CỬ TRI HOA KỲ BẦU CHỌN TỔNG THỐNG NĂM 2016

Hiến pháp Hoa kỳ 1787 quy định cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra 4 năm một lần, vào năm chẵn, trong ngày thứ ba đầu tiên sau thứ hai đầu tiên tháng 11. Do đó, cuộc tuyển cử năm nay rơi vào ngày 08.11.2016 (Election Day, lần thứ 56 từ năm 1788) và vị Tổng thống Hoa kỳ thứ 45 sẽ tựu chức ngày 20.01.2017 (Inauguration Day).

Trong ngày này, ngoài việc tuyển cử Tổng thống và Phó Tổng thống, cử tri Mỹ còn bầu lại Viện Dân biểu. Một số cử tri sẽ bầu 34 Nghị sĩ (Nhóm 3) mãn nhiệm đại diện Tiểu bang tại Thượng nghị viện Liên bang. Ngoài ra, tại từng Tiểu bang, cử tri có khi phải bầu dân biểu và nghị sĩ Tiểu bang, một số vị Thống đốc Tiểu bang, các công tố tư pháp, Cảnh sát trưởng…, trả lời ‘yes’ (đồng ý) hay ‘non’ (không) thucác cuộc trưng cầu dân ý.

Sau tám năm cầm quyền Tổng thống của ông Barack Obama, một người gốc Phi châu đầu tiên, với kết quả Nga quyết định chiến trường tại Syria và Tàu cộng tung hoành tại Biển Ðông, mất dần ‘tình bạn với Phi luật tân và Indonesia và chỉ kết thân ‘nồng ấm’ với cộng sản Việt Nam, một ‘chư hầu’ kinh tài của Tàu, một nhà nước phi Dân tộc. Năm nay 2016, một cuộc bầu cử lịch sử khác sẽ đem lại cho Mỹ quốc,với một cuộc tranh cử ‘không sạch sẽ’ giữa một nữ ứng cử viên tổng thống đầu tiên và một thương gia tỷ phú. Nhưng ‘yếu tố nữ ứng cử viên’ không ảnh hưởng đến kết quả tuyển cử. Năm 1984, sau nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống đã phục hồi nền kinh tế Hoa kỳ, Tổng thống Ronald Reagan đã được cử tri dồn phiếu ủng hộ thể hiện qua kêát quả bầu chọn với thắng lợi vẻ vang 59% phiếu phổ thông và 525 trong số 538 phiếu đại cử tri. Liên danh Dân chủ Mondale – (bà) Ferraro chỉ thắng ở Washington D.C. và Minnesota.

I.- ÐẶC ÐIỂM BẦU CỬ TỔNG THỐNG HOA KỲ.

A./ Hệ thống bầu cử Mỹ thật phức tạp. Tại sao bầu Tổng thống diễn ra vào thứ ba tháng 11 ? Tại sao cử tri không bầu trực tiếp Tổng thống nước mình ? Tại sao có thể bỏ phiếu trước ngày bầu chính thức và tại sao phải chờ đến hai tháng rưỡi sau ngày có kết quả, Tổng thống đắc cử mới chính thức tuyên thệ nhậm chức ?

Nguyên thủy, khi Hoa kỳ bắt đầu tổ chức bầu cử Tổng thống, mỗi tiểu bang ấn định riêng ngày bầu cử cho bang mình, nhưng đều phải trong tháng 11, vì các đại cử tri phải họp mặt tại từng tiểu bang vào ngày thứ tư đầu tiên của tháng 12, mà cuộc gặp đó phải diễn ra 34 ngày trước ngày nhậm chức Tổng thống (20.01 năm kế tiếp), do đó ngày bầu cử phải được tổ chức trong tháng 11. Ngoài ra, việc tổ chức bầu cử trong tháng này còn có ý nghĩa quan trọng ở một đất nước nông nghiệp ở thế kỷ 19, khi đó, việc thu hoạch mùa màng đã hoàn tất và mùa đông chưa đến, cử tri sẽ tích cực đi dầu phiếu hơn. Lúc đó, các ngày bầu khác nhau không ảnh hưởng đến kết quả chung vì các phương tiện truyền thông liên lạc còn thô sơ. Ðến những năm 1840, Quốc hội mới đưa ra quy định bỏ phiếu thống nhất trong một ngày trên khắp nước.

