Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên – B – 2018
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 của ĐTC Phanxicô

Tin Mừng thật

Lời mở

Hôm nay là Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên. Trước khi Chúa Giêsu lên trời (x. Cv 1,1-11), Người ra lệnh cho các môn đệ “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19; Lc 24,47). Đây chính là mệnh lệnh truyền thông xã hội của Chúa. Vì thế, Giáo Hội thiết lập Chúa Nhật Thăng Thiên là Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 52 (2018), ĐTC Phanxicô cũng gửi đến toàn thể tín hữu một sứ điệp, mang tựa đề “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). Tin giả và một nền báo chí vì hoà bình.

Quả thật, chúng ta đang sống trong một cộng đồng xã hội bị tàn phá và thiệt hại nặng nề bởi những tin giả đủ loại. Chúng ta rất cần được Đức Giêsu Kitô là sự thật giải thoát, đem lại bình an, đúng như lời Kinh Thánh hôm nay nói rằng: “Người đã cao lên, dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người” (Ep 4,8).

1. Tin giả và những hậu quả của chúng

Theo ĐTC, cộng đồng nhân loại đang bàn luận rất nhiều đến sự lan tràn của những thông tin sai lạc trên các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình. Ngày 10/5/2018 vừa qua, Hội nghị các bộ trưởng thông tin lần thứ 14 (AMRI) của 10 nước trong khối ASEAN cùng với 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã họp tại Singapore, để bàn cách đối phó với tin giả (x. Báo Thanh Niên, 11/5/2018).

Vậy tin giả là gì?

ĐTC nói: “Chúng là những thông tin sai lệch, những tin đồn thất thiệt dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả”. Đọc báo ở Việt Nam, chúng ta tìm thấy những tin giả như “Nước mắm nhiễm arsen” hoặc “Cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có áo mới đến trường ở tỉnh Gia Lai” được nhiều báo đăng và lan nhanh trên mạng xã hội. Nếu vào mạng Youtube, chúng ta thấy đủ loại quảng cáo các thuốc Đông y với lời chia sẻ của những người đã được chữa lành khỏi bệnh tiểu đường, vẩy nến, ung thư, chữa khỏi hôi miệng, hôi nách, giảm cân nhanh chóng… sau một vài lần dùng thuốc. Hầu hết chúng là tin giả, nhưng không ít người vẫn bị lừa và tin theo.

Tại sao lại có tin giả?

ĐTC nói: “Người ta truyền bá tin giả để đạt các mục tiêu cụ thể ảnh hưởng trên các quyết định chính trị và phục vụ lợi ích kinh tế”.

Tin giả có thể bắt nguồn từ chính quyền hoặc các cơ quan, tổ chức nắm giữ quyền thông tin, nhưng cũng có thể phát đi từ những ông chủ tư nhân nắm giữ các phương tiện truyền thông xã hội như báo chí, phim ảnh, đài phát thanh, đài truyền hình, máy in, sách báo. Tin giả cũng có thể được loan đi từ những cá nhân đến tiệm photo in những tờ rơi nói xấu người này người nọ, hoặc từ chính những “ông Tám, bà Tám, anh Tám, chị Tám nhiều chuyện” loan tin thất thiệt trong các buổi họp mặt, gửi tin nhắn qua facebook, twiter và các mạng xã hội.

Tôi vẫn còn nhớ đến tin giả đầu tiên mình nhận được là tin từ tờ báo Tin Sáng, tiền thân của báo Tuổi Trẻ hiện nay, phát đi ngày 21/9/1975, để làm an lòng dân chúng là “Nhà nước không có đổi tiền”. Nhưng báo ngày hôm sau, 22/9/1975, lại thông tin: “Người dân chỉ có 12 giờ đổi tiền. Mỗi hộ được 200 đồng bạc mới, bao nhiêu tiền còn lại đều phải ký thác vào ngân hàng”. Tin giả đó đã làm cho tôi và bao người dân miền Nam Việt Nam ngỡ ngàng về độ tin cậy của chính quyền mới mẻ.

Một điều đáng lưu ý là rất nhiều người chúng ta đang bị lạc trong rừng tin giả mà chúng ta không biết. Hoặc chúng ta đang dẫn con cái mình lạc vào đó mà chẳng quan tâm, khi chúng ta để cho chúng tự do xem các phim ảnh, truy cập tin tức, chơi những trò chơi trực tuyến… Những phim ảnh, trò chơi như “Chiến tranh giữa các vì sao”, “Xác sống”, “Võ lâm truyền kỳ”, “Truyện ma lúc nửa đêm”… đều là giả tạo, làm cho người xem, người chơi mất giờ vô ích, căng thẳng thần kinh và rơi vào những ảo tưởng nguy hiểm.

Chúng ta biết rằng: khi xem phim hay chơi các trò chơi đó, mắt của chúng ta thu nhận 1 cử động trong 1 giây, qua 24 hình ảnh liên tục sắp liền với nhau và được ghi nhớ trong bộ não. Các dữ liệu về âm thanh, ngôn ngữ, hình ảnh, màu sắc, chuyển động của những hình ảnh đó được đưa vào những phần khác nhau của bộ não, rồi tổng hợp ở bán cầu não trái, phía trước trán. Chỉ trong một giờ với 3.600 giây, trí não ta đã phải thu nhận 86.400 hình ảnh với hàng tỉ dữ liệu như thế. Vì vậy, nhiều em học sinh và cả người lớn bị kiệt quệ tâm thần do phải tích trữ hàng tỉ tỉ dữ liệu giả tạo đó trong trí nhớ, khiến họ rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần, bị trầm cảm, hoang tưởng, tâm thần phân liệt. Việt Nam hiện nay có khoảng 14 triệu người tâm thần, hàng chục triệu người xem phim ảnh đồi truỵ và hàng chục triệu trẻ em nghiện trò chơi trực tuyến. Chúng ta là những nhà truyền thông của Chúa, ta có thể giúp họ nhận thức này để thay đổi đời sống.

ĐTC nói rằng: “Bi kịch của thông tin sai lạc là nó làm mất uy tín của người khác, xúi giục xung đột, làm lan tràn sự kiêu căng và thù hận, dẫn đến một xã hội xung đột, giả dối, không còn hoà bình, không còn khoan dung, chiều theo lòng tham, khao khát quyền lực, ham muốn sở hữu và hưởng thụ và biến chúng ta tất cả thành nạn nhân của cái ác”.

2. Muốn loại bỏ tin giả chúng ta phải làm gì?

ĐTC nhắc nhở ta phải “giáo dục chân lý”, nghĩa là “dạy cho người ta biết phân định, đánh giá, thấu hiểu những ham muốn và khuynh hướng sâu xa nhất của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất cái nhìn hướng thiện khiến ta phải đầu hàng các cơn cám dỗ”.

Ngài dạy chúng ta qua lời của Đức Giêsu rằng: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32) “Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất để khử vi khuẩn giả dối là sự thanh lọc trong chân lý”. Nhưng sự thật không phải chỉ là một sự hoà hợp giữa sự vật với lý trí của chúng ta để nhận thức đúng về sự vật đó. Sự thật không chỉ được định nghĩa là “cái có thật, cái có trong thực tế” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr.1129). Hơn nữa, có những sự thật liên quan đến con người, dù đúng, nhưng chúng ta không thể nói ra vì nó có thể làm tổn thương hay làm mất uy tín của người đó trước mặt người khác. Ca dao Việt Nam vẫn thường nói: “Sự thật mất lòng”.

Theo Kitô giáo, sự thật ở đây là một con người, một Đấng mà chúng ta có thể cậy dựa vào để không bị ngã và đứng vững, như nguồn gốc của từ Aman dẫn đến từ Amen trong ngôn ngữ Phụng vụ. Đó chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Người là Đấng Amen (x. 1Cr 14,16; 2Cr 1,20), là Lời Thật của Thiên Chúa, lời yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa nói với loài người và vũ trụ. Như thế, sự thật giờ đây phải hiểu là “cái có thật trong tương quan với Chúa Giêsu” vì mọi sự, mọi loài có được, hiện hữu được là nhờ Người và cho Người.

Nhưng để nói được Lời Thật, Tin Mừng Thật ra thành những dòng tin thật, thành những bài báo, tác phẩm văn hoá, nghệ thuật có giá trị thật sự, “cổ vũ sự hiệp thông giữa con người và điều thiện nơi con người”, thì những nhà truyền thông xã hội hôm nay là chúng ta “phải thở được Thần Khí Sự Thật của Đức Giêsu” (x. Ga 14,16-17). Nhiều người đã hiểu sai về Sự Thật và không có Thần Khí này, nên trong những bài giảng, bài báo, bài viết, tin nhắn của họ, họ chỉ loan báo có “một nửa sự thật”. Họ là những người loan tin giả nhiều khi trong chính ngôi nhà của Chúa, nên gây tổn hại cho xã hội và cộng đồng như tin giả mà quỷ dữ, qua hình ảnh con rắn, đã loan cho Ađam, Evà xưa (x. St 3,1-24 ).

Lời kết

Hôm nay mừng Chúa lên trời, chúng ta hãy tự nguyện trở thành những nhà truyền thông xã hội loan báo Tin Mừng Thật của Chúa cho muôn loài. Xin Chúa Giêsu cho chúng ta thở hít được Thần Khí Sự Thật của Người như các môn đệ xưa để “chúng ta có thể ra đi rao giảng khắp nơi. Có Chúa cùng hoạt động với chúng ta và dùng những dấu lạ kèm theo để xác nhận lời chúng ta rao giảng” (x. Mc 16, 19-20).