực giáo lý quan trọng khi chúng ta chuẩn bị việc phát hành bản văn".

Ngày áp dụng được lựa chọn nhằm cho phép các nhà xuất bản có thời gian chuẩn bị bản văn và cho phép các giáo xứ và giáo phận có thời gian huấn luyện cho giáo dân.

Việc phê chuẩn Sách Lễ được thể hiện qua bức thư ngày 23 tháng Sáu của Đức Hồng Y Antonio Cañizares Llovera, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Thánh Bộ cũng đã đưa ra hướng dẫn cho việc xuất bản.

Đức Cha Arthur Serratelli của Paterson, New Jersey, người đứng đầu Ủy Ban Phụng Tự của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho hay: "Tôi thực sự hạnh phúc vì sau nhiều năm chuẩn bị, chúng ta đã có một bản văn mà khi được giới thiệu vào cuối năm tới, nó sẽ cho phép tiếp tục canh tân việc cử hành Phụng Vụ Thánh tại các giáo xứ của chúng ta".

Nhân viên của Ban Thư ký Ủy Ban Phụng Tự sẽ chuẩn bị các bản văn của Sách Lễ để phát hành và sẽ cộng tác với các nhân viên của Ủy ban Quốc tế về Anh ngữ trong Phụng Vụ (ICEL).

Theo HĐGM Hoa Kỳ, ICEL đã chuẩn bị việc sửa chữa bài hát trong Sách Lễ để sử dụng trong việc cử hành Thánh lễ.

Trước khi bản văn mới được bắt đầu sử dụng, các vị mục tử được thúc giục chuẩn bị cho giáo dân bằng các nguồn tài liệu được phát hành trước đây cùng với Sách Lễ được phát hành. Các nguồn tài liệu được USCCB liệt kê bao gồm " Hướng dẫn Giáo xứ về việc áp dụng Sách Lễ Rôma, ấn bản thứ ba" và "Trở nên Một Thân Thể, Một Thánh Thần trong Chúa Kitô", một DVD tài liệu được đưa ra bởi ICEL phối hợp với các Hội đồng Giám Mục sử dụng Anh ngữ.

Anthony Sherman, Trưởng Ban Thư Ký Ủy Ban Phụng Tự HĐGM Hoa Kỳ cho hay "Một nỗ lực thật to lớn để đưa ra Sách Lễ Rôma mới cho Hoa Kỳ, cùng với các nguồn lực cần thiết khác đã phải bắt đầu. Ngay khi công việc đó đang được tiến hành thì việc giảng dạy giáo lý toàn diện về Phụng Vụ và Sách Lễ Rôma phải được thực hiện trong giáo xứ, để khi kỳ hạn đến, tất cả mọi người sẽ phải sẵn sàng".

Hôm 24 tháng Bảy, Tòa Thánh Vatican cũng đã phê chuẩn một số điểm thích ứng với Sách Lễ, gồm những lời cầu nguyện thêm cho Hành vi Sám Hối trong Thánh Lễ và Lặp Lại Lời Tuyên Hứa Rửa Tội vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Tòa Thánh cũng phê chuẩn bản văn lời cầu nguyện cho những ngày cụ thể đối với Hoa Kỳ như ngày Lễ Tạ Ơn, Ngày Độc Lập và các ngày lễ kính các thánh như Thánh Damien Molokai, Katharine Drexel và Elizabeth Ann Seton.

Ngoài ra, Thánh Lễ Dâng Lời Tạ Ơn Thiên Chúa Đã Ban Quà Tặng Sự Sống Con Người (Mass for Giving Thanks to God for the Gift of Human Life) đã được Tòa Thánh Vatican phê chuẩn. Thánh Lễ này có thể được cử hành vào ngày 22 Tháng Giêng, ngày kỷ niệm Đạo Luật Roe v. Wade vốn ủy quyền hợp pháp việc phá thai trên toàn Hoa Kỳ.

Các nguồn tài liệu chuẩn bị cho việc áp dụng Sách Lễ Rôma có tại trang web của Hội đồng Giám Mục Kỳ: http://www.usccb.org/romanmissal
 
TGM Anh Giáo Tutu và ĐHY Nam Phi Napier chống dự luật hạn chế thông tin
Dominic David Trần
13:08 21/08/2010
NAM PHI, theo bản tin của Thông Tấn Xã Công Giáo toàn cầu CNA ngày 20/08/2010 cho biết Đức Hồng Y Wilfrid Napier Giáo Chủ của Giáo Hội Công Giáo Nam Phi đã cùng kết hợp với Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu, Tổng Giám Mục Anh Giáo toàn nước Nam Phi trong một bản tuyên bố chung tố cáo một dự án luật của chính phủ nhằm áp đặt những hạn chế mới trên truyền thông và thông tin báo chí.

Đức Hồng Y Napier tuyên bố rằng; thật là chuyện ngược đời khi cái Đảng đang cầm quyền là Đại Hội Dân Tộc Phi (ANC - African National Congress) đã từng chiến đấu đến thắng lợi để xóa sạch mọi xấu xa của tệ nạn phân biệt chủng tộc; thế mà ngày nay

họ lại muốn áp đặt những bó buộc trên luồng chảy tự do của thông tin về chính trị.

"Thật khó mà tưởng tượng ra được rằng với những người công dân; tổ chức; và phong trào tại Nam Phi này mới chỉ cách đây vài năm thôi chớ nào có xa xôi gì cho lắm: họ đã từng tổ chức biểu tình, đã phản kháng rất dữ dội để phơi bày ra tất cả những bất công, phi lý, thối nát, hối lộ, các hình thức của chủ nghĩa phe đảng trục lợi ban phát bổng lộc cho nhau, và gia đình trị. Vậy mà giờ đây; chỉ sau một vài năm cầm quyền trị nước- họ đã có thể vẽ ra cái luật lệ mới nhằm ngăn cản việc tố cáo và nói cho công chúng biết rõ về những hành vi xấu xa như của những ngày xưa cũ." Đức Hồng Y Giáo Chủ Nam Phi đã tuyên bố như vậy.

Đức TGM Desmond Tutu, người đứng đầu Giáo Hội Anh Giáo Nam Phi; và là người đã đoạt Giải Nobel Hòa Bình; đã lên tiếng kêu gọi tất cả các công dân Nam Phi hãy mạnh mẽ chống lại cái dự án luật hạn chế thông tin báo chí nói trên. Đức TGM Tutu nói rằng thật là điều vô cùng sửng sốt khi chính phủ Nam Phi đang cố đưa ra một dự thảo luật mà " hầu như mọi công dân Nam Phi đều bác bỏ."

(Chú thích của David Trần: Trong môn học Public Administration cao cấp có đăng nhận định của Lord Arton: " More power more corruption... more bribe." dịch nôm na là Quyền lực (và lòng tham) cũng như cái gạt tàn thuốc lá; càng nhiều càng đầy thì càng bẩn thỉu và càng thối tha. Còn ở trong văn học Việt Nam thì tượng hình hơn; "Tuy miệng kẻ sang có gang có thép nhưng miệng quan lại. .. như trôn trẻ."

Chỉ có một thứ Quyền Lực Tối Thượng duy nhất trên thế giới này đã thống trị con người bằng Tình Yêu Chân Thực và thậm chí Quyền Lực Tối Thượng đã sai Người Con Duy Nhất xuống thế gian làm người phàm nhân và đã hy sinh để chứng minh cho Quyền Lực và Tình Yêu Vô Biên đó là Chân Lý-Sự Thật có thực và Tình Yêu của Quyền Lực Tối Thương cao cả đó sẽ cứu độ được mọi người trong muôn đời: Quyền Lực Tối Thượng đó chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.)
 
Đức Thánh Cha trình bầy về sự nghiệp và ảnh hưởng của ĐGH Piô X
LM Trần Đức Anh OP
17:27 21/08/2010
CASTEL GANDOLFO. Trong buổi tiếp kiến chung sáng 18-8-2010 dành cho các tín hữu hành hương, ĐTC Biển Đức 16 đã đề cao sự nghiệp và giáo huấn của Đức Thánh Giao Hoàng Piô 10.

Giống như thứ tư tuần trước (11-8-2010), vì số tín hữu hành hương ít, nên ĐTC không về Roma để tiếp kiến chung theo thói quen, nhưng ngài đã tiếp hơn 1 ngàn tín hữu tại khuôn viên dinh thự Castel Gandolfo. Hàng trăm tín hữu khác theo dõi buổi tiếp kiến này từ quảng trường bên ngoài dinh Tông Tòa.

Buổi tiếp kiến có hình thức đơn sơ hơn, như một buổi đọc kinh Truyền Tin. Sau lời chào phụng vụ của ĐTC, các giám chức tại phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã giới thiệu tên các phái đoàn lên ĐTC, từ các nhóm tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và Ba Lan. Đặc biệt phái đoàn thuộc giáo phận Eisenstadt bên Áo có một ban nhạc trong y phục cổ truyền tháp tùng.

Sự nghiệp Đức Piô 10

Trong bài huấn dụ ngắn tiếp đó bằng tiếng Ý, ĐTC đã trình bày về thân thế, sự nghiệp và ảnh hưởng của thánh Piô 10 giáo hoàng, lễ kính ngày thứ bẩy, 21-8 tới đây, và nêu bật một vài nét hữu ích cho các mục tử và tín hữu ngày nay. Ngài nói:

”Giuseppe Sarto - đó là tên của Thánh Nhân - sinh tại làng Riese, tỉnh Treviso năm 1835 trong một gia đình nông dân, sau khi học tại chủng viện Padova, thụ phong linh mục năm 23 tuổi. Ban đầu làm cha phó tại Tombolo, rồi làm cha sở tại Salzano, sau đó làm kinh sĩ Nhà thờ chính tòa Treviso, với nhiệm vụ làm chưởng ấn tòa Giám Mục và linh hướng chủng viện giáo phận. Trong những năm giầu kinh nghiệm phong phú về mục vụ ấy, vị Giáo Hoàng tương lai tỏ ra lòng yêu mến sâu đậm đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, lòng khiêm nhường và đơn sơ, cũng như lòng bác ái sâu đậm đối với những người túng thiếu nhất. Đó cũng là những đặc tính suốt trong cuộc đời của Người. Năm 1884, Người được bổ nhiệm làm GM giáo phận Mantova, và năm 1893 làm Thượng Phụ thành Venezia. Ngày 4-8-1903, Người được bầu làm Giáo Hoàng, một sứ vụ mà ngài do dự chấp nhận, vì nghĩ mình không xứng đáng với công tác cao cả như thế.

Triều đại giáo hoàng của Đức Piô 10 đã để lại một dấu hiệu không thể phai mờ trong lịch sử Giáo Hội và với nhiều cố gắng cải tổ, có thể tóm tắt trong khẩu hiệu của người là ”Canh tân mọi sự trong Chúa Kitô”. Thực vậy, những can thiệp của Người nhắm tới nhiều lãnh vực trong Giáo Hội. Ngay từ đầu thánh nhân tận tụy tổ chức lại giáo triều Roma, rồi khởi sự công trình soạn bộ giáo luật, sau đó được ĐGH Biển Đức 15 công bố. Rồi, Đức Piô 10 xúc tiến việc duyệt lại việc học và chương trình đào tạo các linh mục tương lai, thành lập nhiều chủng viện miền, trang bị các thư viện đầy đủ và các giáo sư được chuẩn bị. Một lãnh vực quan trọng khác, đó là việc huấn luyện đạo lý cho Dân Chúa. Ngay từ những năm còn làm cha sở, chính Người đã soạn sách giáo lý và trong khi làm GM ở giáo phận Mantova, Người đã hoạt động để tiến tới một cuốn sách giáo lý duy nhất, tuy không có tính chất hoàn cầu, nhưng ít là chung cho Italia. Như một mục tử chân chính, thánh Piô 10 đã hiểu rằng tình hình hồi ấy, cũng do hiện tượng di dân, cần có một cuốn sách giáo lý mà mỗi tín hữu có thể tham khảo dù hợp ở nơi chốn hoặc hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Trong tư cách là Giáo Hoàng Đức Piô 10 cho soạn một sách giáo lý cho giáo phận Roma rồi phổ biến trên toàn Italia cũng như trên thế giới. Đây là cuốn giáo lý được gọi là của ĐGH Piô 10, đối với nhiều người, đó là một tài liệu hướng dẫn chắc chắn trong việc học hỏi các chân lý đức tin bằng ngôn ngữ đơn sơ, rõ ràng, chính xác, và trình bày hữu hiệu.

ĐGH Piô 10 đặc biệt để ý đến việc cải tổ phụng vụ, nhất là thánh nhạc, để dẫn đưa các tín hữu tới một đời sống cầu nguyện sâu xa hơn và tham gia trọn vẹn hơn vào các bí tích. Trong Tự Sắc ”Tra le sollecitudini” giữa những mối quan tâm (1903) trong năm đầu tiên làm Giáo Hoàng, Đức Piô 10 khẳng định rằng tinh thần Kitô chân chính có nguồn mạch đầu tiên và thiết yếu nơi sự tích cực tham gia các mầu nhiệm thánh và việc cầu nguyện công khai, long trọng của Giáo Hội (Xc ASS 36[1903], 531). Vì thế, ngài cổ võ sự siêng năng lãnh nhận các bí tích, tạo điều kiện dễ dàng cho việc rước lễ hằng ngày, được chuẩn bị kỹ lưỡng, cho phép các trẻ em được rước lễ lần đầu sớm hơn, khoảng 7 tuổi, khi trẻ em bắt đầu có trí khôn (Xc Thánh Bộ bí tích, Sắc lệnh Quam singulari: AAS 2[1910], 582).

ĐTC nói thêm rằng: ”Đứng trước một số xu hướng xảy ra trong lãnh lực thần học vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Đức Piô 10, trung thành với nghĩa vụ củng cố các anh em mình trong đức tin, đã can thiệp quyết liệt, lên án chủ thuyết ”duy tân”, để bảo vệ các tín hữu khỏi những quan niệm sai lầm và đẩy mạnh việc đào sâu Mạc Khải về phương diện khoa học, phù hợp với Truyền Thống của Giáo Hội. Ngày 7-5-1909, qua Tông thư ”Vinea electa” (Vườn nho được tuyển chọn) Đức Piô 10 thành lập Giáo Hoàng Học Viện Kinh Thánh. Những năm cuối đời ngài, chiến tranh tàn phá. Lời ngài kêu gọi các tín hữu Kitô trên thế giới, gióng lên ngày 2-8-1914 để bày tỏ nỗi đau đớn khôn tả bấy giờ, chính là tiếng kêu đau thương của một người cha thấy con cái mình hợp thành những nhóm chống lại nhau. Đức Piô 10 qua đời ít lâu sau đó, ngày 20-8, và tiếng thăm thánh thiện của Người bắt đầu lan tỏa ngay sau đó nơi dân Kitô giáo.

Và ĐTC kết luận: ”Anh chị em thân mến, Thánh Piô 10 dạy tất cả chúng ta rằng nơi nền tảng hoạt động tông đồ, trong các lãnh vực khác nhau, cần phải luôn luôn có sự kết hiệp nồng nhiệt và bản thân với Chúa Kitô, sự kết hiệp ấy cần phải được vun trồng và tăng trưởng mỗi ngày. Đó chính là nòng cốt giáo huấn của thánh Piô 10, của tất cả hoạt động mục vụ của Người. Chỉ khi nào chúng ta say mê yêu mến Chúa, chúng ta mới có thể mang con người về cùng Thiên Chúa và mở rộng tâm hồn họ đón nhận tình yêu thương từ bi của Chúa, và qua đó chúng ta mở rộng thế giới đón nhận lòng từ bi Chúa.

Chào thăm các nhóm

Sau bài huấn dụ trên đây, ĐTC đã chào thăm các nhóm theo ngôn ngữ của họ.

Khi chào thăm các tín hữu bằng tiếng Hungari, ĐTC đặc biệt chắc đến một nhóm tu sĩ dòng Ngôi Lời và ngài nói thêm rằng: ”Ngày kia, 20-8, anh chị em sẽ cử hành lễ thánh vương Stephanô. Ước gì niềm tin vững mạnh của thánh nhân và lòng gắn bó của Người với Tòa Thánh là một tấm gươgn cho tất cả chúng ta”.

Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC nhắc nhở rằng: Thánh Piô 10 giáo hoàng mời gọi ”hãy canh tân mọi sự trong Chúa Kitô” và chỉ dạy rằng sự canh tân này diễn ra trong tâm hồn con người nhờ sự kết hiệp với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Giáo huấn này vẫn luôn có tính chất thời sự. Ước gì sự chăm chỉ rước lễ và thờ lạy Mình Thánh Chúa cũng là một nguồn mạch đức tin và tình thương vô biên cho anh chị em!”

Với các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC chào thăm các đại diện của dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm đang nhóm tổng tu nghị của dòng ở Roma, các tham dự viên cuộc hành hương bằng xe đạp từ giáo phận Brescia bắc Italia chạy về đây vượt hơn 500 cây số. ĐTC không quên chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngài nói: ”Tôi mời gọi tất cả mọi người ngày càng dành nhiều thời giờ hơn cho việc học hỏi về đạo lý Kitô giáo để trở thành những môn đệ trung thành của Chúa Kitô, là Đừng, là Sự Thật và là Sự Sống.

Trước khi kết thúc, ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi cứu trợ và liên đới với các nạn nhân bị lụt trầm trọng tại Pakistan, như quí vị đã nghe trong phần tin tức trên đây.

Buổi tiếp kiến kéo dài nửa tiếng đồng hồ và kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức thánh cha.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội thi Giáo lý TGP Hà Nội tại Sở Kiện
Gioan Đình Sơn
08:08 21/08/2010
HÀ NỘI - Từ sáng sớm, đoàn người nô nức tiến về giáo xứ Sở Kiện để chuẩn bị cho ngày hội giáo lý của giáo phận Hà Nội. Năm nay (2010) cuộc thi giáo lý với chủ đề “Tìm hiểu lịch sử Tổng Giáo phận Hà Nội và gương các Thánh Tử Đạo” được diễn ra vào ngày 20 tháng 8.

Về tham dự hội thi năm nay gồm 20 đội: 6 đội thuộc giới thiếu nhi, 5 đội giới trẻ, 5 đội thuộc giới giáo lý viên, 6 đội giới trưởng thành và 3 đội gia đình. Tất cả các đội có mặt trong hội thi này đều phải trải qua nhiều cấp độ thi, từ cấp giáo xứ đến cấp giáo hạt. Họ đều là những đội xuất sắc nhất được tuyển chọn trong giáo hạt của mình.

Hình ảnh họi thi giáo lý

Đúng 8 giờ 30 phút, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn tiến ra lễ đài, nơi diễn ra buổi khai mạc hội thi trong những tràng pháo tay ròn rã của mọi người. Sau đó là lời chào mừng của cha Giuse Vũ Quang Học-trưởng Ban Giáo lý Tổng Giáo phận Hà Nội. Sau lời chào mừng, cha long trọng mời Đức Tổng Giám mục Phêrô lên khai mạc hội thi.

Khởi đầu diễn từ khai mạc, Đức Tổng Giám mục bày tỏ nỗi vui mừng khi được hiện diện giữa một rừng người đông đảo như ngày hôm nay; đây quả là một ngày hội giáo lý cấp giáo phận.

Kế đến, ngài nhấn mạnh đến bản chất của Giáo Hội là Truyền giáo, không truyền giáo không còn phải là Giáo Hội. Việc dạy và học giáo lý trong Giáo Hội là điều thiết yếu. Vì thế, hôm nay chúng ta quy tụ nhau nơi đây cũng là để tuyên xưng, cổ võ để cùng nhau sống ơn gọi truyền giáo và trung thành với giáo lý của Chúa Kitô. Thường thì có người học là phải có người dạy, có những người dạy và học thì sẽ có tổ chức thi cử. Mỗi dịp hội thi được tổ chức là cơ hội tốt cho mỗi người đào sâu và xác tín những điều chúng ta đã học…

"Cha nghĩ hôm nay là một cuộc gặp gỡ, một dịp chia sẻ và cơ hội đào sâu, tìm hiểu nên chúng con không vì chiến thắng mà lỡ làm ảnh hưởng đến niềm vui của hội thi. Cha nghĩ đây là một cơ hội đặc biệt cho nhiều giới trong giáo phận Hà Nội chia sẻ, học hỏi và đồng hành với Chúa Kitô và với nhau. Cha cầu chúc cho các con có một ngày hội giáo lý vui vẻ và ý nghĩa. Cha tuyên bố hội thi giáo lý của Giáo phận Hà Nội năm 2010 bắt đầu", Đức Tổng Gám mục nói.

Sau phần khai mạc, chính Đức Tổng Giám mục đã trao đề thi cho các chủ khảo của từng phòng thi trong một phong bao còn niêm yết.

Suốt 3 giờ đồng hồ làm việc liên tục, cuối cùng các Ban giám khảo đã tìm ra những đội xuất sắc trong hội thi năm nay:

-Giải nhất giới thiếu nhi thuộc về giáo hạt Chính Tòa Hà Nội.

-Giải nhất giới trẻ thuộc về giáo hạt Hà Nam.

-Giải nhất giáo lý viên thuộc về giáo hạt Chính Tòa Hà Nội.

-Giải nhất giới trưởng thành thuộc về giáo hạt Phú Xuyên.

-Giải nhất gia đình thuộc về giáo hạt Phú Xuyên.

Khi kết quả cuối cùng được công bố cũng là lúc nhiều cảm giác xuất hiện; vui có, buồn có, luyến tiếc có, cả những nụ cười và những giọt nước mắt…

Trước khi kết thúc hội thi giáo lý cấp giáo phận, Đức Tổng Giám mục và quý cha trưởng hạt đã trao cờ lưu niệm và cúp luân lưu cho các đội thi đoạt giải nhất, nhì và ba.

Kết thúc chương trình, tất cả mọi người sốt sắng cùng Vị Chủ chăn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và ngợi ca Mẹ Maria đã gìn giữ và chúc lành cho hội thi giáo lý của giáo phận Hà Nội được mọi sự an bình.
 
Đại lễ Khánh thành và Cung hiến thánh đường giáo xứ Cồn Cả:
Trung Nghĩa
08:14 21/08/2010
VINH -Với tất cả niềm vui hạnh phúc, lòng tự hào trước thành quả mang đậm dấu ấn lịch sử, sáng ngày 18/8/2010, cộng đoàn giáo xứ Cồn Cả đã long trọng tổ chức lễ Khánh thành và Cung hiến ngôi thánh đường mang tước hiệu Thánh Phanxicô Xavie. Đây cũng là thời điểm đặc biệt để các thế hệ giáo dân Cồn Cả ôn lại những kỷ niệm buồn vui, bước thăng trầm của chặng đường đã qua; cảm nghiệm hồng ân Thiên Chúa; hun đúc thêm nhiều động lực, niềm tin cho hành trình phía trước…

Hình ảnh lễ khánh thành nhà thờ Cồn Cả

Niềm vui của ngày đại lễ càng trở nên trọn vẹn hơn với sự hiện diện của Đức Tân Giám mục Giáo phận Phaolô Nguyễn Thái Hợp; quý cha Giáo sư Đại chủng viện Vinh Thanh; quý cha hạt cùng khoảng 50 linh mục trong giáo phận. Dự lễ còn có nhiều đại chủng sinh, tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, đại diện các giáo xứ bạn, các tổ chức đoàn thể và đông đảo giáo hữu đến từ các vùng miền khác nhau.

Trải qua gần 5 năm miệt mài xây dựng (18/12/2005 – 18/8/2010) với biết bao mồ hôi, công sức, công trình nhà thờ giáo xứ Cồn Cả bước vào giai đoạn hoàn tất giữa bối cảnh Giáo Hội tại Việt Nam nói chung, giáo phận Vinh nói riêng đang diễn ra nhiều hoạt động, biến cố mang tính trọng đại. Ngôi thánh đường mới (dài 60m, rộng 24m, tháp cao 52m) được đánh giá là một trong những công trình hoành tráng, bề thế, thể hiện được nhiều kiểu dáng kiến trúc hài hoà, hiện đại.

Dịp này, Cồn Cả cũng chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng ngôi trường giáo lý (2 tầng, gồm 14 phòng học và phòng chức năng), đảm bảo nhu cầu giảng dạy và học tập cho hàng trăm con em trong toàn giáo xứ. Cùng với Quảng trường Đức Mẹ Mân Côi được dựng lên phía tiền sảnh ngôi thánh đường, các công trình quan trọng này đã tạo thành một quần thể kiến trúc tôn giáo khang trang, đẹp đẽ.

Tổng kinh phí xây dựng nhà thờ giáo xứ Cồn Cả, trường giáo lý chủ yếu được huy động từ sự đóng góp của bà con giáo dân, sự giúp đỡ quảng đại của quý ân nhân trong nước và hải ngoại.

Trước lời thỉnh cầu của linh mục quản xứ Antôn Nguyễn Văn Đính, Đức Giám mục Giáo phận đã cắt băng khánh thành và chủ sự các Nghi thức Cung hiến ngôi thánh đường trong niềm vui vô bờ của toàn thể cộng đoàn hiện diện.

Bày tỏ niềm vui trước thành quả lớn lao mà cộng đoàn giáo xứ đạt được, Đức Giám mục Phaolô ghi nhận sự lòng nhiệt tâm, sự cố gắng lớn lao của bà con giáo dân, các nhà hảo tâm trong công cuộc xây dựng nhà Chúa. Đức Cha nhấn mạnh đến các lợi ích cơ bản của ngôi thánh đường mới trong việc huấn luyện, đào tạo nên những con người phục vụ, đóng góp cho sự phát triển, thăng tiến của Giáo hội và xã hội; qua đó biểu hiện sáng rõ và sinh động cho tinh thần đem Tin Mừng Chúa thấm nhập vào cuộc sống. Ngài cho rằng, việc xây dựng nhà thờ chỉ là bước khởi đầu, là hạ tầng cơ sở căn bản để từ đó thực hiện những công đoạn quan trọng tiếp theo là đào tạo con người và dấn thân mạnh mẽ hơn cho sứ vụ truyền giáo.

Thay mặt cho đại gia đình giáo phận, Đức Cha chân thành chúc mừng cha xứ và mỗi một thành viên trong giáo xứ Cồn Cả; bày tỏ mong muốn giáo xứ tiếp tục nỗ lực vươn lên, trở thành cánh chim đầu đàn trong mọi công tác Tông đồ, phát triển sự nghiệp giáo dục các giá trị đạo đức, xác lập các chân lý Tin mừng, hình thành nên những mẫu công dân thời đại có khát vọng, lương tri và nhân bản.

Trong bài đáp từ cuối thánh lễ, đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ Cồn Cả nói lên lòng biết ơn sâu sắc Đức Giám mục Giáo phận, quý cha đồng tế, các vị quan khách và bà con giáo dân xa gần đã đồng hành, chia sẻ những khó khăn với giáo xứ trong quá trình xây dựng ngôi thánh đường, nhất là đã đến chung chia niềm vui và hiệp dâng lời cầu nguyện trong thánh lễ. Vị đại diện đặc biệt gửi lời tri ân chân thành đến quý ân nhân và tất cả những ai đã quảng đại đóng góp công, của vào công trình ý nghĩa này.

Để chào mừng và ghi nhớ bước ngoặt lớn lao trong lịch sử xây dựng và phát triển giáo xứ, tối 17/8/2010, Cồn Cả đã tổ chức chương trình diễn nguyện đặc biệt với chủ đề tri ân Thiên Chúa - Đấng đã yêu thương, gìn giữ cộng đoàn giáo xứ suốt thời gian qua; đồng thời cầu xin Ngài tiếp tục nâng đỡ, đồng hành với đoàn con cái trong mọi ý nguyện, dự phóng tốt đẹp cho tương lai.
 
Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức tại giáo xứ Tân Lập, Thủ Thiêm
Nguyễn Quang Ngọc
08:21 21/08/2010
Sài Gòn, vào lúc 17h00 thứ sáu ngày 20 tháng 08 năm 2010, Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã đến thăm mục vụ và ban Bí Tích Thêm Sức cho 68 em thiếu nhi Giáo xứ Tân Lập Hạt Thủ Thiêm (Số 460 Đường 24, Phường Bình Trưng Đông, Quận 2). Cùng đồng tế với Đức Cha, có sự hiện diện Cha Chánh xứ Gioan Baotixita Phạm Văn Hợp kiêm Hạt Trưởng Hạt Thủ Thiêm, quý Cha đồng tế. Ngoài ra còn có sự tham dự của quý tu sĩ nam nữ, quý phụ huynh, và đông đảo cộng đoàn Giáo xứ Tân Lập.

Xem hình ảnh

Trong bài giảng, Đức Cha Phêrô đã căn dặn đôi điếu rất đơn sơ với các em lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, là hôm nay:“ Chúa Thánh Thần ghi dấu ấn vào linh hồn chúng con, để chúng con thuộc về Chúa mãi mãi và vì chúng con thuộc về Chúa, cho nên chúng con phải sống hiền hòa, sống bình an với mọi người, và nhờ đó chúng con làm chứng cho Chúa, giới thiệu Tin Mừng của Chúa cho những người chưa biết Chúa”.

Trong phần nghi thức ban Bí Tích Thêm Sức, đầu tiên chị Huynh Trưởng - Giáo Lý Viên đã giới thiệu các ứng viên sắp lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, và chứng nhận đủ điều kiện trước sự hiện diện của Đức Giám mục. Kế đến, các thụ nhân tuyên xưng đức tin trước mặt Đức Giám mục chủ tế, vị đại diện Hội Thánh. Đức tin này được củng cố thêm nhờ việc đặt tay và cầu nguyện của vị Giám mục ngay sau đó. Và cuối cùng, Ngài xức dầu trên trán và chúc bình an cho 68 thụ nhân. Toàn bộ các nghi thức diễn ra thật thứ tự, trang nghiêm và sốt sắng.

Cuối lễ, trước khi Đức Cha ban phép lành để lãnh nhận ơn toàn xá, ông Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ, đại diện Giáo xứ cám ơn Đức Cha, quý Cha. Đồng thời kính dâng lên Đức Cha, quý Cha những lẵng hoa tươi thắm tượng trưng tấm lòng thành của Giáo xứ Tân Lập.

Nguyện cầu cho các em được tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để can đảm làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.

Đôi nét về thành lập và phát triển giáo xứ Tân Lập

50 năm trước, dải đất Tân Lập này là rừng chồi hoang vu, với tên gọi làng Tân Lập, Tổng An Bình. Rồi một ngày, một số gia đình giáo dân Giáo xứ Tràng Lũ, Thọ Cách và Trung Đồng cùng mấy dì phước theo Cha Cố Vinh sơn Phạm Chí Thiện vào khu nhà thờ hiện nay, dựng liều tạm trú. Còn giáo dân Giáo xứ Ninh Cù với Cha Đaminh Đỗ Vạn Toàn, Giáo xứ Xá Thị với Cha Đaminh Mai Khắc Mưu ở lại dải đất, nay là giáo khu Đaminh.

Quý Cha và giáo dân đến nay định cư với mục đích là được sống Đức Tin thong dong và xây dựng nơi thờ phượng kính mến Chúa. Tuy mọi khó khăn thiếu thốn về chỗ ăn, chốn ở nhưng mọi người cố gắng vượt qua, miễn là được sống gần gũi bên nhau, sớm tối cầu nguyện. Rồi quay quần bên nhau nơi lều tạm và tiến hành dựng căn nhà tranh sinh sống cho gia đình mình.

Thế rồi đời sống thực tế, cũng như nhu cầu công ăn việc làm, giáo dân Ninh Cù, Xá Thị lại phải ra đi một lần nữa sau hơn một năm định cư. Nơi ở mới được phát cấp đấi đai rộng rãi, thuận lợi công việc trồng trọt cấy cày hơn. Số giáo dân còn lại của Giáo xứ Ninh Cù, Xá Thị cùng với giáo dân Giáo xứ Tràng Lũ, Thọ Cách, Trung Đồng hợp thành cộng đoàn Giáo xứ Tân Lập ngày nay.

Tất cả mọi người với một ý chung là phó thác nơi Trái Tim Đức Mẹ và cậy nhờ lòng thương xót của Mẹ để cùng nhau xây dựng ngôi Thánh Đường thờ phượng kính mến Chúa. Bắt đầu từ lều vải đến mái tranh, từ vách đất đến tường xây. Từ cột tròn, cột vuông, đến cấu trúc bê tông cốt thép, đã năm bảy lần tu sữa nay là ngôi Thánh Đường khang trang, rộng rãi. Đó là quá trình phát triển và hình thành Giáo xứ Tân Lập.

Cộng đoàn Giáo xứ Tân Lập từ 60 gia đình với gần 300 người, nay đã phát triển đến 872 gia đình với 3187 nhân danh.

Với sáu dì phước ban đầu, đã phát triển thành một Hội Dòng, nay là Hôi Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập.

Nhà cửa từ mái tranh vách đất, đã trở thành tường gạch mái ngói, mái tôn, hai ba tầng lầu.

Công việc làm ăn từ chân lắm tay bùn một nắng hai sương, đi làm thuê làm mướn, đi xuồng, bè đến vài cây số mới tới ruộng cày. Nay là những công nhân viên chức các công sở, xí nghiệp hoặc đã tạo được một cửa hàng làm ăn buôn bán cho riêng mình, bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người từ nơi khác đến tạm cư.

Trình độ học vấn từ chưa hết tiểu học nay đã có những thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân …

Đặc biệt, từ nguồn nước này Giáo xứ đã ươm tưới cho vườn cây ơn gọi của Giáo Hội được 27 linh mục, 26 tu sĩ nam nữ, 6 chủng sinh.

Cùng hiệp thông với cộng đoàn Giáo xứ đã hơn 50 năm xây dựng, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Giáo Phận đã đến Tòa Thánh xin Đức Thánh Cha cho Giáo xứ được mở Năm Thánh và ban phép lành Năm Thánh đến toàn thể cộng đoàn trong Giáo xứ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Giáo xứ (22/08/1955 – 22/08/2005).

Đôi nét sơ lược phát triển và hình thành Giáo xứ Tân Lập giúp cộng đoàn chúng ta cảm nhận được: hồng ân của Chúa và Mẹ Maria đã tuôn muôn ơn lành xuống con cái của Ngài với truyền thống Đức Tin thờ phượng kính mến Chúa, phục vụ anh em cộng đoàn tâm niệm cùng nhau sống hiệp nhất yêu thương như tôn chỉ hằng noi theo.

Ngoài ra, việc tôn vương Chúa là Vua và Mẹ Maria là Nữ Vương gia đình trong năm hồng phúc cùng giờ kinh tối trong các gia đình đã giúp chúng ta phó thác đơi sống xác hồn trong tay Chúa và Mẹ. Xứng đáng hưởng phúc Chúa ban.

Đã đón nhận những ân huệ trên cộng đoàn chúng ta luôn cảm tạ hồng ân của Chúa, Mẹ và ghi nhớ công ơn quý Cha sáng lập, cùng quý chức tiền nhiệm đã vun đắp xây dựng cho cộng đoàn Tân Lập ngày nay.
 
Giáo xứ Tây Linh thuộc TGP Huế đón cha Quản xứ mới
Trương Trí
08:32 21/08/2010
HUẾ - Sáng ngày 21.8.2010, giáo xứ Tây Linh hân hoan đón mừng cha Tân quản xứ Đôminicô Phan Phước. Đức Tổng Giám mục giáo phận Stêphanô Nguyễn Như Thể, cha Chưởng ấn Antôn Dương Quỳnh kiêm Hạt trưởng hạt Thành phố Huế, kiêm quản xứ chính tòa Phủ Cam đã đưa cha Đôminicô Phan Phước về nhiệm sở mới.

Hình ảnh đón Cha Quản xứ mới

Ngay từ sáng sớm, Hội đồng giáo xứ và rất đông bà con giáo dân thuộc giáo xứ Tây Linh đã tập trung tại nhà thờ, với một tâm tình nao nức chờ đợi vị mục tử kính yêu. Các giáo xứ Phú Lương, Đá Hàn, Thần Phù là những nơi cha Đôminicô Phan Phước đã từng coi sóc cũng đến dự nghi thức nhận xứ và chia sẽ tình cảm mến. Ngài cũng là Tuyên úy Liên đoàn Thiếu nhi Thánh thể Địa phận, và cũng từng là huynh trưởng Hướng đạo sinh nên rất đông anh em Hướng đạo và Thiếu nhi Thánh thể đến dự.

Đúng 8giờ sáng, Đức Tổng Giám mục, cha Quản hạt và cha Tân quản xứ tiến vào cổng giáo xứ, các em thiếu nhi tặng hoa trước sự âu yếm của các Ngài. Trước tiền đường nhà thờ, mở đầu nghi thức Đức Tổng đã giới thiệu cha Tân quản xứ với cộng đoàn, một linh mục năng nổ và nhiệt tình trong mọi công việc, ngài đã coi sóc nhiều giáo xứ và nơi nào ngài cũng xây dựng sửa chửa nhà thờ nhà xứ. Ngài là con người của xây dựng, không những xây dựng cơ sở vật chất mà ngài còn xây dựng tinh thần. Hôm nay ngài về đây nhận xứ, cộng đoàn giáo xứ đón nhận ngài và giúp đở ngài trong công việc mục vụ được tốt đẹp, sáng hôm nay ngài nhận ủy nhiệm của giáo hội trao cho ngài về mục vụ tại giáo xứ Tây Linh này. Đức Tổng đã trao chìa khóa nhà thờ cho cha Tân quản xứ, ngài mở cửa nhà thờ để đưa chúng ta vào nhà thờ, tức là ngài dẫn đưa chúng ta đến với Chúa.

Trước bàn thờ, Đức Tổng Giám mục, các linh mục và cộng đoàn đã dâng lời kinh Cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng và ban ơn khôn ngoan để cha Tân quản xứ dìu dắt giáo xứ. Cha Chưởng Ấn An tôn Dương Quỳnh, hạt trưởng hạt Thành phố Huế đã đọc văn thư bổ nhiệm của tòa Tổng giám mục Huế và trao cho cha Tân quản xứ, Đức Tổng Giám mục trao sách Phúc âm để ngài rao giảng lời Chúa. Cha tân quản xứ lặp lại lời tuyên xưng Đức tin và tuyên hứa vâng phục Đấng Bản quyền, sau đó ngài mở cửa Nhà Tạm, xông hương trầm và cùng với cộng đoàn chầu Thánh Thể. Đức Tổng Giám mục trao bình an, sau đó ngài đến trao bình an với các linh mục và chào cộng đoàn.

Đại diện HĐGX Tây Linh nói lời tri ân Đức Tổng đã luôn quan tâm giáo xứ. Cảm ơn các cha hạt trưởng và các cha, các tu sĩ nam nữ, đại diện các giáo xứ đã đến chia sẽ niềm vui với giáo xứ Tây Linh. Các em thiếu nhi với vũ khúc Tạ ơn dâng lên Đức Tổng và quý cha cũng như cộng đoàn lòng quý mến và đầy yêu thương.

Trước khi ban phép lành, Đức Tổng đã nói lên thao thức trăn trở của Ngài trong bao năm qua: đó là ngôi trường của giáo xứ nằm trong khuôn viên nhà thờ mà từ lâu nay nhà nước mượn để làm trường học. Ngài đã nhiều lần gặp gở chính quyền để bàn bạc, vì với một mặt bằng nhỏ hẹp lại nằm trong khuôn viên nhà thờ, chỉ phù hợp với lúc khó khăn của những ngày mới thống nhất đất nước. Bây giờ quỷ đất nhiều, điều kiện xây dựng cơ sở vật chất trường học đầy đủ hơn, nhu cầu dạy học cao hơn và tiện nghi hơn, do đó Ngài đã đề nghị chính quyền trao trả lại cho giáo xứ để tiện việc dạy giáo lý, giáo dục thanh thiếu nhi, góp phần làm hữu ích cho xã hội.

Đôi nét về giáo xứ Tây Linh:

Là một giáo xứ thuộc phường Thuận Lộc, nằm trong Nội thành Huế. Theo sử liệu giáo xứ hình thành từ rất sớm, dưới thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, tên gọi là giáo xứ Cầu Kho, với ngôi nhà thờ bằng tranh, tọa lạc tại gần cổng đồn Mang Cá, sau khi đổi thành giáo xứ Tây Linh và xây ngôi nhà thờ mới hiện tại thì cơ sở này trao lại cho các cha dòng Tên mở trường trung học Tín Đức, sau ngày giải phóng chính quyền trưng dụng và đổi thành trường Thuận Lộc. Thánh tử đạo Micae Hồ Đình Hy sinh thời là quan tam phẩm triều đình cũng sinh hoạt tại họ đạo Cầu Kho này. Chính vì thế, sau khi xây dựng nhà thờ, cha sở Giuse Trần Thắng Trung đã xây ngôi trường tiểu học mang tên vị Thánh tử đạo gọi là Trường tiểu học Hồ Đình Hy, nằm trong khuôn viên nhà thờ như đã nói ở trên.

Đến năm 1950, giáo xứ Cầu Kho mới có cha sở chính thức đầu tiên là cha Phaolô Trần Bá Hạnh, lúc này số giáo dân chừng 500 người. Đến đời cha Trần Thắng Trung coi sóc, số giáo dân đã là 2000. Vào thời cực thịnh của giáo xứ, theo thống kê năm 1972 số giáo dân lên đến trên 4200 người.

Sau ngày giải phóng, giáo dân ly tán khắp nơi, một số đi vùng “kinh tế mới” theo chủ trương của nhà nước. Hiện nay, giáo dân chỉ còn khoảng 1000 người. Tuy vậy, với tinh thần đoàn kết yêu thương nhau, HĐGX vẫn tích cực và nhiệt tình, thường xuyên tham dự các khóa tập huấn do Tòa Tổng Giám mục tổ chức, các hội đoàn thường xuyên sinh hoạt, năng nổ nhất phải kể đến Gia đình trẻ.
 
Lễ khấn Dòng Mân Côi tại giáo xứ Trung Linh, Bùi Chu
Giuse Trần Ngọc Huấn
08:38 21/08/2010
BÙI CHU - “Hân hoan trong ngày tận hiến, ngày tận hiến hát khúc tạ ơn, tiến vào thánh điện, thánh điện rực rỡ quang vinh. Ca vang ân tình của Chúa, tình yêu Chúa ấp ủ con, Chúa là tất cả, tất cả gia nghiệp của con” - lời bài thánh ca tận hiến này hôm nay vang vọng trong tâm trí mỗi nữ tu trong hội dòng Con Đức Mẹ Mân Côi tại Bùi Chu. Hôm nay thật là một ngày tràn đầy niềm vui và hết sức đáng nhớ với hội dòng, ngày mà chị em trong Dòng được tuyên khấn lần đầu và trọn đời.

Hình ảnh lễ khấn dòng

Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi được Đức Giám mục Dominico Hồ Ngọc Cẩn thành lập tại giáo xứ Trung Linh, cách Toà Giám mục Bùi Chu khoảng 2km, vào năm 1946. Đây là Hội Dòng đầu tiên của giáo phận Bùi Chu được thành lập theo Giáo luật. Năm 1954, phần lớn các chị em đã di cư vào Miền Nam, phát triển thành các cộng đoàn Mân Côi trong Nam, thành lập Hội Dòng Mân Côi tại Chí Hoà - Tổng giáo phận Sài Gòn. Hội dòng tại Bùi Chu đã trải qua những bước thăng trầm, nhưng nhờ ơn Chúa và sự bầu cử của Mẹ Mân Côi, các nữ tu trung thành theo đuổi ơn gọi và gìn giữ, phát triển nhà dòng luôn kiên vững. Hiện nay, nhà dòng trung ương đuợc đặt tại giáo xứ Trung Linh – giáo phận Bùi Chu với hàng trăm nữ tu tuyên khấn, đệ tử, tập sinh. Nữ tu Maria Imelda Vũ Thị Tươi giữ chức Tổng phụ trách của hội dòng.

Nghi thức khấn dòng năm 2010 được cử hành vào sáng ngày 21 tháng 8 năm 2010, do Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm – Giám mục giáo phận Bùi Chu chủ sự, cùng với sự hiện diện của cha Tổng đại diện giáo phận, quý cha quản hạt, quý cha cố và đông đảo quý cha, quý nam nữ tu sỹ, chủng sinh trong và ngoài giáo phận.

Ngay từ sáng sớm, khuôn viên nhà dòng và nhà thờ giáo xứ nơi cử hành thánh lễ, đã tràn ngập cờ hoa và đông đảo bà con giáo dân cùng mọi thành phần dân Chúa tụ họp về. Niềm hân hoan, tâm tình cảm tạ rạng rỡ lên trên khuôn mặt mỗi người. Ngay từ cổng nhà dòng, các nữ tu đã vui mừng chào đón mọi người.

Đúng 9h00 sáng, đoàn đồng tế tiến vào thánh đường trong lời ca vang rộn ràng của ca khúc nhập lễ “Tiến vào nhà Chúa”. Đức Cha Giuse chúc lành cho mọi thành phần dân Chúa đang quy tụ trong ngôi nhà thờ cổ kính để tham dự Thánh lễ.

Dẫn vào thánh lễ, bằng một cách nói đầy vui tươi dí dỏm, Đức Cha Giuse đã nêu bật lên giá trị đời sống tận hiến của các nữ tu, cách riêng ơn gọi của các nữ tu Mân Côi tại Bùi Chu. Các nữ tu đã chọn cho mình con đường hẹp, hy sinh tất cả, từ bỏ tất cả, chỉ chọn Chúa làm gia nghiệp và cùng đích tình yêu cuộc đời mình. Đức Cha Giuse. Việc mọi thành phần dân Chúa, từ giám mục, linh mục và nam nữ tu sỹ, chủng sinh, giáo dân quy tụ nơi đây nói lên tầm quan trọng và ý nghĩa cao quý của nghi thức khấn dòng.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Giuse đã quảng diễn những ý nghĩa của mầu nhiệm ơn gọi tận hiến. Người nữ tu theo Chúa trọn vẹn, từ bỏ tất cả để chỉ chọn Chúa làm gia nghiệp. Như Samuel ngày xưa, khi nghe tiếng Chúa kêu mời, dù trong thinh không diệu vợi, dù trong lặng lẽ tĩnh mịch, các thiếu nữ hôm nay đã mau mắn đáp lời xin vâng và hân hoan theo con đường tận hiến cho Chúa để phục vụ Chúa và giáo hội, đem lại cho dân Chúa nhiều lợi ích thiêng liêng cũng như trong cuộc sống hằng ngày, qua ơn gọi và tôn chỉ của dòng.

Sau bài giảng lễ là nghi thức khấn dòng. Hội dòng Con Đức Mẹ Mân Côi tại Bùi Chu hôm nay vui mừng chào đón 10 chị em tuyên khấn lần đầu:

M.Toma Aquino Nguyễn Phương Thắm
M.Gioan Bosco Vũ Thị Huệ
M.Vinhsơn Phaolô Trần Thị Mừng
M.Phanxicô Assisi Đinh Thị Ước
M.Têrêsa Hài Đồng Phạm Thanh Nga
M.Gioan Vianey Vũ Thị Thanh
M.Stêphanô Nguyễn Hồng Thắm
M.Têrêsa Avila Nguyễn Ánh Sợi
M.Augustinô Nguyễn Thanh Nhàn
M.Clara Phạm Hương Thơm

Đặc biệt, trong ngày hôm nay, ba nữ tu của hội dòng tuyên khấn trọn đời:

M.Đaminh Đinh Đạt Nguyễn Thị Thắm
M.Giuse Fernandez Hiện Phan Thị Soi
M.Anrê Tường Trần Thị Nhài

Với sự chứng giám của Đức Giám mục giáo phận, trong tay bề trên tổng quyền của Hội Dòng, các nữ tu tiến lên đọc lời tuyên khấn và ký xác nhận. Cộng đoàn phụng vụ hiệp lời cầu nguyện, xin Chúa nhận những lễ vật tinh tuyền của dân Chúa và thánh hoá các nữ tỳ của Chúa mà hôm nay tiến đến bên Ngài để dâng hiến trọn cuộc đời. Đức Cha Giuse long trọng đọc lời nguyện thánh hiến, sau đó, ngài làm phép và trao nhẫn, vòng hoa cho các nữ tu tuyên khấn trọn đời.

Kết thúc Thánh lễ, nữ tu Maria Imelda Vũ Thị Tươi, tổng phụ trách Hội Dòng, đã thay mặt toàn thể Hội Dòng, các nữ tu tuyên khấn và gia đình của họ, cảm ơn đặc biệt sự quan tâm ưu ái của Đức Cha Giuse – giám mục giáo phận Bùi Chu, quý cha Tổng đại diện, quý Cha và mọi thành phần dân Chúa đã hiện diện và hiệp thông trong thánh lễ tuyên khấn trọng đại này.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 10h30 bằng phép lành với ơn Toàn Xá trong Năm Thánh 2010 của Đức Giám mục giáo phận. Mọi người cùng hiệp lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, tri ân Mẹ Mân Côi, và chúc mừng các khấn sinh.
 
Chia sẻ kinh nghiệm về sinh hoạt của câu lạc bộ giáo dục sinh viên
Tuệ Phương
08:44 21/08/2010
Khóa hè vừa qua tại Cầu Rầm, sinh viên đã thực tập việc thành lập câu lạc bộ giáo dục mới được 2 lần. Vì thế lá thư này xin viết riêng cho sinh viên Cầu Rầm, và sinh viên Vinh tại Hanoi, nhưng xin gởi đến tất cả quý anh chị em với ước muốn xin đồng hành, góp ý, và nếu có thể được xin cùng nhau thực hiện ở nhiều nơi khác.

Khóa hè vừa mới chấm dứt, dư âm của không khí học tập ít nhiều vẫn còn lắng đọng trong tâm trí các em, vì thế chúng ta tiếp tục việc thực hiện câu lạc bộ giáo dục để việc học không bị gián đoạn.

"Học" luôn đi đôi với "hành" và "hạnh". Việc "học" giúp cho các em có được kiến thức làm hanh trang bước chân vào đời. " Hành" là khai thác những vật dụng đem theo trong hành trang, có nghĩa là tận dụng kiến thức đã có để phát triển thêm những khả năng cần thiết để thành công trên đường đời. Điều này chúng ta sẽ thực hiện trong những sinh hoạt của câu lạc bộ giáo dục. Chữ "hạnh" luôn được đề cao để xây dựng một xã hội tốt đẹp, điều này các em phải tự luyện cho mình. Cô chia sẻ với các em câu nói mà mẹ cô thường nhắc nhở lúc còn nhỏ cũng như lúc đã khôn lớn: "Khôn đường nham hiểm khôn mà dại, dại chốn trung thành dại lại khôn ". Nhờ sống theo châm ngôn này mà chị em cô gặp nhiều suông sẻ trong cuộc sống, lấy được lòng tin của những người chung quanh. Điển hình là các vị linh mục đã tin tưởng và giúp đở chương trình của EFTP, nhờ vậy mà các thiện nguyện viên mới có cơ hội về giúp các em như hôm nay.

Kiến thức giúp chúng ta trưởng thành, nhưng sự thành công tùy thuộc vào 4 yếu tố dưới đây.

