Học Đường

" Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn ! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào ! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi ! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.

Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới 3 vạn đứa trẻ cũng như con đi "chầu" lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ : xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẽm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng : chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi "xe trượt" trên những bãi băng giá lanh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.

Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.

Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ : ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy.

Cố lên ! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia ! Cố lên ! Con ơi ! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cứu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát. "

*Sơ lược về Tác giả.

Trong những năm còn ngồi trên ghế học đường, tôi rất say mê những tác phẩm mang tính giáo dục như : Le Livre de Mon Ami (Quyển truyện của bạn tôi), Anatole France - Les Miserables (Những kẻ khốn cùng), Victor Hugo – Sans Famillies (Vô gia đình) và En Famillies (Trong gia đình) của Hector Malot. Thơ ngụ ngôn Jean de la Fontain-… và đặc biệt Nhật ký Les Grands Coeurs của Edmond de Amicis được Hà Mai Anh dịch sang Việt ngữ tựa đề ‘Tâm Hồn Cao Thượng’.

Vì là người Ý, nên tác phảm ‘Les Grands Coeurs’ xuất bản đầu tiên năm 1886 dịp khai trường chỉ có một chữ tiếng Ý ‘Cuore’ (trái tim), được nhiều người chú ý và chuyển qua nhiều thứ tiếng.

Văn hào Amicis người Ý sinh năm 1846 tại Ý Đại Lợi, là sĩ quan quân đội. Sau khi xuất ngũ ông viết văn và cộng tác với một số báo chí, sáng tác nhiều tác phẩm giá trị được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Ngoài những tác phẩm trên còn sáng tác một loạt truyện du ký : Tây Ban Nha, Hà Lan, Luân Đôn, Ba Lê, Maroc…và viết lại ghi nhớ về Đời quân ngũ.

Tác phẩm ‘Tâm Hồn Cao Thượng’ dưới thời VNCH được đưa vào dạy tại học đường, như kim chỉ nam qua nhiều thế hệ, đầy tính nhân bản cho cha mẹ và tuổi trẻ về lòng yêu ông bà, cha mẹ, con cái, bạn bè, tình người, tình nhân loại, lòng ái quốc, yêu người nghèo khổ …

Truyện viết theo lối nhật ký ghi lại từng ngày những điều tầm thường xảy ra, gồm 60 truyện với những nhân vật chính là Enrico và cha mẹ cậu. Nhưng dưới bút pháp tài tình, ý tưởng mạch lạc, lời văn chân thật trong sáng, không tầm thường nhàm chán dễ lôi cuốn người đọc. Đọc mỗi truyện nhiều khi ta tìm thấy chính mình hiện diện trong đó. Trong 60 truyện ngắn, tôi thích nhất 3 truyện ‘Thày dạy cha tôi- Chú bé trinh sát và Quê người tìm mẹ’ rất cảm động đầy tình người thiện hảo, đọc hết truyện thấy lòng còn vấn vương chưa muốn dứt.

Những tình tiết mô tả thật phong phú như tình yêu cha mẹ đối với con cái qua 2 truyện ‘Mẹ tôi và cha tôi’. Kỷ niệm trường lớp, thày dạy, bạn học ‘Ngày khai trường- Thày giáo mới- Cô giáo trường tôi- Học đường- Thày học của cha tôi.’ Tình người bao dung hào hiệp đồng cảm ‘Học trò nghèo- Kẻ khó- Một tai nạn-Thăm trường mù- Chú bé quét mồ hóng.’ Lòng yêu quê hương tổ quốc ‘Lòng ái quốc- Cậu bé Miền nam- Cậu bé đánh trống- Cậu bé Padova-Cậu bé trinh sát’

*Dịch giả Hà Mai Anh. Sinh năm 1905 tại Thái Bình Bắc Việt, tốt nghiệp Cao đẳng và Sư phạm, từng là nhà giáo và hiệu trường. Ông dịch bản Les Grands Coeurs từ tiếng Pháp qua Việt ngữ tựa đề ‘Tâm hồn cao thượng’ đã đọat giải văn chương Hội Alexandre de Rhodes và sách thuộc loại luân lý giáo khoa, đưa vào chương trình giáo dục học đường. Ngoài quyển Tâm hồn cao thượng, ông còn dịch nhiều truyện khác như : Sans Famillies- & En Famillies (Vô gia đình & Trong gia đình), Hector Malot- Du ký Guilliver’s Travels của Jonathan Swift- Le Tour du Monde en quatre-vingts Jours (80 ngày vòng quanh thế giới), Jules Verne. Năm 1954 dư cư vào Nam làm hiệu trưởng Trung học Trần Quí Cáp, sau qua làm tại ban Tu thư Học liệu Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH. Sang định cư tại Hoa Kỳ và mất năm 1975.

Trích đoạn ‘Học đường’ nêu trên là thư người cha gởi cho con mình, chứng minh cho ta thấy sự cần thiết và đa dạng trong việc đào tạo lớp tuổi trẻ rường cột tương lai cho quốc gia và nhân loại.

Để kết thúc bài viết về ‘Học đường’, xin mượn đọan cuối Lá thư mẹ Enrico viết cho cậu : ‘Enrico con ơi ! Trường học ví như người mẹ đã dứt con ở trong ta khi con chưa nói sõi, để trả lại ta một đứa con khỏe mạnh tử tế và siêng năng. Lạy Thương Đế giáng phúc cho người mẹ khoan từ ấy! Này con, con đừng quên vị ân nhân ấy, con ơi ! Mai sau nên người, con sẽ du lịch trên thế giới, con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những lâu đài nguy nga. Nhưng con phải nhớ luôn luôn đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh, vì đây là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nảy nở. Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ của con sẽ in vào ký ức cho đến lúc cần hơi thở, cũng như không bao giờ mẹ quên được dáng cái nhà cũ kỹ ở đấy, mẹ đã nghe những lời nói ban đầu của con. Mẹ con.’

*Giáo dục dưới chế độ Việt cộng.

‘ Theo mạng báo Soha.vn, ngày 17/2/21 đã phát đi video với nội dung một học sinh trung học phản ứng mang tính bạo lực khi bị cô giáo thu điện thoại trong giờ học. Cậu học sinh lớn tiếng yêu cầu cô giáo trả lại điện thoại, chửi bậy trong lớp. Đồng thời đi thẳng lên bàn cô giáo lấy lại điện thoại và tát vào mặt cô giáo trong sự sửng sốt của các bạn học cùng lớp.

Đó là nguyên văn 1 đoạn trich dẫn trong bản tin trên của Soha.vn.

Tôi là một nhà giáo trước đây và đã viết nhiều bài về tình Thày Trò dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, với một nền giáo dục nhân bản ảnh hưởng rất sâu đậm đến lớp trẻ thời đó. Và ngày nay tại hải ngoại qua ½ thế kỷ dù học sinh cũ đã trên dưới 70 vẫn còn giữ được lòng tôn kính thân thương giữa thày và bạn học cũ qua các buổi họp mặt đầm ấm thân tình, mà chính tôi cũng được thừa hưởng.

Còn dưới chế độ tà quyền Việt cộng ngày nay, nền giáo dục suy đồi trầm trọng làm băng hoại lớp tuổi trẻ.

Thày không còn được học trò kính trọng, bạn học hành động tàn ác trước sự bất lực của thày và sự cổ võ của bạn học.

Tôi phải viết vội bài ‘Học đường’ trích trong tác phẩm ‘Tâm Hồn Cao Thượng’ để so sánh nền giáo của nước Ý và VNCH với nền giáo dục hiện nay để rút ra bài học làm người. Nhưng không biết bọn VC hay khoe khoang là ‘Đỉnh cao trí tuệ’ có thấy xấu hổ về nền giáo dục khuôn đúc vô giáo dục hiện nay không?

Than ôi ! Chỉ khi nào bọn tà quyền VC sụp đổ chúng ta mới tìm lại được nền giáo dục VNCH xưa !

Đinh văn Tiến Hùng