Năm 1986, Phi Thuyền Con Thoi làm cả nước Mỹ kinh hoàng khi phát nổ tan tành ở ngay giây thứ 73 của chuyến bay vào không gian. Nhưng ngày 29 tháng Sáu qua, nhân Giải Túc Cầu Thế Giới, nữ ký giả Tonya Malinowski không hẳn kể câu truyện thảm khốc ấy cho bằng câu truyện trái banh túc cầu sống sót tai nạn thảm khốc này và gia đình đã gửi trái banh ấy vào không gian hai lần tất cả.



Lần cuối cùng Lorna Onizuka nói với chồng, bà chỉ nói đến sữa. Bà và hai con gái, Janelle và Darien, có thể sẽ không có thức ăn bằng ngũ cốc vào sáng hôm sau vì bà để quên sữa ở hành lang và nó đã đông đá đặc cứng. Nhiệt độ đêm đó tại Cape Canaveral, Florida, giảm xuống chỉ còn 18 độ, dưới nhiệt độ trung bình là 50. Điều này có thể trờ nên quan trọng sau này, còn lúc này, nó chỉ ảnh hưởng tới bữa ăn sáng.

Giờ đã trễ, trễ hơn chồng bà, Ellison, vẫn thường dự tính, nhưng ông vẫn còn đứng ngồi không yên trong khu phi hành đoàn ở Trung Tâm Không Gian Kennedy và muốn biết liệu có tin tức gì liên quan đến ngày mai hay không. Lorna vặn truyền hình lên tại căn nhà họ thuê trong dịp này và thuật lại những gì bà thấy: Chuyến bay thứ 10 của phi thuyền con thoi không gian đã được chấp thuận.
Ellison nói ở đầu bên kia điện thoại “anh đoán bọn anh sẽ phóng vào ngày mai”. Lorna đáp lại “em cũng đoán thế”.

Ở đó, trên màn truyền hình của Lorna, bên trong dàn phóng nặng 4.4 triệu cân Anh, bên trong phi thuyền con thoi, bên trong phòng phi hành đoàn, bên trong một chiếc tủ, bên trong chiếc túi bằng vải len thô mầu đen, là trái banh túc cầu.

Khi mấy con gái nhà Onizuka thức giấc vào ngày 28 tháng Giêng năm 1986, và thấy một món khác cho bữa ăn sáng, thì trái banh túc cầu đã nằm yên trong ngăn tủ của Ellison trên chiếc phi thuyền. Lúc phi hành đoàn cài dây an toàn và việc đếm ngược đang diễn tiến, nó vẫn là một trái banh. Nhưng vào lúc 11 giờ 39 phút sáng, nó trở thành một di tích.



Trường Trung Học Clear Lake có lẽ là nơi duy nhất của cả nước, tại đó, việc làm con một phi hành gia chẳng có chi lạ lẫm cả. Khuôn viên của nó chỉ cách Trung Tâm Không Gian Johnson ở Houston 4 dặm, và nhiều học sinh của trường có ít nhất cha hoặc mẹ lãnh lương của NASA.

Tháng Giêng năm 1986, "Rocky IV" đang chiếu ở các rạp, săng giá 93 xu một gallon còn Janelle Onizuka thì đang học năm thứ hai tại Clear Lake, chờ để tập đá túc cầu. Cả tuần, đội đã chuyền banh để được đăng ký. Đó chỉ là một trái banh để thực tập, hơi mòn một chút và không thuộc nhãn hiệu có tiếng nhất. Dù sao, nó cũng không có gì đáng để ý, ngoại trừ sự kiện duy nhất đáng lưu ý là: ba của Janelle, Ellison, sẽ đem nó vào không gian.

Ellison và Lorna vốn là những người rất hâm mộ của Clear Lake. El là phụ tá huấn luyện viên của đội, dù các cầu thủ trước đây của ông cho biết rất khó mà nghiêm túc với ông khi ông chỉ định các phiên thực tập. Tính nghiêm khắc không hợp với ông chút nào, nhất là khi ông ráng tránh phá lên một tiếng cười. Với tài dí dỏm nhanh chóng của Ellison và tác phong dịu dàng của Lorna, cả hai nhanh chóng trở thành bằng hữu với các cha mẹ và huấn luyện viên khác. Khi ở dưới đất, Ellison cố gắng hết sức để không bỏ lỡ trận đấu nào.

Lorna cho biết “anh ấy giả thiết phải bị cách ly để kiểm dịch, nhưng vẫn lẻn ra chỉ để coi trận đấu một chút. Không ai trong chúng tôi biết cho tới khi anh ấy xuất hiện ở góc hàng rào. Khi chúng tôi chú mắt nhìn, thì anh đã bỏ đi”.

Buổi tối giữa tháng Giêng, lúc Ellison tới lấy trái banh chính là một đêm ông bị cách ly để kiểm dịch. Janelle không được thấy ông cả mấy tuần lễ; các phi hành gia bị cô lập trước phi vụ để tránh bị bịnh. Nhưng ông vẫn có mặt ở kia, bước vội qua sân thực tập, và đột nhiên, trọn đêm bừng lên một cảm quan như điện giật được dự phần vào một điều đặc biệt trong thân phận một đứa trẻ, đúng như thế, trong trường hợp này, dự phần vào một điều vượt quá cái thế giới nhỏ nhoi của mình rất nhiều.

Các cầu thủ của đội trao trái banh cho Ellison, vừa trao vừa nhìn lần chót tên của họ và dòng chữ "Good Luck, Shuttle Crew!" (Chúc May Mắn, Phi Hành Đoàn Coin Thoi!) viết bằng những nét bút cẩn trọng, vì biết rằng đây là cách mỗi người trong số họ được dự phần vào một thành tựu nhân bản vĩ đại của thời đại: một cách chạm tới các tầng trời.

Janelle nói tạm biệt với cha và đứng nhìn ông nhịp bước trở lại sân banh tay cầm trái banh, vô tư nhẩy qua chiếc mương nhỏ.

Sau này, Janelle ghi lại: “Tôi luôn nhớ đêm đó. Tôi vẫn còn ngửi thấy mùi cỏ trên sân tập. Đó thực sự là hoài niệm thân yêu cuối cùng của tôi mặt đối mặt với cha tôi”.



Kealakekua, Hawaii, nằm ở phía tây Đảo Lớn (Big Island). Đó là một cộng đồng nông thôn và càng là thế lúc Ellison Onizuka sinh ra hồi tháng Sáu năm 1946, sau Thế Chiến II kết thúc chưa đầy một năm. Hawaii phải 13 năm nữa mới trở thành một tiểu bang, và Văn Phòng Du Khách chỉ mới bắt đầu cổ vũ việc du lịch. Khi Ellison lớn lên, nhịp độ của thị trấn lên xuống với mùa cà phê.

Trường trung học của thị trấn, thậm chí, điều hành theo “lịch trình cà phê”, di chuyển kỳ nghỉ mùa hè qua tháng Tám tới tháng Mười Một để học sinh có thể giúp hái cà phê. Trong những cánh đồng này, nằm ngửa dưới bóng các cây cà phê, Ellison lần đầu tiên thắc mắc không biết điều gì ở quá bên kia những điều cậu có thể nhìn bằng mắt trần, những điều thậm chí cao hơn những con chim có thể bay tới.

Năm 1961, khi Ellison học năm đầu ở trung học, Alan Shepard trở thành người Hoa Kỳ đầu tiên trong không gian. Ellison không được thấy điều đã xẩy ra; phải mấy thập niên nữa Hawaii mới có những buổi phát hình cùng ngày.

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1964, Ellison vào đất liền để học ngành kỹ sư không gian tại Đại Học Colorado, nơi ông gặp Lorna. Bà nhớ lại "anh ấy không giống như một nerd (thông minh kỳ dị) nhưng tôi từng tự hỏi không biết có phải anh là một người như thế hay không. Anh là chủ tịch hội sinh viên kỹ sư, nhưng hóa ra anh có tài hài hước tuyệt diệu”.

Lorna và Ellison kết hôn vào ngày 7 tháng Sáu năm 1969, chỉ một ngày sau khi Ellison tốt nghiệp tại Đại Học Colorado và được đeo lon thiếu úy Không Quân. Bốn mươi ba ngày sau, tức ngày 20 tháng Bẩy, gia đình Onizukas ngồi trước máy truyền hình để chứng kiến một trong những thời khắc quyết định của lịch sử nhân loại: Neil Armstrong để lại vết chân người đầu tiên trên mặt trăng. Đó cũng là ngày sinh nhật của Lorna, nên hai vợ chồng đã cạn ly mừng cả hai biến cố, Ellison không rời mắt khỏi màn chiếu lại của truyền hình. Đăm chiêu nói bâng quơ “tôi thích được thực hiện cảnh ấy”.



