Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha đau buồn vì vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Hy Lạp

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi trận hỏa hoạn kinh hoàng tại các khu vực quanh thủ đô Athens (Nhã Điển) của Hy Lạp, trong đó có ít nhất 60 người bị thiệt mạng.

Ngọn lửa kinh hoàng xảy ra vào hôm thứ Hai 23 tháng 7 và vẫn còn hoành hoành dữ dội trong ngày thứ Ba,

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn bi thảm này tại miền Attica. Người ta đã tìm thấy 60 thi thể. Con số thương vong có thể còn lên cao hơn rất nhiều.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, gởi thay mặt cho ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và con số đông đảo những người bị thương trong vụ hỏa hoạn.

Nơi bị thiệt hại nặng nhất là Mati, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hy Lạp. Sáng thứ Ba 24 tháng 7, ít nhất 26 thi thể gồm đa số là phụ nữ và trẻ em đã được tìm thấy. Dường như họ đã cố chạy ra biển nhưng ngọn lửa kinh hoàng đã chụp xuống họ. Thi thể của 26 người này trong thư thế ôm cứng lấy nhau trước khi chết.

Ngọn lửa xuất phát từ một cánh rừng trên một ngọn đồi và được gió mạnh đến cấp 9 thổi đi nên lây lan rất nhanh. Ít nhất 130 người bị thương và hàng chục người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch. Hàng trăm ngàn ngôi nhà bị thiêu rụi cùng với hàng ngàn xe hơi bị bỏ lại trên đường khi các tài xế lao nhanh ra biển để sống sót. Tính chất bất ngờ và kinh hoàng của trận hỏa hoạn đã khiến nhiều nhà bình luận liên hệ biến cố này với thảm họa được mô tả trong Kinh Thánh.

Khoảng 700 người, trong đó có nhiều du khách, đã được lực lượng tuần duyên của Hải Quân Hy Lạp cứu thoát.

Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng ca ngợi các cơ quan dân sự và các nhân viên cấp cứu khi họ anh dũng giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này, và trên hết ngài cầu nguyện xin Chúa gìn giữ họ, tăng cường sức mạnh và an ủi họ.

2. Tâm thư của Đức Hồng Y Timothy Dolan gởi các tín hữu Công Giáo về Chín Tuần cầu nguyện cho Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ

Tổng thống Donald Trump, đã đề cử ông Brett Kavanaugh vào chức vụ thẩm phán của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ để thay thế cho Thẩm Phán Anthony Kennedy tuyên bố nghỉ hưu vào ngày 27 tháng 6 năm 2018. Việc bổ nhiệm của tổng thống Trump còn phải được sự phê chuẩn của Thượng Viện Hoa Kỳ.

Việc phê chuẩn này chắc chắn là rất khó khăn vì ứng viên Cavanaugh là một người Công Giáo ngoan đạo, nổi tiếng chống lại phán quyết cho phép phá thai, thường được gọi là phán quyết Roe chống Wade, của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Các phương tiện truyền thông thế tục cho rằng một khi được bổ nhiệm vào Tòa Án Tối Cao, ông Cavanaugh và những vị Thẩm Phán khác sẽ hình thành khối đa số và sẽ tìm cách lật lại vụ Roe chống Wade.

Thấy trước việc phê chuẩn này sẽ rất là khó khăn, Đức Hồng Y Daniel DiNardo N. Galveston-Houston, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã viết thư cho các thành viên của Thượng Viện vào ngày 6 tháng 7, thúc giục họ đừng coi việc ủng hộ phán quyết Roe chống Wade như là một điều kiện tiên quyết để phê chuẩn một ứng viên Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Ngày 19 tháng 7, Đức Hồng Y Timothy Michael Dolan, Tổng Giám mục New York và là Chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB) đã ra một tuyên bố mời gọi tất cả mọi người thiện chí tham gia vào một chiến dịch cầu nguyện để sự thay đổi ở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ dịch chuyển quốc gia chúng ta gần hơn đến ngày mà mỗi người đều được luật pháp bảo vệ và được hoan nghênh trong cuộc sống.

Đức Hồng Y Dolan nói:

“Ngay sau khi Chánh Án Tòa án Tối cao Anthony Kennedy tuyên bố nghỉ hưu, các nhóm phò phá thai đã bắt đầu vận động hành lang tại Thượng viện Hoa Kỳ để bác bỏ bất kỳ ứng cử viên nào không hứa sẽ ủng hộ phán quyết Roe chống Wade.

Dù Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ không ủng hộ hay phản đối việc xác nhận bất kỳ ứng cử viên nào do tổng thống bổ nhiệm, chúng ta có thể và nên gióng lên mối quan tâm nghiêm trọng về một tiến trình xác nhận mà đang bị thao túng bởi những nỗ lực nhằm buộc các ứng cử viên thẩm phán phải hỗ trợ phán quyết Roe chống Wade như một điều kiện tiên quyết.

Mỗi thứ Sáu, từ ngày 3 tháng 8 đến ngày 28 tháng 9 năm 2018, tôi mời gọi tất cả mọi người thiện chí cùng tôi cầu nguyện để sự thay đổi này tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ giúp quốc gia của chúng ta đến gần hơn với ngày mà mỗi con người được luật pháp bảo vệ và được hoan nghênh trong cuộc sống. Mạng lưới Call to Prayer của USCCB sẽ chia sẻ những lời cầu nguyện và tài nguyên giáo dục và một lời mời gọi chay tịnh vào ngày thứ Sáu cho ý chỉ này.

Cầu xin Đức Mẹ Guadalupe can thiệp cho sự chữa lành của đất nước chúng ta và dân tộc chúng ta sau nhiều thập kỷ phá thai theo yêu cầu.”

+ Đức Hồng Y Timothy Michael Dolan

Chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ

3. Linh mục tuyên úy bị đuổi việc vì làm việc Phạt Tạ Trái Tim Đức Mẹ cho tội lỗi người đồng tính

Một linh mục tuyên úy Đại Học đã thực hiện việc Phạt Tạ Trái Tim Đức Mẹ vì “những tội lỗi nặng nề chống lại Thiên Chúa” trong cuộc diễu hành đồng tính Glasgow Pride. Ngài tức tốc bị đuổi khỏi trường Đại Học.

Cha Mark Morris đã làm giờ Phạt Tạ Trái Tim Đức Mẹ bao gồm việc đọc kinh Mân Côi, Kinh Cầu Các Thánh và Chầu Thánh Thể tại nhà thờ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ tại Balornock, Glasgow vào tối thứ Hai 16 tháng 7.

Đại học Glasgow Caledonian lập tức sa thải ngài vào ngày hôm sau, vì cho rằng quan điểm của ngài mâu thuẫn với quan điểm của trường Đại Học này.

Hiệu trưởng trường đại học Pamela Gillies nói: “Sau khi tham khảo ý kiến nội bộ, chúng tôi quyết định rằng Cha Mark Morris sẽ không được quay trở lại vai trò tuyên úy Đại Học của ngài tại trường chúng tôi vào tháng Chín.”

“Trường đại học sẽ làm việc với Tổng Giáo Phận Glasgow để bảo đảm việc tiếp tục cung cấp tuyên úy cho nhân viên và sinh viên tại Trung tâm Đức Tin và Tín ngưỡng của chúng tôi khi học kỳ mới bắt đầu.”

“Nhà trường theo đuổi chính sách bao gồm mọi thành phần và cam kết hỗ trợ sự bình đẳng và đa dạng trong khuôn viên trường.”

Tuy nhiên, Hiệp hội sinh viên Công Giáo của trường đại học cho biết họ “cực kỳ thất vọng” trước diễn biến này. “Thật là ngỡ ngàng khi thấy một linh mục Công Giáo bị sa thải khỏi chức vụ tuyên úy Công Giáo chỉ vì tái khẳng định giáo lý của đức tin Công Giáo”

“Có vẻ như Đại học Glasgow Caledonian có một sự hiểu biết rất vênh váo về ‘Bình đẳng và Đa dạng’. Họ nói thế nhưng họ tuyệt đối không cho phép bất kỳ sự đa dạng về quan điểm nào. Chúng tôi rất buồn khi thấy rằng các quan điểm và niềm tin của người Công Giáo không được coi trọng hoặc tôn trọng tại khuôn viên đại học”

“Chúng tôi chân thành kêu gọi nhà trường xem xét lại việc sa thải không công bằng đối với linh mục tuyên úy của chúng tôi.”

Trong một tuyên bố ngắn gọn, Tổng Giáo phận Glasgow cho biết họ đã “nhận được quyết định của trường Đại học” và sẽ “giải quyết việc cung cấp linh mục tuyên úy vào thời điểm thích hợp”.

4. Quyết định của Đức Thánh Cha trong công nghị Hồng Y 19 tháng 7

Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập một công nghị Hồng Y bao gồm tất cả các Hồng Y đang có mặt tại Rôma vào ngày thứ Năm, 19 tháng 7. Kết thúc công nghị này, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết năm vị nữa sẽ được tuyên thánh vào ngày 14 tháng 10 — là ngày đã được ấn định để tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.

Năm vị được đề cập đến là:

Chân Phước Nunzio Sulprizio (1817-1836), giáo dân người Ý;

Chân Phước Maria Caterina Kasper (1820–1898), một tín hữu Công Giáo Đức;

Chân Phước Nazaria Ignazia March Mesa (1889-1043), một nữ tu người Tây Ban Nha đã chết tại Á Căn Đình;

Chân Phước Vincenzo Romano (1751—1831), một linh mục người Ý; và

Chân Phước Franseco Spinelli (1953-1913), cũng là một linh mục người Ý.

Vì đang trong thời gian nghỉ hè và thông báo triệu tập các Hồng Y được đưa ra đột ngột nên công nghị Hồng Y ngày 19 tháng 7 đã gây ra một số đồn đoán trên các phương tiện truyền thông rằng trong cuộc gặp gỡ với các Hồng Y có mặt tại Rôma, Đức Giáo Hoàng cũng có thể sẽ công bố một số bổ nhiệm quan trọng cho giáo triều Rôma. Tuy nhiên, đã không có thông báo nào được đưa ra.

5. Tiểu sử Chân Phước Nunzio Sulprizio

Như chúng tôi vừa loan tin Chân phước Nunzio Sulprizio sẽ được tôn phong hiển thánh vào ngày 14 tháng 10 năm nay, cùng với 6 chân phước khác, trong đó có Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Chân phước Nunzio Sulprizio sinh năm 1817 tại Pescara, miền trung Italia. Mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ nên Nunzio được một ông bác đem về nuôi. Nunzio không được đi học mà phải làm việc vất vả trong xưởng thợ rèn và bị khai thác sức lao động không thương tiếc. Tuy khổ cực nhưng chú bé chỉ biết tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể khi có chút thì giờ rảnh rỗi.

Chẳng bao lâu, Nunzio bị sâu quảng rất đau đớn, phải vào điều trị tại nhà thương Napoli. Sau đó Nunzio lại bị ung thư xương, nhưng anh dâng mọi khổ đau cho Chúa và qua đời năm 1836, khi mới 19 tuổi. Mộ của anh trở thành nơi tín hữu đến hành hương.

Nunzio Sulprizio đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tuyên chân phước ngày mùng 1 tháng 12 năm 1963.

6. Hội Đồng Giám Mục Venezuela kêu gọi thay đổi nhà cầm quyền

Hội nghị thường niên của các giám mục Venezuela đã được tổ chức từ 7 đến 11 tháng 7 trong bối cảnh hàng trăm người Venezuela đã bị giết chết trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ôn hòa và các lực lượng an ninh của bọn cầm quyền. Bên cạnh đó, mỗi tháng còn có ít nhất 50,000 người bỏ chạy khỏi đất nước tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong bản tuyên bố có tựa đề “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi” (Isaia 41:10) được thông tấn xã Fides công bố vào ngày 17 tháng 7, các Giám Mục viết:

“Giáo Hội, với sứ mệnh tâm linh được Chúa Kitô chỉ rõ trong Tin Mừng, không có ý định thay thế vai trò và ơn gọi của những ai hiểu biết và điều hành guồng máy chính trị. Giáo Hội cũng không khao khát thống trị cảnh quan xã hội, và cũng không muốn trở thành một nhân tố của chính phủ hay của các thành phần đối lập.

