Điều kiện sinh hoạt tồi tệ trong các trại tỵ nạn với những nguồn viện trợ nhỏ giọt và thất thường, cùng với sự lụi tàn hy vọng được trở về cố hương trước những chiến thắng dòn dã của quân khủng bố Hồi Giáo IS, trong bối cảnh sự thờ ơ của thế giới, đã khiến hàng trăm ngàn người tị nạn tại Iraq, Syria và A Phú Hãn lũ lượt tìm đường vượt biên sang Âu Châu.

Theo những con số thống kê chưa đầy đủ 340,000 người tị nạn đã di dân bất hợp pháp vào Âu Châu trong 6 tháng đầu năm nay. Chỉ riêng trong tháng 7, con số người tị nạn tràn vào Âu Châu đã tăng vọt lên tới 107,500 người. Trong khi đó xác những người vượt biên bằng đường biển trôi bập bềnh vào bờ biển của Libya và Thổ Nhĩ Kỳ. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ước tính có ít nhất 2800 người đã chết trong vùng biển Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay.

Sau khi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được tại thành phố Al-Qaryatayn, thiết lập guồng máy hành chính tại đây, đã có những lo âu theo đó các cường quốc phương Tây đang thỏa thuận với các cường quốc dầu hỏa trong vùng mượn tay quân khủng bố Hồi Giáo IS để thực hiện sách lược Hồi Giáo hóa khu vực. Làn sóng người tị nạn tràn vào Âu Châu càng tăng vọt và ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng người tị nạn đánh nhau với công an biên phòng khi họ bị ngăn cản vượt qua biên giới.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng 9 tại quảng trường Thánh Phêrô trước hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các giáo xứ và các tổ chức Công Giáo trên toàn Âu Châu đón nhận người tị nạn.

Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, người ta nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua các việc làm của chúng ta, như cuộc sống của chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta mà chúng ta tưởng niệm ngày qua đời hôm 5 tháng 9 này.

Đứng trước thảm trạng hàng chục ngàn người tị nạn trốn chạy cái chết vì chiến tranh và đói và họ đang hành trình tiến về cuộc sống hy vọng, Tin Mừng kêu gọi chúng ta, yêu cầu chúng ta hãy trở thành ”những người thân cận của những ngừơi bé nhỏ nhất và bị bỏ rơi, mang lại cho họ một niềm hy vọng cụ thể. Nếu chỉ nói ‘Can đảm lên, hãy kiên nhẫn!..’ mà thôi thì chưa đủ. Niềm hy vọng Kitô có sức phấn đấu, với sự kiên trì của người đang tiến về một mục tiêu chắc chắn. Vì thế, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến gần, tôi kêu gọi các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và Đền thánh ở toàn Âu Châu hãy biểu lộ sự cụ thể của Tin Mừng và đón tiếp một gia đình tị nạn. Đó là một cử chỉ cụ thể để chuẩn bị cho Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi đan viện, mỗi đền thánh ở Âu Châu hãy tiếp nhận một gia đình, bắt đầu từ giáo phận Rôma của tôi.

Tôi ngỏ lời với các anh em Giám Mục Âu Châu của tôi, là những chủ chăn đích thực, để các vị hỗ trợ lời kêu gọi này của tôi trong các giáo phận của các vị, nhớ rằng Lòng Thương Xót là danh xưng thứ hai của Tình Yêu: ‘Tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy’ (Mt 25,40).

Cả hai giáo xứ ở Vatican cũng sẽ đón nhận 2 gia đình tị nạn trong những ngày này.

Buổi chiều cùng ngày, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã có cuộc họp báo giải thích về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha và các Đức Thượng Phụ trong thế giới Ả rập nhiều lần tuyên bố “Không chấp nhận một Trung Đông không có các tín hữu Kitô”. Một số ký giả nêu câu hỏi có phải với lời kêu gọi này, Tòa Thánh thay đổi thái độ, chấp nhận một thực tế là các tín hữu Kitô không thể trụ lại trong vùng, và do đó chuyển sang phương án đón nhận họ vào Âu Châu.

Cha Federico Lombardi nhấn mạnh rằng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha chỉ nên hiểu là lời mời gọi thể hiện tình đoàn kết và các phản ứng sáng tạo và quảng đại trước cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra khi chúng ta chuẩn bị cho Năm Thánh của Lòng Thương Xót, một sự chuẩn bị phải đi vào cuộc sống thông qua các công việc bác ái cụ thể. Cha Lombardi nhấn mạnh: “Đức Thánh Cha không phải là đang đề cập đến các công việc chuẩn bị về tổ chức hay hậu cần”.

Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi, Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Maronite từ Li Băng cũng lặp lại quyết tâm “Không chấp nhận một Trung Đông không có các tín hữu Kitô”.

Ngài nói:

“Chúng ta biết rằng một thế giới Ả rập không có tín hữu Kitô sẽ là một tai họa cho cả Ðông lẫn Tây phương, bởi vì Ả rập sẽ không còn là một nền văn hóa đa diện, mà sẽ bị nuốt chửng bởi văn hóa tôn giáo của Hồi giáo. Cả Hồi Giáo lẫn Âu châu đều không thể sống trong một hoàn cảnh như thế”

Cha Lombardi nói thêm rằng khi Đức Thánh Cha nói về các giáo xứ, ngài muốn đưa ra lời kêu gọi đến toàn bộ cộng đồng giáo xứ được thiết lập trên thực tại địa phương, chứ không chỉ nhắm đến các linh mục giáo xứ và nhà xứ của các linh mục.

Cha Lombardi nhận xét rằng cộng đoàn giáo xứ sẽ có thể tìm ra cách tốt nhất để thực hiện lời kêu gọi này.

Và khi Đức Thánh Cha nói đến “các cộng đoàn dòng tu” ngài đang sử dụng các từ ngữ mạnh mẽ đã từng sử dụng khi ngài đến thăm “Centro Astalli” là Trung tâm tị nạn ở Rôma do các linh mục dòng Tên điều hành.

Đây là những lời của Đức Giáo Hoàng trong dịp đó: “Chúa đã kêu gọi chúng ta sống với lòng can đảm và lòng hiếu khách quảng đại hơn trong các cộng đoàn, trong các nhà và trong các tu viện không dùng đến. Anh chị em nam nữ tu sĩ thân mến, các tu viện không dùng đến của anh chị em không có ích gì cho Giáo Hội nếu chúng được biến thành khách sạn để kiếm tiền. Các tu viện không dùng đến không thuộc về anh chị em, nhưng là xác thịt của Chúa Kitô cho những người tị nạn. Chúa mời gọi chúng ta sống với lòng can đảm và rộng lượng lớn hơn, để đón nhận những người tị nạn trong cộng đoàn, nhà ở và các tu viện bỏ hoang. Điều này tất nhiên không phải là một điều gì đó đơn giản; nó đòi hỏi một tiêu chuẩn và trách nhiệm, nhưng cả lòng can đảm nữa. Chúng ta làm rất nhiều, nhưng có lẽ chúng ta được kêu gọi để làm nhiều hơn nữa, chấp nhận và chia sẻ với những người mà Chúa Quan Phòng đã gởi đến cho chúng ta phục vụ cụ thể”. (Ngày 10 tháng 9 2013)

Cuối cùng, Cha Lombardi giải thích rằng “hai giáo xứ” Đức Giáo Hoàng đề cập đến bên trong Vatican là giáo xứ của Santa Anna và Đền Thờ Thánh Phêrô. Cha nói rằng hai giáo xứ này là những thực tại vô cùng khác nhau và mỗi giáo xứ sẽ tìm cách riêng của mình để đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng.