Giải đáp phụng vụ: Thánh Lễ Triđentinô có bị bãi bỏ sau khi Bộ Giáo luật 1983 ra đời không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong năm 1983, khi Bộ Giáo Luật mới được ban hành, Thánh Lễ Triđentinô của Đức Thánh Cha (ĐTC) Piô V đã được nghĩ là sẽ bị bãi bỏ. Tôi đang học giáo luật vào thời điểm đó, và được cho biết, trên thực tế, rằng Thánh Lễ Latinh đã bị bãi bỏ bởi ĐTC Phaolô VI. Tôi tham khảo ý kiến một chuyên viên ở Rôma, và người ấy đã nói với tôi rằng nếu ĐTC Phaolô VI có ý định bãi bỏ Thánh Lễ Latinh, ngài đã sử dụng một động từ Latinh khác. Nhưng điều này không làm giảm đi sự thật rằng người ta tin rằng Thánh lễ ấy đã được bãi bỏ. Do đó, khi bộ Giáo luật mới được ban hành, tôi cho rằng bất kỳ sự tham khảo nào với phụng vụ trong Bộ Giáo luật mới chỉ đề cập đến hình thức thông thường của Thánh lễ. Chữ đỏ cho Thánh Lễ Latinh đã được thiết lập bởi ĐTC Piô V. Tính hiệu lực của một hành động tùy thuộc vào ý định của các nhà làm luật, hoặc một người thực hiện hành động ấy. Xin cha vui lòng bình luận điềm này. - M. F., Ottawa, Ontario, Canada.

Đáp: Thực sự có một số câu hỏi liên quan việc này.

Câu hỏi đầu tiên là liệu hình thức ngoại thường của Thánh lễ đã được chính thức bãi bỏ không. ĐTC Biển Đức XVI tuyên bố trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc Summorum Pontificum (Các Vị Giáo hoàng) năm 2007 của mình, như sau:

"Do đó, được kể là hợp luật khi cử hành Thánh Lễ theo bản tiêu biểu của Sách Lễ Rôma do Chân Phước Gioan XIII công bố năm 1962 và chưa bao giờ bị hủy bỏ, như một hình thức ngoại thường trong Phụng Vụ của Giáo Hội" (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Trần Công Nghị và Đặng Minh An)

Do đó, nếu ĐTC đã nói Thánh lễ Latinh chưa bao giờ được bãi bỏ, thì đây là trường hợp đúng.

Trong khi ĐTC Phaolô VI không bao giờ đưa ra tuyên bố chính thức về việc bãi bỏ Sách lễ cũ, và trong một số trường hợp, đã cho phép Thánh lễ này được tiếp tục cử hành, một số người tin rằng nó đã bị bãi bỏ, do một nguyên tắc kinh điển được nêu trong các điều 20-21 của Bộ Giáo luật:

"Ðiều 20: Một luật ra đời sau sẽ bãi bỏ hay sửa đổi một luật ra đời trước nếu đã minh thị ấn định như vậy; hoặc vì nó tương phản trực tiếp với luật trước, hoặc đã xếp đặt lại hoàn toàn nội dung chất thể của luật trước. Tuy nhiên một luật phổ quát không sửa đổi một luật địa phương hay đặc biệt, trừ khi đã minh thị dự liệu cách khác.

Ðiều 21: Trong trường hợp hoài nghi, sự thu hồi luật trước không được suy đoán; trái lại, các luật sau cần được chắp nối với các luật trước, và dung hòa với luật trước bao nhiêu có thể được" (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Bởi vì các nghi thức của hình thức thông thường hoàn toàn sắp xếp lại vấn đề phượng tự, một số người có thể cho rằng các nghi thức mới bãi bỏ nghi thức cũ. Tuy nhiên, như Điều 21 nêu ra, điều này không thể được giả định trong trường hợp nghi ngờ.

Người ta cũng nêu ra rằng phần lớn luật phụng vụ không được tìm thấy trong Bộ Giáo Luật, và được rõ ràng loại trừ khỏi nội dung của luật, do đó Điều 2 nói:

"Nói chung, Bộ Luật này không quy định các nghi thức phải tuân giữ trong khi cử hành việc phụng vụ; bởi vậy các luật phụng vụ còn hiện hành đến nay thì vẫn duy trì hiệu lực của chúng, trừ khi có chỗ nào tương phản với các điều của Bô Luật này” (Bản dịch, như trên).

Một điều khoản tương tự cũng đã có trong Bộ Giáo luật cũ, vì vậy hầu hết các câu hỏi phụng vụ không nằm trong Bộ Giáo luật mới.

Tuy nhiên, nguyên tắc này có thể trợ giúp chúng tôi trong việc trả lời câu hỏi khác của bạn đọc trên đây: liệu Bộ Giáo luật mới chỉ nói đến hình thức thông thường mà thôi sao?

Câu trả lời được đưa ra trong huấn thị "Universae Ecclesiae” năm 2011 của Ủy ban Tòa Thánh “Ecclesia Dei” (Giáo Hội của Thiên Chúa), về việc áp dụng Tông thư dưới dạng Tự sắc Summorum Pontificum của ĐTC Biển Đức XVI. Xin mời đọc:

"27. Về những gì liên quan các qui định kỷ luật về việc cử hành Thánh lễ, người ta sẽ áp dụng kỷ luật Giáo Hội được ấn định trong Bộ Giáo luật năm 1983.

28. Hơn nữa, do tính chất của luật đặc biệt, Tự sắc Summorum Pontificum bãi bỏ, trong lĩnh vực riêng của nó, các biện pháp luật lệ về các nghi thức thánh thiêng có từ năm 1962 và không phù hợp với các chữ đỏ của các sách phụng vụ có hiệu lực từ năm 1962”.

Do đó, câu trả lời cho câu hỏi là có và không. Bộ Giáo luật năm 1983, và tất cả các luật phụng vụ khác kể từ năm 1962, đều được áp dụng trừ khi nó không tương thích với chữ đỏ năm 1962.

Vì vậy, thí dụ, các qui chế liên quan đến việc sử dụng các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, được cho phép trong các văn bản trước đó, nhưng được đưa vào Bộ Giáo luật 1983, sẽ là không tương thích với chữ đỏ năm 1962, và vì vậy chúng sẽ không được áp dụng cho hình thức ngoại thường.

Mặt khác, các qui định kỷ luật trong Bộ Giáo luật, vốn động chạm đến các bí tích, sẽ được áp dụng nói chung trong bất cứ hình thức nào của nghi lễ Rôma được sử dụng. Các thí dụ ở đây bao gồm các yêu cầu để được làm người đỡ đầu; tuổi tối thiểu để được truyền chức linh mục; các qui định về các ngăn trở cho hôn nhân; việc mở rộng các khả năng chầu Thánh Thể; và sự mở rộng năng quyền giải tội ngoài giáo phận. Đây không phải là các qui định nghi lễ, và do đó thường không ảnh hưởng đến các chữ đỏ trong cách này hay cách khác.

Một tiêu chuẩn tương tự cũng có thể được áp dụng cho các qui định được ban hành, sau khi Bộ Giáo luật mới được ban bố. Thí dụ, các quyết định của Tòa Thánh về tính hợp lệ của việc sử dụng rượu mustum (nho nhẹ) để cử hành Thánh lễ, đối với các linh mục bị ảnh hưởng bởi chứng nghiện rượu, hay của việc sử dụng bánh mì có lượng gluten thấp cho người bị bệnh loét dạ dày, cũng có thể áp dụng cho những người thường dâng lễ hoặc tham dự Thánh lễ theo hình thức ngoại thường.

Có thể có một số trường hợp không được rõ ràng. Thí dụ, một số người hỏi liệu một chén thánh nhỏ thứ hai có thể được sử dụng trong hình thức ngoại thường không, vì lợi ích của các người bị loét bao tử, do họ không có khả năng nuốt thậm chí bánh mì có lượng gluten thấp. Chắc chắn đây là một thiểu số nhỏ, nhưng nó có thể sẽ không hoàn toàn mâu thuẫn với các chữ đỏ của hình thức ngoại thường, mặc dù chữ đỏ không chú ý đến khả năng này.

Trong trường hợp nghi ngờ, Ủy ban Toà thánh Ecclesia Dei sẽ thường là cơ quan có thẩm quyền để giải quyết chúng. Như Huấn thị nói:

"9. ĐTC đã ban cho cho Ủy ban Tòa thánh “Giáo Hội của Thiên Chúa” (Ecclesia Dei) một quyền tài phán bình thường và đại diện trong lĩnh vực thẩm quyền của Ủy ban, đặc biệt để theo dõi việc tuân thủ và áp dụng các qui định của Tự sắc Summorum Pontificum (x.Đoạn 12).

10. § 1. Ủy ban Tòa thánh thi hành quyền này, không những nhờ các quyền đã được ban trước đó bởi ĐTC Gioan Phaolô II và được ĐTC Biển Đức XVI khẳng định (x. Tự sắc Summorum Pontificum, đoạn 11-12), mà còn nhờ quyền diễn tả một quyết định, với tư cách là Bề trên phẩm trật, về việc xét xử các đơn khiếu nại chống lại quyết định của Đấng Bản Quyền đi ngược với các qui định của Tự Sắc.

§ 2. Các sắc lệnh, mà qua đó Ủy ban Tòa thánh bày tỏ quyết định của mình về các đơn khiếu nại, có thể bị khiếu nại theo đúng luật (ad normam iuris) trước Tối cao Pháp viện của Tòa thánh.

11. Sau khi có sự chấp thuận của Thánh bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích, Ủy ban Tòa thánh Ecclesia Dei cần đảm bảo việc xuất bản cuối cùng các bản văn phụng vụ liên quan đến hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma". (Zenit.org 6-12-2016)

Nguyễn Trọng Đa