Chương III: Hoàng thời (Kairós)

“Ta đã nhậm lời ngươi vào thời Ta thi ân” (Is 49: 8; 2 Cr 6: 2)

Thời ân sủng

28. Amazon đang sống một thời ân sủng, một kairós (hoàng thời). Thượng Hội Đồng Amazon là một dấu chỉ thời đại khi Chúa Thánh Thần mở ra những nẻo đường mới mà chúng ta biện phân được nhờ một cuộc đối thoại hỗ tương giữa toàn thể Dân Thiên Chúa. Cuộc đối thoại đã bắt đầu một thời gian trước đây, từ những người nghèo nhất, bắt đầu từ dưới đi lên, vì giả thiết rằng, “mọi diễn trình xây dựng đều chậm và khó khăn. Nó bao gồm thử thách phá vỡ không gian và cởi mở chính mình để làm việc với nhau, sống nền văn hóa gặp gỡ, [...]xây dựng một giáo hội chị em (11).

29. Các dân tộc nguyên thủy của Amazon có nhiều điều để dạy chúng ta. Chúng ta nhìn nhận rằng trong hàng ngàn năm, họ đã chăm sóc đất đai, nước và rừng của họ và đã cố gắng bảo tồn chúng cho đến ngày hôm nay để nhân loại có thể hưởng lợi trong việc thưởng thức những hồng phúc nhưng không trong sáng thế của Thiên Chúa. Các nẻo đường truyền giảng Tin Mừng mới phải được xây dựng trong cuộc đối thoại với sự khôn ngoan của tổ tiên, trong đó những hạt giống của Lời Chúa trở nên hiển hiện.



Một thời để hội nhập văn hóa và tính liên văn hóa

30. Giáo hội tại Amazon đã đánh dấu sự hiện diện của nó trong khu vực bằng những kinh nghiệm đáng chú ý và theo những cách độc đáo, sáng tạo và hội nhập văn hóa. Phong cách truyền giảng Tin Mừng của nó không phải chỉ đơn thuần là một phản ứng chiến lược đối với thực tại hiện nay; đúng hơn, nó đi theo một nẻo đường tương ứng với các kairós (hoàng thời) có thể thúc đẩy dân Thiên Chúa đến chỗ chào đón Vương quốc của Người giữa tính đa dạng sinh học và xã hội của họ. Giáo hội trở nên xác thịt bằng cách quyết định cư ngụ - dựng “tapiri” hay nhà mái rạ - ở Amazon [12]. Điều này phù hợp với một cuộc hành trình đã bắt đầu với Công đồng Vatican II cho toàn thể Giáo hội; đã được công nhận trong Huấn quyền Châu Mỹ Latinh kể từ Medellin (1968); và được giả định rõ ràng cho Amazon ở Santarém (1972) [13]. Kể từ đó, Giáo hội tiếp tục tìm cách hội nhập văn hóa Tin mừng trước các thách thức lãnh thổ và các dân tộc của nó, trong cuộc đối thoại liên văn hóa với họ. Sự đa dạng độc đáo của khu vực Amazon - sinh học, tôn giáo và văn hóa - gợi ý một Lễ Ngũ Tuần mới.

Một thời của những thách thức nghiêm trọng và khẩn cấp

31. Đẩy nhanh diễn trình đô thị hóa và mở rộng nông nghiệp được thực hiện bởi các doanh nghiệp nông nghiệp cộng với việc lạm dụng tài sản thiên nhiên bởi chính các dân tộc Amazon: Tất cả những điều này cộng với các than phiền lớn đã đề cập trước đó. Việc bóc lột thiên nhiên và các dân tộc Amazon (người bản địa, người mestizos (tạp chủng), người cạo mủ cao su, dân sông nước và thậm chí cả cư dân thành phố) gây ra một cuộc khủng hoảng hy vọng.

32. Các cuộc di cư trong những năm gần đây cũng làm tăng các thay đổi về tôn giáo và văn hóa trong khu vực. Đối diện với các diễn trình biến đổi nhanh chóng, Giáo hội đã không còn là điểm tham chiếu duy nhất cho quyết định của người ta. Hơn nữa, cuộc sống mới tại thành phố không phải lúc nào cũng tử tế đối với các giấc mơ và khát vọng, nhưng thường làm mất phương hướng và mở cửa cho chủ nghĩa cứu thế (messianism) non yểu, bất nối kết, tha hóa và vô nghĩa.

Một thời của hy vọng

33. Trái ngược với thực tại trên, Thượng Hội Đồng Amazon vì thế trở thành một dấu hiệu hy vọng cho người dân Amazon và cho toàn nhân loại. Đó là một cơ hội lớn lao để Giáo hội khám phá sự hiện diện nhập thể và tích cực của Thiên Chúa: trong các biểu hiện đa dạng nhất của sáng thế; trong linh đạo của các dân tộc nguyên thủy; trong các biểu thức của lòng đạo bình dân; trong các tổ chức bình dân khác nhau nhằm chống lại các siêu dự án; và trong đề xuất một nền kinh tế liên đới, có năng suất và bền vững, tôn trọng thiên nhiên. Trong những năm gần đây, sứ mệnh của Giáo hội đã được thực hiện trong sự hợp tác với các khát vọng và đấu tranh vì sự sống và tôn trọng thiên nhiên của các dân tộc Amazon và các tổ chức của riêng họ.

34. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo hội, được nhận diện nhờ lịch sử thập giá và phục sinh này, muốn học hỏi, đối thoại và đáp ứng một cách đầy hy vọng và hân hoan các dấu chỉ thời đại cùng với các dân tộc của Amazon. Chúng ta hy vọng rằng việc học hỏi, đối thoại và đồng trách nhiệm như vậy cũng có thể mở rộng đến mọi ngõ ngách của hành tinh vốn mong muốn đạt tới sự viên mãn trọn vẹn của sự sống theo mọi ý nghĩa. Chúng ta tin rằng kairós (hoàng thời) này của Amazon, vốn là thời của Thiên Chúa, sẽ triệu tập và kích thích và là thời của ân sủng và giải phóng, của ký ức và hoán cải, của các thách thức và hy vọng.

Chương IV: Đối thoại

“Chúng có mắt mà không thấy, chúng có tai mà không nghe” (Mc 8:18)

Các nẻo đường đối thoại mới

35. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra cho chúng ta nhu cầu nhìn lại để mở ra những nẻo đường đối thoại sẽ giúp chúng ta thoát khỏi con đường tự hủy hoại của cuộc khủng hoảng xã hội môi trường hiện nay [14]. Đề cập đến các dân tộc Amazon, Đức Giáo Hoàng cho rằng điều chủ yếu là thực hiện “cuộc đối thoại liên văn hóa, trong đó chính anh chị em sẽ là ‘đối tác đối thoại chính, nhất là khi các dự án lớn ảnh hưởng đến vùng đất của anh chị em được đề xuất’. Việc nhìn nhận và đối thoại sẽ là cách tốt nhất để biến đổi các mối liên hệ lịch sử vốn có đặc điểm loại trừ và kỳ thị” (Fr.PM). Cuộc đối thoại địa phương trong đó Giáo hội muốn tham gia là để phục vụ sự sống và “tương lai của hành tinh chúng ta” (LS 14).

Đối thoại và sứ mệnh

36. Vì Amazon là một thế giới đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo (xem DAp 86), nên việc thông đạt, và do đó truyền giảng Tin Mừng, đòi hỏi những cách gặp gỡ và sống chung với nhau có thể cổ vũ đối thoại. Trái ngược với đối thoại là việc thiếu lắng nghe và áp đặt nhằm ngăn cản chúng ta gặp gỡ, thông đạt và do đó, sống với nhau. Chúa Giêsu là một người đối thoại và gặp gỡ. Vì vậy, chúng ta thấy Người “với người phụ nữ Samaria, tại chiếc giếng nơi cô ấy tìm cách làm dịu cơn khát của mình (x. Ga 4: 7-26)” (EG 72); Cô ấy “đã trở thành một nhà truyền giáo ngay sau khi nói chuyện với Chúa Giêsu”, và khi cô trở về làng của mình, “nhiều người Samaria đã tin vào Người ‘vì chứng từ của người phụ nữ’ (Ga 4:39)” (EG 120) . Chúa Giêsu đã có thể đối thoại và yêu thương vượt ra ngoài tính đặc thù trong di sản tôn giáo Samaria của cô. Đây là cách truyền giảng Tin Mừng được thực hiện trong cuộc sống bình thường của Samaria, ở Amazon, trên toàn thế giới. Đối thoại là một cuộc thông đạt vui tươi giữa “những người bày tỏ tình yêu của họ cho nhau” (EG 142).

37. Kể từ biến cố Nhập thể, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô luôn diễn ra trong phạm vi một cuộc đối thoại lịch sử và cánh chung của cõi lòng. Nó xảy ra trong các khung cảnh khác nhau của thế giới đa nguyên và đan kết qua lại với nhau của Amazon. Nó bao gồm các liên hệ chính trị với các quốc gia, các liên hệ xã hội với các cộng đồng, các liên hệ văn hóa với nhiều lối sống khác nhau và các liên hệ sinh thái với thiên nhiên và với chính mình. Đối thoại tìm kiếm sự trao đổi qua lại, đồng thuận và thông đạt, thỏa hiệp và liên minh, nhưng không đánh mất vấn đề căn bản, nghĩa là, mối quan tâm đối với “một xã hội công bằng, biết đáp ứng và bao gồm” (EG 239). Do đó, đối thoại luôn ưu tiên chọn người nghèo, người bị gạt bỏ và loại trừ. Chính nghĩa công lý và sự khác biệt là các chính nghĩa của Nước Thiên Chúa. Chúng ta không bảo vệ “các kế hoạch do một số ít dành cho một số ít, hoặc một nhóm thiểu số hiểu biết hoặc bạo ăn bạo nói phác thảo” (EG 239).

Đối thoại là về việc “đồng ý sống với nhau, một hiệp ước văn hóa và xã hội” (EG 239). Đối với hiệp ước này, Amazon đại diện cho một pars pro toto, một phần cho toàn bộ, một mô hình, một hy vọng cho thế giới. Đối thoại là phương pháp luôn phải được áp dụng để đạt được cuộc sống tốt [nếu buen vivir, thì sống tốt] cho mọi người. Những vấn đề lớn lao của nhân loại phát sinh ở Amazon sẽ không tìm được giải pháp qua bạo lực hoặc áp đặt, mà qua đối thoại và thông đạt.

Đối thoại với các dân tộc Amazon

38. Chính các dân tộc của Amazon, nhất là người nghèo và khác biệt về văn hóa, là những người đối thoại và nhân vật chủ đạo của cuộc đối thoại. Họ đối mặt với chúng ta bằng ký ức quá khứ và với những vết thương gây ra trong thời kỳ lâu dài của thực dân. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô khiêm tốn xin sự tha thứ, không chỉ vì những vi phạm của chính Giáo hội mà còn vì những tội ác chống lại các dân tộc nguyên thủy trong cuộc được gọi là chinh phục Mỹ Châu (15). Đã có những khoảnh khắc lúc Giáo Hội đồng lõa với những người thực dân, và điều này đã bóp nghẹt tiếng nói tiên tri của Tin Mừng. Nhiều trở ngại đối với việc truyền giảng Tin Mừng theo lối đối thoại và việc cởi mở với sự khác biệt về văn hóa có tính lịch sử và ẩn khuất phía sau các học thuyết đã hóa đá. Đối thoại là một diễn trình học hỏi, được tạo điều kiện bởi “việc cởi mở hướng tới siêu việt” (EG 205) và bị cản trở bởi các ý thức hệ.

Đối thoại và học hỏi

39. Nhiều người Amazon vốn cố hữu là những người đối thoại và thông đạt. Có một diễn đàn đối thoại rộng lớn và chủ yếu giữa các linh đạo, tín ngưỡng và tôn giáo của Amazon, đòi hỏi cách tiếp cận của trái tim đối với các nền văn hóa khác nhau. Tôn trọng không gian này không có nghĩa là tương đối hóa các xác tín riêng của người ta, mà là nhìn nhận những con đường / nẻo đường khác biết tìm cách giải đoán mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa. Sự cởi mở không thành thật với người khác, giống như thái độ phò những nhóm quyền lợi lớn (corporatist), vốn chỉ dành ơn cứu rỗi độc nhất cho tín ngưỡng riêng của họ, là phá hoại chính tín ngưỡng đó. Đây là điều Chúa Giêsu đã giải thích cho Luật sĩ trong dụ ngôn Người Samaria nhân hậu (Lc 10: 30-37). Tình yêu mang ra sống trong bất cứ tôn giáo nào cũng làm hài lòng Thiên Chúa. “Qua việc trao đổi các ơn phúc, Chúa Thánh Thần có thể dẫn chúng ta trọn vẹn hơn vào sự thật và sự thiện” (EG 246).

40. Một cuộc đối thoại có lợi cho sự sống là để phục vụ cho “tương lai của hành tinh chúng ta” (LS 14), của việc biến đổi các não trạng hẹp hòi, hóan cải các trái tim sắt đá và chia sẻ các sự thật với toàn thể nhân loại. Chúng ta có thể nói rằng đối thoại có tính Ngũ Tuần, cũng như sự ra đời của Giáo hội, một Giáo Hội đang hành trình tìm kiếm bản sắc mình hướng tới sự hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta khám phá ra bản sắc của chúng ta từ cuộc gặp gỡ với người khác, từ các khác biệt và sự trùng hợp cho chúng ta thấy sự khôn dò của thực tại và sự mầu nhiệm của việc Thiên Chúa hiện diện.

