Cuốn phim “Amadeus” kể về cuộc đời của thiên tài âm nhạc, Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791). Nhạc sĩ Solieri là nhạc sĩ của hoàng cung danh giá được kính trọng. Còn Mozart như một con người khá kỳ dị, gần như bị bệnh loạn thần kinh, nhưng lại là một nhạc sĩ dương cầm và sáng tác rất tài ba.....

Nhạc sĩ Solieri đã nổi giận với tài năng Mozart vì ông tự cho mình là xứng đáng và giỏi hơn Mozart. Solieri đã khinh ghét và coi Mozart chỉ là một tên trẻ con, suồng sã, kiêu căng và khả ố. Mozart còn quá lố hơn nữa, dám vượt ra ngoài những giới hạn cổ truyền có thể chấp nhận được. Solieri bực bội vì tại sao Mozart lại có thể là một nhạc sĩ dương cầm và sáng tác tài ba như vậy, trong khi tư cách của Mozart không xứng đáng? Trong lúc bản thân mình – nhạc sĩ hoàng cung Solieri là đầy tớ của Thiên Chúa, vâng phục Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Chính ông mới là con người tốt hơn và xứng đáng hơn, vậy tại sao Thiên Chúa đã không ban cho ông món quà tài năng này mà lại ban cho Mozart?

Vua Joseph II Áo Quốc vẫn thích Mozar và cho phép Mozar được sáng tác một vở nhạc kịch bằng tiếng Đức. Vào lúc đó, chưa có ai được phép sáng tác nhạc kịch bằng tiếng Đức. Tất cả nhạc kịch đã được sáng tác và trình diễn đều bằng tiếng Ý. Solieri, một người Ý, vừa bị sỉ nhục về tài năng, vừa bị đe doạ về chức nghiệp vì vở nhạc kịch bằng tiếng Đức của Mozart.

Solieri rất ganh tị và buồn bực vì bản nhạc kịch của Mozart đã thành công rực rỡ. Khắp nơi đều vang lên những lời ca ngợi về nhạc của Mozart cho đến nỗi chính Solieri cũng phải yêu thích nó. Tuy nhiên, ông lại muốn phải là chính ông người xứng đáng hơn sáng tác ra nó. Solieri biết rằng Thiên Chúa đã ban cho Mozart một thiên tài âm nhạc, nhưng xét theo tư cách và chức vụ chính ông mới xứng đáng chứ không phải Mozart. Trong giây phút phẫn uất và tuyệt vọng, Solieri cảm thấy Thiên Chúa đã bỏ rơi ông, ông gỡ ảnh thánh giá treo trên tường xuống, đem đi đốt...

Ông muốn không có sự thiên vị và đòi hỏi sự công bằng. Ông muốn được Thiên Chúa ban cho tài năng để làm việc phục vụ Ngài. Tuy nhiên như chúng ta thấy trong Tin Mừng Matthêu 20, 1- 16a trình bày dụ ngôn đi làm vườn nho: tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa khác với những nguyên tắc, suy nghĩ của con người !

Thiên Chúa qua Ngôn sứ Isaia đã khẳng định: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các người, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 8-9). Cho nên Thánh Phaolô sau này dạy trong thư gửi giáo đoàn Roma: Không có gì tuỳ thuộc vào ý chí hay hành động nhân loại, nhưng tất cả đều tuỳ thuộc vào lòng từ ái Thiên Chúa, điều mà thánh nhân khẳng định giống như Chúa đã đối xử với người làm công nhật giờ thứ 11 như người giờ thứ nhất và thứ ba trong dụ ngôn: Đi làm vườn nho.

Người Do Thai xa xưa tính giờ thứ nhất vào lúc mặt trời mọc tức là 6 giờ, như thế khi nhấn mạnh “Giờ thứ ba, ông ra..”, nếu tính giờ hiện tại là 9 giờ sáng và kế tiếp giờ thứ 6, thứ 9 và thứ 11 tương ứng với 12 giờ trưa, 15 giờ và 17 giờ; ngày làm việc chấm dứt lối 18 giờ.

Điệp khúc được ông chủ nhắc đi nhắc lại: “Hãy đi vào vườn nho”, vườn nho là biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78, 9-16). Theo nghĩa này, vườn nho là nơi hạnh phúc, nơi Giao ước với Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào : “Hãy đi vào vườn nho của tôi... Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (x. Mt 25, 21-23). Được vào làm vườn nho, không chỉ đê lao động mưu sinh nhưng được cảm nghiệm vì tình Chúa yêu thương.

Khi giờ đã điểm vào giờ 12, chủ vườn nho phát công lương ngày, tất cả mọi người được một đồng công thợ cho một ngày. Nhưng người làm giờ đầu “lẩm bẩm”. Lẩm bẩm là từ ngữ trong Kinh Thánh nói về những tiếng lẩm bẩm, cằn nhằn của dân Israel trong sa mạc (Xh 16,9; Tv l06,25). Những kẻ lẩm bẩm, cằn nhằn vào thời Đức Giêsu, rõ ràng là các kinh sư và biệt phái. Thái độ lẩm bẩm diễn tả thái độ rất thường gặp nơi chính chúng ta hôm nay khi không hiểu những thử thách đang ập xuống; khi chúng ta vất vả làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt; chúng ta lên án Thiên Chúa, tại sao con lại vất vả đến thế, và ghen tị với người chung quanh.

Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến làm việc trong vườn nho của Ngài, làm việc chăm chỉ với tất cả tinh thần trách nhiệm. Chúng ta bằng lòng với những ơn lành của Ngài thay vì đòi hỏi và ganh tị như người thợ được mời gọi vào giờ đầu, anh không cảm nghiệm hồng phúc được Chúa thương gọi trước và sống an bình, ngập tình yêu trong vườn nho của Ngài, nên anh đã lảm nhảm kêu ca.

Dù được mời gọi vào bất cứ giờ nào, chúng ta sống với tất cả tâm tình cảm nghiệm tình yêu và dâng lên Thiên Chúa tâm tình phó thác như lời cầu nguyện của Đức Hồng Y John Henry Newmann:

“Chúa đã ủy thác cho tôi vài công việc mà Ngài không ủy thác cho kẻ khác. Tôi có sứ mệnh của tôi. Có thể tôi không bao giờ biết được nó trong cuộc sống này nhưng trong cuộc sống mai hậu ắt tôi sẽ rõ. Vì thế, tôi tin vào Ngài. Ngài không làm điều gì vô ích. Ngài có thể kéo dài hay rút ngắn cuộc sống của tôi; Ngài biết rõ điều Ngài định làm. Ôi lạy Chúa, con xin hiến dâng trọn vẹn toàn xác hồn con trong tay Ngài”.

Dâng trọn vẹn như Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận ngay cả những giây phút gian nan nhất:

Giang Xá, trước đây ít ai biết đến vì là một ngôi làng nhỏ bé, nằm vùng ngọai ô phía tây của địa phận Hà Nội. Nhưng giờ đây nổi tiếng khắp năm châu khi Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận được Giáo Hội Mẹ công nhận bậc tôi tớ Thiên Chúa và xúc tiến hồ sơ phong Thánh cho Ngài ... nhà xứ Giang Xá nơi Đức Hồng Y bị quản thúc vào thời gian 1978 – 1982.

Ngày 16/9/2011 vừa qua, sau chuyến công tác miền Bắc, chúng tôi được một Cha giáo là cộng tác viên thân thiết nhất trong những năm ngài bị quản thúc và cầm tù, dân về Giang Xá nhân dịp giỗ lần thứ chín của ngài... thăm căn phòng Ngài bị quản thúc, được nghe những chứng từ về Ngài, cụ thể sống động Ngài làm việc với các cộng tác viên giữa hoàn cảnh khó khăn nhất kể cả truyền chức linh mục chui cho các anh em chủng sinh giữa đêm khuya...

Về Giang Xá giỗ Đức Hồng Y Phanxicô, tôi nhớ tới một cuộc phỏng vấn Ngài lúc đó là Tổng Giám mục chủ tịch Ủy ban Công Lý Hòa Bình của Tòa Thánh Vatican dành cho báo ZENIT ngày 3/12/2000, Ngài đã diễn tả những kinh nghiệm của ngài về 13 năm bị giam cầm, quản thúc. Với những bạn tù không Công Giáo, tọc mạch muốn biết làm cách nào ngài có thể giữ vững niềm hy vọng của ngài, ngài trả lời: “Tôi đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu, bởi vì tôi yêu những khuyết điểm của Chúa Giêsu”. Đức Tổng Phanxicô lúc đó nói: “Trong lúc hấp hối trên thánh giá, người trộm cướp xin Chúa nhớ đến hắn khi Chúa vào Vương Quốc của Người. Nếu là tôi, tôi sẽ trả lời: “Tôi sẽ không quên anh, nhưng anh phải đền các tội ác của anh trong luyện ngục”. Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”. Chúa đã quên tội lỗi của người này. Cũng một sự việc đã xảy ra với bà Maria tội lỗi, và với người con trai phung phí. Chúa Giêsu không nhớ tí nào, Người tha thứ cho toàn thế giới”.

Thật thế, cái khuyết điểm của Chúa Giesu giữ niềm hy vọng của Vị Tôi tớ Chúa Phanxico giữa cảnh tù đày thử thách chính là tình yêu bao la, tình yêu đó đã khiến cho người thứ mười một bằng cả người làm giờ đầu trong Vườn Nho nước Chúa được công nhật theo lòng thương xót của Ngài.

Thật thế:

“Chúa hảo tâm với hết mọi người,

và từ bi với mọi công cuộc của Chúa”

(Tv 144, 9)

Lm. Vinh Sơn scj