Ngày 06/06/2017 vừa qua, Toà Thánh đã bổ nhiệm linh mục Hiêrônimô Nguyễn Đình Công, giáo phận Xuân Lộc, làm giám đốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam, thay thế linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên, Tổng giáo phận Sài Gòn, đã mãn nhiệm. Vietcatholic xin được phỏng vấn Cha Hiêrônimô.

PV. Kính chào Cha, chúng con xin chúc mừng Cha trong sứ vụ mới. Xin Cha cho chúng con biết khái quát về các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.


Cha Hiêrônimô: Xin chào anh Quang Vinh cùng quý độc giả Vietcatholic. Từ khi các phương tiện truyền thông đưa tin tôi đươc Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám đốc các Hội Giáo hoàng truyền giáo (Pontifical Mission Societies) tại Việt Nam, có nhiều người chúc mừng. Tôi hết lòng cám ơn. Để chu toàn trách nhiệm này, tôi rất cần lời cầu nguyện và sự cộng tác của mọi người.

Về mặt chức năng, các Hội Giáo hoàng truyền giáo là những Hội truyền giáo của Hội Thánh được đặt dưới quyền Đức Giáo Hoàng, vị Thủ Lãnh của Giám mục đoàn và là nguyên lý cũng như dấu chỉ của sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Chúng ta biết rằng Hội Thánh có nhiều tổ chức (hội, nhóm…) truyền giáo khác nhau nhưng chỉ có 4 Hội được đặt dưới quyền Đức Giáo Hoàng và được ủy thác cho Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc trông coi. Bốn Hội ấy là: 1) Hội Giáo hoàng truyền bá Đức Tin (Pontifical Society for The Propagation of the Faith – PSPF), 2) Hội Giáo hoàng truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ (Pontifical Society of Saint Peter the Apostle – PSSPA), 3) Hội Giáo hoàng Nhi đồng truyền giáo (Pontifical Society of Missionary Childhood – MCA) và 4) Hiệp hội Giáo sỹ truyền giáo (Pontifical Missionary Union – PMU). Các Hội này giữ vai trò quan trọng trong việc hợp tác truyền giáo của Hội Thánh trên toàn thế giới. Đây là công cụ rất quý giá để khắc ghi vào lòng người tín hữu, ngay từ lúc còn tuổi thơ đến khi trưởng thành, và cả hàng giáo sỹ, tinh thần loan báo tin mừng không mệt mỏi.

Về mặt tổ chức, Tòa Thánh yêu cầu các Hội này phải được thiết lập trong tất cả các Giáo Hội địa phương, dù là Giáo Hội kỳ cựu hay non trẻ, và được coi là cơ quan chính thức phối hợp truyền giáo của Hội Thánh và mọi tín hữu. Cơ cấu tổ chức của các Hội này đi theo hàng dọc từ Tòa Thánh xuống các châu lục, vùng, quốc gia và giáo phận. Có một ủy ban tối cao do Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc là người đứng đầu điều hành. Ở cấp quốc gia, một vị giám đốc, do Tòa Thánh bổ nhiệm, có nhiệm vụ cổ võ, phối hợp và điều hành hoạt động truyền giáo của các Hội theo sự hướng dẫn của Tòa Thánh và Hội đồng Giám mục.

Ở Việt Nam, do nhiều lý do khác nhau, các Hội Giáo hoàng truyền giáo vẫn còn khá mới đối với nhiều người. Cho đến nay tiến trình thiết lập các Hội này vẫn đang được thực hiện. Vị giám đốc tiên khởi tại Việt Nam là cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, được bổ nhiệm năm 2010 và tôi là người thứ hai. Điều này cho thấy rằng công việc phía trước còn nhiều và rất cần lời cầu nguyện cũng như sự cộng tác đắc lực của mọi người.

PV. Thưa Cha, xin Cha cho độc giả biết đôi nét về cá nhân và hành trình ơn gọi của Cha.