1. Óc tổ chức
2. Tài điều hành
3. Tài lãnh đạo
4. Tài ăn nói và thuyết phục

Chẳng hạn như cùng một công việc, có người làm thành công, nhưng kẻ khác lại thất bại. Kết quả khác nhau chỉ vì 1. Óc tổ chức, 2. Tài điều hành, 3. Tài lãnh đạo, 4. Tài ăn nói và thuyết phục

Chúng ta thành lập câu lạc bộ giáo dục với mục đích trau dồi 4 phương diện trên:

1. Thiếu óc tổ chức câu lạc bộ thành hình rồi cũng tan vỡ. Buổi ban đầu ai cũng hồ hởi tham gia, nếu không biết tổ chức thì từ từ mọi người rút lui hết. Nhưng nếu các em "có óc tổ chức" thì sẽ giữ được thành viên.

2. Điều hành giỏi làm cho sinh hoạt câu lạc bộ sống động, quy tựu thêm nhiều thành viên. Nhất là câu lạc bộ sẽ được thành hình ở nhiều nơi khác. Và đó là thời điểm " Đàn Chim Việt" ( Vietnamese geese) bắt đầu cùng nhau cất cánh bay lên hội nhập với đà tiến bộ của thế giới.

3. Sinh hoạt của câu lạc bộ giáo dục sẽ giúp các em trau dồi về tài lãnh đạo. Tài lãnh đạo không có nghĩa về chính trị, tổ chức lớn nhỏ nào cũng cần có người lãnh đạo giỏi, ví dụ nhóm thiếu nhi Thánh Thể, nhóm giao lý viên, gia đình Phật Tử, v.v…

4. Khi các em lên thuyết trình là các em đang trau giồi tài ăn nói, khi cử tọa chất vấn là lúc các em phải dùng tài thuyết phục để họ đồng quan điểm với các em.

Cô đề nghị câu lạc bộ giao dục sẽ họp một lần vào mỗi cuối tuần, và thực hiện 2 phần như sau:

1: Thuyết trình, sau đó là chất vấn/ đặt câu hỏi.
2: Học tiếng Anh.

Phần 1: Thuyết trình và đặt câu hỏi.

Các em ấn định thời gian cho mỗi phần, ví dụ phần thuyết trình và chất vấn là 2 tiếng. Thuyết trình đoàn phải tham khảo những tài liệu có tính cách học hỏi. Vì mục đích của câu lạc bộ giáo dục là cùng nhau học tập, vì thế mọi người trong nhóm phải tìm trên internet ít nhất một kiến thức mới (liên quan đến đề tài mình thuyết trình) rồi sau đó:

- Chia sẻ kiến thức đó với các bạn trong nhóm của mình (hầu phối hợp các kiến thức - sắp xếp cho ăn khớp - chuẩn bị cho buổi thuyết trình)

- Chia sẻ kiến thức với tất cả các thành viên trong câu lạc bộ (đó là lúc lên thuyết trình). Nếu câu lạc bộ có 100 thành viên, mỗi thành viên chỉ cần tham khảo trên internet 1 kiến thức, qua những buổi thuyết trình các em học hỏi được thêm 99 kiến thức mới khác (thay vì các em chỉ học được một điều thì các em học được thêm 100 lần nhiều hơn). Với cách học tập này. Kiến thức của các em phát triển rất nhanh và việc bắt kịp đà tiến bộ của thế giới trong tầm với của các em. Chẳng bao lâu Đàn Chim Việt đủ khả năng cất cánh bay cao. ( Note****) Note *** Sau một vài năm câu lạc bộ giáo dục có thể chia thành từng nhóm nhỏ cùng chung năng khiếu. Ví dụ: nhóm chuyên về tin học, nhóm về giáo dục v...v. .Cùng một năng khiếu các em phát triển rất nhanh. Các em sẽ bước những bước rất dài trong một thời gian ngắn. (Hôm nay tin học đóng môt vai tro quan trọng, Lãnh vưc nào cùng cần, chiến tranh trong tương lai cùng được điều khiển bỏi tin học. Vì thế tuy nứơc chúng ta nhỏ be, nhưng các em giỏi tin học thì không sợ bị thôn tính). Thông thương chúng ta hay nói dong dài, mà người nghe thì không thể chú ý được lâu. Vì thế khi thuyết trình các em đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn. Các em nên lưu ý thêm về những điểm cô nêu dưới đây. Vì đây là môi trường để các em tập ăn nói và thuyết phục vì thế mọi người trong nhóm đều phải nói và chỉ định môi người nói bao nhiêu phút (nên tập trước để có thể trình bày đầy đủ kiến thức của mình vừa mới sưu tầm được trong thời gian ấn định).

Nên thông báo trước cho tất cả thành viên biết nhóm nào sẽ lên thuyết trình tuần lễ kế tiếp và đề tài. Như vậy cả hai nhóm đều phải tìm tài liệu cho phần thuyết trình và chất vấn (nhóm thuyết trình phải cố gắng khảo cứu nhiều nếu không thì không trả lời được câu hỏi). Chúng ta sẽ đặt giải thưởng cho nhóm thuyết trình hay nhất và 1 giải thưởng cho nhóm đặt câu hỏi hay nhất. Các em xin cha bổ nhiệm giám khảo chấm điểm để có tính cách vô tư. Quan sát 2 buổi thuyết trình tại Cầu Rầm, cô nhận thấy chúng ta chỉ lắng nghe nhóm thuyết trình đầu tiên mà thôi (thông thường là như vậy, có lẽ vì sự chú ý của chúng ta không được lâu). Vì thế cô đề nghị mỗi tuần chỉ một nhóm lên thuyết trình (thay vì cả 4 nhóm như chúng ta đã làm trong 2 lần trước kia). Thuyết trình xong thì thuyết trình đoàn mời các thành viên đặt câu hỏi. Ban giám khảo ghi nhận ưu khuyết điểm của buổi thuyết trình, sau này so sánh ưu khuyết điểm của tất cả các nhóm để đề nghi trao giải thưởng.

Xong phần thuyết trình và chất vấn (đặt câu hỏi), các em nghĩ 20 phút rồi tiếp tục phần thứ hai (học hỏi tiếng Anh). Nếu mỗi nhóm gồm 10 người thì chúng ta không thể thực hiện 2 phần trong một buổi được. Vì thế một buổi họp dành cho phần một và buổi họp kế tiếp dành cho phần hai, như vậy chúng ta không phải vội vã tranh thủ thời gian làm cho mau. Mục đích của chúng ta là học hỏi vì thế các em cần có thời gian để nuốt trôi những kiến thức vưa mới học trong buổi thuyết trình, về nhà có thê các em sẽ không có dịp ôn lại nó nữa.

Phần 2: Học hỏi tiếng Anh

Những sách truyện mà cô đem về cho các em với mục đích thành lập một “tủ sách”dành cho việc học Anh Văn. Mỗi nhóm chọn một trong số sách đó một đề tài để thuyết trình, vì những bài viết này phản ảnh những câu nói thường dùng ngoài đời. Đừng tải những đề tài trên internet như cô đã đề nghị lúc trước (vì bài viết trên internet trình độ khá cao). Mỗi em học 5 hàng (ví dụ nếu nhóm thuyết trình là 10 người thì sẽ là 50 hàng và sẽ trình bày trong 50 hàng đó trong buổi thuyết trình). Các em diễn giảng ba điểm như dưới đây:

1) Học phát âm: Lên internet học phát âm từng chữ (xem note **)2) Học từ vựng: trình bày nghĩa của những chữ mới.3) Học cách hành văn của mỗi câu: Cách học hữu hiệu nhất là đọc sách, vì trong những sách truyện phản ảnh câu đối đáp thường dùng trong đời sống hàng ngày. Ví dụ khi nghe một người Mỹ bảo một đứa trẻ đang nghịch ngợm: “knock it off!” nghĩa là " không được nghịch như vậy nữa". Lối hành văn của Mỹ khác với dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, vì thế các em nên đọc truyện để học về cách hành văn, để khi các em viết và nói đúng như người Anh & Mỹ. Theo cô nhận xét có nhiều em đặt nặng vấn đề tiếng Anh và tiếng Mỹ. Thật sự tiếng Anh và tiếng Mỹ không khác nhau là mấy, có thê so sánh như tiếng miền Nam và tiếng miền Bắc của Việt Nam. Bắc Nam đều công nhận, tôn trọng tiếng nói của nhau. Mỹ và Anh cũng vậy. Note **:

1) Các em đánh "dictionary.com" vào ở address. Hoặc click vào link này: http://dictionary.reference.com/

2) Em sẽ thấy chữ "dictionary.com" bên cạnh có một ô trống thì em đánh chữ em muốn học vào đó. Ví dụ đánh chữ "abdicate" rồi click chữ "search" hay đánh ENTER

3) Chữ abdicate sẽ hiện ra bên cạnh có chiếc "loa". Em click vao chiếc loa đó thì nó sẽ đọc cho em nghe ( khi click vao cái loa này mà thấy hình mũi thì click lại, nó sẽ hiện ra cái bàn tay thì nó mới phát âm.

Các em xin cha cho mượn "máy chiếu" (projector) và laptop khi trình bày cách phát âm, thành viên lắng nghe và lập lại chừng 3 hay 4 lần. Trước khi thuyết trình, nhóm lên thuyết trình phát cho tất cả thành viên 1 copy (50 hàng mà các em chọn để học) để các thành viên có tài liệu cùng học hỏi khi nghe trình bày. Đây là cách học Anh Văn có tính cách tập thể, có lẽ sống động hơn là học riêng rẻ, sẽ giúp các em vui và dể nhớ hơn trong việc học (theo học tai trường có tính cách cá nhân vì mạnh ai nấy học). Thiện nguyện viên đi mất rồi, các em cũng không còn hăng hái học như lúc có thiện nguyện viên ở bên cạnh. Để tiếp tục tinh thần học tập, cách học "tập thể" này sẽ giúp các em tiến nhanh, cả về từ vựng, phát âm, và luôn cả cách hành văn nưa. Sau một năm các em sẽ nhận thấy sự khác biệt rất lớn về khả năng Anh văn của các em. Học Anh văn có 3 phần: Phát âm, ngôn ngữ và văn phạm. - Phát âm: Không có thiện nguyện viên bên cạnh các em vào internet để học phát âm cho đúng, nếu phát âm sai sau này sửa lại rất khó gần như là không được. Ngoài ra các em có thể dùng những sách của EFTP, đã thâu vào CD, các em nghe CD đồng thời nhìn vào sách và đọc theo để luyện giọng. - Ngôn ngữ: đòi hỏi thời gian học rất lâu và cách tốt nhất là đọc sách. Các em cũng có thể học trong mấy cuốn sách của EFTP, nhất là cuốn Conversation For All Occasions viết những đối thoại thông thường, luôn cả khi đi phỏng vấn việc làm. - Văn phạm: văn phạm của Mỹ rất đơn giản, sách văn phạm của EFTP đủ những văn phạm căn bản giúp các em nói và viết. Các em làm copy đừng đưa sách về nhà, vì chúng ta phải giữ sách tại Cầu Rầm cho những em khác học.

Nếu cô viết không mạch lạc, các em cứ thoải mái đặt câu hỏi hoặc thảo luận qua email với cô. Cô sẽ thực hiện với các em từng bước một giống như chương trình khóa hè vừa qua tại Cầu Rầm. Cô tin tưởng các em sẽ thực hiện tốt đẹp. Tuy nhiên các em vân cần sư giúp đớ của cha Hướng vì nhiều việc chúng ta không đủ khả năng giải quyết.
 
Hội khuyến học giáo xứ Thánh Mẫu trao phần thưởng khuyến học
Giuse Trần Ngọc Huấn
08:46 21/08/2010
BÙI CHU – Vào 17h00 chiều ngày hôm nay, 21 tháng 8 năm 2010, tại thánh đường giáo xứ Thánh Mẫu, giáo phân Bùi Chu, Hội Khuyến Học Trần Ngọc Hoàng đã long trọng tổ chức buổi lễ tuyên dương các em học sinh – sinh viên ưu tú của giáo xứ và trao phần thưởng cho các em.

Hội khuyến học Trần Ngọc Hoàng đựơc thành lập vào năm 2009 tại giáo xứ Thánh Mẫu. Hội lấy tên của Đức cố Viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng - người con ưu tú của giáo xứ - làm tên gọi chính thức. Đây vừa là một sự trân trọng với Đức cố Viện Phụ, vừa để con em trong giáo xứ luôn nhớ về tổ tiên để phấn đấu học hành, rèn luyện đạo đức để trở nên con ngoan trò giỏi. Từ khi thành lập, trong hai năm qua, Hội đã có những hoạt động thiết thực để góp phần động viên khích lệ phong trào học tập của con em trong giáo xứ.

Thánh Mẫu là một giáo xứ toàn tòng Công giáo, con em của bà con giáo dân nơi đây từ lâu có truyền thống cố gắng học tập và rèn luyện đáng khích lệ. Không chỉ học hỏi chuyên chăm về văn hoá, nhưng phong trào học hỏi về giáo lý - Lời Chúa luôn được đề cao và có một vị trí quan trọng. Theo chương trình giáo lý Hồng Ân, các em thiếu nhi từ lớp 6 đã được dạy dỗ một cách có bài bản và có chiều sâu về mọi mầu nhiệm Đức Tin trong Đạo, cũng như những vấn đề toát yếu về nhân bản và đạo đức. Việc hội khuýên học ra đời và đi vào hoạt động đã taọ nên một động lực đáng kể cho các em chăm chỉ học hành, về văn hoá và giáo lý.