Đối thoại và kháng cự

41. Sẵn lòng tham gia đối thoại thường gặp phải sự kháng cự. Các lợi ích kinh tế và mô hình kỹ trị (technocratic) bác bỏ bất cứ cố gắng thay đổi nào. Những người ủng hộ chúng sẵn lòng áp đặt bằng vũ lực, vi phạm các quyền căn bản của các dân tộc ở Amazon và các qui luật bảo đảm sự bền vững và bảo tồn nó. Trong tình huống như vậy, các khả thể đối thoại và gặp gỡ bị giảm thiểu rất nhiều và thậm chí biến mất trong một số trường hợp. Phải phản ứng với điều này ra sao? Một mặt, người ta nhất thiết sẽ trở nên phẫn nộ, không phải một cách bạo động, nhưng kiên quyết và có tính tiên tri. Đó là sự phẫn nộ của Chúa Giêsu chống lại người Biệt Phái (x. Mc 3: 5; Mt 23) hoặc chống lại chính Phêrô (Mt 16:23) - điều mà Thánh Tôma Aquinô gọi là “sự phẫn nộ thánh thiện”, bị kích động bởi các bất công [16], hoặc liên kết với các lời hứa chưa được thực hiện hoặc các phản bội đủ loại. Bước tiếp theo là tìm kiếm sự thỏa thuận, như chính Chúa Giêsu gợi ý (x. Lc 14: 31-32). Đây là vấn đề thiết lập ra một cuộc đối thoại khả hữu và không bao giờ thờ ơ với những bất công của khu vực hoặc của thế giới [17].

42. Một Giáo hội tiên tri là một Giáo Hội lắng nghe các tiếng khóc và bài ca về nỗi đau và niềm vui. Đồng thời khi chúng truyền cảm hứng, các bài hát dõi sáng các tình huống sống của người ta và trực giác được các giải pháp khả hữu và các thay đổi có tính biến đổi. Có những dân tộc hát lịch sử của họ và cả hiện tại của họ nữa, đến nỗi các người nghe các bài hát đó có thể thoáng thấy, có thể phác thảo tương lai của họ. Nói tóm lại, một Giáo hội tiên tri ở Amazon là một Giáo Hội đối thoại, biết cách tìm kiếm các thỏa thuận, và, từ việc chọn người nghèo và các chứng từ của họ về sự sống, biết tìm kiếm các đề xuất cụ thể có lợi cho một hệ sinh thái toàn diện. Một Giáo hội có khả năng biện phân và táo bạo khi đối mặt với việc lạm dụng các dân tộc và việc phá hủy các lãnh thổ của họ, biết đáp ứng không chậm trễ tiếng kêu của trái đất và của người nghèo.

Kết luận

43. Sự sống ở Amazon, nơi nước, lãnh thổ, và các bản sắc và linh đạo của các dân tộc được đan kết qua lại với nhau, mời gọi đối thoại và học hỏi về tính đa dạng sinh học và văn hóa của nó. Giáo hội tham dự và tạo ra các diễn trình học hỏi nhằm mở ra các nẻo đường đào tạo liên tục về ý nghĩa sự sống được hòa nhập vào lãnh thổ của nó và được làm giàu bằng túi khôn và kinh nghiệm của tổ tiên. Các diễn trình như vậy mời gọi chúng ta đáp ứng một cách trung thực và tiên tri tiếng kêu van sự sống của các dân tộc và vùng đất của Amazon. Điều này ngụ ý một cảm thức đổi mới về sứ mệnh của Giáo hội tại Amazon, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, đi ra ngoài gặp gỡ người khác, khởi diễn các diễn trình hóan cải. Trong bối cảnh này, không gian hiện đang được mở rộng để tái tạo các thừa tác vụ phù hợp với thời điểm lịch sử này. Đây là thời điểm thích hợp để lắng nghe tiếng nói của Amazon và đáp ứng như một Giáo Hội có tính tiên tri và Samaria.

Kỳ tới: Phân II, HỆ SINH THÁI TOÀN DIỆN: TIẾNG KÊU CỦA TRÁI ĐẤT VÀ CỦA NGƯỜI NGHÈO