SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 16: Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô có nhiều bạn đồng hành và cộng tác với Ngài, những ai là người đáng chú ý?

Khi đi rao giảng Tin Mừng, thánh Phaolô không đi một mình mà thường là có những bạn đồng hành. Vì Ngài đi rao giảng nhiều nơi và nhiều lần khác nhau nên con số những người đi theo thánh nhân cũng thay đổi tùy theo chuyến đi.

Có hơn 30 tên của những người có liên hệ đến công việc truyền giáo với thánh nhân được kể lại trong những thư Ngài viết. Họ là những người cùng đi rao giảng với Phaolô, hoặc những người đưa thư đến các cộng đoàn, hoặc những người xây dựng cộng đoàn điạ phương, hoặc thư ký v.v.…

Điều chắc chắn là những người này đã hỗ trợ Phaolô cả tinh thần lẫn vật chất, thăm viếng, an ủi khi bị cầm tù, giúp Phaolô vượt qua những khó khăn trong việc rao giảng tin mừng.

Trong số hơn 30 tên được nhắc đến, một số tên đáng chú ý nhất là: Timôtê, Titô, Barnabas, Silvanus hay Silas, vợ chồng Priscilla và Aquila, và Appôlô. Trong những người này, Timôtê và Titô đóng vai trò quan trọng đặc biệt vì những lá thư nhắc riêng đến họ.

Timôtê: Phaolô gọi “Timôtê, người cộng tác với tôi” (Rom 16:21), và coi ông là “người con yêu quý và trung tín của tôi trong Chúa.” (1 Cor 4:17), và “Timôtê đã chứng tỏ mình là người có giá trị, bởi vì anh ấy đã cùng với tôi phục vụ Tin Mừng, như con với cha.” (Phil 2:22).

Phaolô cũng kể tên Timôtê như một cộng sự viên cùng gởi lời chào thăm đến các tín hữu Côrintô và cho Philêmon (2 Cor 1:1; Phlm 1:1), và nhắc đến những chia sẻ trong tư tưởng và công việc mục vụ với Phaolô. Timôtê trở thành Kitô hữu ở Lystra (Tiểu Á) trước khi gặp Phaolô. Ông là con một người mẹ Do Thái và người cha Hi Lạp. Phaolô có lòng kính trọng đặc biệt đối với bà Eunice, mẹ Timôtê, và Lois, bà ngoại Timôtê vì lòng đạo đức của họ (2 Tim 1:5). Vì cha Timôtê là người Hi Lap nên Timôtê sinh ra không chịu phép cắt bì như những người Do Thái. Khi Phaolô gặp Timôtê và muốn đem ông theo cộng tác trong việc truyền giáo, Phaolô đã cắt bì cho Timôtê, dù không nhất thiết phải làm vì Phaolô là người đấu tranh cho việc người dân ngoại theo Kitô giáo không cần chịu cắt bì ở công đồng Jerusalem, nhưng để tránh những rắc rối cho người Do Thái theo Kitô giáo vì nhiều người vẫn còn giữ luật cắt bì (Cvtd 16:1-3).

Titô: Không như Timôtê, Titô không bao giờ được nhắc đến trong Công Vụ Tông đồ mà chỉ trong thư của thánh Phaolô mà thôi. Titô là người dân ngoại trở lại, và được Phaolô gọi là “người anh em của tôi” (2 Cor 2:13), là “vừa là bạn đường, vừa là người cộng tác với tôi” (2 Cor 2: 23). Công việc của Titô là sứ giả đưa thư đến cho cộng đoàn Corintô, giáo đoàn mà Titô có nhiều quan hệ thân thiện (2 Cor 7:13-14). Titô cũng giúp Phaolô xin tiền dâng cúng từ giáo đoàn Corintô để giúp giáo đoàn Jerusalem (2 Cor 8:1-7). Điều đặc biệt đáng nhớ về Titô là khi Phaolô về Jerusalem để họp chung với các tông đồ khác để quyết định vấn đề người ngoại (không là Do Thái) có cần cắt bì khi theo Kitô giáo không, Phaolô đã đem theo Titô. Nhờ tài tranh biện của Phaolô và sự hiện diện của Titô, các tông đồ đã quyết định qua phán quyết của Giacôbê là dân ngoại không cần phải chịu cắt bì khi gia nhập Kitô giáo (Gal 2:1-3). Titô trở thành trường hợp điển hình cho người theo Chúa Kitô không cần cắt bì như một nghi thức tôn giáo.

Silvanus là một tiên tri ở Jerusalem (Cvtd 15:32), là sứ giả đưa thư của Phaolô đến cho giáo đoàn Thessalonica (1 Thes 1:1; 2 Thes 1:1). Ông còn giúp Phaolô đi truyền giáo ở Corintô (2 Cor 1:19), và đến với dân ngoại. Phaolô chọn Silanus thay thế cho Barnaba để đồng hành với Ngài trong hành trình truyền giáo lần thứ hai (Cvtđ 15:36-40).

(còn tiếp)

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@stmarys.edu