Cha Hiêrônimô: Tôi sinh ngày 03/03/1971, là út trong một gia đình 8 anh chị em. Năm 1990, tôi bắt đầu hành trình đời dâng hiến, học triết học và thần học tại Đại chủng viện thánh Giuse, Sài Gòn (1997–2003) và thụ phong linh mục ngày 30/09/2005 tại giáo phận Xuân Lộc. Sau khi thụ phong, tôi được bổ nhiệm làm phó xứ Hà Nội, giáo phận Xuân Lộc (2005–2007). Từ năm 2007 đến 2015 tôi được gửi đi du học tại Học viện Đời sống Thánh hiến Á châu (ICLA) và Đại học Giáo hoàng Santo Tomas (UST), Manila, Philippines, tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ thần học, chuyên ngành Truyền giáo học. Từ năm 2011 đến nay, tôi làm Phó ban Loan báo Tin mừng, sau đó, làm Trưởng ban. Từ năm 2012 đến nay, cha làm giáo sư môn Truyền giáo học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Xuân Lộc. Hiện nay tôi đang làm chánh xứ giáo xứ Thịnh An, giáo phận Xuân Lộc và là linh mục Thừa sai Lòng Chúa Thương Xót của Toà Thánh.

PV. Thưa Cha, khi Cha đảm nhận sứ vụ mới, sứ vụ liên quan đến chính bản chất của Hội Thánh, thì đâu là những “vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo lắng” của Cha, nói theo ngôn từ của Thánh Công đồng Vatican II?

Cha Hiêrônimô: Tôi là con của Hội Thánh nên tôi chia sẻ tất cả “vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo lắng” của Mẹ mình. Nói cách cụ thể hơn, tôi là người Việt Nam, tôi chia sẻ tất cả vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo lắng của Hội Thánh tại Việt Nam. Tôi mong ước cùng mọi người Công Giáo phục vụ Tin Mừng tại Quê hương thân yêu của chúng ta.

PV. Thưa Cha, việc truyền giáo ở Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn nào, và theo Cha, cộng đoàn dân Chúa cần phải làm gì trong giai đoạn này để thực thi một cách cụ thể lệnh truyền “Hãy đi rao giảng” của Đức Kitô?

Cha Hiêrônimô: Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng đồng thời cũng đang đối diện với nhiều thách đố. Thuận lợi lớn nhất, theo tôi nghĩ, là lòng đạo nơi tâm hồn các tín hữu. Chính nhờ lòng đạo này Hội Thánh Việt Nam vẫn trung thành sống Tin Mừng từng ngày cho dù gặp nhiều gian nan thử thách. Chính nhờ lòng đạo này Hội Thánh Việt Nam có một hàng ngũ mục tử khôn ngoan, tài đức, thánh thiện hướng dẫn Dân Chúa qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm. Chính nhờ lòng đạo này Hội Thánh Việt Nam có đội ngũ linh mục, tu sỹ và giáo dân biết vâng lời bề trên và tận tụy phục vụ Tin Mừng. Chúng ta có được như hôm nay là nhờ những nỗ lực vất vả của cha ông, các vị tử đạo, đã gieo trồng hạt giống Đức Tin để hôm nay được trổ sinh hoa trái. Thách đố lớn nhất, theo tôi nghĩ, là lòng đạo ấy, ngày nay, đang bị thử thách trầm trọng, bị bào mòn bởi nếp nghĩ và chọn lựa theo thế tục hơn theo Tin Mừng. Tôi nghĩ rằng cộng đoàn dân Chúa cần phải quan tâm đến vấn đề sống như thế nào (hiện diện) hơn là làm cái gì (hoạt động) để thông truyền sứ điệp Tin Mừng. Nếu đời sống người môn đệ không chuyển tải được sứ điệp Tin Mừng thì cho dù họ có làm nhiều “việc lớn” đi chăng nữa, cũng chỉ là hoạt động chứ chưa phải là hoạt động loan báo Tin Mừng.

PV. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Truyền Giáo năm nay 2017 có viết “Giới trẻ là hy vọng của truyền giáo”. Xin Cha cho chúng con biết sơ lược cái nhìn của Cha về giới trẻ và truyền giáo hôm nay.

Cha Hiêrônimô: Trong lãnh vực truyền giáo, tôi luôn tin tưởng và hy vọng vào người trẻ vì tôi nhận thấy càng ngày càng có nhiều bạn trẻ việc dấn thân cách tích cực hơn cho Tin Mừng. Tôi ước mơ rằng trong Giáo Hội tại Việt Nam ngày càng có nhiều người dấn thân đồng hành với người trẻ để cùng với họ phục vụ Tin Mừng theo cách thức của người trẻ.

PV. Chúng con xin cám ơn Cha và cầu chúc Cha tràn đầy ơn Chúa để Cha thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa và Hội Thánh trao phó.

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện