Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 kỷ niệm sinh nhật lần thứ 91

Hôm thứ Hai 16 tháng 4, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 91 một cách lặng lẽ trong tu viện “Mẹ Giáo Hội” ở Vatican, nơi ngài về hưu.

Ngày sinh của Đức Joseph Ratzinger đã được một số người xem như một dấu hiệu của Ơn Quan Phòng của Thiên Chúa. Đó chắc chắn là một dấu chỉ cho những điều sẽ xảy đến. Vị Giáo Hoàng tương lai Bênêđictô XVI được sinh ra vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, 16 tháng 4 năm 1927. Nơi sinh của ngài là Marktl-an-Inn, một ngôi làng nhỏ bé cách Altoetting, đền thờ Thánh Mẫu lớn nhất trong miền Bavaria chưa đầy một giờ đi bộ.

Năm 1927 cũng là năm Charles Lindbergh hoàn thành chuyến bay thẳng đầu tiên vượt Đại Tây Dương. Vị Giáo hoàng lúc đó là Đức Piô XI – là người kế vị Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đã mừng sinh nhật lần thứ 85 của mình, lần sinh nhật cuối cùng của ngài khi còn ở ngôi giáo hoàng với Thánh Lễ tại Nhà Nguyện Thánh Phaolô của Vatican. Đó là ngày 16 tháng 4 năm 2012. Suy tư về cuộc đời trường thọ và đầy những biến cố, ngài tuyên bố ngài đang “phải đối mặt với chặng cuối cùng” của cuộc hành trình trong cuộc lữ hành trần thế của mình. “Tôi không biết những gì đang chờ đợi tôi”, ngài nói, “Nhưng tôi biết rằng ánh sáng của Thiên Chúa ở đó, rằng Ngài đã sống lại, ánh sáng của Ngài mạnh hơn tất cả bóng tối, sự tốt lành của Thiên Chúa mạnh hơn mọi điều ác trong thế giới này, và điều này giúp tôi tự tin tiến bước, điều này giúp chúng ta tiến lên phía trước”.

2. Triển vọng về một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Phụ nữ

Giáo Hội Công Giáo ở châu Mỹ Latinh phải công nhận và đánh giá cao vai trò của phụ nữ và chấm dứt việc dùng họ đơn thuần như những người lao động phục tùng trong các giáo xứ. Các thành viên của ủy ban giáo hoàng về châu Mỹ Latinh đã nhấn mạnh như trên.

Ngoài ra, vào cuối cuộc họp toàn thể của ủy ban giáo hoàng về châu Mỹ Latinh từ ngày 6 đến ngày 9 vừa qua tại Vatican, các thành viên của ủy ban đã đề nghị Giáo Hội tổ chức một Thượng Hội Đồng Giám Mục “về chủ đề phụ nữ trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội”.

Tài liệu cuối cùng của cuộc họp cổ vũ việc trao cho phụ nữ nhiều trách vụ xứng đáng với khả năng của họ hơn là chỉ xem họ là những lao công trong các thánh đường tại nhiều nơi ở Mỹ châu La tinh.

Tờ Quan Sát Viên Rôma tường thuật hôm thứ Năm ngày 11 tháng 4 rằng chủ đề của cuộc họp kéo dài bốn ngày, “Phụ nữ: trụ cột trong việc xây dựng Giáo hội và xã hội ở Mỹ Latinh”, đã được chính Đức Thánh Cha Phanxicô chọn.

Ngoài 17 Hồng Y và 7 Giám Mục là thành viên của ủy ban, Đức Thánh Cha đã mời một số phụ nữ Mỹ Latinh tham dự hội nghị này trong đó có tám giáo dân và sáu nữ tu.

3. Mỹ, Anh, Pháp đồng loạt tấn công Syria. Đức Hồng Y Bechara Rai lên án chiến tranh

Khoảng 4 giờ sáng giờ địa phương ngày thứ Bẩy 14 tháng Tư, thủ đô Damascus của Syria đã nổ tung với hàng loạt hỏa tiễn. Những đám cháy dữ dội làm sáng rực bầu trời ngay sau khi Tổng thống Donald Trump kết thúc bài diễn văn của ông vào tối thứ Sáu.

Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự cùng với các lực lượng Anh và Pháp với chiêu bài là triệt hạ các cơ sở vũ khí hóa học của chế độ Syria sau các cáo buộc là chính phủ Syria dùng đến vũ khí hóa học vào cuối tuần trước ở Douma, một vùng ngoại ô của Damascus.

Một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc sau đó xác nhận ba địa điểm đã bị tấn công: hai ở Damascus và một ở Homs. Các địa điểm này đều được coi là có liên quan đến việc lưu giữ, hoặc thử nghiệm vũ khí hoá học. Các hệ thống phòng không của Syria đã đáp trả lại các cuộc tấn công nhưng Mỹ cho biết họ đã không bị tổn thất trong những cuộc không kích ban đầu.

Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin, mô tả các cuộc tấn công như là một hành động gây hấn và cho biết cuộc tấn công sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Ông Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Mỹ, nói “những hành động như vậy sẽ không thể không có những hậu quả” và cho rằng Mạc Tư Khoa đang bị đe dọa.

Đài truyền hình nhà nước Syria đã cho thấy một đoạn video trong đó tổng thống Bashar al-Assad đến nơi làm việc vào sáng thứ Bảy sau cuộc tấn công. Theo quân đội Nga, hệ thống phòng không của Syria, do Nga cung cấp, đã chặn được 71 trong số 103 tên lửa trong các cuộc tấn công do Hoa Kỳ lãnh đạo. Các hệ thống phòng không của Nga do quân Nga trú đóng tại Syria điều khiển đã không phản ứng lại các tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp.

Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei - một đồng minh của Bashar al-Assad - đã lên án cuộc không kích do Hoa Kỳ lãnh đạo, mô tả các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Mỹ là “bọn tội phạm”.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh cuộc tấn công này, mô tả các cuộc không kích là “phản ứng thích hợp” đối với việc sử dụng vũ khí hóa học ở Douma vào thứ 7 tuần trước.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết bốn máy bay Tornado đã cất cánh từ Síp trong cuộc tấn công ở Homs.

Các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, Pháp đã bắn 12 tên lửa từ các máy bay chiến đấu và các tàu khu trục nhỏ.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông António Guterres, đã kêu gọi “tất cả các quốc gia thành viên thể hiện sự kiềm chế trong những tình huống nguy hiểm này”.

Tại Li Băng, Đức Hồng Y Bechara Rai của Công Giáo nghi lễ Maronite kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngưng ngay cuộc chiến ở Syria và hoạt động cho một nền hòa bình toàn diện thông qua các phương tiện ngoại giao.

Đức Hồng Y Rai nói: “Trong khi các cường quốc đang nổi trống thúc giục một cuộc chiến tranh mới chống Syria, chúng tôi lấy làm tiếc về sự vắng mặt của một ngôn ngữ hòa bình từ miệng các quan chức cao cấp trong thế giới chúng ta ngày nay”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: “Bi thảm nhất là trái tim của họ không có cảm xúc tình người nào đối với hàng triệu người dân Syria vô tội đã bị buộc phải trốn khỏi vùng đất của họ dưới ngọn lửa chiến tranh, tàn phá, khủng bố và bạo lực.”

Đức Hồng Y Rai nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi lương tâm của các cường quốc và cộng đồng quốc tế hãy hành động để chấm dứt chiến tranh và mang lại một nền hòa bình công chính, trọn vẹn và bền vững thông qua các phương tiện chính trị và ngoại giao, chứ không phải những nỗ lực quân sự.”

4. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói về Sinh Nhật thứ 91 của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16

Đức Bênêđíctô XVI kỷ niệm sinh nhật thứ 91 trong lặng lẽ và thanh thản với hiền huynh của ngài. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký của Đức Bênêđíctô XVI đã cho biết như trên.

