. VẤN ĐÁP ĐỂ Ở NHỜ
Có một tú tài đi đến một căn hộ bên đường để xin ở nhờ, mà nhà ấy chỉ có một nữ nhân, cô ta đứng dựa cửa nói:
- “Trong nhà tôi không có người”.
Tú tài hỏi:
- “Cô không phải là người sao ?”
Nữ nhân nói:
- “Trong nhà tôi không có đàn ông”.
Tú tài hỏi:
- “Tôi không phải là đàn ông sao ?”
(Tiếu niệm lục)

Suy tư 90:
Người tế nhị là người chỉ nghe một lời nói hay một hành động khác thường của người đối diện là biết cách rút lui hay tiến tới, chứ không cần phải hỏi cho cặn kẻ...
Sự tế nhị trong giao tiếp hằng ngày rất quan trọng, vì nó có thể làm cho chúng ta thêm bạn bớt thù, hoặc làm cho người khác nể phục ta hơn.
Có một vài linh mục thường không tế nhị khi trò chuyện với giáo dân của mình, các ngài cứ oang oang hỏi vấn đề gia đình của một giáo dân nào đó trước mặt mọi người, mà không nhìn thấy khuôn mặt đang nhăn nhó của họ; các ngài –đôi lúc- vì quá lo lắng cho phần hồn của con chiên bổn đạo mà không thấy bổn đạo đang bực mình vì ông cha sở cứ đem chuyện thằng con hay uống rượu, đứa con gái đi bán cà phê ôm của mình ra mà “hỏi” giữa đám đông giáo dân...
Ai cũng cảm động khi có người quan tâm đến mình, nhất là người ấy chính là cha sở của mình, nhưng quan tâm mà không tế nhị thì làm cho người được quan tâm bực mình và có khi phản tác dụng: họ sẽ không đi lễ nữa, vì cứ sợ cha sở hỏi chuyện riêng tư của gia đình trước mặt mọi người; hoặc khi đi lễ thì ngồi tuốt ghế đằng sau vì sợ ông cha sở mỗi lần giảng là cứ hỏi giáo dân giữa nhà thờ về giáo lý hoặc kinh thánh, mà có khi họ không biết không thuộc...
Tế nhị trong giao tiếp rất cần thiết, nhưng tế nhị trong giảng dạy thì càng cần thiết hơn, vì chúng ta đang xây dựng niềm tin với những người chung quanh ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info