Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Diễn biến quan trọng trong tuần qua là chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến hai quốc gia Georgia và Azerbaigian từ chiều thứ Sáu 30 tháng 9 đến tối Chúa Nhật 02 tháng 10.

Đây là chuyến viếng thăm thứ 16 của Đức Thánh Cha tại nước ngoài và là phần thứ 2 trong cuộc viếng thăm miền Caucase. Phần đầu ngài đã thực hiện tại Cộng hòa Armenia từ ngày 24 đến 26-6 năm nay.

Cả 3 quốc gia này đều có con số tín hữu Công Giáo rất ít ỏi, nhưng như giải thích của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, qua các cuộc viếng thăm này, Đức Thánh Cha muốn cổ võ những quan hệ đại kết, hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc. Nói khác đi ngài muốn thi hành một sứ mạng hòa bình và hiệp nhất.

Trong chương trình hôm nay, Trúc Ly và Hà Thu sẽ trình bày với quý vị và anh chị em những khó khăn trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Georgia và những thành công của ngài tại đây.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cộng hòa Georgia nằm bên bờ Hắc Hải, Bắc giáp Nga, Đông giáp Azerbaigian và phía Nam giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Quốc gia này chỉ rộng 70 ngàn cây số vuông, tức là chỉ bằng 1/5 diện tích Việt Nam, với dân số 4 triệu rưỡi dân cư trong đó gần 84% là tín hữu Chính Thống giáo, khoảng 10% theo Hồi giáo, số tín hữu Công Giáo là 112 ngàn người, tương đương với 0.5% dân số toàn quốc. Họ sống tại thủ đô Tbilisi và miền nam của Georgia, đa số thuộc nghi lễ la tinh và Armeni, nhưng cũng có một cộng đoàn nhỏ các tín hữu nghi lễ Canđê. Tổng cộng tại nước này, Công Giáo có 32 giáo xứ, 2 Giám Mục, 28 linh mục trong đó có 14 linh mục triều và 14 linh mục dòng, hai tu huynh và 37 nữ tu. Ngoài ra có 12 đại chủng sinh và 2 tiểu chủng sinh. Giáo Hội Công Giáo ở Georgia chỉ có 2 trường mẫu giáo và một trường cao đẳng.

Giáo Hội Chính Thống Georgia có khoảng 4 triệu tín hữu, và là một đối tác khó khăn trong quan hệ với Công Giáo và cả trong quan hệ với các Giáo Hội chính thống khác. Chính Thống Georgia đã từ chối tham dự Công đồng Liên chính thống giáo hồi cuối tháng 6 vừa qua ở đảo Creta bên Hy Lạp.

Tình hình căng thẳng đến mức, ngày 21 tháng Chín, một nhóm các tín hữu Chính Thống, trong đó, có cả một số linh mục của Giáo Hội này, đã tụ tập bên ngoài Tòa Sứ Thần của Vatican tại Tbilisi để phản đối cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng; một số mang biển ngữ với các hàng chữ “Vatican là kẻ gây hấn thiêng liêng” và “Kitô Giả hãy tránh xa Georgia”. Nhóm này cũng đã tụ tập tại phi trường Tbilisi để phản đối khi Đức Thánh Cha tới Tbilisi lúc 3 giờ chiều ngày thứ Sáu 30 tháng 9.

Phản ứng trước các cuộc biểu tình này, ngày 28 tháng Chín, Giáo Hội Chính Thống Georgia ra một tuyên bố, lên án chủ trương của nhóm này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Cũng trong bản tuyên bố này, Tòa Thượng Phụ Georgia nhắc lại rằng sẽ không có buổi cầu nguyện đại kết với người Công Giáo.

Để thấy sự tương phản, Hà Thu xin mạn phép nhắc lại rằng hôm 30 tháng 11 năm 2014, trong chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh George, tức là nhà thờ của Đức Thượng Phụ thành Constantinople, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo đã tham dự vào Phụng Vụ Thánh kính thánh Anrê Tông Đồ là bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống.

Bản tuyên bố của Giáo Hội Chính Thống Georgia khẳng định rằng: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô I sẽ viếng thăm Georgia theo lời mời của Tổng Thống Georgia và của Thượng Phụ Toàn Georgia [Ilia II]. Tòa Thượng Phụ Georgia sẽ chào đón vị khách một cách tôn kính và hy vọng rằng chuyến viếng thăm sẽ góp phần tăng cường mối liên hệ nhiều mặt và củng cố hoà bình trong vùng”.

Tòa Thượng Phụ nói thêm: “Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng các liên hệ giữa chúng ta và Giáo Hội Công Giáo Rôma về phương diện Kinh Nguyện Thánh Thể đã bị cắt đứt từ Thời Trung Cổ và, theo giáo luật, các tín hữu Chính Thống không tham dự các buổi lễ tôn giáo của người Công Giáo bao lâu các dị biệt tín lý vẫn còn đó”.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng viếng thăm quốc gia này vào năm 1999. Lúc ấy, các căng thẳng giữa hai Giáo Hội mạnh đến nỗi, Giáo Hội Chính Thống Georgia thúc ép các tín hữu của họ tránh xa Thánh Lễ do Đức Gioan Phaolô II cử hành. Thượng Phụ Ilia, lúc ấy đã xem Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II như một vị quốc trưởng của quốc gia Vatican, chứ không phải một nhân vật tôn giáo, và từ khước không chia sẻ lời kêu gọi tăng cường mối liên hệ đại kết của ngài.

Tháng Chín năm 2003, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, bấy giờ là bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, cũng tới thăm Tbilisi để ký thỏa hiệp liên quốc gia, thừa nhận tư cách pháp nhân của Giáo Hội Công Giáo tại Georgia. Nhưng vào phút chót, chiều theo áp lực của Giáo Hội Chính Thống Georgia, các nhà cầm quyền Georgia đã quay 360 độ và từ chối không ký thoả hiệp ấy.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong 2 ngày thăm viếng Georgia của Đức Thánh Cha Phanxicô, người ta thấy gió đã đổi chiều.

Thượng Phụ Ilia II, nhà lãnh đạo Chính Thống được kính trọng nhất tại Georgia, ra đón Đức Thánh Cha tại phi trường và trong buổi gặo gỡ tại Tòa Thượng Phụ Georgia, tựa vào chiếc gậy chống, ngài chào đón Đức Phanxicô như là 'người anh em thân mến của tôi’.

“Xin Chúa chúc lành cho Giáo Hội Công Giáo Rôma” Đức Ilia nói như thế khi chúc rượu Đức Giáo Hoàng tại Tòa Thượng Phụ. “Xin Chúa ban cho ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được trường thọ”.

Đức Thượng Phụ cũng đã nhấn mạnh tới các liên hệ từ xưa giữa hai Giáo Hội. Ngài nói: “Chúng ta từng sống trong tình yêu huynh đệ từ 20 thế kỷ qua. Tôi phải nói rằng chúng ta vốn có nhiều vần đề, nhưng chúng ta đã vượt qua được các vấn đề này bằng lời cầu nguyện và phúc lành của Thiên Chúa”.

Đối với thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành vào lúc 10 giờ sáng thứ Bẩy 1 tháng 10 tại sân thể thao Meskhi cho các tín hữu Công Giáo, Đức Thượng Phụ Ilia, dù không đích thân tham dự, nhưng có gửi một phái đoàn chính thức tới tham dự Thánh Lễ.

Tại sao có sự thay đổi thái độ đột ngột như vậy. Có lẽ còn quá sớm để có những nhận định chính xác. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho rằng Georgia đang muốn gia nhập khối NATO và cũng đang theo đuổi việc trở thành hội viên của Liên Hiệp Âu Châu hiện gồm 28 quốc gia. Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Georgia được coi như một cố gắng của chính phủ nhằm chiếm thêm đồng minh trong số các quốc gia Công Giáo của Âu Châu.

Ngoài ra còn vấn đề Nga đã chiếm hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia của Georgia sau một cuộc chiến tranh ngắn năm 2008. 20% lãnh thổ của Georgia vẫn còn bị chiếm và 15% dân chúng là những người tị nạn. Trong diễn văn ở đây, Đức Phanxicô ủng hộ lời yêu cầu của Georgia cổ võ sống chung hòa bình giữa các dân tộc đồng thời tôn trọng công pháp quốc tế về chủ quyền của mỗi nước. Tổng Thống Giorgi Margvelashvili từng cám ơn Tòa Thánh vì đã từ chối không thừa nhận điều ông gọi là “sự chiếm đóng” của Nga.