Tham dự buổi trao thưởng cho các em học sinh hôm nay có sự hiện diện của Cha xứ, cha Gioan Đỗ Duy Môn quê hương, thầy phó tế giúp xứ, quý nam nữ tu sỹ, quý phụ huynh và đông đảo bà con trong giáo xứ.

Bước vào buổi lễ, cha Vinhsơn Nguyễn Tốt Nghiệp – chính xứ giáo xứ Thánh Mẫu – đã có lời khen ngợi sự dấn thân của các thành viên trong hội Khuyến Học Trần ngọc Hoàng, vì tương lai con em trong giáo xứ, vì lợi ích chung của Giáo hội và xã hội mai sau. Ngài động viên tinh thần học hành của các em thiếu nhi và giới trẻ trong giáo xứ.

Đại diện hội Khuyến Học Trần Ngọc Hoàng đã trao tặng phần thưởng cho 122 em thiếu nhi có thành tích học tập về văn hoá và giáo lý cách ưu tú trong năm học 2009-2010 vừa qua. Các em thiếu nhi lên lãnh phần thưởng trong niềm vui, sự hãnh diện và đầy nghị lực phấn đấu.

Sau lễ trao phần thưởng là Thánh lễ trọng thể do Cha Gioan Đỗ Duy Môn chủ sự cùng với sự hiện diện của Cha xứ và mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo xứ.

Thánh lễ này được cử hành đặc biệt để cầu nguyện cho các em thiếu nhi của giáo xứ trong năm học mới 2010-2011 sắp tới. Cộng đoàn phụng vụ hiệp ý với các em học sinh – sinh viên trong giáo xứ để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã thương ban trong năm học vừa qua, đồng thời cầu nguyện cho một năm học mới đang mở ra trước mắt đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, cả về tri thức và đạo đức, nhân cách.

Xin Đức Mẹ Lavang – quan thầy của giáo xứ - cầu bầu cùng Chúa ban cho các học sinh – sinh viên trong giáo xứ muôn ơn lành, sự bình an và ơn thông minh của Chúa Thánh Thần, cho năm học mới được thành công.
 
Thành lễ Thêm Sức tại giáo xứ Văn Côi Sài gòn
Dominic David Trần
13:12 21/08/2010
Sài Gòn, hôm nay thứ bảy ngày 21 tháng 08 năm 2010, là ngày vui trọng đại của toàn thể cộng đoàn Giáo xứ Văn Côi Hạt Tân Sơn Nhì, ngày mà Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm Giám mục Phụ tá, Tổng Giáo Phận Sài Gòn về thăm mục vụ Giáo xứ, đồng thời ban Bí Tích Thêm Sức cho 67 em thiếu nhi và 1 bà cụ trong xứ. Đồng tế trong Thánh lễ, có sự hiện diện Cha sở Vinh Sơn Phạm Văn Trị, Cha Gioan Baotixita Đoàn Vĩnh Phúc Hạt Trưởng Hạt Tân Sơn Nhì, quý Cha đồng tế. Ngoài ra, còn có sự tham dự quý Soeurs, quý Thầy, quý phụ huynh và toàn thể cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Văn Côi.

Hình ảnh thánh lễ thêm sức

Thánh lễ bắt đầu vào lúc 17h00, cả cộng đoàn sốt sắng tham dự vào các nghi thức Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, trong bầu khí trang nghiêm và hiệp nhất.

Nguyện xin cho các em lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, luôn biết quý trọng những hồng ân đã được lãnh nhận hôm nay, để mỗi ngày các em thêm yêu mến Lời Chúa, cộng tác đắc lực với ơn Chúa Thánh Thần, mà cố gắng sống thánh thiện, can đảm sống đời chứng nhân và luôn được tiến triển trên đàng nhân đức.

Sơ lược về giáo xứ Văn Côi:

Giáo xứ Văn Côi, thành lập năm 1973, do Linh mục Đaminh Vũ Đức Triêm, theo nghị định số 482/VP-NĐ73 do Đức Tổng Giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình ký ngày 30.03.1973.

Giáo xứ Văn Côi, bổn mạng Đức Mẹ Mân Côi, địa chỉ 97/41 Nguyễn Tử Nha, Phường 12, Quận Tân Bình.

Địa giới:
Đông-Bắc: giáp xứ Tân Châu.
Tây-Bắc: giáp xứ Tân Việt.
Tây-Nam: giáp xứ Phú Trung.
Đông-Nam: giáp xứ Chí Hòa.

Các Linh mục phụ trách:
Từ 1973 đến 1976: Linh mục Giuse Mai Thành Hân làm Chánh xứ.
Từ 1976 đến 1993: Linh mục Giuse Maria Đinh Cao Tùng làm Chánh xứ.
Từ 1993 đến 1999: Linh mục Phanxicô Trần Mạnh Hùng làm Chánh xứ.
Từ 1999 đến nay: Linh mục Vinh Sơn Phạm Văn Trị làm Chánh xứ.
 
Đức Cha và chủng sinh Thái Bình tới thăm Đức TGM Ngô Quang Kiệt tại Châu Sơn
Trường Giang
13:20 21/08/2010
NINH BÌNH - Tối nay, 20/08/2010, tại nhà hội Tòa giám mục Thái Bình, 66 thày chủng sinh của giáo phận, đang theo học tại Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội và chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức Thái Bình, tổng kết sau hai tháng mười ngày đi mục vụ hè.

Hình ảnh chuyến viếng thăm Châu Sơn

Sau khi kết thúc khóa học 2009-2010, các thày chủng sinh được bề trên giáo phận sai đi làm mục vụ hè, tại hai giáo hạt được ưu tiên trong miền truyền giáo, đó là Hưng Yên và Thái Thụy. Sau nghi thức sai đi vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giê su – Quan thày thứ nhất giáo phận Thái Bình (11/06/2010), các thày được cử đến những họ đạo xa xôi, hẻo lánh, ít người và thậm chí lòng đạo rất khô khan. Nay đã mãn hạn, các thày trở về mái nhà chung của giáo phận, để nhìn lại, để rút ra ưu khuyết điểm trong những ngày làm việc và để hoạch định hướng đi mới cho những kỳ hè tiếp theo.

Qua báo cáo tổng kết của thày Vinh sơn Hùng, đại diện giáo hạt Hưng Yên và thày Gioakim Diễn, đại diện giáo hạt Thái Thụy cho biết: Dù các thày có gặp những khó khăn về nơi ăn chốn ở, về địa bàn xa xôi, nhất là khi đến giáo họ còn rất ít người theo đạo, và còn nhiều vấn đề trở ngại khác nữa, nhưng các thày đã vượt qua và hoàn thành tốt công việc của mình. Cụ thể các phong trào của các giáo họ được nâng lên rõ rệt, nhất là việc học và dạy giáo lý, không chỉ các em nhỏ mà cả người lớn tuổi cũng xin được học. Chẳng hạn, thày F.X. Đinh Văn Trí là người được sai đến trực tiếp giúp ba giáo họ, thuộc giáo xứ thành phố Hưng Yên, nằm gần trung tâm thành phố, thày Trí cho biết: sau biến cố 1954, giáo dân di cư vào miền Nam bỏ lại cho quê hương một ngôi thánh đường dột nát, kèm thêm sự thiếu chủ chăn, nên đời sống Đức Tin của ba họ đạo này trở nên khô khan và nguội lạnh, có nhiều người bỏ đạo.

Sau một thời gian dạy giáo lý và sống gần gũi với các gia đình trong giáo họ, các thày như “men”, “muối” đã dần làm cho Đức Tin của những gia đình này thức tỉnh, sau một thời gian dài “ngủ quên”.

Trong ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời (15/08/2010) vừa qua, Đức cha Phê rô Đệ, chủ chăn giáo phận Thái Bình, đã rửa tội cho 12 anh chị em tân tòng. Trước đó mấy ngày, thày Vinh sơn Trần Văn Hùng cũng kết thúc khóa giáo lý, đã đưa ba anh chị em ở họ lẻ thuộc giáo xứ Tiên Chu gia nhập đạo Công Giáo, đưa con số tân tòng trong dịp hè của giáo hạt Hưng Yên lên đến 25 người. Tuy chưa phải đã có nhiều người trở lại đạo Công Giáo, nhưng đây cũng là dấu hiệu tích cực, là điểm nhấn cho phong trào “tái truyền giáo” cho giáo hạt Hưng Yên, như Đức cha Phê rô Đệ và cả giáo phận Thái Bình vẫn đang ngày đêm hướng về Hưng Yên và làm tất cả vì một Hưng Yên được “hồi sinh” sau bao nhiêu năm “nguội lạnh”.

Thày Thomas Trần Công Hoàng, giúp các họ lẻ thuộc giáo xứ Tràng Lũ, An Tràng, Quỳnh Phụ, Thái Bình cho biết: Thày đã mở hai lớp giáo lý: Lớn lên trong Chúa Thánh Thần (dành cho các em nhỏ tuổi) và lớp giáo lý căn bản (dành cho các em lớn tuổi). Các em học tập đều đặn hai buổi sáng-chiều vào các ngày trong tuần. Được thày Hoàng hướng dẫn cụ thể, bài bản, nên trong kỳ thi các em đạt điểm số rất cao. Bản thân các em cũng như các bậc phụ huynh mong ước trong những kỳ hè tiếp theo, bề trên tiếp tục cử các thày về dạy giáo lý cũng như tổ chức các hoạt động khác nữa cho các em.

Sau khi nghe hai thày đại diện hai giáo hạt báo cáo, cha G.B. Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức, đặc trách ơn gọi giáo phận Thái Bình nhận xét về mục vụ của các thày trong hơn hai tháng qua. Được biết hồi tháng 7 vừa qua, cha Hải đã đến thăm từng giáo họ, nơi các thày được sai đến, cha nhận định rằng: Các thày làm việc rất hăng say, nhiệt tình, sống gần gũi với giáo dân. Các thày được các cha xứ nhiệt tình giúp đỡ về mọi phương diện như: nơi ăn uống nghỉ ngơi, hoạch định chương trình cụ thể cho các thày làm việc tại mỗi giáo họ được cử đến. Các thày được giáo dân quý mến và tiếp đón cởi mở, giáo dân tạo điều kiện tốt để các thày an tâm làm việc.

Có nhiều giáo họ muốn các thày dành thật nhiều thời gian trên lớp để dạy giáo lý cho con em họ, nên mỗi gia đình trong giáo họ mời thày giúp xứ đến gia đình ăn cơm, vừa tạo bầu khí gần gũi thày trò, vừa tiết kiệm thời gian để các thày đứng lớp nhiều giờ hơn. Điển hình là giáo họ Rồi Công Tây, giáo xứ Cao Mộc, được đón thày Giuse Nguyễn Đình Huynh về giúp. Khi hết hạn để trở về Đại chủng viện tiếp tục học tập, giáo dân không khỏi bùi ngùi và mong được đón Phần cuổi của buổi tổng kết, Đức cha giáo phận chia sẻ với các thày. Đức cha cám ơn các cha ban giám đốc chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức, các cha trong ban tổ chức, và đặc biệt các thày chủng sinh trong hơn hai tháng qua, đã miệt mài cộng tác với giáo phận trong công việc mục vụ hè. Đồng thời Đức cha động viên các cha và các thày cố gắng hơn nữa, vì lợi ích của các linh hồn. Đức cha chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ thêm sức và bù lại cho các cha, các thày bằng những ân huệ thiêng liêng lớn lao hơn nữa.

Sáng mai 21/08/2010, tại nhà nguyện Tòa giám mục, Đức cha sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, về những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho giáo phận Thái Bình, cách riêng cho các thày trong dịp mục vụ hè vừa qua.

Sau đó Đức cha sẽ cùng các cha trong ban đào luyện, các cha làm việc tại Tòa giám mục và các thày chủng sinh sẽ đi dã ngoại một ngày. Điểm đến là dòng Xi-tô Nho Quan, Ninh Bình, thăm Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt (sau một thời gian chữa bệnh tại nước ngoài nay đã trở về), cha bề trên, các cha và các thày tại đan viện này. Kế đến đoàn ghé thăm Tòa giám mục Thánh Hóa, đi tắm biển Sầm Sơn, và sẽ trở lại Tòa giám mục Thái Bình vào tối ngày mai.
 
