Đức Thánh Cha Phanxicô quyết tâm thăm Iraq từ ngày 5 đến 8 tháng 3, không hề nao núng trước mối đe dọa khủng bố, bất ổn chính trị và xã hội, và số lượng COVID-19 đang gia tăng tại nước này. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã đưa ra lập trường trên vào hôm thứ Ba 2 tháng Ba.

Khi liên tục bị các nhà báo chất vấn tại sao chuyến đi tiếp tục được tiến hành, không thể dời lại vào một thời điểm khác thích hợp hơn, phát ngôn viên của Vatican trả lời rằng đó là “hành động xuất phát từ tình yêu đối với vùng đất này, đối với người dân và các Kitô hữu trong vùng”.

Khu vực mà ngày nay là Iraq đóng một vai trò quan trọng trong Kinh thánh: Truyền thống của các Giáo Hội Đông phương tin rằng Chúa lấy bùn từ sông Tigris để tạo ra người đàn ông; cũng chính tại nơi này người ta tìm thấy những tàn tích nơi sinh của Tổ Phụ Áp-ra-ham, là thành Ur; và Đồng bằng Ninivê là địa điểm được đề cập đến trong Sách Giô-na.

Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của một vị Giáo hoàng tới Iraq, đất nước mà cả Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI đều đã cố gắng đến thăm nhưng không được.

Đây cũng sẽ là lần đầu tiên một Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ theo nghi thức Chanđê, của Giáo Hội Công Giáo chiếm đa số tại Iraq; đây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên của một vị Giáo hoàng với một Grand Ayatollah của nhánh Hồi giáo Shiite – là Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani, tại thành phố Najaf; và vâng đây là chuyến đi đầu tiên của một vị Giáo hoàng trong một trận đại dịch toàn cầu.

Vì lý do này, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói rằng tất cả các biện pháp phòng ngừa có thể đã được thực hiện để tránh chuyến đi trở thành một tai họa lây nhiễm COVID-19. Các biện pháp bao gồm việc Đức Giáo Hoàng di chuyển trong một chiếc xe kín mít thay vì chiếc popemobile truyền thống, để tránh các đám đông trên đường phố; số lượng người tham dự mỗi sự kiện bị cắt giảm mạnh để tạo khoảng cách xã hội; và việc sử dụng khẩu trang sẽ là bắt buộc.

Sự kiện lớn nhất sẽ diễn ra vào Chúa Nhật, khi Đức Phanxicô cử hành Thánh lễ tại sân vận động “Franso Hariri” ở Erbil. Chỉ có 10,000 người được phép vào cơ sở có thể chứa đến 30,000 chỗ ngồi và họ sẽ ngồi ở chỗ được chỉ định trước.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được chủng ngừa COVID-19, cũng như hơn 70 nhà báo đi cùng ngài trên máy bay của Giáo hoàng.

Tuy nhiên, Iraq mới chỉ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào thứ Ba, có nghĩa là hầu hết những người tham dự các sự kiện với Đức Giáo Hoàng sẽ không được tiêm vắc xin coronavirus.

Ông Matteo Bruni đã đề cập trong cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng 57% dân số của đất nước dưới 25 tuổi, điều này có thể giúp giải thích tại sao nước này chỉ có 341 ca tử vong liên quan đến coronavirus trên một triệu người, so với 1,561 ca tử vong trên một triệu người ở Hoa Kỳ và 1,624 người chết trên một triệu người ở Ý.

Các nhà tổ chức có những lo ngại khác ngoài đại dịch, và người phát ngôn của Đức Giáo Hoàng thừa nhận có khả năng Đức Phanxicô sẽ tuân thủ yêu cầu của chính phủ Iraq yêu cầu ngài sử dụng một chiếc xe bọc thép.

Khi được hỏi tại sao chuyến đi không thể bị hoãn lại, người phát ngôn cho biết nếu không có gì khác, nó đáng lẽ phải xảy ra sớm hơn, nhưng khoảng thời gian này là “thời điểm đầu tiên có thể xảy ra cho một cuộc hành trình như thế này”.

“Mọi thứ đều có sự cấp bách của nó, tất cả các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện liên quan đến vấn đề sức khỏe, nhưng có lẽ cách tốt nhất để giải thích cuộc tông du này là nói rằng đó là một hành động của tình yêu đối với vùng đất này, đối với người dân và các tín hữu Kitô Iraq,” ông Bruni nói. “Mọi hành động yêu thương đều có thể được hiểu là cực đoan, nhưng điều đó cũng là một sự xác nhận cho một tình yêu cực độ và người được yêu được củng cố trong tình yêu đó”.

Đối với Đức Phanxicô, chuyến đi là một sứ mệnh gồm ba phần: thứ nhất là khuyến khích cộng đồng Kitô hữu địa phương, vốn là nạn nhân triền miên của bách hại và chủ nghĩa cực đoan; thứ hai là theo đuổi đối thoại với Hồi giáo Shiite; và thứ ba là gặp gỡ với toàn thể quốc gia Iraq.

Điều mà ông Bruni không muốn đề cập đến là các tín hữu Kitô, và các dân tộc thiểu số khác tại Iraq, vẫn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Mặc dù ISIS đã chính thức bị đánh bại, nhưng chủ nghĩa thánh chiến ở Iraq thì không, và các cuộc tấn công và tội ác bạo lực của các lực lượng dân quân chống lại các nhóm thiểu số vẫn diễn ra hàng ngày.

Ông Bruni nói: “Rõ ràng là Đức Giáo Hoàng cũng đã nhìn ra nhu cầu “củng cố người dân Iraq về mặt đức tin của họ”, nhưng ngài cũng muốn củng cố họ “về mặt yêu thương, như sứ mệnh của người kế vị thánh Phêrô đòi buộc”.

Chính quyền Iraq đang lúng túng trước các khó khăn rất lớn để tìm cách vực dậy nền kinh tế của đất nước sau chiến tranh trong bối cảnh phải đương đầu với đại dịch coronavirus. Họ rất chờ mong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô. Những lời chỉ trích chống báng chuyến tông du của Đức Thánh Cha chỉ nổi lên từ một số thành phần bên ngoài Iraq. Càng gần đến chuyến tông du, những lời chỉ trích càng tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, cũng có 29 tổ chức dựa trên đức tin hoạt động trên thực địa đã đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ chuyến thăm.

“Iraq là cái nôi của nền văn minh nhân loại và là một đất nước xinh đẹp với sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo”, tuyên bố được công bố vào cuối ngày thứ Ba nhận định. “Trong nhiều thế kỷ, nhiều cộng đồng dân tộc và tín ngưỡng sống cạnh nhau ở vùng đất này. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, Iraq đã phải hứng chịu chiến tranh, mất an ninh và bất ổn và gần đây nhất là sự trỗi dậy của ISIS. Một chuỗi các cuộc xung đột như vậy đã làm căng thẳng sâu sắc mối quan hệ giữa các cộng đồng và làm hỏng cấu trúc xã hội của đất nước”.

Các bên ký kết bao gồm Tổ chức Cứu trợ Hồi giáo trên toàn thế giới, Dịch vụ Tị nạn Dòng Tên, Liên đoàn Thế giới Luther, Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo và Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông thuộc quỹ giáo hoàng.

Tuyên bố cho biết Iraq vẫn phải đối mặt với những thách thức khó khăn: Có 1.2 triệu người Iraq phải di tản bên trong nội địa và hơn 4.8 triệu người hồi hương đã trở về nhà ở các thành phố và làng mạc cần được xây dựng lại.

“Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, do đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm, đang đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói và tước đi các nguồn lực cần thiết của chính phủ để hỗ trợ người dân của mình”.

“Là các tổ chức dựa trên đức tin, chúng tôi hoàn toàn chấp nhận thông điệp về tình huynh đệ và đối thoại mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang mang đến cho Iraq. Chúng tôi tin chắc rằng chuyến tông du này đại diện cho một con đường cần thiết để chữa lành vết thương trong quá khứ và xây dựng tương lai cho các cộng đồng đa dạng của đất nước. Chúng tôi phối hợp với các Chính quyền địa phương và quốc gia để giúp các cộng đồng hòa giải, xây dựng lại hòa bình và đòi lại các quyền tập thể của họ về an toàn, dịch vụ và sinh kế”.
Source:Crux