Danh hiệu này được Đức Giáo Hoàng Theodore thông qua vào năm 642 và được sử dụng trong nhiều thế kỷ, mặc dù phải đến năm 1863, dưới triều đại giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9, danh hiệu này mới xuất hiện lần đầu tiên trong Niên giám Tòa Thánh.

Trong ấn bản năm 2024 của “Annuario Pontificio,” hay Niên giám Tòa Thánh, được phát hành trong tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khôi phục tước hiệu giáo hoàng danh dự cổ xưa là “Đức Thượng Phụ Tây phương”, đảo ngược quyết định đình chỉ tước vị này năm 2006 của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.

Sự chỉ định danh dự này đã xuất hiện trở lại trong danh sách “các danh hiệu lịch sử” được sử dụng để chỉ thực tại thần học và trần thế của chức vụ giáo hoàng. Những danh hiệu này bao gồm Đại diện Chúa Giêsu Kitô, Người kế vị Hoàng tử các Tông đồ, Giáo hoàng tối cao của Giáo hội Hoàn vũ, và Tổng Giám mục của giáo phận Rôma, cùng những danh hiệu khác nữa.

Sau quyết định hủy bỏ danh hiệu này của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vào năm 2006, Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo (lúc đó là Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo) đã đưa ra một tuyên bố lưu ý rằng danh hiệu này đã trở nên “lỗi thời” và “không còn sử dụng được nữa”.

Hội Đồng lập luận rằng sự hiểu biết về văn hóa và địa lý của phương Tây đã mở rộng từ Tây Âu sang cả Bắc Mỹ, Úc và New Zealand.

Vào thời điểm đó, Hội Đồng cho biết: “Việc từ bỏ danh hiệu này nhằm thể hiện chủ nghĩa hiện thực lịch sử và thần học, đồng thời, là việc từ bỏ một yêu sách, một sự từ bỏ có thể mang lại lợi ích cho cuộc đối thoại đại kết”.

Aristomenis “Menios” Papadimitriou, một nhà sử học tôn giáo tại Đại học Fordham chuyên về Kitô giáo hiện đại, nói với CNA qua email rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm hiểu về quyết định này sẽ có nguy cơ “chủ yếu là suy đoán” và “không có cơ sở hiểu biết nghiêm chỉnh về sự quản lý giáo hội”.

Nhưng Papadimitriou lưu ý rằng “trọng tâm của nó là câu hỏi về ý nghĩa lịch sử và đương đại của danh hiệu giám mục tôn kính ‘Đức Thượng Phụ’ và cuộc đời của danh hiệu đó qua những thăng trầm của lịch sử”.

Cả Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo lẫn Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đều không đưa ra tuyên bố giải thích quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc khôi phục danh hiệu này.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện những thay đổi đối với các chức danh giáo hoàng trong Annuario Pontificio, một cẩm nang chính thức dài hơn 2.400 trang về cơ cấu và hàng lãnh đạo toàn cầu của Giáo Hội Công Giáo.

Các danh xưng tôn kính trước đây đã được xuất bản bên trên tiểu sử ngắn gọn của giáo hoàng, nhưng tính đến năm 2020, chúng được liệt kê bên dưới tiểu sử đó với phông chữ nhỏ hơn và được xác định là “danh xưng lịch sử”.

Theo Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, quyết định năm 2020 “nhằm chỉ ra mối liên hệ với lịch sử của giáo hoàng” hơn là “lịch sử hóa” chính các tước hiệu.

Cùng năm đó, Đức Hồng Y Gerhard Mueller, cựu tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican, đã bác bỏ động thái này, gọi đó là một hành động “man rợ thần học”.

Ngài lập luận rằng cuốn kỷ yếu sửa đổi đã trộn lẫn thuật ngữ “Đại diện của Chúa Kitô” với những danh hiệu “không liên quan gì đến quyền tối thượng và chỉ phát triển về mặt lịch sử chứ không có ý nghĩa tín điều, chẳng hạn như 'Quốc trưởng Thành phố Vatican'“.

Nikos Tzoitis, một nhà phân tích tại văn phòng báo chí của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople và là cựu phát ngôn viên của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, đã lập luận trong một bài báo ngày 6 tháng 4 rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng về việc giới thiệu lại danh xưng kính trọng Đức Thượng Phụ Tây Phương là một phần của việc khám phá lại tình huynh đệ.”

Tzoitis viết: “Bằng cách này, ngài muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tính đồng nghị đã mất trong Giáo hội của Chúa, vốn thể hiện Thân thể của Chúa Kitô và lấy tính đồng nghị làm công cụ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã củng cố đối thoại đại kết như một trong những ưu tiên chính trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Vào năm 2014, Đức Phanxicô, trong chuyến tông du tới Thánh địa, đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Thượng phụ Chính thống giáo Đại kết Athenagoras I của Constantinople trên Núi Ô-liu ở Giêrusalem vào năm 1964.

Đó là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa một giáo hoàng và một thượng phụ đại kết kể từ năm 1438, đánh dấu một sự thay đổi mô hình trong mối quan hệ đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính thống giáo Đông phương.

“Chúng ta cần phải tin rằng, giống như tảng đá trước ngôi mộ đã bị ném sang một bên, thì mọi trở ngại cho sự hiệp thông trọn vẹn của chúng ta cũng sẽ bị loại bỏ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài phát biểu năm 2014 với Đức Thượng phụ Đại kết.


Source:Catholic News Agency