Còn vào thứ ba vì, trước kia, cử tri thường phải đi trọn ngày đêm từ trang trại nơi cư ngụ đến thị trấn để đầu phiếu. Phương tiện di chuyển vào thập niên 1840 chủ yếu chỉ là ngựa. Ðiều khác, để tránh việc bầu cử vào ngày nghỉ hay lễ tôn giáo, Quốc hội đã chọn thứ ba, để cử tri dành ngày thứ hai cho việc đi đến điểm bỏ phiếu và ngày thứ tư để trở về. Trong ngày thứ ba, khi người đi đầu phiếu, thì ngựa của họ có được một ngày để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, từ lần tuyển cử năm 2008, những cuộc đầu phiếu trước ngày bầu chính thức, như là 08.11.2016 cho năm nay, đã được cho phép tại 32 tiểu bang. Lý do, để tránh cho cử tri không phải mất nhiều thời gian để xếp hàng đi đầu phiếu trong ngày bầu duy nhất. Do đó, ứng cử viên Barack Obama đã sử dụng lá phiếu bầu cho mình ngày 25.10.2012 tại Chicago (tiểu bang Illinois).

B./ Tuyển cử Toàn quốc hay Bầu cử tại các Tiểu bang .

Các thể thức bầu cử Tổng thống được quy định nơi Ðiều II, Phần I, Ðoạn III Hiến pháp Hoa kỳ ngày 17.09.1787. Thêm vào đó, Tu chính án 12 Hiến pháp ấn định: mỗi đại cử tri phải bầu riêng cho Tổng thống và Phó Tổng thống. Công cuộc điều hành tổ chức bầu cử Tổng thống do Cơ quan Quản trị Kỷ lục và Văn khố Quốc gia (National Archives and Records Administration) phối hợp đảm nhiệm với Cục Văn thư của các Liên bang (Office of the Federal Register).

a.- Ðại cử tri đoàn Hoa Kỳ (United States Electoral College).

Ðại cử tri đoàn Hoa kỳ gồm 538 đại cử tri cứ bốn năm một lần họp lại để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, đã được bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu vào ‘ngày bầu cử’. Các đại cử tri họp tại các tòa nhà Quốc hội Tiểu bang của mình (hay tại Quận Columbia) vào ngày thứ hai đầu tiên sau thư tư tuần thứ hai trong tháng 12, tức ngày 17.12.2012). Tại 51 cuộc họp (50 Tiểu bang và Quận Columbia) riêng biệt, các đại cử tri cùng bỏ phiếu để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Do đó, có sự tổng hợp kết quả bầu cử của 51 nhóm, nên mới có định nghĩa kỹ thuật là đại cử tri đoàn, dù 51 nhóm này thực sự không tập hợp chung về một nơi để bầu cử. Hệ thống đại cử tri đoàn, giống như một đại hội toàn quốc, là một nhân tố gián tiếp trong tiến trình bầu lên Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa kỳ. Số 538 đại cử tri là tổng số tương đương số Thượng nghị sĩ (100, mỗi Tiểu bang có 2 vị), 435 Dân biểu và 3 đại cử tri của Quận Columbia (Thủ đô Washington).

b. Ngày họp bầu của đại cử tri đoàn Tiểu bang .

Số đại cử tri của mỗi Tiểu bang rất khác nhau vì, tuy mỗi Tiểu bang đều có như nhau 2 Thượng nghị sĩ, nhưng số dân biểu rất khác nhau được tính theo dân số. California (55), Texas (34), New York (29), Florida (29), …, Alaska (3), North Dakota (3), Vermont (3), Wyoming (3) và District of Columbia (3).

[Cần lưu ý : có sự thay đổi số Ðại cử tri của các Tiểu bang để phù hợp với kết quả cuộc Ðiều tra dân số năm 2010 cho các cuộc bầu cử Tổng thống từ năm 2012 đến 2020. Thí dụ : Ðại cử tri đoàn New York (bầu cho Dân chủ năm 2000, 2004 và 2008) bị giảm 2 Ðại cử tri ; Florida (bầu cho Cộng hòa năm 2000, 2004 và cho Dân chủ năm 2008) được tăng 2 Ðại cử tri ; Iowa (bầu cho Dân chủ năm 2000, 2008 và 2004 cho Cộng hòa) bị giảm 1 ; Ohio (bầu cho Cộng hòa năm 2000, 2004 và cho Dân chủ năm 2008) bị giảm 1 ;… Do đó, kết quả chung cuộc có thể thay đổi.]

Các Ðại cử tri từng Tiểu bang (và Quận Columbia) họp lại 41 ngày sau Ngày bầu cử để sử dụng lá phiếu Ðại cử tri (tức ngày 19.12.2016). Lá phiếu đầu tiên của Ðại cử tri dùng để bầu chọn Tổng thống Hoa kỳ, và lá phiếu thứ nhì cho Phó Tổng thống. Rất ít trường hợp một Ðại cử tri không bỏ phiếu cho liên danh tranh cử thuộc đảng mình đã hứa bầu. Ðây là những ‘Ðại cử tri không trung thành’. Mỗi Ðại cử tri ký tên vào một tài liệu có tên là Chứng nhận đầu phiếu mà có nêu rỏ thuộc Ðại cử tri Tiểu bang nào (hay Quận Columbia). Một bản chứng nhận gốc được gởi đến Văn phòng của Phó Tổng thống theo thư bảo đảm.

c. Quốc hội Hoa kỳ tuyên bố kết quả tuyển cử.

Khoảng một tháng sau khi Ngày bầu cử phổ thông (kỳ tuyển cử năm nay rơi vào ngày 06.01.2017), lưỡng viện Quốc hội nhóm họp để tuyên bố những người đắc cử, dưới sự chủ tọa của Phó Tổng thống đương nhiệm (Phó Tổng thống là Chủ tịch Thượng nghị viện). Nếu một ứng cử viên Tổng thống nhận được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, vị chủ tọa tuyên bố ứng cử viên đó là Tổng thống đắc cử, và một ứng cử viên Phó Tổng thống nhận 270 hay nhiều hơn số phiếu đại cử tri được tuyên bố là Phó Tổng thống. Ða số tuyệt đối tổng số 538 đại cử tri là 270 phiếu bầu để được tuyên bố thắng cử Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa kỳ.

Nếu không ứng cử viên Tổng thống nào đạt được 270 phiếu đại cử tri, Viện Dân biểu sẽ phải quyết định người thắng cử trong số ba người giành nhiều phiếu bầu nhất của đại cử tri. Nếu không ứng cử viên Phó Tổng thống nào giành được đa số phiếu của đại cử tri, Thượng nghị viện sẽ phải quyết định ứng cử viên thắng trong số hai người giành nhiều phiếu nhất của đại cử tri.

Tiến trình bầu cử phức tạp này đã bị chỉ trích nhiều lần. Dù nhiều người đã đề nghị những phương cách khác thay thế, nhưng các vị dân cử Lập pháp hay Hành pháp chưa đưa đề nghị tu chính nào, theo yêu cầu của cử tri.

C./ Tài trợ tranh cử.

