Chương V: Lắng nghe người trẻ

64. Quan tâm và chăm sóc người trẻ được phát biểu trong Tài Liệu Chuẩn Bị đã được các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhắc lại. Các câu trả lời của các ngài cho câu hỏi «Các người trẻ thực sự đã yêu cầu điều gì nơi Giáo Hội ở nước qúy vị?» khá rộng và nhiều mặt. Trong Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng, một số người trẻ tự phát biểu một cách khá tự do, cố gắng truyền đạt các suy nghĩ của mình một cách không lựa lọc chi cả. Kinh nghiệm của cuộc Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng được các người trẻ giải thích bằng cùng những đường hướng tương tự. Các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC lắng nghe người trẻ theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, các ngài thường tập chú vào những người trẻ nào là các thành viên tích cực của các nhóm trong giáo hội, với nguy cơ coi họ là đại diện cho toàn bộ thế giới trẻ. Điều có thể đoán trước được là, phần lớn người trẻ tham gia Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng là thành phần của các tổ chức trong giáo hội. Nhiều người đã nhận định đi nhận định lại rằng cách tốt nhất để lắng nghe người trẻ là có mặt ở nơi họ hiện diện, chia sẻ trải nghiệm hàng ngày của họ. Những người tham gia cuộc Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng đã hào hứng tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng rằng Giáo hội và các định chế khác có thể học hỏi từ diễn trình của cuộc Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng này và lắng nghe các tiếng nói của giới trẻ” (GMTHĐ, Giới thiệu). Nhiều người trả lời Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng cũng bày tỏ lòng biết ơn và sự đánh giá cao của họ đối với cơ hội này.

Cố gắng lắng nghe

65. Như một thanh niên đã phát biểu một cách đáng ghi nhớ, «trong thế giới đương thời của chúng ta, thời gian dành cho việc lắng nghe không bao giờ lãng phí» (CHTT) và cuộc Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng cho thấy: lắng nghe là loại ngôn ngữ trung thực và mạnh bạo nhất mà giới trẻ đang hết lòng tìm kiếm nơi Giáo Hội. Chúng ta cũng nên thừa nhận rằng việc Giáo Hội thực sự lắng nghe mọi người trẻ không trừ ai là điều khó khăn. Nhiều người trẻ cảm thấy tiếng nói của họ không được thế giới người lớn coi là đáng lưu ý hoặc hữu ích, cả trong lĩnh vực xã hội lẫn giáo hội. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nói rằng những người trẻ cảm thấy «Giáo Hội không tích cực lắng nghe các tình huống được người trẻ trải nghiệm» và «ý kiến của họ không được xem xét nghiêm túc». Thay vào đó, theo một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC khác, rõ ràng là giới trẻ «đang yêu cầu Giáo hội với tới họ để lắng nghe và chào đón họ, đối thoại và hiếu khách đối với họ». Cùng những người trẻ này cho rằng «ở một số nơi trên thế giới, người trẻ đang rời bỏ Giáo Hội với số lượng lớn. Hiểu được lý do tại sao rất quan trọng trong việc tiến lên phía trước » (GMTHĐ 7). Để chắc chắn, trong số những lý do gây ra điều này, chúng ta thấy có sự dửng dưng và không lắng nghe; «Giáo hội thỉnh thoảng cũng tỏ ra quá nghiêm khắc và thường liên hệ với chủ nghĩa duy luân lý thái quá » (GMTHĐ 1).

Ước mong một “Giáo Hội Chân Chính”

66. Một số lượng lớn người trẻ, phần lớn thuộc các khu vực bị duy tục cao, không yêu cầu Giáo Hội bất cứ điều gì, vì họ không thấy Giáo Hội như một người đối thoại quan trọng trong đời sống họ. Thực thế, một ít người trong số họ minh nhiên yêu cầu để mặc họ, vì họ cảm thấy sự hiện diện của Giáo Hội gây phiền hà, thậm chí khó chịu. Yêu cầu này không bắt nguồn từ sự khinh thị thiếu phê phán hoặc bốc đồng, nhưng bắt nguồn sâu xa từ những lý do nghiêm túc và đáng kính: các tai tiếng về tình dục và kinh tế, mà giới trẻ muốn Giáo hội «tiếp tục thực thi chủ trương tuyệt đối không khoan nhượng đối với việc lạm dụng tình dục trong các định chế của mình» (GMTHĐ 11); việc thiếu chuẩn bị nơi các thừa tác viên thụ phong, những người không biết cách nắm bắt cuộc sống và các nhạy cảm của giới trẻ một cách thỏa đáng; vai trò thụ động dành cho người trẻ trong cộng đồng Kitô hữu; sự khó khăn của Giáo Hội trong việc giải thích các lập trường tín lý và đạo đức của mình trong xã hội đương thời.

67. Dù họ rất phê phán, trong căn bản, người trẻ vẫn muốn Giáo Hội là một định chế tỏa sáng nhờ gương sáng, kiến thức, tinh thần đồng trách nhiệm và khả năng co dãn về văn hóa của mình. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nói rằng «người trẻ muốn thấy một Giáo Hội biết chia sẻ hoàn cảnh sống của họ trong ánh sáng Tin Mừng hơn là ban các bài giảng»! Tóm lại, đây là những gì người trẻ muốn nói: «Người trẻ ngày nay khao khát một Giáo hội chân chính. Chúng tôi muốn nói, nhất là với phẩm trật của Giáo hội, rằng họ phải là một cộng đồng minh bạch, chào đón, trung thực, mời gọi, biết thông đạt, dễ tiếp cận, vui vẻ và tương tác» (GMTHĐ 11).

Một Giáo Hội “có tính tương quan nhiều hơn”

68. Nhiều người trẻ tin rằng cách tiếp cận giáo hội đổi mới là điều có tính quyết định, đặc biệt theo quan điểm tương quan: rất nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC quả quyết rằng người trẻ muốn có một Giáo Hội «ít tính định chế và nhiều tính tương quan hơn», nghĩa là có thể «chào đón người ta mà không phán xét họ trước », một « Giáo hội thân thiện và gần gũi », một cộng đồng giáo hội giống như « một gia đình nơi bạn cảm thấy được chào đón, lắng nghe, trân quí và hòa nhập». Cũng theo cuộc Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng, “chúng ta cần một Giáo hội chào đón và thương xót, biết đánh giá cao nguồn gốc và gia tài của mình và biết yêu thương mọi người, cả những người không tuân theo các tiêu chuẩn đã được nhận thức (GMTHĐ 1).

69. Những người trẻ từng tham gia nhiều nhất vào đời sống của Giáo Hội đã phát biểu nhiều yêu cầu chuyên biệt khác nhau. Phụng vụ là một chủ đề thường xuất hiện: họ muốn nó sống động và gần gũi, trong khi nó thường không dẫn đến «việc trải nghiệm được cảm thức cộng đồng hay gia đình như Nhiệm Thể Chúa Kitô» (GMTHĐ 7); họ cũng đề cập đến các bài giảng, mà nhiều người tin rằng không thỏa đáng để đồng hành với họ trong việc biện phân tình thế của họ trong ánh sáng Tin Mừng. «Người trẻ bị thu hút bởi niềm vui, một niềm vui nên là dấu chỉ chuyên biệt cho đức tin của chúng ta» (GMTHĐ 7), nhưng là điều xem ra cộng đồng Kitô hữu thường không có khả năng chuyển giao.

70. Một yêu cầu khác đề cập đến việc dẫn nhập phong cách đối thoại trong và ngoài Giáo hội: người trẻ tin rằng cần phải giải quyết một số vấn đề lớn trong thời đại của chúng ta, chẳng hạn như nhìn nhận và nâng cao vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và trong xã hội. Một số người trẻ khuyến khích Giáo hội thâm hậu hóa cách giải thích đức tin về phương diện văn hóa, giúp ta đối thoại hữu hiệu với các hình thức nhận thức và truyền thống tôn giáo khác: «Trong một thế giới hoàn cầu hóa và liên tôn, Giáo hội cần phải không những đưa ra các điển hình mà còn khai triển chi tiết các hướng dẫn thần học cho một cuộc đối thoại hòa bình và xây dựng với những người có đức tin và truyền thống khác» (GMTHĐ 2).

Một cộng đồng “Cam kết với công lý”

71. Ở một số nơi trên thế giới đang bị các loại nghèo đói khác nhau hoành hành, người trẻ yêu cầu được sự giúp đỡ vật chất hoặc đồng hành để chữa lành nỗi đau khổ của họ. Nhưng ở những nơi Giáo hội bị coi như một định chế chỉ biết tích cực tham gia việc cổ vũ dân sự và xã hội, thì họ yêu cầu sự hiện diện có tính tiên tri được tiếp tục một cách can đảm và mạnh bạo, bất chấp bầu khí bạo lực, đàn áp và bách hại bao quanh cuộc sống của một số cộng đồng Kitô hữu. Nhiều người trẻ yêu cầu Giáo hội có một óc thực tiễn hơn trong thực hành, đụng đến nhiều vấn đề khác nhau: thực sự đứng về phía người nghèo, quan tâm đến các vấn đề môi trường, làm cho việc chọn lựa sống đơn giản và minh bạch hiển thị hơn, chân thực và rõ ràng nhưng cũng mạnh bạo trong việc tố cáo tà ác một cách triệt để , không những trong xã hội dân sự và thế giới, mà còn trong chính Giáo hội nữa. «Giáo hội nên củng cố các sáng kiến chống lại nạn buôn người và di cư cưỡng bức, cũng như buôn bán ma túy, một vấn đề hết sức quan trọng ở châu Mỹ Latinh» (GMTHĐ 14).

Tiếng nói của các chủng sinh và tu sỹ nam nữ trẻ

72. Nhiều chủng sinh, và tu sỹ nam nữ trẻ đang được huấn luyện, đã phát biểu quan điểm của họ nhiều cách khác nhau về chủ đề của Thượng Hội Đồng, vốn là nguyên nhân gây nên niềm vui lớn lao đối với họ. Các tiêu chí và thách thức của họ hướng dẫn chúng ta theo ba hướng chuyên biệt.

Hướng thứ nhất liên quan tới chủ đề huynh đệ: phát xuất từ các bối cảnh nặng óc cạnh tranh và chủ nghĩa cá nhân, họ yêu cầu có được một cuộc sống thực sự huynh đệ, xoay quanh các dây nối kết và yêu mến chung. Họ muốn Giáo Hội trở thành “tiên tri của tình huynh đệ”, một ngôi nhà có thể trở thành gia đình của họ.

Sau đó, là lời yêu cầu về linh đạo, để có được một Giáo Hội nơi việc cầu nguyện và sự thân mật với Thiên Chúa được đặt ở trung tâm. Ở một số nơi trên thế giới, có một sự cởi mở tự phát dẫn tới siêu việt; ở những nơi khác, những nơi bị chi phối bởi “chủ nghĩa nhân bản độc chiếm”, Giáo hội được yêu cầu trở thành huyền nhiệm, có khả năng giúp người ta hé nhìn thấy siêu việt trong đời sống con người nam nữ. Vì lý do này, một số coi phụng vụ như thời điểm tiên tri.

Cuối cùng, lời yêu cầu có được tính triệt để vẫn còn mạnh mẽ, mặc dù không phải lúc nào cũng được hỗ trợ bởi sự nhất quán bản thân: ngoài một ít bối cảnh trong đó, sự chọn lựa đời sống thánh hiến và thừa tác vụ thụ phong bị liên kết với việc tìm kiếm an toàn kinh tế và xã hội, thông thường khi người trẻ quyết định chọn các hình thức sống này, họ đều chọn, một cách có ý thức, tính triệt để của Tin Mừng, một tính đòi có sự đồng hành chuyên biệt và tiệm tiến hướng tới việc hiến mình cho Thiên Chúa và cho các anh chị em của chúng ta.

Kỳ sau: PHẦN II: Giải Thích