Tuy nhiên, Giáo Hội khuyến khích người dân, là những người được giáo dục phù hợp và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân họ, hãy gióng lên tiếng nói và can thiệp tích cực trong trường chính trị, để cả các nguyên tắc và các giá trị cao cả của đức tin được truyền bá cho chúng ta được thể hiện trong lĩnh vực công cộng và chuyển dịch thành những công việc mang lại thiện ích chung”

Tuyên bố viết tiếp:

“Những người chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua là nhà cầm quyền của quốc gia này, là những kẻ đã đặt các dự án chính trị của mình lên trên bất kỳ sự cân nhắc nào khác, kể cả những vấn đề nhân đạo. Họ thất bại trong các chính sách tài chính, vì thái độ khinh thị của họ đối với các hoạt động sản xuất và tài sản tư nhân, và vì liên tục đưa ra các trở ngại cho việc giải quyết một số khía cạnh của vấn đề hiện tại. Điều này không gì khác hơn là lời thú nhận bất lực trong việc điều hành đất nước”.

Như đã nêu trong Tuyên bố ngày 23 tháng 4, các Giám Mục nhận định tình hình Venezuela ngày càng nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các ngài bác bỏ tính hợp pháp của cuộc bầu cử cuối tháng 5 vừa qua

Do đó các giám mục nhấn mạnh: “Venezuela cần một hàng lãnh đạo chính trị khác có thể đặt người dân Venezuela vào trung tâm của những suy tư và hành động của mình, nhận thức được rằng chính trị không phải là tập chú vào quyền kiểm soát quyền lực, nhưng là công việc của những người, được thúc đẩy bởi các nguyên tắc cao quý và đạo đức, biết cách đặt mình trong sự phục vụ các công dân chứ không phải lợi ích của một nhóm nhỏ.”

7. Tai họa của chủ nghĩa xã hội tại Venezuela: 1.5 triệu người bỏ nước ra đi

Venezuela từng là quốc gia thịnh vượng nhất ở châu Mỹ Latinh. Quốc gia Nam Mỹ này với 30.9 triệu dân này có đến 96% là người Công Giáo nhưng đã đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới thời Hugo Chavéz.

Từ đó đến nay tình trạng quản lý nhà nước kém cỏi và sự sụp đổ của một nền kinh tế một chiều đã đưa đất nước này vào một vòng xoáy đi xuống. Tình hình nhân đạo ở Venezuela đã xấu đi rất nhanh kể từ năm 2014, với tỷ lệ đáng báo động về nghèo đói cùng cực, suy dinh dưỡng và một trong những tỷ lệ giết người cao nhất ở châu Mỹ Latin. Đồng tiền của Venezuela, gọi là Bolivar, đã trở nên vô dụng, với tỷ lệ lạm phát lên đến 2,600% trong năm 2017, khiến lương hưu và lương của các nhân viên chính phủ, kể cả các chuyên gia có trình độ không đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của gia đình họ.

Cho đến nay vẫn chưa thấy có chút ánh sáng nào cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc trong tương lai gần. Vì thế, người dân Venezuela đang lũ lượt rời khỏi đất nước mình với một số lượng kỷ lục. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, hơn 1,5 triệu người Venezuela đã di cư trong hai năm qua. Mức độ di dân này tương đương với mức tị nạn của người Syria chạy trốn chiến tranh đến các nước láng giềng và những người tị nạn Rohingya chạy trốn sang Bangladesh. Phần lớn những người tị nạn Venezuela đã định cư tại các thị trấn trên biên giới Colombia và Brazil, chẳng hạn như Cúcuta và Boa Vista, và thường xuyên qua lại để mang tiền về nhà.

Mặc dù không phải là một quốc gia có đường biên giới với Venezuela, Peru cũng đang chứng kiến một số lượng đông đảo người tị nạn ngày càng tăng nhanh chóng đổ vào quốc gia này, với khoảng 1,000 người mỗi ngày. Các điểm qua biên giới ở Peru không được trang bị để đón nhận con số đông đảo những người tị nạn, là những người thường kiệt sức và cần được chăm sóc y tế, thực phẩm, nước và vệ sinh ngay lập tức sau những chặng đường dài. Nguy cơ bạo lực tình dục và giới tính, nạn buôn bán người và khai thác cũng là mối quan tâm ngày càng tăng đối với chính quyền địa phương và quốc gia.

8. Đức Hồng Y Tagle khích lệ các tín hữu trước những tấn kích của tổng thống Duterte

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của giáo phận Manila nói với các tín hữu trong ngày lễ kính trọng kính Đức Mẹ Núi Carmelô hôm thứ Hai rằng “Nếu anh chị em yêu mến Đức Kitô thì nhiều người sẽ ghét anh chị em.”

Trong thánh Lễ tại đền thánh San Sebastian ở Manila, ngài nhấn mạnh rằng con đường theo Đức Kitô không dễ dàng, đặc biệt trong thời đại mà “Thiên Chúa có nhiều đối thủ.”

“Đôi khi, nhiều người giả bộ tốt lành với dáng vẻ hấp dẫn người khác và dành được nhiều người tin theo hơn Đức Kitô,”

Đức Hồng Y nói rằng dù có những tấn công vào Giáo Hội, người Công Giáo không cần tham gia vào những cuộc chiến đấu trả thù để cân bằng tỉ số.

“Chúng ta không cần tham gia vào những cuộc chiến ấy vì đó không phải là mục đích của chúng ta, nhưng hãy chuẩn bị để bị tấn công bởi vì chúng ta thuộc về Đức Kitô.”

Theo Đức Hồng Y, những người theo những thần minh giả bị mù lòa bởi những lời hứa dối trá.

9. Những bổ nhiệm quan trọng sắp diễn ra trong giáo triều Rôma

Trong những ngày sắp tới, Đức Thánh Cha sẽ đưa ra các bổ nhiệm quan trọng cho giáo triều Rôma.

1) Ngài sẽ chọn một Hồng Y giữ trọng trách Hồng Y Nhiếp Chính, tức là vị chủ trì các công việc hàng ngày của Tòa Thánh sau khi một vị Giáo Hoàng qua đời hoặc từ chức. Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, người được bổ nhiệm làm Hồng Y Nhiếp Chính vào tháng 12 năm 2014, đã qua đời vào đầu tháng này.

2) Ngài cũng sẽ chọn một vị thay thế cho Đức Hồng Y Giovanni Beccui trong chức vụ Sostituto, phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, để giám sát các hoạt động hàng ngày của giáo triều Rôma. Đức Hồng Y Giovanni Beccui, đã thôi giữ chức vụ đó vào ngày 29 tháng 6 khi ngài được tấn phong Hồng Y; và sẽ sớm thay thế Đức Hồng Y Angelo Amato trong chức vụ tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh.

3) Bên cạnh đó, ngài cũng sẽ chọn một vị niên trưởng và một vị phó niên trưởng Hồng Y Đoàn. Đức Hồng Y Angelo Sodano, người đã là niên trưởng Hồng Y Đoàn kể từ khi Đức Bênêđíctô thứ 16 được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, giờ đây đã hơn 90 tuổi. Đức Hồng Y Roger Etchegaray, phó niên trưởng, đã từ chức vào tháng 6 năm ngoái, ở tuổi 94.

Niên trưởng và phó niên trưởng Hồng Y Đoàn được chọn trong số các vị Hồng Y đẳng Giám Mục. Hôm 26 tháng 6, Đức Thánh Cha đã nâng 4 vị Hồng Y lên Hồng Y đẳng Giám Mục là các vị Hồng Y Pietro Parolin, Leonardo Sandri, Marc Ouellet, và Fernando Filoni. Trước đó, Hồng Y Đoàn có 6 vị Hồng Y đẳng Giám Mục là các Đức Hồng Y Angelo Sodano, Giovanni Battista Re, Roger Etchegaray, Francis Arinze, Tarcisio Bertone và José Saraiva Martins. Trong số các vị này, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là vị trẻ nhất cũng đã ở tuổi 83.