Năm 1971, Ðạo Luật Vận động Bầu cử Liên bang (Federal Election Campaign Act) đã được ban hành. Ðạo luật thành lập Ủy ban Bầu cử Liên bang (Federal Election Commission) gồm 6 thành viên mời bởi Tổng thống và được chuẩn nhận bởi Thượng nghị viện với nhiệm kỳ 6 năm. Ða số cần thiết phải là 4/6. Chủ tịch Ủy ban phải luân phiên mỗi năm và chỉ một lần.
và ấn định các luật lệ về gây quỹ và xử dụng quỹ vận động rất gắt gao.

1.- Tiền đóng góp để vận động bầu cử, hay ‘tiền chính trị’ (political money), gồm hai loại:

a./ Tiền cứng (hard money) là tiền biếu cho một ứng cử viên một đảng chính trị. Nguồn gốc và giới hạn của số tiền này được quy định và được giám sát bởi Ủy ban Bầu cử Liên bang.

b./ Tiền mềm (soft money) là tiền tặng góp cho các chính đảng như biếu cho một hiệp hội. Mục đích chi dùng để xây dựng đảng và các hoạt động khác không liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử của các ứng cử viên chỉ định.

Trong lịch sử, chữ ‘tiền mềm’ dùng để chỉ những đóng góp cho các đảng phái chính trị có mục đích xây dựng đảng và các hoạt động khác không liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử của các ứng cử viên chỉ định, nên không bị chi phối bởi Ðạo luật Vận động Bầu cử Liên bang Án lệ của Tối cao Pháp viện giải thích về Buckley v. Valeo).

2.- Quy định về điều kiện số tiền đóng góp :
- nguồn gốc nhận tiền và chi tiêu cho cuộc vận động phải được biết ;
- số tiền đóng góp cho các cuộc bầu cử sơ bộ hay tổng tuyển cử đều phải công khai ;
- Ủy ban Bầu cử Liên bang đặt những giới hạn cho những mức đóng góp cá nhân và đảng.

Cấm nhận các tài trợ từ :
- các công ty, các tổ chức lao động và các ngân hàng quốc gia ;
- các Nhà thầu Chính phủ ;
- các người ngoại quốc ;
- các số tiền mặt trên 100 mỹ kim ;
- các số tiền dùng tên người khác

Năm 1979, Ủy ban Bầu cử Liên bang cho phép các chính đảng có thể chi tiêu các số đóng góp ‘không theo quy tắc’ (unregulated) hay tiền mềm cho các hoạt động hành chính và và xây dựng không thuộc Liên bang cũng như cho ứng cử viên liên quan đến quảng cáo để làm gia tăng việc đóng góp số tiền mềm và các chi tiêu trong cuộc bầu cử. Ðiều này đã dẫn đến việc thông qua Ðạo luật Cải cách Vận động Lưỡng đảng (Bipartisan Campaign Reform Act - BCRA) năm 2002, cấm ‘các đóng góp không theo quy tắc’ (unregulated contributions) cho các Ủy ban Toàn quốc của các đảng.

Số tiền được phép đóng góp do Ủy ban Bầu cử Liên bang ấn định trong mỗi mùa bầu cử. Thí dụ năm 2010, Ủy ban đã ấn định mỗi cá nhân có thể đóng góp cho mỗi ứng cử viên hay mỗi ủy ban vận động bầu cử 2.400 mỹ kim trong mỗi cuộc bầu cử, cho ủy ban toàn quốc 30.400 mỹ kim mỗi năm và cho các ủy ban hành động chính trị 5.000 mỹ kim mỗi năm.

Ngoài những quy định này, các ứng cử viên có thể mở các buổi tiệc hay họp mặt để những người ủng hộ có thể đóng góp qua việc mua các phần tham dự. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, ông Obama đã thu được 513.557.218 mỹ kim và ông McCain được 346.666.422. Tất cả những số tiền này đều chịu sự kiểm soát chi thu của Ủy ban Tổ chức Bầu cử Liên bang.

Hà Minh Thảo