LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU
Đnl 8,2-3.14b-16a; 1 Cr 10,16-17; Ga 6,51-58

Mầu nhiệm hiệp thông
Hôm nay, chúng ta cử hành trọng thể lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi). Đây là cơ hội thuận tiện để chúng ta suy niệm về bí tích Thánh Thể. Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô trình bày về bí tích Thánh Thể như là mầu nhiệm “hiệp thông”: “Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông thiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao?”

1- Ý nghĩa hiệp thông
Hiệp thông có nghĩa là kết hợp, trao đổi và chia sẻ. Đây là nguyên tắc nền tảng của sự chia sẻ: điều của anh có trở thành điều của tôi và điều của tôi là của anh. Chúng ta thử áp dụng nguyên tắc này vào sự hiệp thông của bí tích Thánh Thể để phám phá ý nghĩa cao cả của sự hiệp thông này.
Theo nguyên tắc trên, điều tôi có thể chia sẻ là những gì nếu không phải là sự khốn cùng và tội lỗi. Điều Chúa Giêsu có là gì nếu không phải là sự thánh thiện, sự hoàn hảo của các nhân đức. Như thế, những gì tôi dành cho Chúa Giêsu là tội lỗi và sự nghèo khó của tôi, và những gì Người ban tặng cho tôi chính là sự thánh thiện và muôn vàn ơn phúc của Người. Trong mầu nhiệm này, “một sự trao đổi nhiệm lạ” (admirabile commercium) hay là “sự chuyển đổi tuyệt vời” được thực hiện như phụng vụ diễn tả.

Chúng ta nhận thấy có những kiểu hiệp thông khác nhau. Một trong những sự hiệp thông có tính thân mật và đặc trưng nhất đó là chia sẻ thức ăn mà chúng ta dùng với nhau. Khi chúng ta ăn thức ăn như cơm bánh, thịt cá, rau quả vào trong chúng ta, chúng trở thành nguồn dinh dưỡng, năng lượng và sức mạnh cho chúng ta, thành xương thịt trong cơ thể chúng ta. Nhờ quá trình tiêu hóa và biến đổi này, thức ăn trở nên giống chúng ta và nên một với chúng ta.

2- Nên một với Chúa
Ở trong bí tích Thánh Thể, có điều gì đó tương tự như thế xảy ra khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể như là của nuôi linh hồn chúng ta. Chúa Giêsu giới thiệu mình trong Tin Mừng rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống... Thịt tôi thật là của ăn... Ai ăn thịt tôi sẽ có sự sống đời đời.” Ở đây, Chúa Giêsu trở thành bánh hằng sống, mình và máu Người trở thành của ăn nuôi dưỡng chúng ta.

Để hiểu rõ hơn điều này, chúng ta hãy quan sát những gì xảy ra trong thế giới tự nhiên liên quan đến thức ăn nuôi dưỡng. Những sinh vật cấp cao hơn ăn và tiêu hóa những sinh vật cấp thấp hơn. Cây cối ăn khoáng vật; con vật ăn cây cỏ. Cả trong mối tương quan giữa Chúa Kitô và con người cũng theo quy luật này.
Tuy nhiên, nơi bí tích Thánh Thể, lương thực không là chỉ một cái gì, mà là một Con Người sống động, là chính Thiên Chúa. Vì thế, ở đây có sự khác biệt so với các lương thực vật chất, khi tiếp nhận thức ăn, chúng trở nên giống chúng ta. Còn khi tiếp nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa không bị biến đổi thành chúng ta, nhưng chúng ta được biến đổi và nên giống Người. Một nhà vô thần duy vật chất nói rằng: “Bạn cho tôi biết bạn ăn gì, tôi sẽ cho biết bạn là ai.” Dù không có biết gì về Thánh Thể, người này đã cho chúng ta một định nghĩa hoàn hảo về Thánh Thể. Nhờ Thánh Thể, con người thực sự trở thành điều mình ăn tức là thân thể Chúa Kitô. Chúng ta được kết hợp và nên một với Người. Đây là sự hiệp thông gần gũi, thân mật và kỳ diệu nhất trong các sự hiệp thông.