Lần đầu tiên con gái thứ hai của Ellison cảm thấy sợ sệt đối với việc làm của cha là đêm được quan sát vào tháng Giêng 1985. Darien Onizuka, 8 tuổi, lúc ấy đứng trên dàn phóng tại Trung Tâm Không Gian Kennedy và nhìn lên, nhìn lên mãi, hệ thống phóng phi thuyền con thoi cao 184 bộ Anh sáng rực giữa màn đêm. Nó đã được yên vị hướng lên trời, sẵn sàng chở cha em vào vũ trụ. Sau này, em ghi lại trong nhật ký rằng hệ thống ấy hùng vĩ quá, giống một quái vật sáng láng, và chúng tôi thì bé nhỏ quá.

Sáng hôm sau, ngày 24 tháng Giêng năm 1985, Ellison ngồi vào ghế số 3 của phòng bay trên phi thuyền con thoi Discovery lúc việc đếm ngược bắt đầu. Trên nóc tháp kiểm soát việc phóng, ngay ở cạnh vùng độn đã chỉ định, hai con gái nhà Onizuka nheo mắt chống mặt trời Florida khi sức đẩy 7.8 triệu cân Anh xé bầu không khí và dội vào cả ngực hai em. Phi thuyền Discovery mỗi lúc lên một cao hơn cho tới khi chỉ còn là cái chấm...

Trong phi vụ này, Ellison trở thành người Mỹ gốc Á Châu, người Mỹ gốc Nhật đầu tiên và người Hawaii đầu tiên đi vào không gian. Dù đang lượn 212 dặm bên trên Trái Đất, ông đã mang theo một thứ vốn đem ông trở về với cuộc sống một bé trai ở Hawaii: một gói cà phê Kona từ thị trấn quê hương.

Lúc Ellison trở về, Lorna để ý thấy ông trầm ngâm. Bà thấy ông ngồi bên lò sưởi trong một giây phút suy tư, chỉ được hồi tỉnh bởi tiếng reo hò hân hoan của hai con. Khi hai con đi rồi, im lặng lại trở lại với ông, một sự kiện đơn giản tiếp tục diễn ra: Ông muốn đi lần nữa.



Ngày 28 tháng Giêng năm 1986, trời khá lạnh tại Cape Canaveral. Ngay trước hừng đông, nhiệt độ tại dàn phóng là 22 độ, lạnh hơn bất cứ lần phóng nào trước đây của NASA. Hai con gái của Onizuka có mặt tại khu vực tiếp tân của tháp kiểm soát, giữ mình cho ấm trong khi bọn nhỏ tô mầu còn người lớn thì thăm thú. Truyền thông theo dõi nhiều hơn thường lệ. Đến lúc này, việc phóng phi thuyền con thoi đã trở thành gần như thường lệ, nhưng vào hôm đó, Hoa Kỳ gửi người dân sự đầu tiên vào không gian, đó là cô giáo tiểu bang New Hampshire Christa McAuliffe. Các lớp học của cả nước được xem trực tiếp nhờ chương trình phát hình đặc biệt của NASA.

Khi việc đếm ngược đang diễn tiến, các gia đình của các phi hành gia được đưa lên mái để xem việc phóng. Trên Dàn Phóng 39B, Ellison cũng lại ngồi vào ghế số 3 trong phòng phi hành. Trong ngăn tủ của ông, cùng với hình gia đình chụp với Thống Đốc Colorado, bùa hoa sen theo tín ngưỡng Phật Giáo của ông, một trái banh bầu dục của trường mẹ, Đại Học Colorado, và mặt dây chuyền của trường trung học của ông, là trái banh túc cầu.

Việc đếm ngược đã tới số không, bộ phận đẩy tên lửa đã bắt lửa và ở đâu đó ngay ở bộ phận đẩy (booster), vòng chữ O rộng 0.280 inch không kích hoạt do trời lạnh. Việc không kích hoạt này khiến cho các chất nổ đẩy đạn nóng lên, áp xuất cao lên rỉ vào thùng nhiên liệu ở bên ngoài, tạo nên một hư hỏng cấu trúc gây tai họa. Ở giây thứ 73 của chuyến bay thứ 10, phi thuyền con thoi Challenger nổ tung, sát hại trọn 7 nhân viên phi hành đoàn. Lúc ấy là 11 giờ 39 phút sáng. Ellison Onizuka mới chỉ có 39 tuổi.

Trên mái tòa kiểm soát, các gia đình của phi hành đoàn dõi nhìn hai đuôi khói đang xoắn ốc trên bầu trời để tìm phòng lái của phi hành đoàn. Họ vội vàng được mời trở lại bên trong, để lại phía sau tuí cùng máy ảnh . Mọi người im lặng như tờ. Điều cuối cùng Lorna nhớ về ngày ấy là được đưa vào phòng thuyết trình cùng với các gia đình khác để được thông báo là phi hành đoàn đã thiệt mạng hết. Nghe tin ấy, bà ngất xỉu, đụng ngay vào công tắc đèn khi bà ngã vào tường. Cảnh vật chìm trong bóng tối.

Lorna bảo: “Vào lúc ấy, mọi đèn đóm đều tắt ngúm vì trong lòng chúng tôi, chẳng còn chút ánh sáng nào”.

*

Trong các ngày và tuần lễ kế tiếp, cuộc sống đối với Lorna, Janelle và Darien đã được phân chia rõ nét giữa trước và sau.

Truyền hình và truyền thanh đầy những tường trình về thảm họa Challenger. Đối với một quốc gia đang ngỡ ngàng, nó nhanh chóng trở thành giây phút xác định “anh ở đâu lúc đó”. Sự mất mát bản thân của 7 gia đình trở thành thời khắc tang chế công cộng cho căn tính Hoa Kỳ lúc ấy, vì vụ nổ đã làm lay động niềm tin vào NASA và chương trình con thoi. Nó là thảm họa quốc gia đầu tiên được phát sóng trực tiếp trên truyền hình và là mất mát phi hành gia đầu tiên trong khi bay trong lịch sử NASA.

Ronald Reagan , lúc ấy là Tổng Thống, lên tiếng ngỏ lời với quốc dân và ca ngợi 7 nhân viên phi hành đoàn: Francis Scobee, Michael Smith, Ronald McNair, Judith Resnik, Gregory Jarvis, Christa McAuliffe và Ellison Onizuka, những người “đã trượt khỏi các trói buộc xấu xa của trái đất để chạm vào mặt Thiên Chúa”. Người ta tổ chức nhiều buổi truy điệu và số phận du hành không gian được bàn cãi. Người bưu tá của gia đình Onizuka trao hết bó thư này đến bó thư nọ từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Các bản tin đêm cho biết các tin tức về việc các Đội Tuần Duyên Hoa Kỳ vớt được nhiều món rơi rớt từ Đại Tây Dương: lớn có, những khối vô danh bằng kim khí không giống như toàn bộ. Tổng kết, 14 tấn vật rơi rớt đã được thu hồi, một việc vớt rác lớn nhất trong lịch sử Tuần Duyên Hoa Kỳ. Điều không tạo nên tin tức là chiếc túi bằng vải len thô nhỏ đã được vớt lên từ mặt nước xanh đậm, một trong ít món đồ được phục hồi nguyên vẹn.

Ngày tháng trôi qua, và cuộc sống bắt đầu có được giáng vẻ thông thường mới đối với gia đình Onizuka. Lorna cất các thư từ lên tầng gác mái nhà. Năm thứ hai của Janelle ở Clear Lake đã đến hồi kết thúc. Rồi, cuộc điều tra về tai nạn cũng hoàn tất, NASA bắt đầu thông báo cho các gia đình bất cứ vật dụng cá nhân nào tìm lại được. Lorna được thông báo về trái banh và được hỏi xem bà có muốn nhận lại nó không.

Lorna bảo: “tôi không muốn trái banh trở thành một tạo tác đặt ở đâu đó trong một khung vòm khóa kín, trở thành đồ lưu trữ mãi mãi. Nếu còn một lời nói nào để lại trong các món đồ này, El chắc chắn muốn nó lên tiếng”.

Điều bà nhớ hơn hết khi thấy trái banh sau tai nạn là mầu mực. Biết bao chuyện đã xẩy ra, biết bao đau đớn đã được cảm nhận kể từ ngày mỗi cầu thủ ôm trái banh này tha thiết và viết tên mình trên đó. Làm thế nào cái mầu mực xanh dương ấy lại vẫn còn tươi nét đến thế?

Janelle bật khóc. Em khóc những dòng nước mắt khiến mặt bạn bừng lên và thân thể bạn quặn đau. Em khóc cho mọi điều phức tạp diễn ra cùng việc mất người cha một cách công khai như thế và cho kỷ niệm về ông bỗng trở nên sống động vô chừng khi ông tiếp nhận trái banh từ em và tung tăng khuất sau sân tập. Em khóc lúc trao trái banh lại cho Trường Trung Học Clear Lake, trưng bầy nó một cách kiêu hãnh trong một nghi lễ đáng lẽ phải do cha cô chủ tọa.

Trong những ngày Janelle còn học ở Clear Lake, chương trình không gian con thoi vẫn tiếp tục, nhưng một cách không xuông xẻ. Trái banh thì tìm được chỗ xứng đáng trong một hộp trưng bầy đặt ở hành lang đối diện với văn phòng chính, nơi hàng ngàn học sinh và cha mẹ các em qua lại, mà nhiều người vốn là thành phần của cộng đồng NASA cách này hay cách khác. Họ đoan hứa sẽ tiếp tục sứ mệnh của Bẩy Người Challenger, gìn giữ sống động tinh thần khám phá. Nhưng cũng như gia đình Onizuka phải cố gắng tìm cách sống không có Ellison thế nào, NASA cũng cố gắng tìm cách lấy lại niềm tin của công chúng như thế. Cả hai không còn cách nào cho bằng nhắm đàng trước mà tiến bước.



Trường Trung Học Clear Lake năm 2016 không khác gì so với lúc Janelle còn học ở đó năm 1986. Đã có nhiều tu bổ đối với các tòa nhà, nhiều kỹ thuật mới được trình diễn và các em đã thay thế phụ huynh trong hội đồng học sinh, nhưng nó vẫn là nơi con cái các phi hành gia đến học.

Trong 30 năm kể từ ngày gia đình Onizuka mất Ellison, trái banh túc cầu đã nhỏ bé đi trong hộp đựng nó so với các huy chương mới hơn, lớn hơn mà Clear Lake đã thu lượm được từ những thành tựu rất đáng trưng bầy. Các chữ ký, một thời rõ ràng và sống động hết sức nay đã phai lạt đến độ gần như không còn đọc được nữa. Năm tháng trôi qua, nó mỗi ngày mỗi lùi dần sâu hơn vào hậu trường cuộc sống đang náo động qua mặt nó.

Nhưng câu chuyện thay đổi khi hiệu trưởng Clear Lake, Karen Engle, nhận được một điện thư từ một phụ huynh. Tiện trên đường rời một phiên họp của câu lạc bộ hệ thống đẩy, bà dừng lại ngắm trái banh, nhớ lại nó từ những ngày xa xưa. Bà nghĩ phải dành cho nó một hộp trưng bầy riêng và thế là bà đề nghị sẽ xây hộp trưng bầy này.

Thoạt đầu Karen không tin vị phụ huynh kia. Bà đã chứng kiến Challenger nổ tung. Không thể nào có chuyện một trái banh túc cầu lại có thể sống thoát một tai nạn như thế, mà nếu có sống thoát, thì nó không thể nằm ở một chiếc hộp trưng bầy ở ngoài văn phòng của bà. Bà bước ra hành lang và ngắm nó cẩn thận hơn qua màn kính. Không huân bài hay đề tặng, không một lời giải thích nó là chi hay nó sống thoát ra sao. Chỉ một số chữ ký đã lạt mầu. Có thể vị phụ huynh này lầm lẫn chăng; có lẽ chỉ là một trái banh vô địch xưa cũ chăng.

Nhưng khi nhìn kỹ hơn, trong mầu mực phai mầu kia, có dòng chữ khiến bà hiểu ra điều mình đã vô tình làm ngơ từ ngày đầu tiên làm hiệu trưởng: "Good Luck, Shuttle Crew!" (Chúc May Mắn, Phi Hành Đoàn Con Thoi!)

Mấy ngày sau, có trận đấu bóng rổ tại Clear Lake. Tham dự ở đấy để ngắm hai con gái trình diễn trong đội khiêu vũ là Đại Tá Shane Kimbrough, một phi hành gia trên Trạm Không Gian Quốc Tế. Chồng của Karen làm việc gần gũi với Shane tại NASA, và cả hai cùng đến tham dự trận đấu. Phi vụ thứ hai của Shane trên Trạm Không Gian Quốc Tế sẽ diễn ra sau đó không lâu, nên ông đưa ra một đề nghị: có điều gì ở trường mà Karen muốn ông đem lên không gian hay không?

Lúc Karen nhắc đến trái banh túc cầu, Shane biết ngay đây là một ý nghĩ tuyệt diệu. Ông biết điều Lorna từng biết: trái banh vẫn còn nhiều điều để nói ra. Sau khi trao nó cho Shane, Karen viết dòng chữ 28 tháng Giêng năm 2016, đúng 30 năm sau thảm họa Challenger.



Ngày 19 tháng Mười năm 2016, Phi Vụ 40 được phóng thành công, mang theo 2 phi hành gia Nga, Shane và trái banh túc cầu vào qũy đạo thấp quanh trái đất, cuối cùng đã yên vị trên Trạm Không Gian Quốc Tế.

Trên mặt đất, trái banh túc cầu của Janelle Onizuka cân nặng 14.5 lượng Anh. Hai trăm năm mươi tư dặm trên Clear Lake, Shane đặt trái banh vào đài quan sát của Trạm để chụp hình. Nó ở yên đó, lơ lửng trước tấm phông trái đất, cuối cùng đã không còn trọng lượng.

Shane phát biểu: “Quả hơi xúc động khi chỉ cần nghĩ về xuất xứ của nó và những gì nó đã vượt thắng suốt những năm qua để tới chỗ này. Tôi bắt đầu nghĩ tới gia đình họ và ý nghĩa của nó đối với họ và do đó đã chụp một vài tấm hình và gửi xuống cho họ”.

Với tuổi đời của nó, trái banh đã sờn cũ và lấm tấm những phiến tróc nhỏ, trông gần như mệt mỏi trước mầu xanh sống động của Trái Đất và phía trong bằng kim khí sáng loáng của Trạm Không Gian Quốc Tế. Nó trông giống như một du khách thời gian, một di tích của một thời đại khác, tiếp nối sứ mệnh thay cho Bẩy Người Challenger.

Lorna cho rằng “Quả có một chút đau đớn cũ xuất hiện trở lại, nhưng đồng thời, cũng là những cảm xúc tôi vốn có khi El bay. Hạnh phúc, hài lòng, biết ơn, rất biết ơn vì cuối cùng nó đã tìm được đường đến nơi El muốn nó tới”.

Trái banh ở 173 ngày trong không gian trên Trạm Không Gian Quốc Tế. Nó xoay quanh trái đất gần 3,000 lần, qua nhiều ánh ban mai và chùm sao sáng, các kỳ quan của cựu thế giới và nhiều thành phố ngang dọc của thế giới tân thời. Vào ngày 10 tháng Tư năm 2017, nó trở về Trái Đất, hoàn tất sứ mệnh.

Shane trả trái banh lại cho các con gái nhà Onizuka, nhưng Lorna biết cuối cùng nó thuộc về nơi cuộc hành trình của nó bắt đầu.Trong một buổi lễ hồi tháng Mười Một, bà hiến tặng nó cho Trường Trung Học Clear Lake trở lại, nơi có thời nó đã được trưng bầy trong chiếc hộp, lần này, là chiếc hộp độc lập, và được đi qua đi lại bởi hàng ngàn học sinh mỗi ngày, trong đó, có các cháu của Ellison.

Năm 1980, Ellison trở lại ngôi trường trung học của ông tại Kona, Hawaii, để đọc bài diễn văn khai trường. Có thể bạn không biết, nhưng bạn mang theo lời ông nói với bạn trong cuộc khám phá trần gian của bạn, in trên mọi giấy thông hành Hoa Kỳ.

“Mọi thế hệ đều có nghĩa vụ giải phóng tâm trí con người để nó nhìn các thế giới mới... nhìn từ một bình nguyên cao hơn thế hệ trước. Tầm nhìn của bạn không bị giới hạn bởi điều mắt bạn có thể nhìn, nhưng bởi điều tâm trí bạn có thể nghĩ tưởng. Nếu bạn chấp nhận các thành tựu dĩ vãng như chuyện thông thường, thì hãy nghĩ tới những chân trời mới mà bạn có thể khám phá... Hãy làm cho đời bạn đáng kể, và thế giới sẽ là nơi tốt hơn nhờ bạn đã cố gắng”.

Nguồn: Tonya Malinowski, Mission Accomplished, espn.com, 29 June 2018