Diễn văn khai mạc cuộc Thi tuyển dự án Trung Tâm Hành Hương La Vang
+ TGM Nguyễn Như Thể
13:23 21/08/2010
Cuộc thi tuyển Dự Án Trung Tâm hành Hương Đức Mẹ La Vang Việt Nam ngày 20.8.2010 tại Trung Tâm Mục Vụ Huế

Diễn văn khai mạc của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục Huế

Kính thưa quí vị chuyên gia về Qui họach và Kiến trúc của Việt Nam và Úc châu,
quí vị chuyên viên, kiến trúc sư, kỹ sư tham gia dự án,

Kính thưa quí Đức Cha, và quí Cha,

Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang từ lâu đã là biểu tượng của sự hợp nhất của Giáo Hội Việt Nam, biểu tượng của lòng yêu mến Đức Mẹ của tín hữu Việt Nam và khắp nơi.

Thực hiện một trung tâm hành hương toàn quốc tại La Vang từ lâu là niềm mong ước của người công giáo Việt Nam, và của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nỗi ước mơ, lòng nhiệt thành, việc chung tay xây dựng và sự chúc lành của Thiên Chúa đã dẫn chúng ta đến ngày hôm nay.

Thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thay mặt Giáo Hội Việt Nam, chúng tôi chân thành cám ơn sự cộng tác rất nhiệt tình, vô vị lợi của quí vị, cám ơn những tấm lòng chân thành, những tâm hồn trong sáng, những thành quả cao quí mà quí vị đã dành cho dự án của trung tâm.

Con đường trước mắt còn rất dài và ngổn ngang, nhưng tôi tin rằng với lòng nhiệt thành và sự trong sáng của tâm hồn, chúng ta sẽ cùng nhau mạnh dạn đi tới và cùng nhau hoàn thành ước mơ của mình.

Chúng tôi cũng chân thành cám ơn quí vị đã nhận lời tham gia vào Ban Giám Khảo của cuộc tuyển chọn này. Chúng tôi tin vào tấm lòng và tài trí của quí vị, chúng tôi hy vọng vào sự giúp đỡ của quí vị dành cho Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Như người thương gia đi tìm ngọc quí, các vị sẽ là người khám phá ra những vẻ đẹp tiềm ẩn vô giá trong những “món quà” tuyệt vời mà các kiến trúc sư đã dày công thể hiện.

Thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi tuyên bố khai mạc những ngày hội tuyển chọn những đồ án tham gia vào dự án xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, Quảng Trị, Việt Nam.

Kính chúc quý vị trong ban giám khảo và quý đại diện các công ty những ngày làm việc bổ ích.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ La Vang, xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Xin chân thành cám ơn quí vị.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những ngôn ngữ đang được khôi phục
Jos. Tú Nạc, NMS
08:47 21/08/2010
Như chúng ta đã biết, có nhiều ngôn ngữ đã và đang dần biến mất. Có hơn sáu ngàn ngôn ngữ được sử dụng trên thế giới. Nhưng một ước đoán từ hai đến ba ngàn trong số chúng có thể bị mai một vào mười đến hai mươi năm sắp tới.

Những ngôn ngữ bị mai một vì nhiều lý do. Đôi khi một nền văn hóa đã đi vào quên lãng, và ngôn ngữ này cũng bị kéo theo số phận của nó. Có khi, chính phủ đã buộc người dân ngưng sử dụng một ngôn ngữ nào đó. Và đôi khi, một ngôn ngữ khác chế ngự một ngộn ngữ địa phương bằng việc đưa ra cách truyền đạt với thế giới rộng lớn hơn. Việc này không luôn hẳn là một sự việc tồi tệ. Đó là một điều bổ ích đối với con người để có thể thông tin với nhau, trao đổi văn hóa.

Nhưng khi một ngôn ngữ bị mai một, một cộng đồng cũng mất đi phần văn hóa quan trọng. Đây là lý do tại sao mà một số cộng đồng đang làm việc để bảo vệ và thậm chí khôi phục ngôn ngữ của họ.

Đây là trường hợp đối với ngôn ngữ Mãori của những thổ dân New Zealand. Những người Mãori đến New Zealand vào khoảng cách đây bảy trăm năm. Họ là những người đầu tiên định cư ở đó. Những người dân đầu tiên đến từ Quần đảo Polynesia, và ngôn ngữ Mãori tương tự những ngôn Polynesia khác.

Những người định cứ Anh quốc đến New Zeland cách đây hơn một trăm năm mươi năm. Họ đã ký những thỏa ước với những thủ lĩnh Mãori. Những thỏa ước này biến New Zealand trở thành một thuộc địa cùa Anh quốc. Hàng nhiều năm, chính phủ Anh quốc đã cai trị đất nước này. Tuy nhiên, ngày nay, New Zealand không còn là thuộc địa của Anh.

Suốt đến thế kỷ thứ mười chín, người Âu châu càng ngày đến càng nhiều. Người dân Mãori đã trở thành thiểu số ở những vùng quê riêng của họ. Trong lúc,ngôn ngữ của họ bắt đầu suy tàn – ít người dùng đến nó. Có nhiều lý do đối vối điều này. Người ta cần nói Anh ngữ để tham gia vào công việc thương mại và hành chính – nên người Mãori đã học và dùng tiếng Anh. Nhưng chính phủ đã cấm cản việc dùng ngôn ngử mã ori tring nhà trường. Những lý do của họ cũng có những hảo ý. Họ thấy điều này vì để giúp đỡ người Mã ori phát triển. Ở những quốc gia khác và vào những thời gian khác chính phủ đã cấm cản những ngôn ngữ địa phương vì đường lối cai trị dân chúng. TRong bất cứ trường hợp nào, hậu quả đều giống nhau. Khi chính phủ ấy cấn đoán một ngôn ngữ, ngôn ngữ đó thường bắt đầu dần biến mất. Nếu trẻ em không được dùng một ngôn ngữ nào đó, nó không thể được, nó không thể tồn tại. Vào những năm 1990, chỉ hai mươi phần trăm người mã ori còn nói tiếng Mã ori. Các nhà lãnh đạo Mã ori băn khoăn rằng ngôn ngữ này sẽ hoàn toàn biến mất.

Vì thế, các nhà lãnh đạo Mã ori đi đến hành động. Chính phủ New Zealand đã ngưng ngăn cấm việc dạy tiếng Mã ori trong nhà trường. Họ bắt đầu những chương trình giảng dạy cho trẻ em tiếng Mã ori. Hiện giờ những nhà trường đó chỉ dùng ngôn ngữ Mã ori. Nhiều học sinh học ngôn ngữ này, và những phong tục, tập quán Mã ori truyền thống. Khi trẻ em học một ngôn ngữ, ngôn ngữ ấy đang được chúng hồi sinh.

Ngày nay, cùng với Anh ngữ, ngôn ngữ Mã ori là ngôn ngữ chính thức của New Zealand. Đã có nhiều chính sách chính thức để bảo vệ ngôn ngữ này. Có người hiện diện để phiên dịch trong những cuộc họp chính phủ. Và có một đài truyền hình phát thanh bằng tiếng Mã ori. Số người nói tiếng Mã ori không còn giảm. Trong thực tế, hiện giờ nó đã tăng tới 23 phần trăm.

Có nhiều tô chức đang làm việc đề khôi phục những ngôn ngữ. Một vài tổ chức làm việc như một tổ chức dân tộc tính chẳng hạn như Mã ori. Mặt khác, như UNESCO, đã làm việc trên qiu mô toàn cầu với các chính phủ. Một tổ chức chú trọng đang làm việc trong lĩnh vực này là SIL. SIL là môt nhóm Ki-tô giáo. Nhưng nó không chỉ làm việc với cộng đồng Ki-tô giáo. Những nhân viên của SIL tin rằng bằng sự giúp đỡ người ta bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa riêng, tức họ đang bảo vệ sự sáng tạo kỳ diệu của Thiên Chúa.

SIL ủng hộ công việc của những nhóm thổ dân trong việc khôi phục ngôn ngữ riêng của họ. Chẳng hạn, nó đã đào tạo và cổ vũ những người lãnh đạo địa phương và những nhà nghiên cứu. Nó giúp đõ họ phát triển những kế hoạch giáo dục cjho trẻ em và người lớn bao gồm việc dạy mọi người đọc và viết bằng ngôn ngữ riêng của mình.

Đây là những gì đang xảy ra trên đất nước Papua NewGuinea. Papua new Guinea có hơn tám trăm ngôn ngữ. Theo SIL, nó có nhiều ngôn ngữ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. SIL đã hết sức chú trọng trong việc bảo vệ một số ngôn ngữ trong những ngôn ngữ này. Nhiều nhà nghiên cứu đã học những nhóm ngôn ngữ ở Papua New Guinea. Họ cũng đã làm việc với những người dân địa phương để phát triển những kế hoạch giáo dục.

Một điển hình là ngôn ngữ Abau. Ở Abau, SIL đặt trọng tâm vào việc đọc, viết tiếng mẹ đẻ. Điều này muốn nói rằng người ta đang học đọc và viết ở Abau bởi vì nó là ngôn ngữ chính. Tiến trình này bắt đầu với những trẻ em ở ba năm đầu cắp sách đến trường.

Nhưng những chương trình này không chỉ dành cho trẻ em. Trung tâm Đào tạo Abau (Abau Training Center) được thành lập vào năm 1994. Nó đào tạo những ngưởi với những công đòi hỏi nhiều kỹ năng – như sử dụng máy điện toàn hoặc bảo quản ngân sách trong kinh doanh. Tất cả ác lớp học này cũng dạy đọc và viết bằng tiếng Abau.

SIL đã bắt đầu những đề án này với sư ủng hô của cộng đồng Abau. Qua ATC, SIL đã đào tạo hơn một ngàn giáo viên, đang làm việc với hơn hai mươi trường họ. Công việc của SIL quả quan trọng. Nhưng với sự ủng hộ của cộng đồng Abau đã tao khả quan cho công việc này. Đây là cách mà ngôn ngữ này sẽ được khôi phục.

Một công việc nữa của SIL đang được tiến hành, một bản liệt kê hoàn hảo về tất cả nhựng ngôn ngữ của thế giới. Bản liệt kê này được gọi là “Ethnologue”. SIL xuất bản liệt kê này như một cuốn sách lớn. Nhưng bạn cũng có thể rìm nó trên internet. Ethnologue bao gồm những chi tiết như cách nói một ngôn ngữ mà nhiều người dùng, và chúng đang tồn tại ở những quốc gia nào. Những nhà nghiên cứu ethnologue cung cấp những thông tin cho cuốn sách này.

Ethnologue cung cấp những thông tin gái trị về mọi ngôn ngữ. Nhưng nó cũng giúp con người thấy được con số đáng ngạc nhiên về những ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
 
Tin Đáng Chú Ý
Nhân sự kiện Gs Ngô Bảo Châu: Giải toán học thế giới và nền Giáo dục Việt Nam
Hà Long
09:04 21/08/2010
Sự kiện GS Ngô Bảo Châu đang làm cho nhà nhà reo vui, người người tự hào: một nhà toán học Việt Nam đầu tiên đoạt giải toán học Fields. Không chỉ dừng lại ở VN mà cả thế giới ngưỡng mộ GS Ngô Bảo Châu.

Trên mọi tờ báo tại VN người dân đọc được: Phó thủ tướng: 'GS Ngô Bảo Châu ở tầm đỉnh cao thế giới', "Điều quan trọng là cái “gốc” Châu được đào tạo trong nước tốt", Nguyên PTT Vũ Khoan ngẫm về thành quả của Ngô Bảo Châu, Ngô Bảo Châu và thời cơ mới cho Toán học Việt Nam, Các giáo sư Mỹ ca ngợi Ngô Bảo Châu, Tổng thống Pháp ngưỡng mộ Ngô Bảo Châu, Tự hào dân tộc nhìn từ bóng đá và “Nobel toán học”, Ngô Bảo Châu - Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam!, v.v…

Tóm gọn, GS Ngô Bảo Châu đang trở thành một anh hùng của Việt Nam.

Để đạt được thành tích khoa học có một không hai này, GS Ngô Bảo Châu đã chứng tỏ đẳng cấp trong kỳ thi toán tại Úc vào năm 1988 và đoạt huy chương vàng, tiếp tục cho năm 1989 NBC vẫn giữ được ngai vàng toán học của Olympic Toán học Quốc tế, tiếp theo năm 2004 ông nhận giải thưởng của Viện Toán Học Clay. Thành quả khoa học của Ngô Bảo Châu luôn được vươn lên với giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ Châu Âu (2007) và giải thưởng của Hàn Lâm Viện Pháp (2008). Nền tảng cho việc tôn vinh giải Toán Học Fields 2010 của ông chính là việc nghiên cứu chứng minh Bổ đề cơ bản chương trình Langlands, được xếp là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009. Từ 1/9/2010 GS Ngô Bảo Châu sẽ về làm việc tại Khoa Toán ĐH Chicago.

Ngày 19/8/2010, giáo sư Ngô Bảo Châu đã được Đại hội Toán học thế giới ICM2010 tôn vinh trao giải thưởng Fields tại Ấn Độ qua bà Pratibha Patil, tổng thống Ấn Độ.

Một nhà khoa học trẻ 38 tuổi (sinh 1972 tại Hà Nội) tài năng như thế đang làm cho thế giới ngưỡng mộ. Việt Nam đang được tỏa sáng và hầu như quên hẳn những điều rất tệ hại trong hệ thống giáo dục hiện tại: tiến sĩ dỏm, đại học dỏm, bằng giả, làm công văn giả bịt bằng giả, ví dụ chỉ riêng tại tỉnh Sóc Trăng đã có đến 6,32% cán bộ nhà nước đang dùng bằng giả đến nỗi ban thanh tra phải thốt lên: Chậm xử lý vì bằng giả quá nhiều.

Thời điểm nhà nước csVN bám víu được cái phao cấp cứu trong cơn chết đuối hiểm nguy cho ngành giáo dục chính là GS Ngô Bảo Châu. Nào là phó TT Nguyễn Thiện Nhân đến tận nhà thăm viếng Ngô Bảo Châu và gia đình. Nào là ưu đãi chẳng khác chi muốn đút lót tặng một căn hộ cao cấp, một biệt thự xinh đẹp tại khu nghỉ mát Tuần Châu, Quảng Ninh. Nguyễn Thiện Nhân ảo tưởng muốn mời GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam công tác và đóng góp cho chương trình giáo dục nhằm đưa VN trở thành cường quốc về toán.

Một GS Ngô Bảo Châu không che lấp được hết mặt trái của nền giáo dục lạc hậu và bất lực: tất cả đã mất niềm tin vào giáo dục tại Việt Nam như nhiều phụ huynh có tiền của phải tìm cách cho con em mình đi "tị nạn giáo dục" tại các nước tiên tiến.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra rằng, nếu Ngô Bảo Châu dậm chân tại chỗ nơi quê nhà thì có được vinh quang như ngày hôm nay trong giới khoa học? Trăm người sẽ y như rằng trả lời là không!

Từ năm 1990 Ngô Bảo Châu đã sang Pháp học và nghiên cứu khoa học trong một môi trường làm việc đạt năng xuất cao nhất, có phương tiện khoa học nghiên cứu, có những đồng nghiệp giỏi, có những hợp tác khoa học tầm mức quốc tế, có tự do và các điều kiện cực kỳ thuận lợi để học hỏi, cuối cùng là nơi biết trọng dụng nhân tài cho dù phải trả tốn phí cao cho ông.

Có lẽ Việt Nam đang muốn gặt những gì mình chẳng gieo, chẳng cấy thì phải?

Một khám phá của người viết bài này khi đọc tiếng Đức nói về GS Ngô Bảo Châu thì báo chí quốc tế nói ông là người Pháp gốc Việt. Điều này cho đến nay báo chí VN không bao giờ can đảm nhắc đến sự thật (báo VnExpress mới chỉ thông báo thoáng qua sau 2 ngày nhận giải thưởng theo blog của GS Ngô Bảo Châu). Cho nên không có gì lạ khi GS Ngô Bảo Châu được tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngưỡng mộ. Theo AFP cho biết tổng thống Pháp chúc mừng và "bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ của ông" đối với hai nhà toán học người Pháp Ngô Bảo Châu và Cedric Villani (36 tuổi).

Thông Tấn Xã AFP đưa tin bằng tiếng Đức: Zwei Franzosen unter Gewinnern des "Fields"-Preises in Mathe (Hai người Pháp trong số người đoạt giải Toán Học Fields). Báo Pháp cũng đưa tin tương tự.

Tiếp theo AFP cho biết thêm chi tiết của Ngô Bảo Châu tại Pháp: Er (Ngo) studierte später auf Einladung der französischen Regierung in Paris, wo er seit 2005 Mathematik-Professor ist. Seit diesem Jahr ist er französischer Staatsbürger. (Ông Ngô học bậc đại học tại Paris theo lời mời của chính phủ Pháp, nơi này ông trở thành giáo sư toán vào năm 2005. Từ năm nay ông đã nhập tịch Pháp).

Mặt trái của tấm huy chương là csVN đang muốn đánh đồng GS Ngô Bảo Châu với dân tộc, với thành quả giáo dục xuất sắc của họ. Khiếp hơn nữa họ muốn VN trở thành cường quốc về toán học.

Khéo một chút chúng ta khám phá ra nền giáo dục phá sản của csVN qua lời phát biểu của ông Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán, khi ông nhận định về tương lai của Ngô Bảo Châu: "Khả năng về nước làm việc 100% là khó, vì điều này không tốt cho bản thân GS Ngô Bảo Châu". Lời khuyên vàng ngọc này chẳng khác chi một tát tai vào mặt phó TT Nguyễn Thiện Nhân muốn lôi nhân tài đất Việt về nước. Cũng theo GS Lê Tuấn Hoa: „Nếu chỉ làm việc ở VN, sẽ không có Ngô Bảo Châu hôm nay và những thành tựu nghiên cứu mà cậu ấy đã công bố.“

Một sự tuyệt vọng cho nhân tài đất Việt và phải đối diện với thực tế phũ phàng tại VN được nhìn qua lăng kính của GS Lê Tuấn Hoa: „Nếu không có những thay đổi trong chính sách và đầu tư cho toán học từ hôm nay, có lẽ chúng ta cũng chỉ có thể tự hào về gốc Việt của những nhà khoa học, còn thành tựu thật sự của họ phải thuộc về những quốc gia khác.“

Điều trái ngược của nạn tiến sĩ dỏm và bằng giả lan tràn như bệnh dịch trong guồng máy cán bộ nhà nước thì Ngô Bảo Châu được ươm trồng trong một gia đình trí thức có bằng cấp „xịn“ với người cha là ông Ngô Huy Cẩn, giáo sư tiến sĩ khoa học của Viện Cơ Học và người mẹ là phó giáo sư tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại bệnh viện Y Học Cổ Truyền trung ương.

Trong giới Blooger nhận định về đường hướng chính trị: GS Ngô Bảo Châu có tầm nhìn xa khi nhập tịch Pháp vì như thế sẽ tránh được trong tương lai con đường tù tội của hai nhân tài Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định đang phải đi qua.

Chúng ta đừng quên GS Ngô Bảo Châu đã một lần mạnh dạn lên tiếng chống chủ trương Bôxít Tây Nguyên được gửi đến quí vị Đại biểu Quốc hội khóa 12, ngày 27 tháng 5 năm 2009. Trích đoạn thư viết của ông từ Princeton:

„… Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc dài và sâu như chính lịch sử Việt Nam. Người Việt Nam có phông văn hóa, cách suy nghĩ và ứng xử nhiều phần giống người Trung Quốc, không ít người Việt Nam có tổ tiên đến từ Trung Quốc. Quan hệ với Trung Quốc vừa là một phần hữu cơ vừa là một nguy cơ cho sự tồn vong của bản sắc Việt Nam. Đây là một dữ kiện lịch sử mà ta không nên mất thời gian bàn xem nó tốt hay xấu, đáng vui hay đáng buồn, mà dành thời gian để suy nghĩ đến hệ quả của nó. Suy nghĩ nghiêm túc có hệ thống tránh cho ta việc trong thời bình lại ứng xử tình thế như trong thời chiến: lúc thì “môi hở răng lạnh”, lúc lại xua đuổi Hoa kiều mà nhiều gia đình đã gắn bó với mảnh đất này qua nhiều thế hệ.

Cái tôi muốn đề cập đến trong bức thư này không phải là quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà là chính sách “thực dân mới” của chính quyền Trung Quốc. Cũng như các nước Anh, Pháp trong thế kỷ mười chín, Mỹ trong thế kỷ hai mươi, công nghiệp Trung Quốc trong thế kỷ hai mốt phát triển như vũ bão. Hệ quả hiển nhiên là Trung Quốc hôm nay, cũng như các nước kể trên hôm qua, đói nhiên liệu, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ các sản phẩm của mình. Như trong sách lịch sử cho học sinh phổ thông, ta gọi các nước Anh, Pháp cho quân đi chiếm thuộc địa là chính sách thực dân cũ, Mỹ trong thế kỷ hai mươi và Trung Quốc hôm nay dùng uy thế chính trị và kinh tế để dành nhiên liệu nguyên liệu và thị trường là chính sách “thực dân mới”. Đây cũng là một dữ kiện lịch sử mà ta không nên mất thời gian bàn xem thực dân cũ, mới là tốt hay xấu, gọi tên như thế có quá đáng hay không, mà dành thời gian để suy nghĩ đến hệ quả của nó. Hệ quả cho các nước bị thực dân như ở châu Phi thì ta biết: tài nguyên khai thác bừa bãi, môi trường tàn phá, kinh tế phát triển lệch lạc do quá phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên kéo theo tệ tham nhũng và bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng.

Trung Quốc thực hiện chính sách “thực dân mới” một cách có hệ thống ở châu Phi, châu Mỹ la tinh và mọi nơi có nhiên liệu, khoáng sản trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp của Việt Nam, ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc có thể kéo thêm hệ quả nguy hiểm sau đây: quan hệ hữu cơ vốn có của văn hóa Trung Quốc với văn hóa Việt Nam trở thành đô hộ văn hóa. Đất nước, con người, văn hóa Trung Quốc có nhiều thứ để ta cảm phục và học tập. Nhưng nếu ta rập khuôn theo mô hình của họ, đi theo con đường họ đã đi, làm theo cái họ nói tức là cái họ muốn, thì ta chỉ nhận phần thiệt thòi, còn bản sắc ta thì tồn vong được bao lâu. Vấn đề độc lập văn hóa, giữ gìn bản sắc vô cùng hệ trọng, xin Quí vị lưu ý…

Xin quay lại vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Đọc tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc năm 2001 khi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Trung Quốc và năm 2006 khi Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam, ta nhận thấy một điều hiển nhiên là Trung Quốc rất quan tâm đến tài nguyên này và muốn ta khai thác bằng được. Trong những trường hợp như vậy, chỉ suy diễn ta cũng thấy việc này có lợi cho họ nhiều hơn cho ta…

… Tôi kính mong Quí vị bỏ thời gian, nghiên cứu tường tận Báo cáo dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, các phản biện khoa học của nó, lắng nghe ý kiến cử tri và suy nghĩ đến sự tồn vong của đất nước, để rồi xây dựng quan điểm riêng của Quí vị, trình bày nó rõ ràng trong nghị sự của Quốc hội và chịu trách nhiệm về nó trước các cử tri. Tôi rất biết đây là việc khó, nhưng dù Quí vị muốn hay không muốn, nhân dân đã đặt niềm tin lên vai của Quí vị
... hết trích. (GS. TSKH Ngô Bảo Châu, Giáo sư toán học Đại học Paris 11, Pháp, Thành viên của Institute for Advanced Study, Princeton, Mỹ.)"

GS Ngô Bảo Châu có cách cải chính về vấn đề quốc tịch, nhưng đến năm 2010 mới nhập tịch Pháp có phải là động cơ đề phòng rủi ro chính trị cho ông chăng? Bức thư gửi đến quốc hội csVN đã tỏ rõ lập trường yêu nước của ông chống lại đô hộ văn hóa và bảo vệ sự tồn vong của đất nước trước „người lạ“. Nôm na, những tư tưởng nhạy cảm chống đối trên dễ dàng được csVN quy kết thành tội „diễn biến hòa bình“.

Một ví dụ mới nhất về GS Phạm Minh Hoàng của Đại Học Bách Khoa Sài Gòn đã bị bắt giam ngày 13/08/2010 để được điều tra theo điều luật 79 bộ luật hình sự tại nhà riêng của ông. GS Hoàng du học Pháp từ năm 1973, trở về phục vụ quê hương vào năm 1990. Có thể cuộc bắt giam này từ lý do tham gia vào kiến nghị chống khai thác Boxit Tây Nguyên nhằm phản đối chính quyền VN hợp tác với cs Tàu khai thác mỏ nhôm và ông hiện diện tại buổi tọa đàm về Biển Đông chăng? Đó là tội danh «âm mưu lật đổ chính quyền»? GS Ngô Bảo Châu cũng đang tự do thể hiện lòng yêu nước như vậy!

Một điều ai cũng có thể nhìn thấy, nếu GS Ngô Bảo Châu chọn con đường cống hiến cho khoa học thì lộ trình ông đi sẽ chẳng khác chi danh tài dương cầm Đặng Thái Sơn đang chọn cho chính mình để được tỏa sáng nơi các nước tự do tư bản tiên tiến.

csVN đang tiếc của trời cho là không dễ dàng tuyên truyền thuận lợi về thành quả của GS Ngô Bảo Châu cho dịp Nghìn Năm Thăng Long.

Nơi đây cũng có thể nhắc đến một chút về bộ trưởng y tế Đức, ông tiến sĩ Philipp Roesler gốc Việt. Chức vụ to lớn trong chính quyền Liên Bang Đức của một người gốc Việt có thể so sánh với sự danh tiếng của GS Ngô Bảo Châu thì sự rùm beng này hơi thái quá tại Việt Nam.

Cuối cùng mặt trái của tấm huy chương vàng toán học chính là nước Pháp đã khẳng định đào tạo ra thiên tài Ngô Bảo Châu, bởi thế các báo chí quốc tế đều đưa tin: Hai người Pháp đoạt giải Fidels: Ngô Bảo Châu và Cedric Villani.