Đức Tổng Giám Mục nói:

“Ngài ăn mừng Sinh Nhật với hiền huynh đang có mặt với chúng tôi trong những ngày này. Buổi sáng, chúng tôi cùng lần chuỗi Mân Côi trước khi ban nhạc của các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ dành cho ngài một sự ngạc nhiên nhỏ, rất điển hình ở Đức, họ chơi hai hoặc ba bài hát sau các bài phát biểu ngắn”

Về sức khoẻ của Đức Bênêđíctô XVI, Đức Tổng Giám Mục cho biết tình trạng của Đức nguyên Giáo Hoàng cũng giống như một vài tuần trước, khi ngài viết lời cám ơn một cơ quan truyền thông của Ý. Trong lá thư đó, Đức Bênêđíctô XVI thừa nhận có sự suy giảm về thể chất của ngài.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm:

“Tâm trí của ngài vẫn rất minh mẫn, dù sức mạnh thể lý có giảm xuống một chút. Ngài vẫn giữ một tinh thần lạc quan, đặc biệt là trong buổi cử hành Sinh Nhật này. Điều quan trọng là ngài có thể hiện diện chung vui với mọi người. Cho dù ngài có đang viết điều gì hay không có lẽ không quan trọng. Tôi không biết, nhưng chính ngài nói rằng chúng ta không nên mong đợi bất cứ điều gì có tính chất học thuật.”

Những người gần gũi nhất với Đức Bênêđíctô XVI biết ngài rất nhớ quê hương Bavaria của mình và đó là lý do tại sao mỗi năm họ cố gắng mang đến cho ngài một chút quà từ quê hương gởi đến quốc gia nhỏ nhất thế giới này.

5. Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Mân côi đầu tháng Năm và tham sự cuộc họp với Con Đường Tân Dự Tòng

Trong thông cáo đưa ra hôm 10 tháng Tư, ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh, cho biết vào lúc 17h ngày 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Santuario del Divino Amore ở Rôma để chủ sự buổi đọc kinh Mân côi khai mạc Tháng Hoa kính Đức Mẹ.

Ngoài ra, vào ngày thứ Năm 5 tháng 5, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ tọa một cuộc họp của Con Đường Tân Dự Tòng ở khu phố Tor Vergata của Rôma nhân dịp kỉ niệm năm mươi thành lập phong trào này ở Rôma.

6. Vatican công bố Công nghị Tuyên thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ tọa một Công nghị để chuẩn y một vài án tuyên thánh. Vatican đã tuyên bố như trên hôm thứ Tư 11 tháng Tư.

Công nghị được triệu tập vào ngày 19 tháng 5, rất có thể sẽ xác nhận ngày tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.

Cuộc họp của các Hồng Y và các cáo thỉnh viên các án tuyên thánh thường được gọi là “công nghị bình thường”, chính thức kết thúc tiến trình phê chuẩn một vị thánh mới.

Trong khi chưa định ngày chính thức, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nói rằng việc tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục sẽ diễn ra vào cuối của Thượng Hội Đồng Giám Mục về thanh thiếu niên và sự phân định ơn gọi, được dự trù diễn ra từ ngày 3 đến 28 tháng Mười.

Hôm 6 tháng 3, trong một cuộc họp với Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ do Đức Phaolô Đệ Lục can thiệp. Đức Phaolô Đệ Lục, tức là Đức Giovanni Battista Montini, đã ở ngôi giáo hoàng từ năm 1963 đến năm 1978.

7. Án Tuyên Thánh cho Đức Tổng Giám Mục Romero

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cũng trong cuộc họp hôm 6 tháng 3, Đức Giáo Hoàng, là người đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ của ngài đối với Đức Tổng Giám Mục Romero trong nhiều dịp khác nhau, cũng đã ký vào sắc lệnh công nhận một phép lạ cần thiết để tuyên thánh cho vị tổng giám mục bị sát hại.

Trước đó, mặc dù án tuyên Chân Phước cho Đức Tổng Giám Mục Romero đã được mở tại Vatican vào năm 1993, tiến trình này đã bị trì hoãn trong nhiều năm giữa các cuộc tranh cãi sâu rộng về việc ngài đã bị giết vì đức tin hay vì những lập trường chính trị chống lại chính phủ Salvador và chống lại các đội tử thần tại quốc gia này.

Chân Phước Romero bị ám sát năm 1980 trong khi cử hành Thánh Lễ tại nhà nguyện của một bệnh viện địa phương, một ngày sau khi kêu gọi chính phủ chấm dứt vi phạm nhân quyền chống lại dân chúng.

8. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput lập chuẩn giáo xứ mới cho người Công Giáo gắn bó với Thánh Lễ Latin truyền thống.

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia đã tạo ra một ‘chuẩn giáo xứ’ (quasi-parish) mới cho người Công Giáo quan tâm đến Thánh Lễ Latin truyền thống.

Ðiều 516, triệt 1 của bộ Giáo Luật định nghĩa ‘chuẩn giáo xứ’ (quasi-parish) là một cộng đoàn tín hữu trong một Giáo Hội địa phương được ủy thác cho một tư tế như là chủ chăn riêng, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt chưa được thiết lập thành giáo xứ.

Từ ngày 1 tháng 8 tới đây, giáo đường St. Mary ở Conshohocken trước đây dự trù sẽ bị sáp nhập vào năm 2014 - sẽ được trao cho Huynh Đoàn Thánh Phêrô (FSSP). Nếu chuẩn giáo xứ này được cho là thành công, Đức Tổng Giám Mục Chaput có thể ban cấp quy chế giáo xứ.

Đức Tổng Giám Mục Chaput nói: “Để đáp lại sự quan tâm ngày càng tăng, đã đến lúc cần phải cung cấp các chăm sóc mục vụ bổ sung cho những ai muốn tham dự việc thờ phượng Thiên Chúa dưới Hình Thức Ngoại Thường”.

Ngài nói thêm: “Trong khi vẫn còn phải xem liệu cộng đồng này có thể phát triển thành một giáo xứ hay không, thì việc thành lập một chuẩn giáo xứ để cung cấp sự chăm sóc tinh thần này dường như là thích hợp nhất vào thời điểm hiện nay”.

9. Vài nét về Huynh Đoàn Thánh Phêrô

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Huynh Đoàn Thánh Phêrô – gọi tắt là FSSP, xin phân biệt với Huynh Đoàn Thánh Piô X, là một hiệp hội quốc tế các linh mục cử hành thánh lễ dưới Hình Thức Ngoại Thường của nghi thức Rôma. FSSP hiện đang hoạt động tại 39 giáo phận ở Hoa Kỳ, và có 96 linh mục làm việc tại 54 nơi thờ phượng trên toàn cõi Hoa Kỳ.

Năm nay, Vatican cũng đã ban phép đặc biệt cho FSSP cử hành phụng vụ Tuần Thánh theo các hình thức trước năm 1955.

Sau khi giáo xứ St Mary không còn là một giáo xứ độc lập vào năm 2014, Đức Tổng Giám Mục Chaput đã giao ngôi nhà thờ này cho cộng đồng Ba Lan làm nơi thờ phượng. Ông David Swedkowski, giám đốc điều hành của Hiệp Hội Đức Maria của người Mỹ gốc Ba Lan, hoan nghênh việc thiết lập chuẩn giáo xứ này.

Ông nói: “Hiệp Hội sẽ tiếp tục tồn tại và tập trung vào việc quảng bá di sản Ba Lan tại quận Montgomery và tiếp tục gây quỹ để giúp cho Huynh Đoàn Thánh Phêrô có thể chăm sóc thành công cho chuẩn giáo xứ Đức Maria.”

10. Ngoại trưởng Algeria nói chính phủ của ông hoàn toàn đồng thuận với án tuyên Chân Phước cho 7 đan sĩ dòng Trap.

Trong một cuộc phỏng vấn với FRANCE 24, Bộ trưởng Ngoại giao Algeria là ông Abdelkader Messahel nói rằng chính phủ của ông và nói chung là người Algeria hoàn toàn đồng thuận với Tòa Thánh trong việc phong chân phước cho bảy đan sĩ người Pháp bị giết tại Algeria trong cuộc nội chiến hồi thập niên 1990.

Tháng 12, 1991 Mặt trận Cứu nguy Hồi Giáo thắng lớn trong vòng thứ nhất trong hai vòng của cuộc tuyển cử Quốc Hội. Trước nguy cơ thành lập một chính phủ Hồi Giáo quá khích, chính quyền Algeria can thiệp vào ngày 11 tháng Giêng 1992 và hủy bỏ kết quả bầu cử.

Nội chiến giữa chính quyền Algeria và các nhóm Hồi Giáo Vũ Trang bùng nổ và kéo dài cho đến tháng 10, 1997. Hơn 100,000 thường dân vô tội bị các nhóm Hồi Giáo vũ trang giết hại trong giai đọan này.

Vào ngày 27 tháng Ba năm 1996, 7 đan sĩ dòng Trap bị bắt cóc. Đến ngày 21 tháng Năm thì nhóm Hồi Giáo Vũ Trang Algeria tuyên bố nhận trách nhiệm đã tàn sát các đan sĩ này. Ngày 30 tháng Năm 1996, người ta tìm thấy thủ cấp các vị, nhưng không tìm thấy phần thi thể còn lại. Cái chết của 7 đan sĩ dòng Trap gây ra nhiều tranh cãi. Mặc dù nhóm Hồi Giáo Vũ Trang Algeria đã tuyên bố nhận trách nhiệm giết hại các vị, tướng Pháp François Buchwalter cả quyết là chính quân đội Algeria đã giết các đan sĩ người Pháp này.

11. Những diễn biến sau cuộc tàn sát

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Dòng Trap có trụ sở tại Tibhirine, nước Algeria. Đây là một chi nhánh của dòng Xitô, được thành lập vào năm 1938 ở thành phố Medea, cách thủ đô Algiers 90 km về phía Nam.

Ngoài 7 đan sĩ nói trên, còn có một vị Giám Mục khác là Đức Cha Pierre Claverie sinh năm 1938, bị giết năm 1996. Trong công việc mục vụ, ngài luôn để chăm sóc người Hồi Giáo nên người Hồi Giáo Algeria rất thương mến ngài và gọi ngài là Giám Mục của người Hồi Giáo. Ngài qua đời trong một vụ ám sát bằng bom khi cùng người tài xế đi đến tòa Giám Mục. Tang lễ của ngài được nhiều người Hồi Giáo tham dự.

Ngày 27 tháng Giêng vừa qua, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành nghị định cứu xét việc tuyên phong chân phước cho các đan sĩ này và Đức Cha Pierre Claverie.

Vụ tàn sát dã man các đan sĩ dòng Trap đã được giới điện ảnh Pháp làm thành phim có tựa đề “Des Hommes Et Des Dieux”, được trao giải thưởng Grand Prix tại đại hội điện ảnh Cannes, ở Pháp.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã viết lời tựa cho một cuốn sách bằng tiếng Pháp viết về bảy tu sĩ dòng Trap này.

Ngài viết:

“Hai mươi năm sau cái chết của họ, chúng ta được mời gọi là dấu chỉ của sự đơn sơ và lòng thương xót trong thời đại chúng ta, trong việc thực hành hàng ngày việc cho đi chính mình, theo gương Chúa Kitô,” Đức Giáo Hoàng đã viết như trên trong lời nói đầu cuốn sách có tựa đề: Tibhirine: L'heritage; nghĩa là Di sản Tibhirine, vừa được ra mắt công chúng hôm 6 tháng Tư, 2016.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngoài lòng thương xót, “sẽ không có cách nào khác để chống lại cái ác đã dệt thành một mạng nhện trong thế giới của chúng ta.”

12. Đức Thánh Cha chia buồn với quốc gia Algeria trong tai nạn máy bay quá thảm khốc

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi một tai nạn máy bay rơi bi thảm nhất trong lịch sử Algeria với 257 hành khách thiệt mạng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tai nạn này xảy ra ngay sau khi chiếc máy bay cất cánh chỉ có vài phút từ phi trường quân sự Boufarik ở phía Tây của thủ đô Algiers vào hôm thứ Tư 11 tháng Tư.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, gởi đến Đức Tổng Giám Mục Paul Desfarges của thủ đô Algiers, thay mặt cho ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và tham gia trong tinh thần với người dân Algeria đang than khóc cho các nạn nhân. Algeria tuyên bố quốc tang trong 3 ngày bắt đầu từ thứ Năm 12 tháng Tư.

Ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị ảnh hưởng.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng cầu xin sự trợ giúp của Thánh Linh trên Giáo Hội và đất nước Algeria.

13. Vatican nên thương thảo với Bắc Kinh như thế nào? Quan điểm của cựu đại sứ Canada tại Bắc Kinh

Giáo sư David Mulroney từng là đại sứ Canada tại Bắc Kinh từ năm 2009 đến năm 2012. Ông hiện đang là hiệu phó trường Đại học St Michael's ở Toronto, Canada. Trong một bài đăng trên Catholic Herald hôm thứ Năm 12 tháng Tư, 2018 với tựa đề “This is how the Vatican should deal with China” – “Đây là cách Vatican nên thương thảo với Trung Quốc”, ông viết như sau:

Trung Quốc có một khả năng đáng nể trong việc lừa dối những người trí thức. Cuộc “Đại nhảy vọt” của Mao, một thử nghiệm cuối thập niên 1950 đã được thiết kế để biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghiệp, là một thất bại khổng lồ làm cho hàng triệu người phải chết đói. Nhạy cảm với những lời chỉ trích gia tăng, Trung Quốc đã tổ chức các chuyến tham quan được nghiên cứu cẩn thận cho các nhà lãnh đạo công luận quốc tế với hy vọng họ sẽ tuyên bố điều mà Trung Quốc muốn họ nói ra.

Tổng thống Pháp François Mitterrand và tướng Anh Field Marshal Montgomery đã phát biểu một cách dại dột rằng không hề có nạn đói ở đất nước này. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng không hoàn toàn tránh được cạm bẫy này của Trung Quốc trong một tuyên bố được đưa ra hồi năm 2013 khi ông ca ngợi “nền độc tài chút đỉnh” của Trung Quốc đã mang lại những thành công vang dội cho kinh tế của nước này.

Và các nhà quan sát Trung Quốc lại có cơ hội mỉm cười toe toét trước tuyên bố gần đây của Đức Giám Mục Marcelo Sánchez Sorondo, giám đốc tất cả các viện hàn lâm khoa học của Giáo Hội Công Giáo tại thánh đô Rôma, rằng chúng ta nên nhìn Trung Quốc như một gương mẫu thực hiện xuất sắc các học thuyết xã hội Công Giáo.

Trước những thành tích vi phạm nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc, nạn bán cơ phận tử tù, phá thai cưỡng bức, triệt hạ các thánh giá, san bằng các thánh đường, bắt bớ hàng giáo sĩ, những người Công Giáo trên thế giới bối rối trước một tuyên bố gây ngỡ ngàng như vậy. Sorondo là một quan chức cao cấp tại Vatican, hiện đang đàm phán với chính phủ Trung Quốc về một hiệp ước mới, trong đó bên cạnh những điều khác, sẽ có việc loại bỏ những trở ngại trong việc bổ nhiệm các giám mục, với hy vọng mang lại cho Giáo hội một sự thừa nhận nào đó đã được mong đợi rất lâu từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cho đến nay, đảng đã lúc nóng lúc lạnh chuyển đổi liên tục giữa thái độ thù hằn hoàn toàn với Giáo Hội, như đã từng xảy ra từ thời Mao cho đến những năm 1980, và cả trong thời gian gần đây; và một sự khoan dung giới hạn khiến cho một số cộng đồng Công Giáo có thể phát triển ở một số nơi trong khi các linh mục và giám mục ở các nơi khác bị bỏ tù, các nhà thờ và thánh giá bị phá hủy và triệt hạ.

Trong một số khía cạnh, các nhà ngoại giao Vatican đang tham gia vào các loại đàm phán với các quan chức Trung Quốc, là những kẻ rất quyết liệt với các đối tác của họ trong các vấn đề về chủ quyền quốc gia, cần phải giữ trong trí một vài quy tắc cơ bản.

Thứ nhất, chúng ta cần xem Trung Quốc như nó là, chứ không phải như chúng ta muốn nó là. Bất chấp tất cả các tiến bộ không thể phủ nhận của nó, Trung Quốc vẫn còn dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, với mục tiêu chính là nắm vững quyền lực, bằng mọi giá. Đảng cảnh giác với bất kỳ tổ chức hoặc hệ thống tín ngưỡng nào khác có khả năng thúc đẩy hoặc truyền cảm hứng tự do cho các công dân Trung Quốc. Tôn giáo, do đó, được xem là một mối đe dọa, đặc biệt là Hồi giáo, Phật giáo Tây Tạng và Công Giáo, là những niềm tin vượt biên giới các quốc gia. Đó là lý do tại sao đảng đã thường xuyên khăng khăng khẳng định rằng tôn giáo ở Trung Quốc cần phải được “Trung hoa hóa”, nghĩa là làm sao để giới hạn trong phạm vi Trung Quốc nhiều hơn và có thể kiểm soát được.

