Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bổ nhiệm 4 vị Hồng Y Thừa Ủy cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên

Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm 4 vị Hồng Y Thừa Ủy cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên diễn ra vào tháng 10 năm nay. Bốn vị Hồng Y này là:

Đức Hồng Y Louis Raphael I Sako, Đức Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê thành Babylon ;

Đức Hồng Y Désiré Tsarahazana của Toamasina, Madagascar;

Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon, Miến Điện; và

Đức Hồng Y John Ribat của Port Moseby, Papua New Guinea.

Các vị Hồng Y Thừa Ủy sẽ thay mặt Đức Thánh Cha chủ trì các buổi làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục và ký tên vào các tài liệu chính thức. Bốn Hồng Y sẽ luân phiên giữ vị trí đó trong cuộc họp tháng Mười của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, sẽ được dành riêng cho các cuộc thảo luận về tuổi trẻ và ơn gọi.

Bốn vị Hồng Y Thừa Ủy đều đã được chính Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y.

2. Đức Cha Oscar Cantú, tân Giám Mục phó San Jose, tin rằng bức tượng Đức Mẹ khóc tại Hobbs, New Mexico là một phép lạ

Những giọt nước mắt từ một bức tượng Đức Mẹ dường đang khóc có chứa dầu ô liu. Các phân tích hóa học đã kết luận như trên. Tuy nhiên, giáo phận sở tại vẫn chưa xác định được nguồn dầu từ đâu mà có.

Giáo phận Las Cruces đã điều tra một hiện tượng lạ lùng tại nhà thờ Đức Mẹ Guadalupe ở Hobbs, New Mexico từ tháng Năm vừa qua, sau khi các tín hữu báo cáo thấy một chất lỏng chảy ra từ đôi mắt của bức tượng.

Ngày 11 tháng 7 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Oscar Cantú, Giám Mục giáo phận Las Cruces, New Mexico làm Giám Mục Phó với quyền kế vị giáo phận San Jose. Ngài sẽ nhận nhiệm sở mới vào ngày 28 tháng 9 tới đây. Nhân dịp này, Đức Cha đã dành cho tờ Las Cruces Sun-News một cuộc phỏng vấn.

Đề cập đến bức tượng Đức Mẹ tại nhà thờ Đức Mẹ Guadalupe ở Hobbs, ngài nói với tờ Las Cruces Sun-News rằng một mẫu chất lỏng đã được gửi đi phân tích khoa học. “Và chúng tôi xác định đó là dầu ô liu, một loại dầu ô liu thơm”.

“Một số nhân chứng nói dầu này có mùi hoa hồng, tương tự như dầu tôi làm phép và thánh hiến mỗi năm mà chúng tôi sử dụng để làm phép rửa tội, thêm sức và phong chức linh mục.”

Đức Cha Cantú nói rằng giáo phận vẫn đang điều tra xem nguồn dầu này xuất phát từ đâu.

“Chúng tôi đã kiểm tra kỹ bên trong bức tượng rỗng. Không có gì bên trong đó, ngoại trừ những mạng nhện. Chúng tôi đã chụp ảnh; và chúng tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng.”

Đức Cha Cantú nói thêm rằng các viên chức trong giáo phận đã liên lạc với nhà sản xuất bức tượng để xem liệu có bất kỳ chất lỏng hoặc sáp nào có thể vẫn còn bên trong bức tượng khi được đúc ra hay không.

“Trong tiến trình điều tra đó, họ đảm bảo với chúng tôi rằng không có chất lỏng nào tồn tại nổi vì bức tượng được đúc bằng đồng”.

Đức Cha Cantú nói rằng ngài hoàn toàn không tin hiện tượng này có thể là một trò lừa bịp “làm sao người ta có thể thực hiện được như thế, về mặt vật lý?”

“Bức tượng được đúc cứng cáp bằng đồng. Chúng tôi đã kiểm tra bên trong và không có gì bên trong cả”

Theo Đức Cha Cantú, đây là một hiện tượng siêu tự nhiên. Vấn đề hiện nay là Giáo Hội phải tìm hiểu để kết luận rằng hiện tượng này là từ Thiên Chúa hay từ ma quỷ. Căn bản để quyết định là “hoa trái” mà hiện tượng này mang lại.

Đức Cha Cantú nhấn mạnh rằng:

“Tôi đã đọc hầu hết những lời khai, và đó là những câu chuyện về đức tin thật cảm động, những người đã đối diện với những khổ đau kinh hoàng trong cuộc sống của họ đã cảm thấy được an ủi tinh thần rất nhiều khi Đức Maria đồng hành cùng với họ trong nước mắt”.

Đức Cha Cantú, 51 tuổi, là Giám Mục thứ hai của giáo phận Las Cruces và từng là Chủ tịch Ủy Ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ từ 2015 đến 2017. Năm 2008, ngài được tấn phong Giám Mục, và vào thời điểm đó ngài là vị Giám Mục trẻ nhất Hoa Kỳ. Ngài đã từng thăm Iraq, Israel, Palestine, Cuba, Ấn Độ, Congo, Sudan, Mã Lai Á và chứng kiến tận mắt những tình cảnh bi thảm của các tín hữu Kitô bị bách hại trên thế giới. Đức Cha nói thêm rằng:

“Tôi không thể không nghĩ đến những giọt nước mắt của chính mình trước tình cảnh của những người nghèo chạy đến biên giới của chúng ta để trốn chạy những tình huống đe dọa tính mạng của họ. Những giọt nước mắt của những đứa trẻ bị tách ra khỏi cha mẹ chúng. Có quá nhiều lý do để chúng ta phải rơi nước mắt, và Thiên Chúa đứng bên cạnh chúng ta trong những khoảnh khắc đó.”

3. Căng thẳng giữa Tòa Thượng Phụ Constantinope và Mạc Tư Khoa

Căng thẳng giữa Tòa Thượng Phụ Constantinope và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã dâng lên rất cao sau khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô công khai bày tỏ sự ủng hộ của ngài đối với triển vọng Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập hoàn toàn với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Theo một sáng kiến do tổng thống đề nghị và đã được Quốc Hội phê duyệt hôm thứ Năm 19 tháng Tư, Tổng thống Petro Poroshenko đề nghị hiệp nhất các Giáo Hội Chính Thống tại Ukraine thành một Giáo Hội duy nhất tách khỏi Mạc Tư Khoa. Đây là một động thái mà Tổng thống Petro Poroshenko nói sẽ khiến Nga khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các vấn đề của người Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Trong thông cáo báo chí của Tòa Thượng Phụ Đại Kết vào ngày 11 tháng 7, Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô cho biết:

“Liên quan đến những quyền tinh thần và giáo luật của Tòa Thượng Phụ Đại Kết trên lãnh thổ Ukraine, Đức Thượng Phụ Đại Kết nhắc nhở hội thánh rằng:

Xin chúng ta đừng quên là Tòa Constantinople không bao giờ nhượng lãnh thổ Ukraine cho bất cứ ai qua của một Đạo luật của Giáo hội, nhưng chỉ cấp cho Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa quyền phong chức hoặc thuyên chuyển Tổng Giám Mục Thủ đô Kiev với điều kiện là vị Tổng Giám Mục này nên được bầu bởi Đại hội Giáo Sĩ và Giáo Dân và tuân phục quyền bính của Đức Thượng Phụ Đại Kết.”

Trong thời kỳ cộng sản, Mạc Tư Khoa đã tìm cách tách Chính Thống Giáo Ba Lan và Lithuania khỏi Tòa Thượng Phụ Constatinope. Cho nên, hiện nay có những đồn thổi cho rằng Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô không có quyền tái phán nào đối với Chính Thống Giáo Ba Lan, và Lithuania vì các Giáo Hội này đã tách ra khỏi Tòa Thượng Phụ Constatinople để trực thuộc vào Tòa Kiev và tối hậu là thuộc về Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Tuyên bố của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cho biết:

“Lắng nghe những gì được đề cập về vấn đề liên quan đến quyền bính của Giáo Hội Mẹ đối với Giáo Hội Ba Lan theo đó đã có sự tách biệt từ Tòa của chúng tôi về Tòa Kiev của hai Giáo Hội Chính Thống Lithuania và Ba Lan, và sự sáp nhập sau đó vào Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Chúng tôi khẳng định điều đó không hề xảy ra theo các quy định giáo luật, và cũng không hề có sự tách biệt với chúng tôi của Tòa Kiev.”

4. Huynh Đoàn Thánh Phêrô có Tân Bề Trên Tổng Quyền

Huynh Đoàn Thánh Phêrô đã bầu linh mục Andrzej Komorowski, người Ba Lan, làm Tân Bề Trên Tổng Quyền.

Hội nghị khoáng đại của Huynh Đoàn Thánh Phêrô, hiện đang họp tại Chủng viện Quốc tế Đức Mẹ Guadalupe ở Denton, Nebraska, Hoa Kỳ, đã chọn cha Komorowski làm Bề Trên Tổng Quyền trong một nhiệm kỳ sáu năm. Ngài sẽ thay thế cha Tổng Quyền John Berg, người Mỹ, đã là Bề Trên Tổng Quyền trong 2 nhiệm kỳ vừa qua kể từ năm 2006.

Cha Komorowski sinh tại Ba Lan năm 1975 và được thụ phong vào năm 2006 sau khi theo học tại chủng viện của Huynh Đoàn ở Wigratzbad, Bavaria. Ngài đã từng là Trợ lý cho Bề Trên Tổng Quyền từ năm 2012, tại trụ sở chính của Huynh Đoàn ở Fribourg, Thụy Sĩ.

Huynh Đoàn Thánh Phêrô, xin phân biệt với Huynh Đoàn Thánh Piô X, là một cộng đoàn đời sống tông đồ dành cho các linh mục chỉ cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La tinh phiên bản trước Công Đồng Vatican II. Huynh Đoàn Thánh Phêrô có gần 300 linh mục trong 124 giáo phận trên khắp thế giới.

5. Giám Mục Fellay không được tái cử, khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X hòa giải với Vatican mịt mờ hơn bao giờ

Trong một diễn biến gây ngạc nhiên cho nhiều người, trong phiên khoáng đại được tổ chức tại Ecône, Thụy Sĩ, Giám Mục Bernard Fellay, 60 tuổi, Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã không được tái cử.

Linh mục Davide Pagliarani, 47 tuổi, người Ý, đã được bầu với một đa số áp đảo hơn 2/3 số phiếu để làm Tân Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X thay thế cho Đức Cha Bernard Fellay trong một nhiệm kỳ 12 năm.

Cha Pagliarani đã từng làm việc mục vụ tại Rimini, Italia, trước khi đi truyền giáo tại Singapore, rồi lại quay về Italia trong cương vị bề trên toàn quốc Italia. Từ năm 2012, ngài là giám đốc chủng viện Notre-Dame Co-Redemptive tại La Reja, Á Căn Đình.

Cha Pagliarani là người được chính Đức Cha Bernard Fellay truyền chức linh mục, nhưng có một lập trường đối kháng với ngài trong việc hòa giải với Tòa Thánh.

Đức Cha Fellay là người chủ trương đạt đến một giải pháp giáo luật về tình trạng của Huynh Đoàn. Ngài ca ngợi thái độ cởi mở của Đức Phanxicô đối với Huynh Đoàn và đề cao tầm quan trọng của việc kết thúc sự chia rẽ với Vatican.

Cha Pagliarani tiêu biểu cho khuynh hướng chờ đợi cho đến khi tình hình bên trong Giáo Hội là “hoàn toàn thỏa đáng” dưới con mắt của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Việc cha Pagliarani thắng cử với một tỷ số áp đảo như thế cho thấy khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X hòa giải với Vatican mịt mờ hơn bao giờ.

6. Đức Hồng Y Arinze bày tỏ sự buồn phiền trước việc các Giám Mục Đức muốn cho người Tin Lành rước lễ

Ngày 27 tháng Sáu, Đức Tổng Giám Mục Hans-Josef Becker của Paderborn nói với Hội Đồng Linh Mục của tổng giáo phận rằng ngài chấp thuận cho những người phối ngẫu Tin Lành “trong từng trường hợp một” được rước lễ sau một giai đoạn phân định.

Tuy Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng điều này không tạo ra một sự cho phép “đại trà”, tuyên bố của ngài đã gây ra một phản ứng mạnh trên thế giới.

Vào ngày sau, hôm 5 tháng 7, Đức Cha Franz Jung, Giám Mục giáo phận Würzburg có lẽ còn “tiến xa hơn” khi cho phép “đại trà” tất cả những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được Rước Mình Thánh Chúa trong các thánh lễ mừng hôn phối diễn ra tại nhà thờ chính tòa của ngài.

Bình luận về những diễn biến này, trên Catholic News Service, Đức Hồng Y bày tỏ sự buồn phiền của ngài và nói rằng “Thánh Thể không phải là vật sở hữu của chúng ta”. Ngài cũng nói thêm rằng “Những người Tin Lành nào muốn rước Mình Thánh Chúa thì nên trở thành người Công Giáo.”

Trong thời gian lãnh đạo Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích (1/10/2002 – 9/12/2008), dưới 2 triều Giáo Hoàng, Đức Hồng Y đã giúp vào việcsoạn thảo Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (Bí Tích Thánh Thể Trong Mối Tương Quan Với Giáo Hội) của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2003; và Tông Huấn Sacramentum Caritatis (Bí tích Tình Yêu) của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2007 trong đó đề cao Thánh Thể như nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.

Theo Đức Hồng Y, Thánh Thể được dành riêng cho người Công Giáo trong trạng thái có ơn nghĩa với Chúa và không phải là một thứ gì đó có thể được chia sẻ giữa bạn bè như bia hay bánh ngọt, một cựu cố vấn cao cấp của hai triều giáo hoàng đã nói như trên.

Ngay cả người Công Giáo khi mắc tội trọng cũng không thể rước Mình Thánh Chúa. Thánh Phaolô nói trong thư Thứ Nhất gởi giáo đòan Côrintô: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cr 11:28-29).

Đức Hồng Y Francis Arinze cho biết bất kỳ động thái nào nhằm cho phép tiếp cận đại trà với Thánh Thể như cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ hay cho những người phối ngẫu của người Công Giáo được rước lễ là những thách thức “nghiêm trọng” đối với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về Thánh Thể.

Trong một cuộc phỏng vấn với Catholic News Service, ngài phản đối việc cho phép những người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ trong những hoàn cảnh nhất định.

Đức Hồng Y Arinze nói thêm rằng: “Nếu một người ly hôn rồi tái hôn trong khi mối hôn nhân đầu tiên chưa bị tiêu hôn thì có vấn đề ở đây”. Chúa Giêsu dạy rằng kết hiệp mới này của họ cấu thành tội ngoại tình.

“Không phải chúng ta là những người đã giảng dạy điều đó”. Vị Hồng Y, 85 tuổi, đã phục vụ với tư cách là Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nhấn mạnh rằng “Chính Chúa Kitô đã nói điều đó.”

“Chúng ta không thể cho rằng mình có lòng thương xót hơn Chúa Kitô. Nếu bất kỳ ai trong chúng ta nói rằng người ấy được sự cho phép của Chúa Kitô để thay đổi một trong những điểm chính mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta trong Tin Mừng, chúng tôi muốn thấy giấy phép đó và cả chữ ký nữa.”

“Đó là điều không thể. Ngay cả khi tất cả các giám mục trên thế giới này đồng ý đi chăng nữa, cũng không thể thay đổi được. Điều này khá nghiêm trọng, bởi vì nó chạm vào đức tin về Thánh Thể, Hơn nữa kết hiệp hôn nhân đã thành sự là bất khả phân ly và không có quyền lực con người nào có thể giải trừ.”

Trong phỏng vấn tại tu viện Buckfast, một tu viện dòng Biển Đức đang kỷ niệm 1000 năm, Đức Hồng Y Arinze cũng nói rằng việc chia sẻ Thánh Thể dành cho người phối ngẫu Tin Lành không phải là vấn đề hiếu khách.

Ngài nói rằng trong khi mong muốn những điều tốt lành cho các Kitô hữu không Công Giáo, ngài cũng mong họ hiểu rằng “Thánh Thể không phải là sở hữu riêng của chúng tôi mà chúng tôi có thể chia sẻ với bạn bè của mình.”

“Tách trà, chai bia là những thứ chúng tôi có thể chia sẻ được với bạn bè” Đức Hồng Y Arinze nói.

“Không phải đơn thuần là chuyện hiếu khách hay không. Sau thánh lễ, bạn có thể đến nhà ăn và uống một tách trà, thậm chí là một ly bia và một chút bánh ngọt. Như thế là được. Nhưng thánh lễ không giống như vậy,”.

“Điều rất quan trọng là chúng ta phải nhìn vào giáo lý. Cử hành Thánh Thể không phải là một dịch vụ đại kết. Nó không phải là một cuộc tập hợp của những người tin vào Chúa Kitô, nhưng là việc kính nhớ những mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng đã chết cho chúng ta trên thập tự giá và bảo các tông đồ hãy 'làm điều này để nhớ đến Thầy.'“

“Cử hành Thánh Thể là sự cử hành của cộng đồng đức tin - những người tin vào Chúa Kitô, họ đang giao tiếp trong đức tin, và trong các bí tích, và trong sự hiệp thông giáo hội… hiệp nhất với mục tử của họ, giám mục của họ và Đức Giáo Hoàng. Đó là cộng đồng tưởng niệm Thánh Thể. Bất cứ ai không phải là thành viên của cộng đồng đó đều không phù hợp chút nào”.

Đức Hồng Y nói thêm nếu người Tin Lành muốn nhận được Thánh Thể trong các nhà thờ Công Giáo thì họ nên trở thành người Công Giáo.

“Hãy đến, bạn sẽ được nhận vào Giáo Hội, và sau đó bạn có thể nhận Mình Thánh Chúa bảy lần một tuần. Nếu không thì thôi vậy” Đức Hồng Y Arinze nói.

7. Các Giám Mục Venezuela nói: người Công Giáo phải dám phản kháng chế độ

Hội nghị thường niên của các giám mục Venezuela đã được tổ chức từ 7 đến 11 tháng 7 trong bối cảnh hàng trăm người Venezuela đã bị giết chết trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ôn hòa và các lực lượng an ninh của bọn cầm quyền. Bên cạnh đó, mỗi tháng còn có ít nhất 50,000 người bỏ chạy khỏi đất nước tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đức Tổng Giám Mục José Luis Azuaje của tổng giáo phận Maracaibo, và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Venezuela nói: “với các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày, người dân đã cho thấy sự bất mãn lớn lao trước các chính sách tùy cơ ứng biến của nhà cầm quyền. Đó là những chính sách thiếu tính hợp lý và thiếu chuyên môn của người ra quyết định.”

Ngài nói tiếp: “Những cuộc biểu tình này cho thấy sự thất bại của một mô hình mà người dân đã mạnh mẽ lên án trong nhiều năm. Càng bưng bít và đàn áp, sự phản kháng sẽ không dịu đi, nhưng nó trở nên mạnh mẽ hơn và đích điểm cuối cùng của nó là một sự giải phóng toàn bộ.”

Một yếu tố cơ bản để đất nước vượt qua khủng hoảng, là sự tái thiết guồng máy lãnh đạo xã hội, ngay cả ở cấp cơ sở. Điều này, theo Đức Tổng Giám Mục, sẽ không diễn ra “tức thời”, nhưng đó là một nỗ lực của tập thể chiến thắng những trận đánh nhỏ cho đến khi “chúng ta đánh bại được cái ác đã tạo ra một xã hội nghèo nàn.”

Đức Tổng Giám Mục Azuaje nhấn mạnh rằng các công dân có một vũ khí trong tay là “sự phản kháng dân chủ”, mà các Kitô hữu được mời gọi sử dụng vũ khí này với thiện chí.

Ngài cũng lưu ý rằng tình trạng nghèo khổ của đất nước đã huy động “tinh thần phục vụ” của Giáo Hội Công Giáo nhiều hơn nữa. Chúng ta phải cung cấp “thực phẩm, giáo dục và sức khỏe”, đôi khi phải đóng vai trò “thay thế” cho nhà cầm quyền trong việc thực thi các nhiệm vụ lẽ ra họ phải làm.

Đức Cha Azuaje đã nhân dịp này cám ơn Caritas thế giới và các cơ quan cứu trợ bác ái của Hội Đồng Giám Mục các quốc gia láng giềng. Các giám mục từ Á Căn Đình, Bolivia, Brazil, Chí Lợi, Colombia, Ecuador, Paraguay và Peru đã có một kế hoạch hành động phối hợp để cung cấp các dịch vụ cần thiết cho người Venezuela, đặc biệt là việc hội nhập những người di cư Venezuela vào các cộng đồng địa phương.

“Chúng tôi đang phải sống với rất ít hy vọng trong một tình huống không lành mạnh đang cố nhận chìm chúng tôi,” ngài nói.

“Nhưng tình yêu luôn luôn chiến thắng, đó là tình yêu bị đóng đinh vào thập tự giá. Hệ tư tưởng và hệ thống chính trị khốn nạn này đang tiếp tục đóng đinh người dân vào thập giá. Nhưng khi phải đối mặt với điều này, chúng tôi vẫn nhớ rằng tình yêu luôn luôn chiến thắng và Đấng Chịu Đóng Đinh đã chiến thắng nó.”

8. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo nghi lễ Syria kêu gọi phương Tây bãi bỏ lệnh cấm vận quốc gia này

Trong một thông cáo báo chí được Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo nghi lễ Syria công bố, Đức Thượng Phụ Mor Ignatius Aphrem II cho biết ngài đã lên tiếng xin Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị trong cuộc họp tại Bari khẩn thiết kêu gọi các quốc gia phương Tây bãi bỏ lệnh cấm vận Syria.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Bari hôm 7 tháng 7 đã bao gồm hai khoảnh khắc chính: lời cầu nguyện trên bờ biển, và thời điểm suy tư và lắng nghe lẫn nhau giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội tại Trung Đông.

Sau buổi cầu nguyện trên bờ biển, Đức Thánh Cha và các vị đã trở lại nhà thờ Thánh Nicholas, nơi các ngài có một cuộc họp kín liên quan đến các tình huống ở Trung Đông.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết toàn bộ chi tiết của cuộc họp này. Tuy nhiên, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo nghi lễ Syria cho biết trong cuộc họp, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo đã thảo luận những phương cách nhằm bảo đảm an toàn cho các Kitô hữu ở Trung Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được các giải pháp hòa bình cho các cuộc khủng hoảng khác nhau trong khu vực và trên toàn thế giới.

Trong cuộc họp này, Đức Thượng Phụ Mor Ignatius Aphrem II lưu ý rằng ngài không thể hiểu nổi quan điểm của phương Tây nói chung, và cả nhiều Giáo Hội tại các quốc gia này, liên quan đến sự hiện diện và đau khổ của các Kitô hữu ở Trung Đông.

Theo Đức Thượng Phụ các Giáo Hội Kitô không a dua hoặc chống lại chính phủ, nhưng luôn luôn phải gắn bó với đất nước và nhân dân, và phải hoạt động cho công lý. Trong tinh thần đó, Đức Thượng Phụ cho rằng những hành động trước mắt, có thể làm ngay sau cuộc gặp gỡ này là thúc đẩy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria.

Những biện pháp ấy theo Đức Thượng Phụ đang chống lại những người dân đang phải gánh chịu những khổ đau rất lớn do việc thiếu thực phẩm và thuốc men.

9. Thư ngỏ của Đức Hồng Y Daniel DiNardo gởi Thượng Viện Hoa Kỳ

Tổng thống Donald Trump, đã đề cử chánh án Brett Kavanaugh vào chức vụ thẩm phán của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ để thay thế cho Thẩm Phán Anthony Kennedy tuyên bố nghỉ hưu vào ngày 27 tháng 6 năm 2018. Việc bổ nhiệm của tổng thống Trump còn phải được sự phê chuẩn của Thượng Viện Hoa Kỳ.

Việc phê chuẩn này chắc chắn là rất khó khăn vì ứng viên Cavanaugh là một người Công Giáo ngoan đạo, nổi tiếng chống lại phán quyết cho phép phá thai, thường được gọi là phán quyết Roe chống Wade, của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Các phương tiện truyền thông thế tục cho rằng một khi được bổ nhiệm vào Tòa Án Tối Cao, ông Cavanaugh và những vị Thẩm Phán khác sẽ hình thành khối đa số và sẽ tìm cách lật lại vụ Roe chống Wade.

Thấy trước việc phê chuẩn này sẽ rất là khó khăn, Đức Hồng Y Daniel DiNardo N. Galveston-Houston, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã viết thư cho các thành viên của Thượng Viện vào ngày 6 tháng 7, thúc giục họ đừng coi việc ủng hộ phán quyết Roe chống Wade như là một điều kiện tiên quyết để phê chuẩn một ứng viên Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Bức thư nói rõ rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ “không hỗ trợ hoặc chống lại việc xác nhận một ứng cử viên nào do tổng thống chỉ định.” Thay vào đó, bức thư bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng về quá trình xác nhận ... bị bóp méo một cách hiển nhiên bởi các nỗ lực nhằm khống chế các Thẩm Phán được đề cử phải ủng hộ Roe, mà hậu quả là những ai được đề cử mà có lập trường phản đối việc cố ý giết chết một mạng người vô tội thì cách nào đó lại bị coi là không thích hợp với Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ”.

Đức Hồng Y nói thêm rằng “Dầu sao đi nữa việc hỗ trợ cho Roe là một tiêu chuẩn quá nghèo nàn để đánh giá khả năng của một Thẩm Phán. Trong bốn mươi lăm năm qua, phán quyết Roe đã làm dấy lên nhiều chỉ trích và chống đối trong công chúng hơn bất kỳ phán quyết nào khác vào cuối thế kỷ 20”.

Thư của Đức Hồng Y cũng tham chiếu đến các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng hầu hết người Mỹ phản đối chính sách phá thai không giới hạn trong vụ Roe, và ngày càng có nhiều cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua những luật phò sự sống, phù hợp với y học chính thống là không ủng hộ phá thai, và nhiều học giả pháp lý kể cả những người hỗ trợ phá thai cũng thừa nhận rằng phán quyết Roe không đặt cơ sở nơi Hiến pháp Hoa Kỳ.

“Nếu một phán quyết của Tòa án Tối cao đã là một quyết định sai trái, bị công luận chống đối rộng rãi, có quá nhiều khuyết điểm về luân lý, và gây hại cho xã hội, và được cả nhiều người ủng hộ nó coi là không có cơ sở trong Hiến pháp, thì hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để xem việc ủng hộ nó như là một điều kiện tiên quyết cho một Thẩm phán tương lai. Hơn nữa, đức tin của một ứng cử viên không nên là cớ cho đương sự bị phân biệt đối xử. Trong việc phê chuẩn một chức vụ công quyền, bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên niềm tin tôn giáo đều là bất công và vi hiến.” Đức Hồng Y nhấn mạnh.

10. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên án nhà cầm quyền Nicaragua dùng du đãng tấn công các Giám Mục

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 11 tháng 7, ông António Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã lên án nhà cầm quyền Nigeria sử dụng du đãng tấn công các Giám Mục.

Báo cáo của các phương tiện truyền thông trong khu vực cho biết các giám mục và nhiều linh mục Nicaragua đã bị các nhóm vũ trang tấn công vào ngày 9 tháng 7 trong khi cuộc biểu tình ở quốc gia Trung Mỹ này vẫn đang tiếp tục.

Trong tuyên bố, ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự công nhận vai trò hòa giải quan trọng của Hội Đồng Giám Mục Nicaragua.

Ông kêu gọi tất cả các bên tôn trọng vai trò của các trung gian hòa giải, để tránh sử dụng bạo lực và cam kết tham gia vào cuộc đối thoại quốc gia để giảm thiểu bạo lực và tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện tại.

Vào đầu tháng 7, ông Zeid Ra'ad Al Hussein, Cao ủy trưởng Liên hợp quốc về Nhân quyền đã lên tiếng kêu gọi nhà chức trách Nicaragua “thực hiện các bước thực tế” để ngăn chặn tình trạng giết người tràn lan tại quốc gia này.

11. Phản ứng của Vatican về vụ hành hung Sứ thần Tòa Thánh và các Giám Mục Nicaragua

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Thủ Tướng Đức và Hội Đồng Giám Mục Đức đã lên tiếng phản đối vụ hành hung các Giám Mục tại nhà thờ San Sebastian ở Diriamba, cách Managua 25 dặm về phía nam hôm 9 tháng 7.

Trong số các vị Giám Mục bị hành hung cả về thể lý lẫn bị lăng mạ có Đức Hồng Y Leopoldo José Brenes Solorzano, là Tổng Giám Mục Managua; Đức Cha Silvio José Baez Ortega, là Giám Mục Phụ Tá; và Đức Tổng Giám Mục Waldemar Sommertag, Sứ Thần Toà Thánh tại Nicaragua.

Các vị đã đến nhà thờ trong cố gắng giải thoát cho một số người đang bị cảnh sát và du đãng thân chính quyền bao vây ở đây.

Phái đoàn các giám mục đã bị chặn đường và các nhóm ủng hộ chính phủ đã lăng mạ họ là những kẻ giết người, sau đó đã hành hung. Đức Giám Mục Baez cho biết ngài bị một vết cắt trên tay. Đức Cha nói “Chúng tôi bị vây hãm bởi một đám đông giận dữ muốn xông vào nhà thờ San Sebastian ở Diriamba, tôi đã bị thương, đấm vào bụng, bị giật mất huy hiệu giám mục và bị sỉ nhục. Tạ ơn Chúa, tôi vẫn khỏe. Nhà thờ được giải phóng, kể cả những người ở trong đó.”

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng Vatican sẽ không gởi công hàm chính thức phản đối Nicaragua vì muốn đối thoại với nhà cầm quyền Nicaragua và không muốn làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Đức Hồng Y Pietro Parolin ca ngợi Đức Tổng Giám Mục Waldemar Sommertag, Sứ Thần Tòa Thánh vì đã hành động hợp lý trong tình huống đáng tiếc trên.

Đức Hồng Y Parolin nói thêm: “Các nhóm bán quân sự này đang gieo rắc khủng bố bằng thái độ hung hăng và sẵn sàng giết người”. Đức Hồng Y nói ngài mong muốn Giáo Hội tại đây làm trung gian nối lại các cuộc đối thoại giữa chế độ và các thành phần đối lập, nhưng nhìn nhận rằng Giáo Hội chỉ có thể làm được điều đó nếu “cả hai bên đều có một mong muốn đạt được một thỏa hiệp.”

Theo một báo cáo của Hiệp hội Nhân quyền Nicaragua, từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 10 tháng 7, đã có 351 người thiệt mạng và 2,100 người bị thương vì bạo lực ở quốc gia này. Hiệp hội cũng cáo giác rằng 329 người đã bị bắt cóc, và 68 người bị tra tấn bởi cảnh sát Nicaragua và bọn du đảng do nhà nước thuê mướn.

12. Thánh lễ an táng Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran

Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ sự thánh lễ an táng cho Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, tại Bàn Thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng thứ Năm 12 tháng 7.

Theo như thông lệ đối với các thánh lễ an táng của các vị Hồng Y, Đức Thánh Cha sẽ đến vào cuối Thánh lễ để chủ sự nghi thức Phó Dâng và Tiễn Biệt (Commendatio and Valedictio). Trong nghi thức tang lễ Công Giáo, nghi thức Phó Dâng và Tiễn Biệt cuối cùng là những lời cầu nguyện chính thức ủy thác người đã chết cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trong thánh lễ an táng Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, là người đã công bố “Habemus papam” - “Chúng ta có Giáo Hoàng” để giới thiệu ngài với thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự thánh lễ an táng Đức Hồng Y từ đầu đến cuối.

Đức Hồng Y Tauran đã qua đời một tuần trước đó vào ngày thứ Năm 5 tháng 7, sau một trận chiến dài với bệnh Parkinson. Trong bài giảng, Đức Hồng Y Sodano nhắc nhớ rằng vị Hồng Y quá cố là một người “can đảm phục vụ Giáo hội thánh thiện của Chúa Kitô, bất chấp gánh nặng bệnh tật của mình.” Vào thời điểm qua đời, Đức Hồng Y Tauran là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn, và Hồng Y Nhiếp Chính.

Đức Hồng Y Sodano nói: “Trong nhiều năm, tôi chứng kiến tinh thần tông đồ vĩ đại của Đức Hồng Y quá cố, trong những năm dài phục vụ chung cho Tòa Thánh, và tôi sẽ giữ một kỷ niệm biết ơn về điều đó mãi mãi.”

Vị niên trưởng Hồng Y đoàn nói thêm rằng Đức Hồng Y Tauran là một gương sáng tuyệt vời về “một Linh mục, một Giám mục, và một Hồng Y”. Ngài là người đã dâng hiến cả đời mình cho sự phục vụ của Giáo hội.

Đức Hồng Y Sodano cũng ca ngợi tinh thần sẵn sàng “đối thoại với tất cả mọi người thiện chí” của Đức Hồng Y Tauran.

Để kết luận, Đức Hồng Y Sodano nhận xét rằng Đức Hồng Y Tauran đã sống những lời của Hiến Chế Gaudium và Spes (Vui mừng và Hy vọng) của Công Đồng Vatican II: “Vì Chúa Cha là nguyên ủy và cùng đích của tất cả mọi người, tất cả chúng ta được mời gọi là anh em với nhau. Và khi được kêu gọi trở thành một ơn gọi hiển nhiên duy nhất, nhân bản và thần thánh, chúng ta có thể và chúng ta nên làm việc cùng nhau ‘không bạo lực, không lừa dối’ cho việc kiến tạo một thế giới thật sự hòa bình.”

Cùng đồng tế với Đức Hồng Y Sodano, còn có đông đảo các Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục trong giáo triều Rôma. Bên cạnh đó còn có bà Geneviève Duber, chị gái của Đức Hồng Y Tauran và khoảng 1000 tín hữu.

13. 500,000 vé tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới Ái Nhĩ Lan đã hết sạch

Hôm 12 tháng Bẩy, Ban Tổ Chức Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới ở Ái Nhĩ Lan đã thông báo rằng toàn bộ 500,000 vé tham dự Thánh Lễ bế mạc tại Công Viên Phoenix ở Dublin, Ái Nhĩ Lan, vào ngày 26 tháng Tám này, đã được phát hết cho những người giữ chỗ trước.

Các vé miễn phí trên đã bắt đầu được phát từ ngày 25 tháng Sáu vừa qua. Chỉ trong 24 giờ đầu tiên, đã có 285,000 người đặt chỗ. Và trong 24 giờ sau đó, con số đã tăng lên tới 400,000. Chỉ chưa đầy 2 tuần lễ sau ban tổ chức cho biết không còn vé nào.

Dublin, Ái Nhĩ Lan, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn để tổ chức Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ Chín từ ngày 21 tới ngày 26 tháng Tám năm 2018, với chủ đề “Tin Mừng Gia Đình: Niềm Vui cho Thế Giới”. Được tổ chức 3 năm một lần, biến cố quốc tế này nhằm đem các gia đình khắp thế giới lại với nhau để cử hành, cầu nguyện và suy niệm về tầm quan trọng có tính trung tâm của hôn nhân và gia đình như là những “viên đá góc” của đời sống chúng ta, và rộng hơn là xã hội và Giáo Hội.

Nhận định về việc số vé đã được phát hành nhanh như vậy, Cha Timothy Bartlett, Tổng Thư Ký Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018, nói rằng những thành viên trong ban tổ chức Cuộc Gặp Gỡ này không ngạc nhiên trước mức độ thu hút cao đến thế.