Bối cảnh của câu hỏi này là 99,99% hay hơn thế nữa, Giáo Hội (GH) chỉ mừng ngày chết, tử nhật, của vị thánh, chứ không ai được mừng ngày sinh bao giờ. Chỉ trừ 3 vị trong đó có thánh Gioan đây. Bởi vì mãi tới ngày chết thì mới biết được vị ấy có sống thánh trọn cuộc đời hay không, hay là phút cuối cùng lại sa phạm tội. Một đời ăn trộm nhưng phút cuối thành thánh như tên trộm bên phải. Một đời theo Chúa, nhưng phút cuối thắt cổ thành ma như Juda phản bội. Và vì thế, ngày chết mới quyết định được việc có sống thánh trọn vẹn không. Phụng vụ gọi ngày chết này là ngày sinh trên trời. Mừng lễ Phêrô sắp tới đây là mừng ngày ông chết trên thập giá ngược năm 63. Mừng lễ Phaolô tới đây là mừng ngày vị này bị chặt đầu, xử trảm khoảng năm 67. Phanxico được mừng vào ngày 4/10 là vì chết vào đêm khuya 3/10 năm 1224.

Vậy mừng các thánh, là mừng ngày giỗ, tức giáp năm ngày chết. Chỉ trừ 3 vị GH cử hành lễ mừng ngày sinh: sinh nhật Chúa Giêsu 25/12, sinh nhật ĐM 8/9 và sinh nhật Gioan hôm nay 24/6.

Chưa kịp trả lời cho câu hỏi tại sao Gioan được mừng ngày sinh, thì từ đây lại nảy sinh một câu hỏi khác mà ai để ý sẽ thấy như là một sự tréo chân. Sự tréo chân này đã có người nhận thấy và đã thắc mắc thẳng với Bộ Phụng Tự rằng: không biết Bộ có lầm lẫn không khi xếp lễ sinh nhật Gioan là lễ trọng, còn sinh nhật ĐM, lại là lễ kính. Nói dễ hiểu hơn, sinh nhật Gioan mừng bậc I, còn sinh nhật ĐM xếp bâc nhì.

1. Bộ Phụng Tự đã trả lời giúp ta là Bộ không lầm không lẫn đâu. Đích thị ngày sinh của Gioan trọng hơn ngày sinh của ĐM trong cử hành PV dưới đất (trên trời thì không biết !). Là vì ngày sinh của ĐM chỉ là suy ra. Maria phải được sinh ra thì mới có Maria 15 tuổi được truyền tin và Maria 16 tuổi sinh Chúa Giêsu chứ… Còn ngày sinh của Gioan thì được tiên tri Cựu Ước loan báo (Mlk 3,1) (*) được sách Tin Mừng thuật lại giây phút Gabriel truyền tin và mô tả chi tiết ngày sinh ra và đặt tên rất trân trọng. Bài truyền tin được đọc trong lễ vọng, cũng là lễ trọng chiều qua, và bài mô tả ngày sinh được đọc hôm nay, thánh lễ chính ngày. Nếu đối chiếu với sinh nhật Chúa, ta sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng.

-Nào là cũng cùng thần sứ Gabriel đến truyền tin thọ thai,

-Nào là sẽ sinh con trai, sẽ đặt tên gì cũng được báo trước.

-Nào là con trẻ sẽ nên cao trọng, được tràn đầy thánh thần vv.

Ta thử nghe lại lời thần sứ Gabriel nói với Zacaria, cha của Gioan: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.”

Với câu “được tràn đầy Thánh Thần” từ trong bụng mẹ, chẳng khác nào câu “kính chào Maria đầy ơn phúc,” ngay từ thế kỷ thứ 4, nhất là với thánh Augustino, người ta đã ngầm tin rằng Gioan cũng được khỏi vướng phải tội tổ tông truyền, nhất là khi Mẹ Maria mang Chúa đến thì Gioan chưa sinh ra vẫn còn trong bụng mẹ mình đã nhảy mừng. Người ta ngầm nghĩ vậy thôi, chứ GH chưa tuyên tín rằng Gioan là người được ơn vô nhiễm như Mẹ Maria. Dẫu sao mấy ai được Kinh Thánh báo trước và mô tả về ngày sinh trân trọng như thế. Đó là lý do thứ nhất tại sao ngày sinh Gioan được mừng long trọng. Vì Thánh Kinh, kể cả sách Tin Mừng, long trọng loan báo trước về ngày này, và mô tả về ngày này gần như song song với ngày sinh của Chúa Giêsu.

2. Lý do thứ hai là ngày Gioan sinh ra trở nên niềm hoan lạc vui mừng cho nhiều người. Một ngày được chúc phúc (Lc 1, 14). Muốn hiểu rõ điều này, ta phải nhớ lại cũng trong Kinh Thánh đã ghi những lời nguyền rủa cho ngày sinh, như Job 3,1 (**) Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo: "Đứa con trong bụng mẹ là một bé trai! "Phải chi ngày ấy là đêm tối, phải chi từ nơi cao thẳm Thiên Chúa đừng để ý tới ngày ấy làm gì. Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ? Sao lại có hai đầu gối đỡ lấy tôi, có đôi vú cho tôi bú mớm?

Yêremia (20,14-18) thì nói về ngày sinh của chính mình như sau: (***) Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra. Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành. Thật đáng nguyền rủa kẻ làm cho cha tôi hớn hở mừng vui khi báo tin cho người: "Một người con, một bé trai đã được sinh ra cho ông." Tại sao tôi đã không chết ngay trong lòng mẹ để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi,

Còn Chúa Giêsu thì nói về ngày sinh của Yuđa như sau: Mt 26:24-24: Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!"

Nhưng khi nói về việc sinh của Gioan chính Chúa Giêsu sau này đã công nhận: “Trong số các phàm nhân sinh ra bởi người nữ, chưa hề có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,8). Cũng chính vì được chính sách Tin Mừng thuật lại ngày sinh, mà lễ sinh nhật của Gioan được mừng trong lịch sử GH từ thế kỷ 5 (có 3 lễ như lễ Noel), còn sinh nhật Mẹ thế kỷ 8 8 mới được đưa vào Phụng vụ. Thánh Augustino đã nói về ngày lễ sinh nhật của Gioan như sau:

“Hội Thánh coi sinh nhật của thánh Gio-an như một ngày thiêng thánh. Không có vị nào trong các bậc cha ông được chúng ta mừng sinh nhật trọng thể như thế. Chúng ta mừng sinh nhật thánh Gio-an và mừng sinh nhật Đức Ki-tô : đó là điều không thể bỏ qua. (thời Augustinô chưa mừng lễ SN Mẹ). Nếu chúng tôi không giải thích nổi ý nghĩa cao trọng của ngày lễ, thì anh em vẫn có thể suy gẫm về điều đó một cách hữu ích và sâu sắc” (BĐ II Giờ Kinh Sách lễ Sinh Nhật Gioan)

Bourdaloue đã tóm tắt ý tưởng mừng lễ sinh nhật Gioan, Đấng Tiền Hô của Vua Tối Cao như sau: Hạ thấp việc mừng Gioan là hạ thấp Giêsu, vì chính Gioan là người được Thiên Chúa chọn để làm chứng và giới thiệu chính thức Chàng Rể cho Cô Dâu. Tức là Chúa Kitô cho Giáo Hội là chúng ta đây.

Tôi đặt thêm một câu hỏi nữa để kết thúc là tại sao Zacaria bị câm? Phải chăng ông ta nghi ngờ: “Việc ấy xảy ra thế nào được, Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi “ Nào ĐM cũng đã chẳng hỏi thần sứ Gabriel như thế sao : "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Maria không bị cứng lưỡi để sau đó mấy ngày có thể cất lên lời kinh Magnificat. Còn Zacaria cũng hỏi câu ấy thì lập tức bị câm miệng lại. Đợi đến lúc Gioan sinh ra mới mềm lưỡi được mà cất lên bài Benedictus. Trả lời cũng phải dài, có thể là một bài giảng khác. Nhưng ta có thể nhắc ngay đây Gioan chính là tiếng kêu. Phải im lặng mới nghe được tiếng kêu.

Mừng ngày sinh của Gioan, gợi tới ngày sinh của Chúa, và nhắc đến ngày sinh của mỗi người chúng ta. Trong thông-điệp Tin Mừng về sự sống, ĐGH GP II đã gọi nền văn minh của chúng ta đang sống là nền văn minh của sự chết, trong đó đáng nguyền rủa nhất là việc không cho tiếng kêu, tiếng khóc của em bé được thốt lên khi chào đời. Nói rõ ra là nạn phá thai. Con số thật kinh khủng (mỗi năm khoảng 15 triệu con trẻ không dược kêu lên tiếng nào).

[Cách đây 90 năm, tức gần một thế kỷ, em bé Gioan Baotixita Bùi Tuần chào đời, và cất tiếng kêu. Lớn lên khi trở thành người có ảnh hưởng thì tiếng kêu này đã được thực thi đúng ý nghĩa nhất. Tiếng kêu cất lên khi giảng dạy, khi đứng lớp, lúc linh hướng khi là giám đốc chủng viện. Sau này, khi đã là giám mục, thì tiếng kêu, gọi mời đến với Chúa càng tha thiết và dày đặc hơn. Cho đến khi không còn trách nhiệm lên tiếng kêu nữa, thì tiếng kêu ấy ẩn dưới những con chữ -điều đức cha Cửu Tuần Bùi Tuần vẫn làm thường xuyên và liên tục từ trước- để được vang lên tiếng kêu trên báo, trên mạng…] (****)

Còn mỗi chúng ta đã được sinh ra. Tuy không mang tên thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng đã kêu, đã cất tiếng kêu chào đời, hãy là một lời kêu như Gioan mà Gabriel đã nói về: “Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa."

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

___________________________

(*) Ml 3:1-1

Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán.

(**) G 3:1-15

Sau cùng, ông Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời. Ông Gióp lên tiếng nói:

Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời,

cũng như đêm đã báo:

"Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!"

Phải chi ngày ấy là đêm tối,

phải chi từ nơi cao thẳm

Thiên Chúa đừng để ý tới ngày ấy làm gì.

Phải chi trên ngày ấy ánh sáng đừng chiếu rọi.

Phải chi trên ngày ấy tối tăm mờ mịt bao trùm,

mây đen đến che phủ và sương mù bỗng dưng ập xuống.

Phải chi đêm ấy bị tối tăm xâm nhập,

không được kể vào niên lịch,

không được tính trong số các tháng.

Này, phải chi đêm ấy là đêm cô đơn buồn thảm,

đêm chẳng hề có tiếng reo vui.

Phải chi những kẻ đã nguyền rủa ngày

đã sẵn sàng đánh thức con giao long

cũng nguyền rủa đêm ấy.

Phải chi tinh tú ban mai thành tăm tối mịt mờ,

và ban mai uổng công chờ ánh sáng,

không hề thấy bình minh xuất hiện.

Vì đêm ấy đã không đóng kín lòng dạ cưu mang tôi

khiến mắt tôi khỏi nhìn thấy đau khổ.

Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời,

không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ?

Sao lại có hai đầu gối đỡ lấy tôi,

có đôi vú cho tôi bú mớm?

Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã nằm xuống yên hàn,

đã an giấc nghỉ ngơi

cùng các bậc vương hầu khanh tướng

đã xây lăng xây mộ cho mình,

hay những bậc thủ lãnh vàng bạc chất đầy nhà.

(***) Gr 20:14-18

Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra.

Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành.

Thật đáng nguyền rủa kẻ làm cho cha tôi hớn hở mừng vui

khi báo tin cho người:

"Một người con, một bé trai đã được sinh ra cho ông."

Chớ gì kẻ đó giống như các thành

bị ĐỨC CHÚA phá đổ, không chút xót thương.

Chớ gì sáng sớm nó nghe tiếng kêu cứu,

và giữa trưa nghe tiếng hò xung trận.

Tại sao tôi đã không chết ngay trong lòng mẹ

để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi,

và lòng bà cưu mang tôi mãi mãi?

Tôi đã lọt lòng mẹ để làm chi?

Phải chăng chỉ để thấy toàn gian khổ, buồn sầu,

và thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ?

(****) Đoạn được thêm vào nhân lễ Cửu Tuần của đgm G.B. Bùi Tuần.

LM. Alf. Nguyễn Công Minh, OFM