3- Nên một với tha nhân
Chúng ta hãy đọc phần còn lại bản văn của thánh Phaolô: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, bởi tất cả chúng ta được tham dự vào một tấm bánh.” Rõ ràng trong trường hợp thứ hai này từ “thân thể” không còn quy chiếu về thân thể Chúa Kitô được sinh ra từ Đức Maria, nhưng quy chiếu về “tất cả chúng ta,” nghĩa là muốn nói đến một thân thể vĩ đại của Chúa Kitô, tức là Giáo Hội. Thánh Agustinô gọi đó là “Đức Kitô toàn thể (total Christ) gồm chính Người và Giáo Hội. Điều này muốn nói rằng sự hiệp thông Thánh Thể cũng chính là sự hiệp thông ở giữa chúng ta với nhau, giữa con người với con người. Khi cùng ăn một tấm bánh và uống chung một chén rượu, chúng ta sẽ trở nên một thân thể mầu nhiệm trong Đức Kitô. Chúng ta được nên một với nhau nhờ việc hiệp thông với Chúa Kitô và ngược lại.

Điều gì sẽ xảy ra từ đây? Chúng ta không thể hiệp thông với Chúa Kitô nếu chúng ta chia rẽ lẫn nhau, nếu chúng ta thù ghét nhau; hay nếu chúng ta không sẵn sàng hòa giải cho nhau. Nếu chúng ta đã xúc phạm đến người anh em mình, thánh Augustinô khuyên rằng: “Nếu bạn đã phạm tội bất công chống lại người anh em, rồi đi rước lễ như là không có gì xảy ra, có thể khi đó bạn tràn đầy lòng yêu mến trước Chúa Kitô, khi đó bạn giống như một người gặp một người bạn đang đến với mình, người bạn đó khá lâu rồi anh không gặp. Anh chạy đến với người bạn đó, anh đưa tay choàng lên cổ và hôn người bạn mình. Nhưng đang khi làm như thế, anh đồng thời đá vào người đó bằng mũi dày đinh nhọn.” Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dạy rằng “khi ngươi dâng lễ vật mà sực nhớ người có điều bất bình với anh em người, thì hãy bỏ của lễ lại ở đó, mà đi làm hòa cùng anh em ngươi trước đã.”
Những anh chị em, đặc biệt là những người nghèo và bị bỏ rơi là những thành viên của Chúa Kitô. Họ là đôi chân của Chúa còn ở trên trái đất. Trong khi ban Mình Thánh cho chúng ta, linh mục nói: “Mình Thánh Chúa Kitô,” chúng ta thưa: “Amen!”
Giờ đây, chúng ta biết Người là ai khi chúng ta thưa “Amen!” Đó không chỉ là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, nhưng bao gồm cả anh chị em chúng ta.

Trong ngày lễ Corpus Christi, tôi không thể che dấu một nỗi buồn nào đó vì thấy rằng nhiều người trong chúng ta bị một dạng “bệnh tâm thần” nào đó khi đánh mất khả năng nhận biết tha nhân là những người rất gẫn gũi với mình và hình thành một lối sống vô cảm và vô can trước cuộc sống.
Đây cũng là điều xảy ra với Thiên Chúa. Con người ngày hôm nay tìm kiếm Thiên Chúa trong vũ trụ bao la hoặc trong thế giới nguyên tử; họ tranh luận suốt ngày về một Thiên Chúa tạo dựng thế giới này. Họ tiếp tục chất vấn: “Thiên Chúa ở đâu?” Nhưng họ không ý thức rằng Người ở với chúng ta và quả thật Người trở thành của ăn và của uống để nên một với chúng ta cách thân mật nhất nơi Thánh Thể.

Thật đáng buồn, thánh Gioan Tẩy Giả nhắc lại rằng: “Có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết.” Chính vì thế, lễ Mình Máu Thánh Chúa được thiếp lập và cử hành chính xác là để giúp các Kitô hữu ý thức về sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta và để mang lại sự sống cho điều mà thánh Giáo Hoàng Phaolô II gọi: “Sự diệu kỳ của Thánh Thể.” Amen!