Chuyến đi từ sân bay đến khu thương mại rực rỡ của Bắc Kinh nói lên sự tiến bộ to lớn mà Trung Quốc đã đạt được, là một ấn tượng rõ ràng không kém phần quan trọng đối với các nhà đàm phán Vatican, là những người đang được các quan chức khéo léo Trung Quốc tán tỉnh với những lời ngọt ngào nhất. Nhưng thực tế thì lộn xộn và phức tạp hơn nhiều. Các quyền tự do cơ bản, bao gồm cả tự do tín ngưỡng, vẫn bị đe doạ, và đó là những điều càng khó có khả năng thay đổi hơn bao giờ khi chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực của mình.

Thứ hai, chúng ta cần phải gắn bó với các nguyên tắc của chính mình và biết lúc nào thì nên đứng dậy bước ra khỏi bàn đàm phán. Các nhà thương thuyết Trung Quốc là các chuyên gia trong việc giữ cho một thỏa thuận sắp đạt được cứ tiếp tục chơi vơi ngoài tầm với, để dẫn đến những nhượng bộ nhiều hơn nữa từ phía bên kia. Một khi cây bài đã được đặt xuống, nó không thể bị cướp lại. Nhưng nó sẽ được phân tích cẩn thận. Sự sẵn lòng của Vatican từ bỏ quan điểm trước đây của mình và chấp nhận bảy giám mục do chính phủ chỉ định, thậm chí còn phải trả giá cao hơn nữa là buộc hai giám mục trung thành của mình phải đứng qua một bên, đặc biệt khích lệ giới lãnh đạo Trung Quốc.

Thứ ba, và cuối cùng, các cuộc đàm phán với Trung Quốc không bao giờ kết thúc. Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với Trung Quốc cũng chỉ được tôn trọng cho tới một lúc nào đó, khi mà Trung Quốc tuyên bố rằng các “điều kiện thực tế đã thay đổi”. Điều thực sự có ý nghĩa là các thỏa thuận sẽ chỉ được tôn trọng chừng nào mà người Trung Quốc cảm thấy rằng các thỏa thuận này phục vụ lợi ích của họ. Nếu có vẻ như bên nước ngoài đang đạt được quá nhiều, thoả thuận sẽ được yêu cầu mở lại hoặc bị bác bỏ.

Có thể có những điểm tương đồng trong cuộc đàm phán giữa Trung Quốc với Vatican; và giữa Trung Quốc và các quốc gia khác. Tuy nhiên, chắc chắn có một sự khác biệt quan trọng. Bất kỳ cuộc trao đổi công khai nào giữa Giáo hội và Trung Quốc phải là một cơ hội cho việc phúc âm hóa. Đối tượng quan trọng nhất của Vatican không phải là bộ chính trị hay đảng cộng sản Trung Quốc, mà là người Trung Quốc. Năm 1956, Đức Hồng Y Ignatius Kung, Giám Mục của Thượng Hải, đã bị diễu hành thị chúng trước các khán giả trong sân vận động đua chó của thành phố này. Ngài đã bị giam cầm trong một cuộc đàn áp của nhà cầm quyền đối với Giáo hội, và nếu ngài công khai đầu hàng những người cộng sản tại sân vận động đua chó này, ngài có thể được đối xử tốt hơn. Nhưng khi micro đã được đặt trước mặt mình, Đức Hồng Y Kung đơn giản nói: “Vạn tuế Chúa Kitô. Vạn tuế Đức Giáo Hoàng.” Với mấy lời tung hô vạn tuế ấy, ngài phải ở trong tù cho đến năm 1985, sáu năm sau khi được Đức Gioan Phaolô II phong Hồng Y “in pectore”. Những năm tháng tù đầy của ngài là xứng đáng vì chứng tá dũng cảm và trung tín của ngài đã truyền cảm hứng cho người Công Giáo Trung Quốc qua nhiều thập kỷ bị khủng bố.