Giải đáp phụng vụ: Việc bái gối trước Thánh Giá được hiểu ra sao?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Có người hỏi tại sao người Công Giáo bái gối trước Thánh giá từ Thứ Sáu Tuần Thánh đến Thứ Bảy Tuần Thánh, bởi vì hành động bái gối chỉ được dành riêng cho Phép Thánh Thể trong giờ chầu. Như vậy, việc bái gối trước Thánh giá phải chăng là hành vi của thờ ngẫu tượng? - M. U., Lagos, Nigeria.

Hỏi 2: Trong Thứ Sáu Tuần Thánh, phụng vụ của buổi cử hành này nói rằng một phần của buổi cử hành là nghi thức Thờ lạy (adoration) Thánh Giá, với ba lần cộng đoàn thưa: "Ta hãy đến thờ lạy…" Con nhớ lại rằng trước đây nghi thức được gọi là Suy tôn (Veneration) Thánh Giá. Các tín hữu Tin lành thường cáo buộc người Công Giáo thờ phượng các ảnh và tượng. Con đã luôn trả lời cho họ rằng chúng tôi chỉ thờ lạy Chúa, và chúng tôi có thể "suy tôn" các biểu tượng khác. Từ ngữ "thờ phượng" (worship) có xu hướng ủng hộ lập trường của họ. Xin cha cho một lời giải thích về việc dùng từ ngữ này. - J. D., Williams Lake, British Columbia, Canada.


Đáp: Tiêu đề chính thức của nghi thức này là "Suy Tôn Thánh Giá", và câu đáp cho lời mời gọi: "Đây là cây Thánh giá, nơi treo Đấng Cứu Độ Trần Gian" là "Ta hãy đến thờ lạy" ("Venite adoremus").

Từ "thờ phượng" (worship) trong tiếng Anh hiện đại thường là, mặc dù không phải là chuyên thuộc, dành riêng cho việc thờ Chúa.

Đúng là Giáo Hội không đưa ra một hành động thờ lạy một tượng gỗ, nhưng thờ lạy Chúa Kitô. Cũng vậy, nghi thức tôn thờ Thánh giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh được mặc một cường độ đặc biệt, vốn là khác với việc kính trọng đối với thánh giá trong suốt phần còn lại của năm. Điều này được diễn tả bởi sự việc rằng, từ lúc cử hành cuộc Thương Khó và Thứ Bảy Tuần Thánh đến lễ Vọng Phục Sinh, mọi người bái gối trước Thánh Giá (Cross) hay Thánh giá có hình Chúa (Crucifix), được sử dụng trong buổi cử hành.

Sự bái gối (genuflection, từ tiếng Latinh "genu flectere", nghiêng gối) là một cử chỉ thể hiện một loạt thái độ suy tôn và kính trọng. Ngày nay, hành động bái gối được liên kết chặt chẽ đến hành động thờ lạy Thiên Chúa. Thật vậy, đây là nghĩa duy nhất được đề cập trong Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM):

"274. Bái gối, nghĩa là gối phải nghiêng đụng đất, là cử chỉ thờ phượng, do đó dành cho Thánh Thể và Thánh Giá từ khi được tôn kính trọng thể trong phụng vụ thứ Sáu Thánh tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa, cho đến bắt đầu Vọng Phục Sinh” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo Phận Nha Trang).

Trong khi lời này là đúng, hành động bái gối đã được giải thích cách rộng rãi hơn, và không phải chỉ dành cho sự thờ lạy. Sự bái gối là một bổ sung khá gần đây vào thực hành phụng vụ, và chỉ trở nên bắt buộc sau năm 1502. Ngoài việc sử dụng hành động này như là một hành động thờ lạy Phép Thánh Thể, việc bái gối được quy định khi tín hữu đọc câu "Người đã nhập thể" trong Kinh Tin Kính ngày lễ Giáng sinh, và ngày lễ Truyền Tin. Việc bái gối cũng được dự kiến cho bất kỳ sự suy tôn Thánh Giá Thật nơi công cộng, và trong Tam nhật thánh như đã thấy ở trên. Cho đến gần đây, việc bái gối được chỉ định trong sự hiện diện của một Giáo hoàng, và bất cứ khi nào Giám mục giáo phận đi tới, khi Ngài chủ trì một buổi lễ.

Bên ngoài phụng vụ, lòng đạo đức bình dân đã có nhiều dịp cho việc bái gối. Thí dụ, nhiều người Công Giáo có thói quen bái gối, khi đi Đàng Thánh giá, lúc đọc "Adoramus Te, Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa, và chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ”.

Ngoại trừ các việc bái gối nay đã bỏ (trong hình thức thông thường) đối với Đức Giáo Hoàng và Giám mục, tất cả các lần bái gối khác, một cách nào đó, phản ảnh sự thờ lạy Chúa Kitô, hoặc thực sự hiện diện trong Phép Thánh Thể, hoặc được biểu trưng bằng một cách đặc biệt.

Do đó, bởi vì cử chỉ bái gối là không chỉ dành cho sự thờ lạy Chúa, việc bái gối vào Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh không hề ngụ ý bất kỳ hình thức ngẫu tượng nào.

Từ viễn tượng lịch sử, lý do cho sự sử dụng cử chỉ suy tôn đặc biệt này, có lẽ là do nghi thức suy tôn Thánh giá có nguồn gốc tại Giêruxalem vào cuối thế kỷ IV, và tại Rôma vào thế kỷ VII, và được hướng tới các di tích chính của Thánh Giá Thật, vốn được lưu giữ tại các thành phố này.

Chỉ sau đó, khi nghi thức trở thành phổ biến, sự bái gối là dấu hiệu của sự suy tôn, thường được dành riêng cho Thánh Giá Thật, được mở rộng đến Thánh giá có hình Chúa được sử dụng trong buổi lễ.

Trong khi đối tượng thờ lạy hoặc thờ phượng luôn luôn là Chúa Kitô, sự suy tôn đặc biệt Thánh giá vào các ngày này dường như muốn nói rằng, mặc dù nhà tạm trống rỗng, tất cả các ảnh khác được che phủ, và Giáo Hội âm thầm chờ đợi Chúa sống lại, sự hiện diện của Chúa được biểu tượng bởi hình ảnh Thánh giá, mà nhờ đó Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi của mình.

Bằng cách tập trung vào hình ảnh Thánh giá, Giáo Hội, như Louis Bouyer đã nói, "làm cho chúng ta nhận ra những gì không thể được phát hiện bởi 'các quyền lực' đã đóng đinh Chúa Vinh Hiển, chính trên Thánh giá của Ngài là sự vinh hiển của chúng ta". (Zenit.org 11-4-2017)

Nguyễn Trọng Đa